Về một tập phim Cheers

Hôm nay mình xem vài tập của Cheers, season 3, kiểu như thư giãn và nuôi dưỡng bệnh đau dạ dày bằng cách vừa ăn cơm vừa xem phim. Hóa ra đôi khi sitcom không chỉ để cười, phim ngày xưa có nhiều thứ để truyền đạt hơn thế.
Chuyện là cô hầu bàn Carla, bà mẹ đơn thân với 5 con nhỏ làm quen được với một ông giáo sư rất giàu có và nổi tiếng. Ông này chết mê chết mệt sự thẳng thắn, không câu nệ của Carla, mình đoán là chắc ông ta chưa bao giờ tiếp xúc với ai ngoài xã hội của mình nên thấy mới mẻ thôi, hoặc đơn giản là biên kịch muốn nó phải thế. Sau hai tháng bí mật hẹn hò, cả hai công khai mối quan hệ, vị giáo sư còn quyết định cầu hôn Carla trong sự vui mừng của mọi người trong quán bar. Thế nhưng cô ấy không nói lời đồng ý.
Ban đầu Carla không đồng ý vì cô còn giấu vị giáo sư kia về sự tồn tại của năm đứa con riêng. Thế nhưng khi cô thổ lộ với ông về bí mật này và cả về đứa trẻ trong bụng, vị giáo sư vẫn giữ nguyên mong muốn được cưới cô. Điều buồn cười là sự chân thành này cũng không thể khiến Carla đồng ý lấy vị giáo sư. Khi nhìn vào sâu bản thân mình, cô nói cô đã yêu người khác, người mà cô chưa từng gặp, cô tưởng tượng ra một người đàn ông trong mơ của mình, rất cụ thể và hoàn toàn vượt quá tầm với của cô, theo quan điểm cá nhân thì mình nghĩ Carla có xu hướng thích trai hư, lúc đó cô sẽ yêu và cưới anh ta. Đó cũng chỉ là một cách nói đơn giản cho việc cô không yêu vị giáo sư kia thôi. Vị giáo sư cũng nói ông cũng có hình tượng cho người phụ nữ trong mơ của mình, đó là một cô nàng tóc xoăn đanh đá chẳng biết điều gì là tốt đẹp cho cô. Carla nhận ra vị giáo sư đang nói về mình. Cô hiểu mơ ước của mình là viển vông nhưng việc cô không yêu vị giáo sư là thật. Cả hai chia tay và vị giáo sư đương nhiên sẽ chu cấp cho đứa con của ông và Carla.
Câu chuyện này có thể làm thành một bộ phim 90 phút thay vì một tập sitcom 20 phút phải chia sẻ cho cả tá câu đùa và nhân vật khác. Điều làm mình chú ý ở tập phim này là nó rất thật. Một phụ nữ trung niên bị chồng ruồng bỏ, không xinh đẹp, làm hầu bàn tại một quán bar mỗi đêm, một mình nuôi dạy 5 đứa trẻ mà theo miêu tả là chẳng đẹp đẽ như thiên thần và cư xử thì chẳng thua kém gì đám quỷ sứ. Khi cuối cùng cô này có thể tìm thấy một người đàn ông tốt, giàu có, có học thức, cư xử với cô ân cần, yêu cô bất chấp sự khác biệt của hai người và việc phải nuôi dạy thêm 6 đứa trẻ, cô từ chối ông ta chỉ vì cô không yêu ông.
Sự thật là mọi người sẽ nghĩ là một Carla trong thực tế chắc chắn sẽ chấp nhận vị giáo sư, chỉ có Carla trong phim mới từ chối một người như thế. Mình thì nghĩ ngược lại. Việc cô ấy từ bỏ một thứ chắc chắn như lời cầu hôn của vị giáo sư để chạy theo cái ảo tưởng cực kỳ vớ vẩn của mình là thứ thật nhất trên đời và mình nghĩ ai cũng sẽ đồng cảm với cô ở nhiều phương diện. Chúng ta đôi khi chẳng biết được điều gì là tốt cho mình cả, và thậm chí cho dù biết đó là điều tốt nhất có thể xảy đến đối với mình, chúng ta vẫn không đón nhận nó chỉ đơn giản vì đó không phải là chính ta, và rằng chạy theo một ảo tưởng nào đó tuy ngu ngốc nhưng biết đâu đấy, vẫn có thể trở thành hiện thực. Mà con người nói chung thì ngu ngốc, bản thân mình ngu ngốc, những ảo tưởng của mình ngu ngốc và mình vẫn muốn chạy theo những ảo tưởng đó. Mình đoán là Carla phải gan dạ vô cùng hoặc đần độn không thể tưởng được mới có thể không đong đếm hoàn cảnh của cô với lời cầu hôn đó. Không ai đảm bảo hành động của Carla là khôn ngoan hay không, cuộc hôn nhân của cô và vị giáo sư kia có thể hạnh phúc như phim hoạt hình Disney hoặc hủy hoại cả hai người, cái đó mình không thể nghĩ xa xôi hơn thế và chính phim cũng không muốn dẫn dắt hơn nữa. Cái chủ yếu ở đây là thực tế chẳng có lý lẽ nào cả. Carla hành động theo bản năng của cô, cô chấp nhận đánh đổi khá nhiều thứ cho quyết định của mình. Và cuộc đời chẳng có logic nào cả, ước mơ cũng thế, con người thì quá cảm tính.

Cũng có thể do mình trầm trọng hóa vấn đề. Đó chỉ là một tập phim.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)