Khi niềm tin thể hiện trong sự thất vọng

Đây là bài mình viết dự thi Ấn tượng thể thao. Mình rớt toẹt. Nói cho công bằng thì mình cũng biết bài viết này không hoàn hảo, ý tưởng cũng không thực sự rõ ràng và tập trung, lời lẽ đậm chất xúc phạm, tính ra thì còn khuya người ta mới dám đăng.

Mấy ngày liên tiếp gần đây, tin xấu cứ dồn dập đổ lên đầu nền bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là trận thua ê chề của đội tuyển ngay trên sân Mỹ Đình tối 13/10 vừa rồi. Nói cho công bằng thì từ xưa đến giờ bệnh sợ Thái Lan đã ăn sâu vào tư tưởng của đa số cầu thủ, huấn luyện viên và cả các quan chức VFF nên chuyện thua thêm một trận nữa cũng chẳng có gì quá bất ngờ và đáng xấu hổ. Chỉ là sau trận thua, cầu thủ thì chỉ biết buồn bã và đi bar, huấn luyện viên thì chỉ biết đổ thừa các cầu thủ chẳng đá đẹp như trong trí tưởng tượng của ông, VFF thì đổ thừa huấn luyện viên chẳng dám nhận trách nhiệm, chẳng ai đoái hoài hàng triệu cổ động viên Việt Nam thì vừa có thêm một kỷ niệm buồn hắt hiu. Hai vị có số má trong nền bóng đá nước nhà là ông bầu Đoàn Nguyên Đức và cựu giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải góp giọng đòi sa thải ông Miura khiến tình hình càng thêm nóng khét. Mấy vị lãnh đạo cấp cao vì mối thân tình với nước Nhật nên kiên gan giữ vị huấn luyện viên này đến cùng. Giữa tâm bão, tiền đạo Mạc Hồng Quân liền hy sinh thân còm, liều mình bung ra scandal bỏ rơi bạn gái khi cô này đang có thai ba tháng, giới trẻ ngay lập tức quay sang chửi anh này thiếu đạo đức, còn vụ anh thích bắn chim sát cầu môn đối phương thì không mấy ai đả động tới nữa. Rồi futsal Việt lại thua Thái, nỗi đau được xát thêm muối Tây Ninh. Hai em tuyển thủ U23 bị phạt chút tiền vì cư xử xấu xí với đội bạn,…
Giữa bao nhiêu điều tiêu cực đen sì ấy, sự chỉ trích của cổ động viên nổi lên như một ánh sáng ấm ấp buổi sáng, như cầu vồng sau bão, như tô cơm nóng sau chiều mưa kẹt xe.
Người Việt Nam yêu bóng đá, theo cá nhân tôi thì còn hơn cả dân cư xứ Samba hay đảo quốc sư tử. Nghĩ mà xem, đội tuyển Brasil năm lần vô địch thế giới, nước Anh có giải Ngoại Hạng hấp dẫn nhất nhì châu lục, chả có lý do gì để họ không yêu quý và tự hào về nền bóng đá nước nhà. Còn Việt Nam ta, cái thời vàng son nó đã qua lâu thật là lâu rồi, lần gần đây nhất là đội tuyển vô địch một cái gì đó là tận năm 2008, mà hình như có mỗi một lần đấy, rồi thì Võ – lích thích đá chân hơn đá bóng, người ta bán cả đam mê và danh dự chỉ với mấy triệu bạc rẻ rề… vậy mà chẳng hiểu lý do thần thánh nào và lòng kiên trì ở đâu ra, cổ động viên bóng đá Việt Nam vẫn rất đông đảo và cuồng nhiệt, tình yêu cho đội tuyển thi thoảng cũng sứt mẻ chứ chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.
Cái làn sóng chỉ trích, chê bai, tức giận cái trận thua Thái vừa rồi chỉ là một cách nói thân thương của cổ động viên: Chúng tôi vẫn còn QUAN TÂM.
Nhiều người bảo đội tuyển chúng ta đã đá hết mình, thua cuộc là điều không ai mong muốn, thay vì vùi dập tinh thần của các cầu thủ bằng những lời chỉ trích, một cổ động viên chân chính phải luôn ở bên cạnh, động viên, blah blah blah cho dù thắng hay thua.
Nhưng nếu không yêu mến thì sẽ không có sự tức giận, không kỳ vọng, tin tưởng thì sẽ không có sự thất vọng, dỗi hờn. Thậm chí cả những góp ý cho huấn luyện viên Miura về việc đừng cho Vinh đá, cho Phượng vào, tại sao Quân lại được ra sân,… xuất phát từ những chuyên gia nghiệp dư chỉ quen nhìn mặt sân cỏ qua màn hình tivi ở một góc độ nào đó là một sự xây dựng cho đội tuyển. Cổ động viên đặt trí tuệ, trái tim, hy vọng, niềm vui, nỗi buồn trong từng vị trí của cái sơ đồ ấy, và cho dù chúng tôi chẳng tiếp xúc với các cầu thủ bằng xương bằng thịt thật, cũng chẳng rành những toan tính, chiến lược xa xôi, dài hạn ở tận đẩu tận đâu thì cũng chắc chắn rằng sơ đồ mà chúng tôi chọn cũng chẳng thua Thái Lan nhiều đến thế.
Trận thua Thái Lan vừa rồi có lẽ sẽ đỡ đau đớn hơn nhiều nếu như đội nhà không xuất thần cầm hòa được Iraq cách đó ít ngày. Hôm đó cổ động viên đã rất vui, quán nhậu đông quá chừng, cho dù ta đánh rơi chiến thắng bằng một cách không thể lãng xẹt hơn. Những lời tung hô bay ra bay vào, phía bên kia Kiatisak tỏ ý dè chừng, tinh thần cầu thủ lên cao phơi phới. Cổ động viên tự dưng lại thấy hy vọng lung tung, Iraq mạnh thế mà mình còn đá được ngon lành, người Thái có là gì?
Đội tuyển Việt Nam cứ có một thói quen là cho người hâm mộ hy vọng rồi giúp họ đánh mất nó. Như năm ngoái, đá cho tưng bừng vòng bảng rồi thua tức tưởi trong trận bán kết. Hay như lời hẹn thắng Thái Lan của ông Miura đến giờ vẫn là lời hứa lèo. Thậm chí có người còn cả gan nói ai bảo cổ động viên hy vọng cho lắm rồi bây giờ đổ lỗi cho cầu thủ? Cái này cũng tương tự như vụ án chặt tay cướp của ồn ào ở Sài Gòn mấy năm trước, “ai bảo đeo vàng chi cho nó chặt”. Bây giờ thì người ta trách cả người hâm mộ vì họ “dám” đặt niềm tin vào đội tuyển cơ đấy.
Sự tức giận của cổ động viên sau trận thua nhanh chóng được chuyển tải thành lời nói gay gắt và cả cay đắng mỉa mai trên những trang mạng xã hội, trên những trang tin thể thao, trong bữa cơm gia đình, dưới đáy những ly bia,… May cho đội tuyển, cổ động viên đã chửi. Cứ nghĩ đến một ngày mà báo chí đưa tin đội tuyển may mắn cầm hòa nước bạn Lào mà không có lấy một ai vào mà “động viên” các anh xem. Khi mà không một ai chỉ trích, chê bai hay đòi đuổi ông huấn luyện nọ về nước tức là chẳng còn ai quan tâm nữa, nền bóng đá đã chết. Thậm chí cả những ý kiến kiểu như “tôi đã không còn xem bóng đá Việt Nam từ lâu….” chỉ là nói xạo, chẳng ai không xem lại bỏ công vào nói bá láp mấy câu rồi đi ra hết. Có thể anh không xem trận đấu nhưng anh vẫn biết kết quả, như vậy đâu đó trong tim anh vẫn quan tâm, vẫn dõi theo đội tuyển. Cho dù mạnh miệng chê bai hay tỏ vẻ thờ ơ, vẫn chẳng ai bỏ đội tuyển lại một mình, chỉ là chúng tôi vẫn đang chờ hoài, chờ hoài một tín hiệu sáng sủa hơn, một hy vọng bé xíu, một câu trả lời thật thỏa đáng từ phía VFF rằng tại sao bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ?
Không phải cổ động viên chửi to mồm nhất là cổ động viên yêu bóng đá Việt Nam nhất, nhưng nếu bạn đã dành 90 phút của cuộc đời ngắn ngủi của mình để xem một đội tuyển rệu rã, thiếu đường nét đá đến tận những giây bù giờ cuối cùng thì ít nhất bạn xứng đáng được quyền thất vọng về đội tuyển. Thỉnh thoảng các cầu thủ cũng nên nhìn thấy sự yêu thương từ những nhận xét độc địa trên mạng, trong những dự đoán thua trận luôn là ước muốn chiến thắng thầm kín mà vì sợ xui xẻo nên không dám nói thật to ra thành lời, và cả những lời chê bai, la ó hay những khoảng lặng chết người sau mỗi bàn thua, đó chỉ đơn giản là sự xót xa khi mà niềm tin bỏ ra thì nhiều mà sự đáp lại thì chẳng có bao nhiêu. Đôi khi không phải cứ ở lại sân và khóc lóc mới là tình yêu bóng đá.
Các cầu thủ đừng lo, ông Miura đừng sợ, các vị VFF chai mặt thân mến, người hâm mộ chúng tôi hay lắm, niềm tin sẽ lấy lại nhanh thôi. Chỉ là các vị nên có lòng tin từ chính mình.






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo