Về On The Road – Jack Kerouac

 

 (Ngoài xem phim, thỉnh thoảng tớ cũng đọc sách)

Khó có thể viết về một quyển sách mà ấn tượng đầu tiên của mình là bộ phim bán nude dở ẹc của Kristen Stewart. Đấy là chưa kể cái khái niệm về Beat Generation chỉ mới thoảng qua trong tai mình hai tháng trước. Có quá nhiều thứ để nghiên cứu, có quá nhiều khái niệm để học hỏi, có quá nhiều tên người để google và cả một kỳ vọng lớn lao của đứa bạn rằng mình đủ thẩm mỹ và đạo đức để trân trọng cái quyển sách gối đầu giường của nó. Cái quyển sách mà nó thề sống thề chết bảo rằng luôn luôn đọc khi cảm thấy buồn phiền và lạc lối. Một quyển sách giúp nó tìm lại động lực và tiếp tục cố gắng mỗi khi nó tự làm phiền bản thân với sự nghi ngờ và tự ti.

Nghe ra có vẻ làm quá, nhưng mình thực sự hiểu tại sao On The Road lại quan trọng đến vậy đối với một số cá nhân luôn luôn cảm thấy lạc lõng và muốn tìm kiếm trải nghiệm. Không phải ngẫu nhiên mà nó được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả một Beat Generation, nơi khởi nguồn cho lối sống Hippy những năm 70 khi thanh niên bỏ nhà đi làm mồi cho mấy kẻ sát nhân hàng loạt. Không phải ngẫu nhiên mà On The Road trở thành kinh điển, là một sự bước tiếp gây tranh cãi của Catcher on the Rye. Cùng với Howl của Allen Ginsberg, On The Road là tiếng nói của cả một thế hệ, một thời đại, một khoảng bấp bênh và chới với trong một khoảnh khắc của nước Mỹ, khi mà người trẻ cảm thấy cuộc đời họ quá chật chội và nhàm chán đến mức phải tự chuốc lấy cảm xúc cho bản thân bằng dấn thân lên đường.

Với mình, On The Road không có vị trí quan trọng như thế trong cái cuộc sống nhỏ hẹp, nghèo nàn và lạc hậu của mình. Có rất nhiều lý lẽ để mình không đủ sức để hiểu và cảm thông tầm vóc của tác phẩm, thế nên trong khuôn khổ bài viết này, mình cố gắng hết sức để giải mã và bày tỏ bản thân hết sức có thể, bởi cho dù thực sự không thể thẩm thấu mọi tầng lớp và ý nghĩa nó mang lại, On The Road thực sự có tác động tới tư tưởng nhỏ mọn của mình, hay ít nhất tác động đủ lớn để mình viết về nó.

Cốt truyện của On The Road thực sự không có gì đáng để nói. Nó là những chuyến đi rông của Sal Paradise trong những năm tháng trẻ trâu của cuộc đời. Có chuyến Sal đi một mình, có chuyến Sal đi cùng bè lũ thân thiết, trong đó có Dean Moriarty nổi lên là một tay chơi thứ thiệt mà ai cũng muốn đi cùng. Những chuyến đi của Sal và chúng bạn nhìn chung là đều lặp đi lặp lại ở những thành phố, những con đường, những địa điểm quen thuộc đi ngang qua nước Mỹ, ngoại trừ chuyến đi cuối khi Sal, Dean và một gã nào đó mình quên mất tên đã đi dọc xuống hẳn Mexico láng giềng để chơi điếm. Những chuyến đi thực tế không có gì mới, cũng con đường, cũng rượu chè, cũng những lo lắng, những suy nghĩ, những sự buồn phiền tương tự nhau, chi tiết thì đương nhiên có khác biệt chút đỉnh, cái cốt lõi thì y xì đúc.

Nhiều người sẽ nói mình ngu dốt khi bảo những chuyến đi của Sal giống nhau. “Triết học” bảo: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, cái câu đó xưa và sến từ ngàn đời. Nếu con đường không đổi thì chính con người thay đổi. Sal và Dean của chuyến này không giống Sal và Dean của chuyến hôm trước, hơn nữa họ gặp bao nhiêu cá nhân hay ho khác trên đường, đụng độ bao nhiêu là chuyện, nghe biết bao nhiêu bản jazz, bỏ bao nhiêu bữa ăn và trộm cắp không biết bao nhiêu là của nả… làm gì có chuyện chuyến này cũng giống như chuyến kia.

Nói mình thế nào cũng được. Khi mình đọc về Sal ở đầu quyển sách và Sal ở cuối quyển sách, anh chỉ là một. Vẫn là một thanh niên tan vỡ, như bao nhiêu thanh niên tan vỡ khác của Beat Generation, Sal bế tắc, lạc lõng, anh dấn thân lên đường chỉ để tìm cảm giác được tồn tại, được khác biệt, được vươn lên trên cái thường tình, cái khuôn khổ của con người, của xã hội. Sal đi mãi, mong mỏi mãi như tìm kiếm một người mà anh yêu thương, tìm kiếm một nơi mà anh thuộc về nhưng trong sâu thẳm, Sal biết mình không thể tìm kiếm được cô gái ấy, nơi chốn ấy, bởi anh biết mình không đủ sức để yêu thương chính bản thân hay yêu thương một ai khác, và anh không muốn mình thuộc về bất cứ nơi nào cả. Đôi lúc Sal tưởng như yêu hết lòng nhưng sự cảm thông đó không đủ để ở lại hay gắn bó. Sau khi chia tay với Terry, Sal nhanh chóng tán tỉnh một cô gái khác trên xe buýt như thể vài ngày trước đã chẳng có một cô gái xinh đẹp khóc lóc cầu xin anh ở lại với cô. Ở Sal, mình nhìn thấy một sự cô đơn thường trực, và chính sự sợ hãi cái cô đơn thường trực ấy khiến anh tiếp tục lên đường, tiếp tục tìm kiếm tình yêu, tiếp tục tìm kiếm những chuyến đi tiếp theo và không thể ở lại được, bởi sự cô đơn sẽ nuốt chửng anh nếu không chịu ngồi xuống và nhìn nhận nó.

Những con người của Beat Generation, không chỉ Sal và Dean, phần nào đó trong con người họ “broken”, mình không nhìn nhận họ như một khiếm khuyết, mình nhìn nhận họ như một mảnh vỡ không bao giờ lành, họ là những cá nhân lạc loài, đầy rẫy thiếu sót và bất an, sợ hãi và buồn bã. Bất chấp sự tự tin và ngông cuồng của Dean hay tự do tự tại muốn gì làm nấy của những chàng trai cô gái trong câu chuyện, mình nhìn họ như những cá nhân cô độc nhất, ngay cả khi đi cùng với nhau, hôn nhau, làm tình với nhau, họ cũng đều vô cùng cô độc. Và tự ti. Những con người ấy cứ đi mãi những sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc, bởi họ ngờ vực chính bản thân mình, bởi họ biết mình đã quá “broken” để có thể hạnh phúc. Bởi thế họ không tìm kiếm tương lai, bởi tương lai không tồn tại. Họ sống cho hiện tại, và cho dù hiện tại đó nông cạn, bốc đồng với những quyết định ích kỷ, tào lao và phí phạm, nó vẫn là thứ duy nhất họ nắm chặt trong tay và sống hết mức với bản năng mình. Bọn họ không tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và trải nghiệm đích thực như trong tờ bìa quyển sách giới thiệu đâu, họ chỉ đang không lãng phí cuộc đời mình và cố gắng đánh lạc hướng nỗi buồn vô biên của bản thân bằng những nhịp đập mạnh kích thích trong những chiếc xe chạy bán mạng và những niềm vui mơ màng được mua bằng rượu, cỏ và sự thân thiết nửa vời.

Trước và sau câu chuyện, Sal Paradise vẫn là một con người như thế. Bản thân Jack Kerouac không có thứ gọi là phát triển tâm lý nhân vật, những chuyến đi không chữa được cái sự “broken” của anh. Đối với mình, những chuyến đi của anh vẫn là một vì anh là một.

Sal Paradise, hay Jack Kerouac, có một cái nhìn rất hiền hậu về cuộc đời. Đây là một trong những điều níu chân mình đọc trọn vẹn một tác phẩm buồn như On The Road. Những con đường lặp đi lặp lại, cả những con người cũng lặp đi lặp lại. Sal nhìn những những con người bình thường hay lướt qua trên đường hay nhìn những người anh cùng nói chuyện hay ở ké với họ một vài ngày, anh luôn có một sự cảm thông sâu sắc dành cho họ. Những người nông dân nghèo khổ trên những cánh đồng nóng bỏng, những nghệ sỹ nhạc jazz biểu diễn ướt cả áo, gã bạn tồi Dean Moriarty năm lần bảy lượt bỏ rơi anh, những cô gái anh gặp trên chuyến hành trình, bọn họ đều là những bóng người Sal thoáng gặp chốc lát trên con đường cưỡi xe xem hoa của anh, thế nhưng Sal nhìn họ với một sự yêu thương thực thà hiếm có. Anh nhìn cuộc sống của họ đúng như những gì nó diễn ra nhưng những cảm xúc anh có về họ không bao giờ là tiêu cực, cho dù lúc nào Sal cũng có một nỗi buồn không thể rũ bỏ được. Và sự đồng cảm của anh được thể hiện thông qua những từ ngữ anh dùng để mô tả đơn thuần về những con người đó. Jack Kerouac không bao giờ viết những câu như “Tôi thương hại những con người tội nghiệp đó”, hầu hết những gì anh viết là miêu tả về ngoại hình, cử chỉ, dáng điệu, hành động của họ, nhưng khi mình đọc những câu văn viết về họ, mình cảm thấy ở Sal hay Jack, một sự nhạy cảm buồn bã của một con người nhân hậu và có khả năng đồng cảm sâu sắc với cái cuộc sống mà anh chỉ là một kẻ lạ qua đường và vô tình bắt gặp. Cái sự yêu thương của Jack hay Sal cứ phô bày một cách tự nhiên, không khoa trương, lặng lẽ trong những chi tiết nhỏ xíu anh nhìn mọi người, thân thiện, bao dung và hào phóng. Đó là cái tình yêu vô điều kiện tác giả dành cho những con người anh gặp, những thị trấn, thành phố anh đi ngang qua, hay chỉ đơn giản là chính nước Mỹ mà anh sinh ra và lớn lên.  Ở nhân vật Sal Paradise, mình có một cảm giác rất thân thiết, rất quý mến và trân trọng nhân vật này. Anh chỉ là một con người thú vị, lạc lối, cuồng nhiệt với vô vàn yêu thương và bất tận muộn phiền.

Ở đằng sau vô lăng, người ta bàn tán không ngớt về Dean Moriarty như ngôi sao của mọi cuộc vui. Bản thân mình có thăng và trầm với nhân vật này. Ban đầu mình không ưa Dean lấy một chút, có lẽ cũng do bản thân mình vốn là kẻ khó ưa. Mình không thích đám thanh niên trai trẻ ngồi hút thuốc với nhau và nghị luận thời cuộc và triết học cao siêu trong khi bản thân họ còn không nên nết. Mà Jack Kerouac đổi tên nhân vật nhằm mục đích gì khi ở cuối quyển sách ta có hẳn tên người thật việc thật để đối chiếu? Mình chẳng nghĩ là mấy cái tên tuổi ghê gớm được đề cập trong truyện có quan tâm đến việc quá khứ lẫy lừng của họ được công khai đâu. Vậy là Neal Cassidy và Allen Ginsberg là bạn thân cây khế và họ thấu hiểu lẫn nhau và họ dành cả đêm để giãi bày tư tưởng, để diễn dịch cho nhau nghe suy nghĩ của họ về thế giới, về cái “system” đang cản trở họ và vô vàn mấy thứ linh tinh sâu sắc họ nghĩ ra, sao mà giả tạo thế không biết? Bao nhiêu lý tưởng cao thâm, bao nhiêu khung trời vỡ mộng, bao nhiêu đau khổ giày vò, tất cả được hai anh trai ngồi tỉ tê với nhau xuyên đêm, chỉ nghĩ thôi mình đã thấy vô cùng phô trương. Chính cái người ngủ gục trên ghế, là Sal/ Jack, mới là người viết nên một thứ đáng đọc (Mình biết Allen Ginsberg viết Howl, nhưng như thế không có nghĩa là mình thích nó). Và Sal không viết về bất cứ thứ gì trên trời dưới biển và uyên thâm độ lượng cả, anh viết về những điều đã diễn ra.

Là người già, khó để mình thích một người như Dean, một kẻ chỉ ăn to nói lớn nhưng không thực sự làm nên hồn một thứ gì. Dean yêu đương, không cuộc hôn nhân nào trọn vẹn, anh chỉ giỏi ngoại tình và làm con người ta khổ, nhiều lần. Dean kiếm được việc làm tốt nhưng chỉ làm cho qua quýt để kiếm được tiền lên đường. Mình cảm thấy vô cùng bất mãn với nước Mỹ thời điểm bấy giờ. Dean, một thanh niên da trắng có tiền án tiền sự, thiếu trách nhiệm, không thể tin cậy, hút cỏ, uống rượu, chơi gái đủ thể loại vẫn có thể kiếm được một công việc ngon lành với hơn 40 đô một tuần, trong khi những gia đình dân nhập cư hay người da màu phải làm việc quần quật trên cánh đồng bông cả ngày chỉ để có ba đô cho 100 pound bông.  Dean tiêu tiền như phá, cũng chẳng nghĩ cho ai, mình cứ tưởng ít nhất hắn cũng là một người bạn có tình có nghĩa, ai dè cũng bỏ rơi Sal giữa đường giữa chợ như thường. Khi chạy xe trên đường, Dean cháy hết mình cho bản thân và chạy hết hồn cho những người còn lại trên xe. Dean ích kỷ, sa đọa, vô đạo đức, vô trách nhiệm, hoang tưởng, liều mạng,…

Nhưng Sal Paradise dành cho Dean vô vàn những lời lẽ ca tụng và một thái độ trân trọng không che giấu. Có lẽ Dean Moriarty là điển hình tiêu biểu xuất sắc cho Beat Generation hướng tới học hỏi. Mình chẳng biết nữa, Sal giãi bày cho Dean thật nhiều như thế muốn độc giả cũng yêu quý và chấp nhận Dean như Sal yêu quý và chấp nhận Dean vậy. Người như Dean Moriarty hay Neal Cassidy vốn không cần ai yêu quý hay chấp nhận. Ở nhân vật Dean, mình nhìn thấy một con người bản năng và tuyệt vọng, một con người với quá khứ buồn bã nên hiểu và trân trọng thời gian hơn mọi cá nhân khác trên cái quả đất rầu rĩ này. Nếu nhân vật Sal buồn bã, Dean còn buồn bã, cô đơn và sợ hãi hơn gấp trăm lần, đó là lý do anh sống vội vàng, sống “bùng cháy”, sống rực rỡ hết mức có thể. Khi đã kết nối, mọi thứ về Dean đều hợp lý. Sự ích kỷ, sa đọa, vô đạo đức, vô trách nhiệm, liều mạng,… tất cả đều là Dean sống cho bản thân và những điều anh ta cho là hạnh phúc, là cảm giác được sống “nhất” trong giây phút đó, bởi Dean không tin tưởng vào tương lai, cái duy nhất mà anh có là niềm hân hoan ngay giây phút hiện tại, tội gì anh không sống hết mức có thể, tội gì anh phải gì xa nghĩ xôi, tội gì anh phải giới hạn con người mình với mấy thứ ràng buộc của xã hội.

Nếu ai cũng sống như Dean, thế giới này chắc nát như tương. Nhưng đừng lo, không phải ai cũng đủ can đảm để sống cuộc đời như Dean Moriarty. Dean là Dean, Dean làm những thứ anh ta muốn, nhận lấy mọi chỉ trích và xui xẻo cuộc đời đổ ập lên đầu mình một cách thoải mái và hùng dũng đương đầu với nó. Đây là một trong những điều mình thích nhất ở Sal và Dean. Trong chuyến đi, khi một việc không như ý xảy ra, xe sa lầy, cả hai bị lừa gạt, hết tiền, đói ăn, cả hai không bao giờ phàn nàn hay đổ lỗi, họ cứ tiếp tục đi tiếp, hăm hở, đưa tay rộng mở đón nhận mọi thứ xấu đẹp, trâu gà, cá cơm vào trong mình với sự trân trọng và một thái độ “dửng dưng” và tích cực đáng ngưỡng mộ. Họ không dành thời gian của đời mình cho giận dữ, chối bỏ và hối tiếc hay cho câu hỏi “What could have been?” Bảo họ thực tế, họ rất thực tế, bảo họ sống trên mây, họ cũng sống trên mây. Đối với một thế hệ những con người tan vỡ, không thể hòa nhập vào cuộc sống và luôn làm đủ mọi cách để hủy hoại bản thân, thế hệ Beat là những cá nhân có quan điểm sống tích cực hơn mình tưởng rất nhiều. Cái cách họ cố gắng, cuồng nhiệt, không toan tính, tự nhiên sống sót trong cái system mà họ chán ngán này, đó là điều dũng cảm nhất mà cả những người trẻ bây giờ cũng không ai thực sự có thể hiểu được.

Jack Kerouac có một lối hành văn khá ngang ngược. Người ta hay phân tích nhiều về những câu văn dài của tác giả.” "They danced down the streets like dingledodies, and I shambled after as I've been doing all my life after people who interest me, because the only people for me are the mad ones, the ones who are mad to live, mad to talk, mad to be saved, desirous of everything at the same time, the ones that never yawn or say a commonplace thing, but burn, burn, burn..." Chính câu văn này là thứ đầu tiên khiến mình nhận ra mình sẽ thích On The Road. Đó là dòng suy nghĩ của Jack Kerouac tràn lên trên những câu chữ, không che đậy, không chau truốt, không ngắt nhịp. Đó là đường dây tư duy trong cái khoảnh khắc Jack viết nên nó, và Jack để nó tự nhiên như vậy, một câu văn dài, nóng hổi cảm xúc và sự nghĩ ngợi sâu xa và chân thành về con người, cuộc đời, về chính mình ở giữa những câu văn ngắn gọn và thiên về kể chuyện và miêu tả. Đó là phong cách sống và viết của tác giả, tự do bộc bạch chính mình bất cứ khi nào anh muốn, bất chấp mọi khuôn khổ về văn phong và thể loại. Như cái cách Jack viết một đoạn văn dài với một câu cuối cùng thòng vào không hề liên quan đến đoạn văn đó. Hoặc một đoạn văn dài với nhiều câu chuyện gộp chung lại với nhau.Với tác giả thông thường, câu này có thể được ngắt sang một đoạn văn khác, nhưng Jack cứ túm chúng lại với nhau bởi đó là dòng suy tưởng liền mạch của anh, và anh thể hiện bản thân và tính cách của mình đúng như cái dòng suy nghĩ rối tinh rối mù, xuyên suốt, hổ lốn ấy. Mình chẳng biết rõ nữa, mình không nghĩ là Jack Kerouac cố tình hay có dụng ý nghệ thuật gì trong cách anh viết, đó chỉ là cách anh sống và bộc bạch bản thân. Nó không vụng về hay phá cách, nó không thực sự đập vỡ khuôn khổ hay tạo cho mình một cảm giác mới lạ hay choáng váng nào, nhưng ở đâu đó, cái cách Jack Kerouac hành văn cũng phóng khoáng, bay nhảy, cô đơn và buồn phiền như cái cách họ nhào lấy con đường và chuyến đi vậy. Họ sống thật thà với chính mình và Jack viết thật thà với cảm xúc của anh. Nếu cuộc sống của con người cũng đơn giản nhưng cách Jack Kerouac viết, mọi thứ sẽ thật khác.

Mình không đủ trình độ để yêu thương nhạc Jazz, nghe thì nghe đấy, hiểu thì chắc chưa thể. Mình cảm thấy Jack Kerouac cũng như mình, một khán giả yêu nhạc nghe thích những gì anh nghe, trân trọng những nghệ sĩ anh cho là tài năng và “thẩm định” nghệ thuật bằng cái nhìn ngạo nghễ và phiến diện của bản thân. Cái cách Jack nhìn nhận nhạc Jazz, về người chơi này hay và người nghệ sĩ kia chẳng có gì ghê gớm, mình không rõ nữa, mình thích sự say mê chân thành tác giả dành cho Jazz, mình cũng thích một vẻ tự mãn nhẹ nhàng của Jack, khi anh tự tin cho rằng mình nhìn thấy và nghe thấy là chuẩn mực. Tuy nhiên, âm nhạc xuyên suốt câu chuyện như chính mấy con đường và những chai rượu vậy, nó không tạo nên một không khí nên thơ của chuyến đi, nó tạo cho mình một giai điệu nền vội vàng, chật chội và vất vả, một cảm giác hoàn toàn đối lập với những gì đáng lẽ mình phải liên tưởng đến: dạt dào, thơ mộng và bay bổng. Mình có lẽ là người duy nhất trên cái quả đất này cảm nhận như thế khi đọc On The Road.

On The Road có thể không phải là quyển sách khiến cuộc đời mình thay đổi, nhưng trong một tuần đẹp trời khi mình ngồi đọc về những con người không thể khác biệt hơn với bản thân, về những con người mà mình không thể đồng tình với bất cứ điều gì họ làm, về những con người mà mình vừa thầm lặng chê trách họ hoang tưởng vừa mong mỏi chính mình có thể dám sống như họ, nhiều thứ trong tư tưởng mình chuyển biến. On The Road là câu chuyện của những con người sống trật nhịp với xã hội, suy nghĩ của mình cũng vì thế trật nhịp khỏi cái nếp nhà cũ kỹ trong cái đầu nhỏ nhoi của mình. Mình cảm thấy rộng rãi hơn, thoải mái hơn, nhẹ nhàng với chính mình và cuộc đời hơn, có lẽ bởi mình nhận ra những con người tưởng như tự do và phóng khoáng nhất quả đất kia cũng còn đủ thứ rắc rối nặng nề của cuộc đời họ, mình khắt khe với bản thân và người khác để làm gì. Mình cứ như Sal, nằm ngửa trên nóc xe trong một đêm nóng và ẩm ương ở một đất nước xa lạ, ngửa mặt lên trời và yên lặng cho hằng trăm con muỗi xâu xé, chẳng cần phải nghĩ ngợi xa xôi, nói vậy cũng hay ho lắm.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo