Về Megane (2007)



(Chả biết có nên gọi là "Spoiler Alert" không nữa)


Không biết vì mình già rồi nên hạ giá tiêu chuẩn thượng thừa khó tánh khó nết khi đánh giá phim xuống, hay là bản thân mình đang dần mở rộng ra một khoảng không gian khác của thế giới điện ảnh, dạo này mình coi phim, phim nào mình cũng thấy nét lạ, phim nào mình cũng moi ra được chỗ độc đáo, một thứ gì đó mà lần đầu tiên mình được chiêm nghiệm, được tự vấn, phải mỉm cười gật gù lý thú. Mình thấy mình “lớn” ghê, bớt làm màu vậy á, bớt nhìn mọi thứ tiêu cực, bớt bỉ bôi hơn. Mình đã coi một phim như Megane liên tục mà không rờ tới điện thoại lần nào, mình thật phi thường. Sự thật là bảo mình chạm tới cái tầng mây của mọi cốt cách, định nghĩa, ý tưởng của phim, mình không chạm tới. Mình chỉ bồng bềnh giữa sự thanh thản xem một mạch từ đầu tới cuối không một chút trăn trở, giữa việc mập mờ thấy được cái sự hay ho của phim và điềm tĩnh chấp nhận mình không hiểu thứ mình không hiểu và thích cái điều mà mình thích, tự nhiên, lặng lẽ. Ở một góc cạnh lồi lõm nào đó, có lẽ mình đã thấm được cái đạo lý mà phim muốn truyền tải, đã vô ý nghiệm được một thứ thông điệp cao siêu nào đó mà mình chẳng đủ ngôn từ để xạo sự, giãi bày.

 

Đối với hầu hết khán giả, Megane kể câu chuyện về một chuyến đi trốn người trốn đời/ du lịch của một chị gái Taeko trên một hòn đảo xa tít mù tắp nào đó, nơi chị gái “nghỉ dưỡng” và làm quen với lối sống của vài cư dân trên đảo, đồng thời gặp được một người phụ nữ lớn tuổi tên là Sakura, người đã khiến Taeko tìm thấy một thế giới an yên cho bản thân.

Nhưng đối với mình, Megane là bộ phim kể về giáo phái (a cult) do cô Sakura, một người phụ nữ bí ẩn, sáng tạo ra. Cứ mỗi độ xuân về, giáo chủ hạ phong tới đảo và ở lại đó đến cơn mưa đầu tiên của mùa hè xuất hiện. Mỗi khi cô về đảo, mọi người đều chờ đón, mong đợi như con nít đợi mẹ đi chợ về. Trẻ con, người lớn hằng sáng đều tập luyện bài dưỡng sinh kỳ quặc của cô, buổi chiều nắng nực thì được cô ban tặng một chén đá bào không trả bằng tiền nhưng đã ăn là gây nghiện, các giáo chúng gato với nhau về sự chiếu cố nhiều ít của Sakura xuống tới họ. Mùa xuân năm đó, Sakura thu phục thêm 2 tín đồ là một người phụ nữ thành thị Taeko và học sinh của cô ta.

 

