Về Adrift in Tokyo (2007)
Vì nhiều lý do hiển nhiên mà hầu hết các diễn viên khi muốn thành danh, trước hết họ phải có ngoại hình thu hút. Tài năng, chất lượng diễn xuất đâu chưa thấy, muốn được chú ý thì phải đẹp trước cái đã. Không chỉ giúp bỏ qua nhiều khuyết điểm, hạn chế về năng lực của diễn viên, đôi khi cái đẹp còn đem lại nhiều lợi ích bất ngờ, vượt dự đoán khác. Chả thế mà có một thuật ngữ gọi là Hiệu ứng Odagiri khi một bộ phim không hướng tới phân khúc khán giả nữ nhưng vẫn hút hàng các chị em ầm ầm do có nam diễn viên hoặc nhân vật nam điển trai. Hiệu ứng được lấy từ tên diễn viên Nhật Bản Joe Odagiri, nghe bảo sự hấp dẫn của ảnh là lý do mà nhiều phụ nữ trên 30 đổ dồn xem Kamen Rider Kuuga, một chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi.
Nói vậy có lẽ Joe Odagiri đẹp trai hoành tráng ghê lắm, vậy mà
mình coi Adrift in Tokyo không thấy một
dấu vết nào của một tài tử đẹp trai nức tiếng xa gần. Trong phim, Joe Odagiri
đóng vai một thanh niên vô dụng không người thân, không bạn bè với tài sản lớn
nhất là khoản nợ 800.000 yen không có khả năng chi trả. Sự bần cùng của nam
thanh niên Fumiya (tên nhân vật mà Joe Odagiri đóng) phần lớn đến từ chính anh
ta. Tuy rằng cậu trai mồ côi rồi bị cha mẹ nuôi bỏ rơi nghe ra cũng tội ghê lắm,
nhưng việc là sinh viên đại học đến năm thứ 8 mà chưa được ra trường, đã không
ai nuôi còn chẳng chịu đi làm, chỉ ru rú ở nhà chơi game và bài bạc đến nỗi bị
xã hội đen tới xiết nợ, Fumiya thực sự là một kẻ chẳng được tích sự gì, không
có mục tiêu và tương lai, là một đứa vứt đi. Và tạo hình của Joe Odagiri giống
y chang một nhân vật vô dụng như phải thế, gầy gò, cớm nắng, tóc tai dơ dài
sành điệu nửa mùa, điệu bộ nhát gan và cái mặt thì ngáo chết đi được. Việc gã
xã hội đen Fukuhara chọn hắn làm bạn đồng hành trên quãng đường tự do cuối cùng
của mình, đến tám phần là do tiện lợi chứ chả phải do Fumiya tháo vát, tích cực
hay vui tính dễ chịu gì sất.
Ở chiều bên kia của cốt truyện, sau khi lỡ tay sát hại người vợ gã hết lòng yêu thương, gã yakuza Fukuhara quyết định làm một chuyến hành trình tản bộ vòng quanh Tokyo, với điểm đến cuối cùng là đồn cảnh sát, nơi gã sẽ tự thú mặc dù không trong mong gì vào sự khoan hồng của pháp luật. Đi một mình thì chán chết, Fukuhara “thuê” tên nợ nần Fumiya làm bạn đường của mình với giá 1 triệu yen tiền tươi, một lời đề nghị hắn không thể từ chối.
Cặp đôi tuyệt vọng |
Về bản chất, Adrift in Tokyo
là một bộ phim “road trip” điển hình với
nhân vật chính là cặp đôi khác biệt nhau đủ thứ, cùng tham gia một cuộc hành
trình đủ thể loại bất ngờ, gặp gỡ một số thành phần lập dị khác, cuối cùng truyền
tải thông điệp tình cảm ấm áp. Nếu có điểm gì khác biệt, đó có lẽ là hai nam
chính di chuyển bằng chân. Một bộ phim hài xen lẫn với những nét trầm buồn của
con người giữa cảnh sắc đẹp nức nở có lẽ là đặc điểm chung của phim Nhật, và Adrift in Tokyo cũng chẳng phải là ngoại
lệ. Trước chuyến đi, hai nhân vật sống trong một bể trời tâm trạng, thậm chí là
đường cùng. Thanh niên Fumiya không tiền không tình, không tài năng, không ước
mơ, không động lực và một khoản nợ chỉ đợi xã hội đen tới hốt xác. Gã Fukuhara
có sự nghiệp sáng sủa hơn hẳn khi cũng an yên làm lưu manh tới tận tuổi trung
niên, có nhà, có tiền tiết kiệm. Nhưng người vợ gã yêu thương nay đã chẳng thèm
yêu thương gã nữa, thậm chí còn công khai ngoại tình với trai trẻ để đến nỗi vợ
chồng tranh cãi xô xát rồi thiệt mạng chẳng đáng. Gã xã hội đen đột ngột cảm thấy
cuộc sống mình cố gắng vun vén từ trước đến nay trở nên thật vô nghĩa, y hệt cuộc
sống bế tắc của thanh niên Fumiya.
Và chuyến đi bắt đầu để cho cả hai nhân vật vô tình hay cố ý tìm thứ họ muốn, như bao phim road trip khác. Fukuhara muốn đi thăm tất cả những địa điểm quen thuộc có ý nghĩa với vợ chồng gã, mình chẳng rõ nguyên nhân nữa. Để chuộc lỗi? Để gợi nhớ lại một quá khứ hạnh phúc đã qua? Để tưởng niệm người vợ gã vẫn còn rất yêu thương dù ngoại tình, ruồng bỏ gã? Dù lý do có là gì, gã bước vào cuộc hành trình không phải là một trái tim tan nát. Hối hận? Có chứ. Suy sụp? Chắc chắn không. Suốt cuộc hành trình, Fukuhara không đổ lỗi, không bao biện, kể cả oán trách hay lo âu, cảm tưởng gã đã dứt bỏ bản thân khỏi mọi sự phiền não, bi lụy gã đáng lý phải có, chỉ để tận hưởng chuyến tản bộ tự do giữa Tokyo cuối cùng. Đối với thanh niên bất tài vô tướng Fumiya, từ đường cùng nay tự dưng có một lối thoát, dẫu còn nghi ngờ và e dè, cậu trai bắt đầu chuyến đi với chút hy vọng lấp lánh, có tiền trả nợ, thêm chút lãi để tiêu. Đối với một câu chuyện về một kẻ vừa đánh mất thứ ý nghĩa duy nhất trong cuộc đời mình và một thanh niên đáy cùng xã hội, cái tâm thế an nhiên và đầy tự tin của Fukuhara cùng sự nông cạn đến bình thản của Fumiya khiến câu chuyện cứ thong thả trôi tiếp giữa bầu trời vàng rực của năng lượng an yên và vô lo. Ít nhất là mình cảm thấy thế.
Hai nhân vật chính trong Adrift
in Tokyo cũng tương tự bao nhiêu nhân vật trong các phim road trip khác, đầy
rẫy khiếm khuyết trong tính cách và cả đạo đức nữa. Sự “vô đạo” của hai nhân vật
không chỉ đến từ việc một kẻ là xã hội đen còn vừa mới giết người xong, một kẻ
cờ bạc vô trách nhiệm với cuộc đời mình, nó còn được phản ánh rải rác với thái
độ mất dạy xuyên suốt trong chuyến đi. Trong phân cảnh hai tên đàn ông sức dài
vai rộng vừa ăn chè vừa nhìn bà chủ quán bị thằng con cướp tiền và bạo hành,
khán giả được chiêm ngưỡng vẻ mặt vừa ngại ngùng, vừa do dự, vừa hóng chuyện, vừa
cảm thấy phiền phức của hai gã trai. Bọn họ cảm thấy việc đang xảy ra là không
đúng, và họ hoàn toàn có thể can thiệp và giúp đỡ bà chủ quán, nhưng họ chọn
đây là việc riêng của gia đình người ta và không làm gì cả, đó như là một sự nhắc
nhở khán giả rằng hai gã trong phim chẳng phải là người tốt bị hoàn cảnh đưa đẩy
như khuôn mẫu của hàng trăm, hàng ngàn phim khác. Hai nhân vật chính trong Adrift in Tokyo có sự xấu xí của họ và
cái chuyến tản bộ đầu thú này chẳng làm họ tốt lên bao nhiêu. Những tình huống
gây cười trong phim ít nhiều đến từ sự bố đời và mất nết của hai nam chính, va
chạm với những người họ gặp cũng tào lao và ghê gớm không kém gì họ, cộng hưởng
với kiểu làm lố có chừng mực trong một bộ phim hài nhẹ nhàng, khiến Adrift in Tokyo rất chắc tay và dễ chịu
khi theo dõi.
Gia đình chắp vá của Fumiya |
Sau khi gây sự và trẹo chân, Fukuhara phải lánh nạn tới nhà người vợ hờ của hắn. Fukuhara yêu vợ nên không bao giờ ngoại tình, người phụ nữ kia chỉ là đồng nghiệp, chuyên đóng vai vợ của hắn khi cả hai được thuê để giả dạng một cặp vợ chồng thôi. Việc gặp gỡ người phụ nữ đãng trí nhưng tốt bụng cùng cô cháu gái lập dị của bả khiến chuyến tản bộ của Fukuhara và Fumiya có một trạm dừng để họ có thể sắp xếp cảm xúc và những sự lựa chọn của bản thân trước khi bước vào đoạn cuối của cuộc hành trình. Và nó đặc biệt có ý nghĩa với nhân vật Fumiya. Fumiya luôn trưng cái vẻ mặt ngơ ngáo khi Fukuhara thoải mái kể lể về tình cảm và hoàn cảnh gia đình của gã, về người vợ đa cảm nay đã chết, về những nơi họ từng hẹn thề sẽ mãi bên nhau nhưng chẳng thèm giữ lời, về những hạnh phúc đã là dĩ vãng,…., có lẽ bởi Fumiya không thể đồng cảm với Fukuhara khi hắn chưa từng yêu ai và có lẽ trong đời, chưa từng được hưởng thứ tình thân thực thụ. Cái chuyến đi công viên chơi tàu lượn, cái thời điểm khi Fumiya tự lừa dối bản thân rằng hắn đang chơi với bố trong khi mẹ và em gái đang vẫy tay chào hắn ở dưới, mình buồn đến quạnh lòng. Bởi cái khoảnh khắc bình thường, cơ bản đó, mãi đến khi trưởng thành Fumiya cũng chưa bao giờ có, và kể cả có, đó cũng chỉ là ảo ảnh hắn quá khát khao nên tưởng tượng ra, và tự mình hạnh phúc với chính cái ảo ảnh đó. Không đứa trẻ nào đáng phải chịu cái cảm giác bơ vơ, quạnh quẽ đó trong cuộc đời cả nhưng Fumiya lớn lên giữa sự cô độc và thiếu thốn đó. Và có lẽ chính vì chưa bao giờ được hưởng tình yêu gia đình, được bảo bọc, được hy vọng đã khiến Fumiya ghét bỏ chính bản thân mình và vô thức tự dìm mình trong nợ nần và tuyệt vọng. Giống như hắn vô thức tự kết liễu bản thân bằng việc vay nợ xã hội đen thật nhiều và chỉ chờ một gã lưu manh nào đó tới chấm dứt các cuộc đời vô năng vô nghĩa của hắn lại vậy.
Đây thực sự là gương mặt của một tài tử mà nhan sắc được đặt tên cho một hiệu ứng hay sao? |
Adrift in
Tokyo có thể coi là một bộ phim hài, và
mình thực sự cũng đã cười. Nhưng như bao phim Nhật mình từng thích, ở dưới nụ
cười hay một khoảnh khắc ấm lòng nào đó vẫn luôn là một gợn nhắc của một thực tại
chua chát và khổ đau. Mình đã cười gượng gạo trước biểu cảm sượng trân của hai
nam chính tại quán chè và hành động hèn nhát của họ, nhưng mình không thể không
buồn phiền cho người phụ nữ chủ quán có thằng con bất hiếu. Mình cười nhiều hơn
trong đoạn gã trai quê độ Fumiya tưởng nhầm rằng chính hắn mới là tình địch của
Fukuhara, nhưng dư vị để lại là chút khó chịu biết rằng có ít nhất hai người phụ
nữ trung tuổi giàu có nhưng không hạnh phúc nên tìm trai trẻ để giải tỏa sự cô
đơn của họ. Thậm chí cái quá trình ba người đồng nghiệp của vợ Fukuhara bắt đầu
chú ý đến sự vắng mặt của bà này và muốn tìm đến nhà để hỏi thăm, nó có thể là
một chi tiết tạo sự gay cấn cho câu chuyện và thêm một tuyến nhân vật gây cười.
Thế nhưng dưới nụ cười đó là đến cuối phim, cả ba bọn họ đều không đến được nhà
Fukuhara, không thể phát hiện đồng nghiệp họ đã chết, bởi họ bị cuốn vào những
trò vui khác, những mối quan tâm khác, giống y như chúng ta vẫn thờ ơ với những
người xung quanh bởi những mong muốn nhỏ mọn, tầm thường. Và cả trong giai đoạn
hạnh phúc nhất của phim, khi Fumiya tìm thấy được gia đình thế thân của hắn,
mình cũng ngậm ngùi rằng cái mái ấm giả tạo đó của hắn chẳng chóng thì chầy, sẽ
kết thúc. Và dẫu cho hai nhân vật luôn đi dạo với sự bình tĩnh và thảnh thơi gần
như suốt cuộc hành trình, giữa bầu trời vàng rực của năng lượng an yên và vô lo
mà mình tưởng tượng ra đó, luôn có một đám mây đen lơ lửng của một cái kết đen
ngòm đi kèm. Gã hội đen Fukuhara mà mình đang dần có thiện cảm kia thực sự đã lấy
mạng một người và sẽ đi tù, bởi gã cần trả giá cho điều đã làm. Mối liên hệ
tình thân không tên được phim bồi đắp suốt hơn một tiếng thời lượng vừa qua giữa
Fukuhara và Fumiya sẽ sắp sửa chấm dứt ngay khi Fumiya vừa mới có được hưởng
chút xíu phước lành của việc có một gia đình để nương tựa. Không có thứ gọi là
một cái cú twist khi bà vợ chỉ bất tỉnh chứ không chết, hoặc bà ta chết vì lý
do tự nhiên nhưng do quá đau khổ nên Fukuhara tự nhận là mình giết. Không có thứ
gọi là kết có hậu thông thường cho khán giả, chỉ là một cái kết hợp lý cho nhân
vật.
Thế nên mình hài lòng với cái kết mở (cũng coi như đóng) của phim.
Fukuhara đã đi hết những nơi gã muốn đi, đã sẵn sàng đối diện với cảm xúc của bản
thân và bước vào một chương khác quắc của cuộc đời gã, chương tù tội và không
còn vợ bên cạnh. Fumiya thì thay đổi cuộc đời, không chỉ bởi tiền bạc giúp hắn
trả nợ và sống tiếp, đó là việc lần đầu tiên được bảo bọc trong không khí gia
đình, trong hơi ấm của tình thân, dẫu hắn có huyễn hoặc và ngộ nhận nó, nó vẫn
tạo cho Fumiya một sự kết nối với cuộc sống. Biết đâu đấy, có lẽ hắn sẽ khác với
hắn trước đây.
Có lẽ mình cứ thích làm màu cho cái sự tốt đẹp của nhân vật. Có thể hai người bắt đầu chuyến đi chính là hai kẻ kết thúc chuyến đi. Có thể toàn bộ bộ phim chỉ là một câu chuyện vô nghĩa không có thứ gọi là phát triển tâm lý nhân vật, và dù nó không xảy ra thì cũng không gây ra bất cứ một sự thay đổi, một sự tác động nào đến bất cứ ai, bất cứ đâu. Có thể Fukuhara chỉ đơn giản là trì hoãn cái thời điểm hắn đối mặt với hậu quả của hành động phạm pháp hắn gây ra và Fumiya vẫn mãi là một tên cờ bạc ăn hại và sẽ tiếp tục chôn vùi cuộc đời mình trong sự vô dụng và vô vọng. Sự lửng lơ đó, bộ phim để lại cho khán giả tự mong muốn và tự trả lời theo nguyện ước của chính họ. Cái mà mình có thể chắc chắn khi xem đoạn kết Adrift in Tokyo là khi nỗi buồn mênh mang trải rộng theo cái bóng lưng của Fukuhara khi tiến tới đồn công an, sự luyến tiếc và hụt hẫng trên gương mặt Fumiya vì hắn vừa đánh mất một thứ gì đó hắn vô cùng trân quý. Mọi thứ vừa là một sự kết thúc, vừa là một sự khởi đầu.
Mình thực sự nên bớt viết về mấy phim thuộc thể loại road trip lại.
Có thích cũng phải bớt viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét