Về lần đầu đi xem kịch

Cuối cùng mình cũng được đi xem kịch. Nói thật là ý tưởng đi xem kịch chưa bao giờ nảy ra trong đầu mình như một thôi thúc phải đi, phải biết, phải trải nghiệm. Hài kịch thì quá lố lăng còn mình thì không thích phải bỏ tiền ra xem một thứ sẽ khiến mình khóc ở nơi công cộng. Thời gian thì cứ trôi vù vù, café có vẻ thú vị hơn, mình thì lại là một dạng trẻ ranh nông cạn thích đi đây đi đó làm màu với người khác.
Khi bắt đầu chọn nơi, chọn vở kịch để xem, mình mới nhận ra cái câu mấy nghệ sỹ hay than thở trên báo “sân khấu kịch đang chết dần” thực ra không phải là nói quá. Mình nhìn những poster hài kịch đậm chất thương mại, những vở kịch ma mình nhìn thôi đã thấy nhàm chán, quanh đi quẩn lại chỉ có hai ba tấm là coi như có tí nghệ thuật. Mình đoán thị hiếu của mình đang đòi hỏi quá nhiều. Và điều tệ hơn, chỉ có đúng một website của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh được coi là một website hoàn chỉnh với đầy đủ thông tin cần thiết về lịch diễn, nghệ sỹ, cốt truyện. Mấy web khác, hầu như chỉ công bố những thông tin cách đây nửa năm hoặc đang sửa chữa gì đó. Và mình nhận ra, nếu người ta thực sự đoái hoài về kịch nghệ, mọi thứ đã chẳng phủ bụi và ảm đạm đến thế. Mấy tấm poster hài kịch mà diễn viên cười thật lớn, làm mặt xấu, điệu bộ càng tươi tắn, chúng thật sự làm mình thấy thêm lạnh lẽo và chan chát.
Nói một cách thẳng thắn, mình chọn Hoàng Thái Thanh bởi vì họ có một cái website duy nhất không khiến mình bực dọc khi bước vào, người ta chọn Tuấn Ngọc cho chính cái không gian nghệ thuật ảo diệu của họ trên Internet cơ mà, và vì mình đọc được bài phỏng vấn mà nghệ sỹ Hồng Vân bảo Hoàng Thái Thanh làm ăn đàng hoàng lắm. Vậy thôi. Trong tối Tết tây thì chỉ diễn vở “Bao giờ sông cạn”. Ở đây không cần gu thẩm mỹ hay sự xét đoán nào hết. Mình đoán mình không thực sự “chọn” cái gì cả.
“Bao giờ sông cạn” là vở kịch được cảm tác từ truyện ngắn “Sông dài” của Nguyễn Ngọc Tư. Mình không tìm đọc lại tác phẩm này vì mình muốn giữ một cái nhìn độc lập hơn cho vở kịch. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mình đọc cách đây cũng 5 năm rồi, lãng quên gần hết. Nhưng khi xem kịch, nó gợi nhớ cho mình đúng về tác phẩm ấy, mặc dù nội dung gần như là khác. Và nếu biên kịch thích đóng vai phản diện, họ có thể dễ dàng nói đây là sáng tạo của riêng mình. Trong thời đại bây giờ, chắc chẳng ai để ý hay phán xét này nọ, thậm chí copy rành rành còn chối được là học tập. Thế nên mình thích sự tự trọng của biên kịch trong hai chữ “cảm tác” và ấn tượng ban đầu mình dành cho sân khấu Hoàng Thái Thanh chính là sự trân trọng thái độ của họ.
Mình không nói về nội dung của vở kịch, nhiều người bình luận hay hơn mình nhiều. Mình không khóc lúc xem kịch, vài đoạn chỉ rơm rớm, mình đoán mình quá khô lạnh, hoặc mình quá tập trung vào những điểm không hài lòng  của bản thân và không chấp nhận hòa mình vào vở kịch ấy.
“Bao giờ sông cạn” có cái không gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, từ con người đến cái sự éo le mà họ tự chọn lấy cho mình. Hầu hết truyện của Nguyễn Ngọc Tư đều buồn, nỗi buồn được xát muối thêm bởi giọng văn dửng dưng, tưởng không đau mà hóa ra lại rất sầu khổ. Theo quan điểm cá nhân, mình nghĩ sự bế tắc trong số phận của các nhân vật không bao giờ đến từ cái sự nghèo, sự mênh mông của sông nước, nó đến sự cố chấp trong tình cảm, trong sự tổn thương của họ, cứ như mỗi nhân vật tự chuốc lấy sự đau khổ cho mình, ôm khư khư nỗi đau ấy xuống mồ, sự nhức nhối thì để lại cho người đọc. Vở kịch có sự nhức nhối ấy. Toàn bộ vở kịch là một sự bế tắc trong số phận mỗi người bởi vì ai cũng có cái lý của họ, không ai là dì ghẻ, không ai là Tấm, họ chỉ là một người bình thường làm những thứ họ có thể. Cách họ nói, họ khóc, cách họ chọn hành động, không ai đúng ai sai hết, họ đều có tình cảm và họ trói buộc bản thân và bắt buộc mình phải làm những thứ họ biết là chẳng thể mang lại điều gì khác ngoài sự day dứt. Vì nợ nần với người chết nên bà Hai thà làm chuyện trái đạo lý chứ không để Mai chịu thiệt thòi, hay ông Út cũng vì nợ với người vợ quá cố nên suýt chút nữa phụ bạc tấm chân tình của cô Tư, rồi thì Chờ vì lời hứa với người mẹ đã chết nên phụ bạc người anh thương rồi cả hai cả đời chẳng thể đến được với nhau, hay Mai, vì tình yêu đơn phương với Chờ nên cố chấp đợi anh hồi tâm chuyển ý mà khiến cả ba người đều lỡ dở. Sự thật thì chỉ cần một trong số họ tự buông bỏ thôi, đã chẳng có cái bi kịch nào hết. Nhưng không, bọn họ đều phải giữ lời hứa, phải tuân theo cái nguyên tắc sống của mình đến khi nào chết thì thôi, hối hận thì có nhưng thay đổi thì không.
Những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư hầu hết đi từ buồn đến siêu buồn, mình đoán biên kịch muốn làm giảm cái sự buồn ấy bằng một kết thúc có hậu hơn, đây là chuyện hoàn toàn bình thường vì đây là tác phẩm của họ. Như việc ông Út cuối cùng cũng chấp nhận cô Tư. Theo mình nhớ thì nhánh nhân vật này ở trong một truyện ngắn khác, cuối cùng cô Tư không chờ nữa mà chuyển đi thật, ông Út sống tiếp với nấm mồ trong lòng. Mình nhớ là mình đã rất tức vì sự bạc bẽo này. Thế nhưng khi xem kịch, cảnh ông Út đòi sửa tủ trong nhà cô Tư, cảnh đó rất duyên nhưng bản thân mình thấy gượng gạo. Một nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư từ bỏ sự đau khổ của mình và cho phép bản thân hạnh phúc, mình đoán nó quá mới, quá khó tin, quá vô lý. Mình đã mong chờ một cái kết có hậu nho nhỏ nào đó trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, và khi nó thật sự diễn ra, cho dù là trong một hoàn cảnh khác, mình cảm thấy xa lạ làm sao đó.
Phần đầu và nửa phần sau của vở kịch rất hay, khi mà mình chấp nhận sự éo le và lý lẽ của từng nhân vật, suy nghĩ với suy nghĩ của họ, buồn cái mất mát của họ. Nhưng khi đến cao trào và giải quyết bi kịch, có lẽ nó chưa tới. Vở kịch có sự hợp lý của thực tế khi bí mật được phơi bày, thằng Đợi quyết định ra đi để trả hiếu cho má nó, Mai vẫn là món nợ cho Chờ, Chờ vẫn còn lời hứa với người chết, Thà sau 18 năm oan khổ cuối cùng cũng có lại được đứa con, còn tình yêu của cô với Chờ thì đã không thể lấy lại. Mình đoán mình không thực sự thỏa mãn với cái kết khi mà người trẻ (thằng Đợi) có thể tự giải quyết được nút thắt của chính mình, chỉ là người già hơn, ba nhân vật trung tâm, Thà, Chờ, Mai vẫn không thể ba mặt một lời mà nói rõ cho nhau cái nợ nần của họ. Trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, ba người bọn họ không bao giờ chạm trán nhau cùng một lúc, khi mà người đàn ông xuống mồ vẫn chẳng thể yêu trọn vẹn một ai, tung tích người phụ nữ trên xuồng không được nói rõ, còn người vợ đi khắp nơi với sự day dứt của bản thân. Nhưng trong vở kịch, ba người bọn họ gặp nhau trong cảnh cuối, Mai nhận ra việc cô đã đến lúc buông tay, Chờ vẫn yêu Thà. Thế nhưng cả ba vẫn tiếp tục kẹt trong nợ nần với sông, với người chết, với chính tình cảm của mình. Vở kịch chuyển trọng tâm sang thằng Đợi bởi giải quyết vấn đề của nó đơn giản hơn giải quyết chuyện của ba người lớn kia. Mình có cảm giác như nợ nần của bọn họ quá khó nói, biên kịch đành tìm cách né qua em Đợi cho khỏe, dẫn đến tình trạng ấm ức của mình khi vở kịch kết thúc.
Bản thân mình không tìm được câu trả lời, thế nên mình chẳng trách biên kịch. Mà ai biết được, chừng 10 năm nữa, mình nhận ra chính việc để họ tiếp tục mắc kẹt như vậy mới là cách giải quyết tốt nhất cho vở kịch.
Cảm giác lần đầu làm quen với sân khấu kịch là một trải nghiệm giống y như mình mong đợi. Mình hơi giật mình mỗi khi diễn viên lên giọng giận dữ, rồi khi họ khóc, đôi tay nắm lấy vạt áo vì lo lắng. Rồi khi Thà vái lạy lên xuống rồi luôn miệng xin lỗi trong khi bản thân cô thực sự chẳng có cái lỗi lầm gì, mình nhận ra cái sự đời trên sân khấu. Mình giật mình khi diễn viên lớn tiếng vì chính mình cảm nhận được sự tức giận trong giọng nói của họ, buồn cho cái giọt nước mắt và những thứ vô lý họ làm, ngẫm nghĩ những câu thoại mình cho là sâu sắc. Mình chưa đủ tầm để đồng cảm cho nhân vật, nhưng mình nghĩ những người nghệ sỹ đứng trên sân khấu ấy thì có thể.
Điều buồn cười là, những câu thoại, những giọt nước mắt trên sân khấu lại thực tế, đời thường hơn cả tá phim truyền hình mình vẫn xem hàng ngày. Thậm chí một vài đoạn vô duyên của cô Tư mà người ta cố chêm vào để giải tỏa sự căng thẳng của bi kịch cũng vẫn hay hơn một đoạn đối thoại tâm huyết của mấy em sinh viên mặt hoa da phấn giả nghèo trên ti vi.

“Bao giờ sông cạn” là một vở kịch chỉnh chu, nó làm mình cảm thấy bản thân vẫn còn rất nông cạn. Mình có thể nhìn thấy cái tâm của người nghệ sỹ trong cách dàn dựng, âm nhạc, trong những câu thoại hài hước được cân nhắc khi nào thêm khi nào bớt. Và đôi khi nghệ sỹ khóc, mình nghĩ xa hơn nhân vật, mình nghĩ về cái truyện ngắn “Kép Tư bền”, đến việc một con người phải sống cho mấy chục số phận, thấy vừa thương cảm vừa đáng sợ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)