Hòn đảo mà Taeko tới nghỉ dưỡng không được đề cập đến tên, chỉ có thể tới bằng máy bay, bảo hoang vu rừng rú cũng chả đúng vì cũng có trường học, siêu thị đàng hoàng, nhưng tuyệt nhiên chả phải điểm du lịch gì. Hòn đảo hoang sơ, mộc mạc, chưa có bàn tay của thị trường dịch vụ nhúng vào nên vẫn còn dáng vẻ hiền lành, giản dị của tự nhiên. Tuy vậy nó cũng chẳng rực rỡ, chẳng phải là thiên đường chưa được khai phá hay viên ngọc thô tiềm ẩn giữa biển trời gì gì. Chủ quán homestay Yuji nơi Taeko và Sakura tạm trú là người làm nghề dịch vụ dỏm nhất thiên hạ. Khách hướng nội không thích ăn cùng người lạ thì thành ra bị bỏ đói, hành lý khách thì hứa hẹn sẽ vác vào giùm cuối cùng cũng bỏ ngoài sân luôn. Cả cái homestay ế teo có một mống khách mà cũng hỏi là có đặt phòng trước không, nghĩ tới cũng muốn ạ giùm chú già. Thêm bà giáo chủ Sakura có cái tính dị hợm là mò vô phòng khách để nhòm khách đang ngủ, khi khách vừa mở mắt tỉnh giấc thì hình ảnh đầu tiên là cái mặt bả đang ngồi ngay ngắn chờ đợi để “chào buổi sáng” với mình. Đổi nhạc nền thì Megane chính là phim kinh dị. Homestay vắng vẻ nhưng luôn được cô giáo Haruna, một giáo chúng trung thành suốt ngày tới chơi, ăn cơm, tán dóc. Khi không phàn nàn về việc học trò của cô chẳng có em nào xinh trai, Haruna hoạnh họe, châm chọc, gato các kiểu với Taeko vì Taeko được Sakura chiếu cố hơn mình. Mình mà tới đó, có lẽ mình cũng cư xử y chang Taeko, cũng nhặt dép mà chạy cho nhanh. Bởi suy cho cùng thì người bình thường như mình cũng chỉ muốn hưởng một dịch vụ du lịch “bình thường” mà thôi.

Bước ngoặt cuộc đời

Và trong cái cao trào bự nhất của phim, khi đứng giữa bơ vơ, đói khát, mỏi mệt và không chốn dung thân, khoảnh khắc Taeko nhìn thấy chiếc xe đạp ba bánh của Sakura như một sự cứu rỗi kì diệu. Cô chọn bỏ lại hành lý nặng nề (cả về nghĩa đen và nghĩa bóng), trèo lên xe và nương tựa vào bà già, đó là lúc cô mới thực sự trút bỏ được những tàn dư của cuộc sống cô đang trốn chạy, để hướng tới cái thứ mơ hồ mà cô đang tìm kiếm hay phức tạp hơn, để cô thực sự có thể tập tành “twilight”.

“Twilight” rốt cuộc thực sự là làm gì? Mình không rõ nguyên gốc tiếng Nhật của từ này như trong bản sub mình xem, từ “Twilight” luôn được đặt trong ngoặc kép như một động từ và không bao giờ được giải thích rõ ràng. Mình nhớ đến một câu đùa nửa thật nửa mỉa mai rằng thứ mà mọi người (khách du lịch) tìm thấy ở Ấn Độ chính là bản thân họ. Những người khách từ các nước phát triển, một khi đã hòa mình vào cuộc sống đông đúc, sôi động với nền văn hóa cực kì khác biệt và giàu có, đa dạng ở Ấn Độ, đột nhiên những vị khách đó thay đổi thế giới quan của họ và tìm thấy một bản ngã họ đang thiếu, hoặc cái bản ngã ấy ẩn thân đã lâu nay bỗng dưng trỗi dậy. Cái phong cách đi bụi của Tây đó, phần nào đó tương tự cái “Twilight” của hòn đảo, khi mà mỗi người xa lạ như Taeko tìm tới xứ này, nơi cư dân ở đây sống và suy nghĩ hoàn toàn khác biệt với thế giới quan của cô. Họ không giàu có, thông minh hay đặc biệt vui vẻ, nhưng cái cách họ bình tĩnh, chấp nhận và thong thả bước tiếp đó, bao trùm với vẻ đẹp hoang sơ yên bình của đảo, nó có cái gì đó rất đặc biệt, rất kiên định và thu hút, nó khiến người phụ nữ lúc nào cũng trong tâm thế vội vã Taeko “dừng lại”. Có thể cô chỉ tạm dừng lại để ngắm mây ngắm biển, hoặc cô thực sự dừng lại để tìm một con đường khác cho chính mình, và cho dù chỉ trong thoáng, một phần trong Taeko thay đổi.

 

Một trong những điểm hay của Megane chính là mỗi nhân vật trong phim xuất hiện ở hiện tại, và chỉ kể câu chuyện của họ ở hiện tại mà thôi. Không có lời tâm sự giãi bày về quá khứ, về rắc rối, trăn trở hoặc sự sụp đổ của họ ở thế giới thực, không có màn hồi tưởng flashback giải trình về những thứ đã xảy ra để lý giải cho hành động và lời nói hiện tại, không có ai biết để kể về thân thế của ai ngày xửa ngày xưa. Họ là chính họ, ở hiện tại, một hiện tại ở trên đảo, và chỉ thế mà thôi. Khán giả là mình ngồi đoán định về từng nhân vật nhưng dường như chẳng biết thêm gì nhiều, bởi đạo diễn cho rằng điều đó là dư thừa và không cần thiết.

Taeko mang dáng dấp của một người phụ nữ độc thân thành đạt, mạnh mẽ và rất thành thị với kiểu tóc Karen, cái kiểu “Không cần đâu” mọi lúc mọi nơi, cái phong thái không thích ăn chung với người lạ, sẵn sàng khiêng vali đi tới nơi cần đi, dứt dạc, quyết đoán. Vì học trò của cổ gọi cổ là sensei, engsub mình xem dịch là Professor nên mình mới biết Taeko là giảng viên đại học, còn không thì cũng chả biết cô làm nghề gì. Taeko sau khi bị bức bách thì nói cho mọi người là cô tới hòn đảo xa xôi thiếu thốn này vì ở đây không có sóng điện thoại, khán giả tuyệt nhiên không thể đoán Taeko trốn chạy điều gì. Là cô gây ra một vụ scandal long trời lở đất nên phải lánh xa truyền thông? Là cô vỡ vụn dưới áp lực công việc và sự thiếu thốn động lực phấn đấu? Là cô thất tình hoặc vừa mất đi người thân? Học trò cô đã lo lắng tới mức đi tìm cô cơ mà, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Mình đã tò mò như thế về Taeko, cũng như muốn khám phá về con người trước đây của Yuji, người chủ cái homestay mà Taeko đang ở, về cô giáo Haruna, hay cả về cậu học sinh tận tụy mò ra cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi mà giảng viên mình đang du lịch để tìm về. Nhưng rồi, khi gần tới chặng đường cuối, mọi thứ đột nhiên không có nghĩa gì cả, cái quá khứ, cái hoàn cảnh, cái phát triển tâm lý nhân vật mà mình tìm kiếm ấy, mình không còn muốn tìm câu trả lời nữa. Bởi có lẽ mình cũng như đạo diễn, nghĩ rằng cái thế giới họ bỏ lại phía sau đó, họ cũng đã bỏ lại rồi, biết tới thì cũng đâu để làm gì.

 

Một góc hòn đảo

Đến kết phim, mình vẫn không thể hiểu được “Twilight” là làm gì. Học trò của Taeko có vẻ làm được điều đó rất dễ dàng. Đối với một Taeko đứng tuổi hơn, nhiều gánh nặng hơn, mọi thứ khó khăn hơn với cô. Thực đấy, để mà biết được khi nào là “đủ”, khi nào có thể rời đi và bước tiếp, nó khó khủng khiếp đi được. Và cái sự “Twilight” giống như định nghĩa về sự hạnh phúc, khi mỗi người có một khái niệm khác nhau về nó. Những nhân vật trong Megane, kể cả khi họ tu thành chánh quả cái “Twilight” đó, họ tìm thấy điều gì ở chính mình? Một phiên bản khác của họ? Một phiên bản sẵn sàng bỏ lại mọi thứ phía sau và chọn cái thế giới tách biệt, không xô bồ, không áp lực, không mục tiêu, không tiện nghi hiện đại, không thức ăn tổng hợp đó để sống phần đời của mình? Mình chẳng biết nói sao nữa, cuộc sống của họ bảo là chỉ sống vô nghĩa rồi tồn tại ngày nào cũng y chang ngày khác cũng đúng, mà bảo rằng họ an yên và hạnh phúc trong sự vô lo nhạt nhẽo của cuộc sống đời thường cũng không sai. Cái “twilight” ấy, rốt cuộc là lựa chọn một cuộc sống vô vị và lười nhác hay dám vứt bỏ những thứ tầm thường của cái vỏ sống tạm trần thế này để tận hưởng từng phút giây tồn tại? Nhưng điều chắc chắn, Taeko và cậu sinh viên năm trước không còn là Taeko và cậu sinh viên của năm tiếp theo. Giáo chủ Sakura, hòn đảo, ly đá bào,… thay đổi họ. Đột ngột? Hay từng chút? Vĩnh viễn? Hay tạm thời? Mình nghĩ mỗi nhân vật giữ cái sự chiêm nghiệm của họ về twilight cho riêng mình, kín đáo và biến thiên, khán giả tầm thường như mình, có nghĩ cũng chẳng ra, bởi mình không thể áp đặt cái twilight của mình lên cái twilight của họ. Và kể cả đạo diễn, bà cũng chả có thứ gọi là câu trả lời chính xác.

Megane nghĩa là “kính”. Mình không thích tìm hiểu về ẩn dụ phim, về việc cả 5 nhân vật trong phim đều có tật về mắt phải đeo kính hay về việc Taeko và bao nhiêu con người bị Sakura dụ dỗ gia nhập giáo phái đã thay đổi lăng kính cuộc đời mình như thế nào. Những nhân vật trong Megane đều ở mỗi độ tuổi khác nhau. Mình đoán Sakura tầm 60 tuổi, Juji ông chủ cái homestay tầm 50, Taeko tầm 40, cô giáo Haruna tầm gần 30 và cậu sinh viên thì trong độ tuổi 20. Không có thứ tình cảm lãng mạn trong Megane, phim cũng không hề hứa hẹn đến một mối tình chớm nở của ai với ai hay ai đang thương thầm ai, bởi lẽ thứ tình cảm đó không tồn tại. Mình chẳng hiểu thứ tình cảm họ dành cho nhau, tình bạn nghe cũng không thực sự đúng, tình thân lại càng không, nhưng có lẽ tình cảm của giáo chúng dành cho giáo chủ Sakura đều tương tự nhau cả. Mình tự hỏi đến một ngày khi bà lão về chầu tiên tổ, liệu các giáo chúng có tìm thấy cái “twilight” của chính họ và định vị bản thân để đi tiếp trong cuộc đời, liệu họ có đủ dũng khí để sống như vậy với những mùa xuân không có đá bào của Sakura, liệu họ có thực sự tĩnh trong tâm, có thực sự mong muốn cái sự sống chậm họ đang sống?

Nhưng mình lo xa làm gì? Mùa xuân năm sau, khán giả được chứng kiến Sakura về lại hòn đảo, giáo chúng nay kết nạp thêm Taeko và cậu sinh viên. Khác với cậu sinh viên là đi cùng chuyến bay tới hòn đảo giống như Sakura, bộ phim không làm rõ Taeko là định cư luôn tại đảo hay chỉ tới đây “mùa vụ” để gặp Sakura như học trò của cô. Mình phải nhắc nhở bản thân rằng những nhân vật trong Megane sống với phiên bản của họ ở hiện tại. Nếu quá khứ đã không quan trọng, có lẽ tương lai cũng không thực sự là thứ gì để sợ sệt hay toan tính. Việc Taeko làm giáo chúng toàn thời gian hay bán thời gian, việc cuộc sống của họ ra sao trong thời gian còn lại không có Sakura, việc những con người ở đảo có tiếp tục đợi chờ cho đến một mùa xuân mà Sakura không về, những điều đó có thực sự quan trọng và cần thiết để biết?

 

"Ngồi không" - một đặc trưng của Megane

Đối với vốn kinh nghiệm xem phim của mình, mình từng xem rất nhiều cảnh quay dài và chậm. Kurosawa có những cảnh quay dài đi theo hành động của nhân vật trong La Sinh Môn (1950)Dersu Uzala (1975), nhưng những động tác của nhân vật rất sinh động và thu hút. Những cảnh quay đi bộ trong Maborosi (1995) cũng kéo dài và lặp lại nhưng sự đối chiếu giữa những cảnh quay lặp lại đó phản ánh tâm trạng và hoàn cảnh nhân vật. Trong Megane, nhiều cảnh quay thực sự rất dài, rất chậm, rất “ít” nội dung, chỉ thiếu một bước nữa là vượt qua ngoài dụng ý nghệ thuật và vươn tới tầm vóc của sự làm bộ làm tịch và làm biếng. Trong cảnh quay năm người ngồi ăn đá bào trong yên lặng, mỗi người chạy theo suy nghĩ của bản thân, suy nghĩ gì, tâm trạng thế nào không ai nói, khán giả ngồi dưới chơi hết ván xì lát cũng chưa hết cảnh. Cảnh quay đó thực sự rất chậm, chậm đến ngỡ ngàng. Họ chỉ ngồi đó, ngắm biển, ăn đá bào. Mọi thứ không dừng lại, biển vẫn sóng, đá bào vẫn dần hết, gió vẫn bay. Một lần nữa, mình không hẳn hiểu được cái thông điệp của đạo diễn, nhưng ngay từ đầu, nhịp độ trong Megane đã rất từ tốn, ở một vài điểm còn dễ gây mê và ức chế cho người xem. Mình không rõ đối với khán giả khác thì như thế nào, đối với mình, Megane canh tương đối chuẩn. Mình không hẳn đắm chìm trong tâm tưởng và miên man theo nhân vật, cũng như không thấy được sự tinh tế trong ngôn ngữ hình thể của họ trong bối cảnh cát gió cô liêu, nhưng mình bị thu hút bởi nét gì đó rất riêng biệt trong cái cảnh quay giản đơn như không có cái gì cả, một điều mà chỉ xem Megane mình mới cảm thấy. Chậm thêm một chút, phim không chỉ loãng và nhạt nhẽo, nó còn sặc mùi dạy đời bố láo của những phim hàn lâm mình hay ghét bỏ. Nhanh hơn một chút, phim chỉ đơn thuần là một phim chậm như bao phim nhàm chán khác, không có nét táo bạo riêng. Sự dám khác biệt, dám chối bỏ thị hiếu đại chúng của phim có thể không thực sự là điều gì mới mẻ trong điện ảnh, nhưng mình thích cái cách nó khác biệt bằng cái sự dông dài và phức tạp, ồn ã ngầm bên dưới cái sự thảnh thơi, giản dị bề ngoài. Một sự “tĩnh tại” rất Á Đông.

 

Lúc viết cái bài này, mình tự hỏi mình tuổi 20 khi xem Megane sẽ nghĩ gì? Liệu có khác mình tuổi 30 xem phim không? Liệu có khác tuổi 40 không? Có rất nhiều siêu phẩm vẫn dở ẹc dần đều theo thời gian và ký ức, cũng có những kiệt tác với những giá trị nghệ thuật và nhân sinh vẫn không thay đổi theo thời gian và được khán giả mọi lứa tuổi yêu thích. Megane, không giống như những loại trên. Phim không phải siêu phẩm, cũng không hề dở nhưng phim cũng chẳng phải kinh điển hay sâu sắc hết hồn gì, nhưng ở Megane có cái sự biến đổi linh hoạt theo trải nghiệm cá nhân. Phim là cái thể loại chảnh chó không dành cho đại chúng, không phải ai cũng có thể thích, thậm chí thích nhưng chưa thể hiểu, hoặc hiểu nhưng không thích, nhưng ở mỗi chặng của cuộc đời, có lẽ mỗi người sẽ có một cái nhìn khác về phim. Sự kỳ quặc và vớ vẩn của phim cũng giống như bài thể dục buổi sáng của Sakura, không thể cưỡng cầu và có sức hút kỳ lạ. Nó khiến mình hoài nghi về mọi kiến thức thể dục thể thao mình biết, khiến mình cười cợt về những động tác hài hước nửa xạo nửa giễu nhại chẳng thực hư tác dụng kia. Nhưng khi nhìn những gương mặt nghiêm túc tu tập, nhìn gió biển đất trời đẹp nức nở, nhìn tất cả già trẻ trên đảo rũ sạch mọi giá trị thước đo định kiến của xã hội về một bài tập thể dục “chuẩn mực” và cứ thế mà làm điều họ muốn làm, mình chợt cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn nó vốn có, bởi chính bản thân mình đã “nhẹ nhàng” đi hơn nhiều.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo