Về Drive My Car (2021)
1. Phim ảnh và tiểu thuyết
Sau đây là một
vài ý kiến cá nhân (nhắc lại là cá nhân) của người viết bài viết này. Rảnh thì
viết, không có mục đích gì cả.
Đối với phim
điện ảnh được chuyển thể từ sách (truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký), hầu hết
chúng có chất lượng kém hơn so với tác phẩm gốc. Ít nhất là theo kinh nghiệm của
mình nó thế. Trí tưởng tượng không giới hạn và sự kỳ vọng phi lý của con người
chính là thứ khiến cho phim thấp kém hơn truyện, chỉ đơn giản có vậy, đặc biệt
là khi tác phẩm gốc quá xuất sắc và có quá nhiều thứ để truyền tải. The Great Gasby, một tá phim Macbeth hoặc có liên quan tới
Shakespeare, một tá phim Les Miserable,
Pride and Prejudice, Dorian Gray, các phim từ truyện trinh
thám của Agatha Christie và Conan Doyle… là một trong những ví dụ thông thường
cho các trường hợp trèo cao té đau nói trên. Tác phẩm càng lớn, nguy cơ thất bại
càng cao, bởi càng bị nhiều độc giả (trong đó có mình) soi mói với tiêu chuẩn
thượng thừa. Đối với các tác phẩm kinh điển, việc chuyển thể bề dày nội dung +
nội tâm + phản ánh xã hội lên 3 tiếng đồng hồ là điều không tưởng, gần như là cầm
chắc thất bại. Ấy vậy mà người ta vẫn đâm đầu vô làm đi làm lại mãi, dây kinh
nghiệm rút hoài không hết.
Trong một vài
trường hợp hiếm hoi mà phim xuất sắc ngang ngửa với truyện, cứ cái nào được đọc/
xem trước thì sẽ có ấn tượng tốt hơn. Lord
of the Rings, the Godfather là
hai ví dụ điển hình của việc phim chiếm cảm tình nhờ lợi thế của kẻ tới trước. Silence of the Lamb thì có đọc truyện
trước thì phim vẫn xuất sắc hơn bởi truyện quá nhạt nhẽo.
Trường hợp của
Life of Pi, phim không hay bằng truyện.
Tuy có nhiều đoạn thú vị trong truyện không thể đưa lên phim nhưng mình hiểu tại
sao kịch bản chỉ có thế và đạo diễn làm điều mà đạo diễn đã làm. Phim không hề dở,
chỉ là những đoạn mình không quá quan tâm thì phim lại khai thác với hiệu ứng
chói sáng, còn đoạn mình cho rằng rất thú vị thì phim cắt cái bụp. Góc nhìn văn
chương khác biệt đôi mắt điện ảnh, và để chuyển thể một tác phẩm giàu có cần một
đạo diễn ít tham lam. Mình nghĩ Lý An làm đúng và đủ.
Nhiều trường hợp
khác, việc phim dở cản trở mong mỏi xem truyện của mình. On the Road, Love, Rosie,
the Hunger Game, the Wrinkle in Time…
May mà sau này mình đọc On the Road,
coi như không bỏ lỡ một tác phẩm hay, chứ còn trường hợp của the Hunger Game là không có cửa rồi. Quá
khó để mình đọc sách mà không tưởng tưởng ra gương mặt xưng xỉa của Jennifer
Lawrence và cái sự lùn của Josh Hutcherson. Tại sao lại chọn 2 diễn viên có chiều
cao khập khiễng và thiếu “chemistry” như vậy thành một cặp đôi? Ai chịu trách
nhiệm cho điều này? Ai?
Nhiều trường hợp
thì ngược lại, phim quá xuất sắc nên mình cố tình không đọc truyện để tránh hủy
hoại ấn tượng tốt về phim. Trong này ta có Shawshank
Redemption, Forest Gump.
Phim mà cả tác
phẩm gốc và truyện đều dở nhưng vì nổi tiếng quá nên phim cũng đã xem và sách
thì cũng đọc hết: Da Vince Code, Harry Potter.
2. Haruki Murakami
Như hầu hết
thanh niên lứa tuổi mình vào thời điểm 2008 – 2009, mình đọc Norwegian Wood (Rừng Na-uy) bởi vì nghe
đồn truyện có nhiều đoạn sếc-xy và vẫn được in chứ chả kiểm duyệt gì. Còn đoạn
marketing “Cứ x người Nhật Bản thì có 01 người đọc Rừng Na-uy”, nó hoàn toàn
không tác động gì tới quyết định đọc sách của mình. Mình vẫn nhớ ấn tượng về
truyện là tương đối tốt, mặc dù mình đã nghĩ Murakami làm quá lên cái sự buồn của
thế hệ thanh niên Nhật Bản trong truyện, bởi tất cả các nhân vật trong đó đều
tìm cách lìa đời hoặc hủy hoại bản thân cách này hay cách khác, và như một mặc
định, họ cô đơn và lạc lối giữa quá khứ và tương lai, để rồi bỏ quên hiện tại.
Tuổi tác, kinh nghiệm, dốt là ba nguyên nhân chính khiến mình không thể hiểu được
trọn vẹn Norwegian Wood, thậm chí đến
tận cái tầm tuổi này, mình nghĩ mình cũng chẳng thể hiểu hết được cái sự buồn
vô biên và tuyệt vọng mù mịt của những chàng trai cô gái ngà ngọc trong truyện.
Cái còn lại sau quyển sách siêu nổi tiếng kia là cảm giác không trọn vẹn và luyến
thương day dứt, điều mà sau khi xem phim, mình hoàn toàn không hề có.
Cũng giống như
truyện, mình xem Norwegian Wood vì tò
mò cảnh nóng. Thì mình cũng chỉ là một nữ thanh niên 20 tuổi tầm thường, muốn
quý phái hơn cũng chẳng được. Bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng thời đó được kỳ
vọng vô vàn bởi tác phẩm gốc của Haruki Murakami thực sự rất, rất phổ biến, vậy
nên cũng dễ hiểu khi phim trở thành bom xịt. Nếu có lý do chính đáng, mỗi độc
giả khi đọc Norwegian Wood tự diễn dịch một tầng buồn thương cho riêng họ nên
khi cái phiên bản điện ảnh của truyện không bắt sóng được cái tầng buồn thương chung
kia, phim chán hẳn. Đối với một độc giả nửa vời như mình, phim không đem lại một
chút cảm xúc gì, nó chỉ đơn giản là khá “meh” và nhạt nhẽo, dù có cảnh quay đẹp.
Xem nhiều phim thì thấy phim Nhật nào cũng đẹp, thế Norwegian Wood có cái đếch gì đặc biệt đâu.
Xe đỏ nổi nhất phường |
Khi mình biết
đến Drive My Car, mình sợ nó lại giống như một phiên bản khác của Norwegian
Wood, tức là kì vọng lớn sẽ hủy hoại việc xem phim. Đặc biệt là khi Haruki
Murakami đã trở thành một trong những tác giả mình đọc nhiều nhất, trong đó Kafka on the Shore (Kafka Bên Bờ Biển)
là tác phẩm mình thích nhất (không chỉ tính riêng Murakami). Việc tất cả các
bài viết về Drive My Car đều đề cập tới
việc phim được xây dựng trên tác phẩm của Murakami, nó thực sự là một lời quảng
cáo hữu hiệu khiến mình chú ý đến phim, đồng thời vừa là một gánh nặng, một trọng
trách to hơn trái núi đè Tôn Ngộ Không. Thì bởi Haruki Murakami xứng đáng có một
tác phẩm điện ảnh xịn xò từ gia tài văn học hoành tráng của ông, và cũng bởi Norwegian Wood quá rởm đời để được nhắc
đến.
Mình nghĩ mình
đọc Murakami đủ nhiều để “bắt” được cách xây dựng câu chuyện và nhân vật của tác
giả. Murakami “khác thường” ghê lắm, câu chuyện thì luôn đi trật khỏi lề đường và
bay tót lên cung trăng, cái kết logic (kể cả khi kết hợp yếu tố ảo ma thì cũng
vẫn cần logic nha) thì chỉ có trong tưởng tượng. Chẳng biết nói sao, nó có cái
màu rất riêng chỉ Murakami có. Ổng có biệt tài viết ra một câu chuyện vô cùng hấp
dẫn, gợi cảm, nhiều bí ẩn, đầy nút thắt với các chi tiết mang yếu tố siêu hình,
đồng thời không kém phần sang chảnh, quý phái khi miêu tả về bản ngã con người.
Vậy mà tới đoạn kết, hầu hết mọi câu hỏi ổng gợi ra, cả về tình tiết siêu nhiên
lẫn tâm lý nhân vật, ổng vẫn để để nguyên si, không thèm giải đáp gì hết, nó
tùm lum tùm la ai muốn hiểu gì thì hiểu. Nếu ai thích một cái kết trắng ra trắng,
đen ra đen, cháo lòng ra cháo lòng, đọc tác phẩm của Murakami sẽ gây ức chế.
Thì biết sao giờ, Haruki Murakami đếch phải người viết truyện trinh thám nên ổng
không có nghĩa vụ phải viết ra một câu chuyện có đầu và kết thu về một mối, và
việc dám bỏ lửng câu chuyện khiến người đọc có ấn tượng sâu sắc hơn.
Vậy nên mình
chưa đọc Men Without Woman (Những người Đàn
Ông không có Đàn Bà), bởi đọc nhiều Murakami dễ bị trầm cảm lắm, mình thì
hơi yếu đuối, thiếu kiềm chế và ngu. Bản
thân mình cho rằng chưa đọc tác phẩm gốc là một lợi thế, và mình quyết định xem
Drive My Car trước, mình cho phim một
cơ hội công bằng để chiếm thế thượng phong và được đứng độc lập, bởi Drive My Car là một tác phẩm điện ảnh độc
lập. Và trong một ngày đẹp giời, mình cần hạ kì vọng và sự khắt khe giả hiệu của
bản thân xuống, để đón nhận và đánh giá bộ phim một cách khách quan như nó xứng
đáng được thế.
3. Drive My Car (trước khi đọc truyện gốc)
Khá ngẫu nhiên,
trước khi xem Drive My Car, mình đã
xem một bộ phim Nhật Bản khác là The Eel
(1997), khi mở đầu câu chuyện là một ông chú yêu quá hóa rồ đã đâm chết vợ khi
phát hiện cô này ngoại tình. Trái ngược với hành động vi phạm pháp luật trắng
trợn trong The Eel, nam chính Drive My Car Yusuke Kafuku khi chứng kiến
vợ dắt trai về nhà thì chỉ biết nhắm mắt, bịt miệng giả vờ như không biết,
không hay, không đau khổ gì cả. Hai phong thái đối lập đều nhân danh tình yêu kể
trên khiến mình cảm thấy nó thú vị khi đi ngược mọi khuôn mẫu thông thường, nhưng
nó cũng đồng thời khiến mình thấy khó chịu khi đi ngược lại cái khuôn mẫu thông
thường đó. Cũng giống như trong The Eel, khúc mắc bị phản bội trong lòng ông
chú nam chính mãi mãi không thể cởi bỏ khi người tạo ra sóng gió, cô vợ Oto, đột
ngột qua đời không một lời trăng trối (trong The Eel thì cô vợ bị ông chồng đâm nên cũng chết, chưa kịp nói tiếng
nào luôn). Hầu hết thời lượng phim là câu chuyện của Kafuku để đối diện với bản
thân về sự mất mát và trống trải sau cái chết của Oto, thêm vào đó là mối quan
hệ đặc biệt giữa ông và cô tài xế Watari, trên nền vở kịch Uncle Vanya (Chekhov) tạo cho phim một điểm nhấn cực kỳ thông minh.
Dẫu từng nghe
qua tên, mình thực sự không nhớ được nội dung của vở Uncle Vanya. Mình đoán biết hay không biết nội dung của vở kịch vốn
không quan trọng, bởi cùng với chiều dài và diễn biến tâm trạng trên phim, khán
giả ít nhiều cũng được xem kịch, hơn nữa các nhân vật và số phận của Uncle Vanya không ứng với nhân vật và số
phận trong phim. Chỉ là mỗi khi đoạn thoại về vở kịch được vang lên, nó khớp với
tâm trạng, khoảng lặng trong cuộc đời Kafuku như hai bánh răng công nghiệp,
mình ngồi đó cứ khen thầm sự thiên tài của người viết kịch bản. Họ có thể chọn
biết bao nhiêu vở kịch kinh điển, họ chọn đúng Uncle Vanya. Vở kịch của Chekhov không chỉ là tiền đề cho Kafuku gặp
gỡ Watari, nó còn gợi mở về kịch thể nghiệm, về trách nhiệm, cảm hứng của người
diễn viên như một nội dung lớn khác của bộ phim (mà mình sẽ tránh đề cập ở đây
vì chả có nghiệp vụ gì để bàn luận). Sự đan xen giữa thế giới trên sân khấu và
thế giới nội tâm của Kafuku được kết nối bằng lời thoại trong Uncle Vanya, khi giọng đọc của Oto kết nối
giữa quá khứ và hiện tại, để rồi chính đoạn kết của vở kịch truyền tải thông điệp,
mong ước, suy ngẫm cho chính con người trong thế giới thực, dẫu cho câu chuyện
của Vanya và câu chuyện của Kafuku, Watari chẳng hề liên quan với nhau.
Bộ tứ sầu muộn |
Với góc nhìn của
một người xem nhiều phim (hơn trung bình), các nhân vật trong Drive My Car vừa lạ vừa quen. Đó là một ông
chú Kafuku quá sợ mất vợ đến nỗi không dám trách móc, chất vấn khi cô ngoại
tình để rồi đến khi vợ mất thật thì chỉ còn biết luyến tiếc, dằn vặt. Một
Watari cắn rứt khi lạnh lùng bỏ rơi người thân và người bạn duy nhất mà cô có
chỉ để chạy trốn khỏi sự khốn khổ và bế tắc trong cuộc đời của mình. Một Oto
day dứt vì không thể ngừng phản bội chồng trong khi thực lòng vẫn rất yêu
thương anh, để đến khi cô dũng cảm đối mặt với những lỗi lầm của mình thì chết
mất tiêu. Một Takatsuki cố gắng tìm lại cảm hứng diễn xuất và hào quang đã mất
do scandal, nhưng đi tìm nó bằng cách tiếp cận với người đàn ông mà mình đã cắm
sừng. Những nhân vật này không mới nhưng bằng một vài nét chấm phá, đạo diễn,
biên kịch khiến họ đặc sắc, lạ lẫm và thú vị, dẫu rằng họ vẫn ngụp lặn trong mớ
bòng bong phiền não cũ rích của chính mình. Mình cảm thấy mới mẻ khi nhìn
Kafuku rất từ tốn và bình thản khi đối diện với nhân tình của vợ, đến mức tưởng
như ông không yêu cô thì mới có thể lãnh đạm như vậy. Rồi người phụ nữ thâm trầm
và cô đơn Oto với khả năng kể chuyện thành thần sau khi mây mưa với đàn ông. Hay
gã diễn viên Takatsuki, một con người sâu sắc hơn vẻ ngoài nông cạn, suy đồi, kẻ
cuối cùng cũng học được cách làm diễn viên thực thụ thì phải trả giá cho mọi
hành động bản năng không biết hậu quả trong quá khứ. Cuối cùng, là nữ tài xế
Watari trẻ măng nhưng đã hút thuốc phì phèo, giỏi chuyên môn, lãnh đạm, kiệm lời,
sâu sắc và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ bước trên đường xe cô chạy mà không đánh
giá, chỉ trích hoặc lên mặt với bất cứ ai (nhân vật dễ mến nhất phim). Nó cũ
nhưng đủ mới, và khi đi sâu vào nội tâm của họ, đâu đó là một nét riêng biệt trải
theo cái sự buồn muôn thuở của hầu hết phim hàn lâm.
Ấn tượng chung
của mình về Drive My Car khá lẫn lộn.
Phim khá dài, chắc tầm 3 tiếng, chiếu gần 45 phút mới có màn giới thiệu tên tuổi
diễn viên, đạo diễn. Bản thân mình cho rằng thời lượng và nhịp độ của phim là hợp
lý, không có cảnh thừa, không có nhân vật không cần thiết. Có rất nhiều chi tiết
hoặc phân đoạn của phim mình cảm thấy rất thú vị. Đầu tiên là mối liên hệ của
Oto giữa nhục cảm xác thịt và câu chuyện cô kể lại với chồng, nghe rất có mùi
văn phong của Murakami. Viết về các vấn đề giới tính, tình dục theo kiểu khác
thường, kỳ cục này là chuyên môn của ổng, thậm chí đến câu chuyện về cô học
sinh đột nhập vào nhà crush để thủ dâm, về kiếp trước là cá mút đá của cô gái,
nó cũng mang hơi hướng Murakami tuốt. Và cho dù kì cục, những câu chuyện này rất
hấp dẫn, thành thử mình cũng như Kafuku, thật lòng muốn biết đoạn tiếp theo của
câu chuyện.
Cảnh quay nơi
Kafuku lật mặt với Takatsuki và kể với cậu diễn viên rằng cậu ta chỉ là một
trong vài mối tình thoáng chốc mà Oto có. Ông chú góa vợ chỉ muốn bảo với cậu
trai đẹp mã rằng dù cậu có mê Oto cỡ nào, dù Oto có cuồng nhiệt với cậu ra sao,
cậu và ông chẳng bao giờ ngồi cùng mâm cả. Cậu là nhân tình, là khoảnh khắc, là
tạm bợ của Oto, còn muôn năm thì ông vẫn là chồng, là tình yêu đích thực, là
vĩnh hằng của người ấy. Giọng điệu bà cả chính thất của Kafuku biến mất khi
Takatsuki kể cho Kafuku đoạn tiếp theo của câu chuyện dang dở của Oto, hóa ra
người phụ nữ đã mất không chỉ kể chuyện cho mỗi chồng nghe, hóa ra chỉ cần lên
giường thỏa mãn là chị ấy xuất khẩu thành văn được hết. Trong vài khoảnh khắc
khi chiếc xe vẫn phi chậm rãi từ nơi này đến nơi nọ, trái tim con người cứ vỡ
nát mãi ra. Cả gương mặt Kafuku lẫn Takatsuki đều là sự buồn bã của sự phản bội
khi phát hiện ra mình không phải là duy nhất của Oto nhưng vẫn phải cố gắng giữ
chút “giá” bằng nụ cười và vẻ bình thản giả tạo. Nhưng khi câu chuyện được
Takatsuki kể tiếp và Takatsuki trút bỏ suy nghĩ của mình và chất vấn ngược lại
Kafuku, những chiếc mặt nạ đó được gỡ xuống, chỉ còn hai gương mặt đau khổ, mất
mát, bởi lẽ người phụ nữ đa sầu đa cảm kia cũng đã chết rồi và họ chỉ là hai kẻ
bị bỏ lại và buộc phải sống tiếp.
Cảnh thuốc lá |
Đi sau cái đoạn
giãi bày nỗi lòng đầy cảm thông đó của hai người đàn ông bị trói buộc về ký ức
một người phụ nữ là một cảnh quay ấn tượng khi Kafuku chuyển lên ghế trên để ngồi
cạnh Watari, đồng thời cho phép bản thân và cô tài xế được hút thuốc trong chiếc
xe quý hơn vàng của mình. Mình thực sự không hiểu và cũng không muốn hiểu những
ẩn dụ hay biểu tượng gì, chỉ là cảnh quay họ đặt hai điếu thuốc lên trên cửa sổ
nóc xe và chiếc xe vẫn chạy đều, mình cảm thấy như được an ủi và mọi thứ dường
như chậm lại, dịu nhẹ và bình tâm hơn. Hai nhân vật có lẽ cũng chỉ cần nicotin
để lắng dịu cả đống drama họ vừa hít ngửi và chưa kịp tiêu hóa. Khán giả thì cần
một cảnh quay nên thơ. Âm nhạc, khung cảnh, câu chuyện, nó vừa giản dị, vừa phức
tạp, tràn đầy cảm xúc và vô cùng đáng nhớ.
Kể cả đoạn
Watari chở Kafuku về quê nhà của cô cũng vậy. Những cảnh quay nối dài và có
tính chất tương tự nhau được lặp lại, thể hiện quãng đường dài và khẳng định lý
do đạo diễn đặt cái tên phim Drive My Car
là không hề lãng nhách. Điều buồn cười mà mình không hề cảm thấy nhàm chán trước
những cảnh quay đó, dẫu đã ngồi đau mông hơn 2 tiếng đồng hồ. Mà mình chờ đợi
cái gì? Watari đã nói không còn gì ở đó nữa, sự thật là chẳng còn gì ở đó cả.
Sao tên đạo diễn có thể khiến một người hấp tấp xấu tính như mình có thể nhẫn nại
chờ đợi, không hối hả cái kết phim đến như thế? Những cảnh quay không giống
nhau nhưng góc quay, khung hình và nội dung là giống nhau, mình gần như là đắm
chìm vào chúng, dõi theo và chấp nhận hành trình của Kafuku và Watari, cũng như
đắm chìm, dõi theo và chấp nhận câu chuyện và nỗi lòng của họ. Trong các phim
thông thường mà mình xem, các nhân vật chính thường bao dung hơn với người khác
và khắt khe với chính bản thân họ, một nhân vật khác sẽ tới và an ủi nhân vật
chính và bảo nhân vật chính hãy tha thứ cho chính mình đi, blah blah blah, nút
thắt cởi bỏ, nhân vật chính thoát khỏi bóng đêm của quá khứ, bleh bleh bleh.
Các nhân vật trong Drive My Car không
chỉ khắc nghiệt với chính họ, họ cũng khắc nghiệt với cả người khác luôn. Như
lúc Kafuku bảo Watari rằng ông giết vợ và cô giết mẹ như thể đó là điều hiển
nhiên và họ phải sống và chấp nhận tội lỗi đó từ đây đến hết đời vậy, nó khiến
mình ngạc nhiên. Bản thân mình thấy bộ phim có nét mới khi không hề có thông điệp
bao dung hay vị tha gì đó, hoặc nó có mà mình không thấy, bởi cái mà mình đọng
lại được là các nhân vật chấp nhận (không phải quên đi) quá khứ, lầm lỗi, sự hối
hận, đau khổ họ có để tiếp tục sống phần đời của họ.
Chưa xem được phim Nhật nào mà không khoe thiên nhiên |
Kết phim,
Watari sống ở Hàn Quốc, có một con chó và lái chiếc xe cưng của Kafuku. Theo
cách mình dự diễn dịch, sau khi vở kịch thành công, Kafuku sẽ tiếp tục dự án kịch
thể nghiệm của mình tại một thành phố khác, không còn gặp lại Watari nữa. Theo
như lời kể thì xe của Watari bị hỏng tại Hiroshima nên cô gái buộc phải ở lại
đây, có lẽ Kafuku tặng lại Watari chiếc xe của ông cho cô như một món quà cảm
ơn/ kỷ niệm giữa hai người cũng như để cô có phương tiện để tiếp nối hành trình
của mình. Watari tiếp tục lên đường, nuôi chó, sống nốt cuộc sống của cô và biết
đâu đấy, hạnh phúc hơn. Nó trùng khớp với thông điệp ở cuối vở kịch Uncle Vanya và tựa đề phim, khi chiếc xe
là điểm tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Kafuku và Watari.
Kết phim có thể
tốt ở phần lý thuyết, thực tế thì nó khá mơ hồ và tương đối dở. Khi mình xem Drive My Car, phim được đặt trong bối cảnh
hiện đại nhưng mình cảm thấy như nó có thể xảy ra ở bất cứ thời đại nào, bởi khi
bộ phim tập trung xây dựng và miêu tả thế giới phức tạp của tâm lý con người, không
phải là thực tế cuộc sống hoặc phản ánh xã hội. Nó giống như một câu chuyện điện
ảnh riêng biệt, đặt trong lồng kính và ở một khía cảnh nào đó, có tính chất
“timeless” bởi cảm xúc của con người thì ở thời đại nào cũng phức tạp và phiền
toái như nhau cả. Bụp cái khẩu trang tè le, cái lồng kính xinh xắn kia vỡ tan,
phim thò tay liên hệ với Sars-CoV-2, cái thứ “timeless” kia vỡ vụn, cái khoảng
không gian điện ảnh mình dùng để trốn tránh thực tại kia không còn bởi đạo diễn
ôm đồm đòi phản ánh thực tế cuộc sống. Mình hụt hẫng và có chút khó chịu. Kể cả
việc chuyển tiếp tới cuộc sống sau đó của Watari mà không có sự giải thích rõ
ràng, cái sự bí ẩn, tự diễn dịch này chắc mấy thím đạo diễn thích lắm, chỉ là đặt
vô trong bối cảnh phim, đặt vô trong đại dịch, nó không được mượt cho lắm nên
khiến khán giả (là mình) hoang mang và bực dọc, bởi dừng ở khi vở kịch kết thúc
cũng đẹp rồi, nay còn thêm đoạn vĩ thanh, mà vĩ thanh cái gì mà không ai hiểu.
Diễn xuất của
diễn viên trong Drive My Car rất phập
phù, hoặc do mình không cảm nhận được, nó khiến mình không khuếch trương tối đa
xúc cảm khi xem. Ngoại trừ diễn viên nữ đóng Oto có phong độ ổn định, ba diễn
viên còn lại đều có lọt những cảnh quay có gương mặt vô cùng chán. Hoặc mình ngu
dốt, hoặc mình khó tính vớ vẩn, chỉ là cũng trong một cảnh quay đó, mới phút
trước mình còn trào dâng nỗi đồng cảm với nhân vật, phút sau cũng gương mặt đó
mà mình cảm thấy như nó lạnh tanh, nỗi đồng cảm của mình biến mất. Phút kế tiếp,
diễn viên lại đóng hay trở lại, mình cũng lại cảm động nhưng mức độ giảm đi ít
nhiều. Cứ như một cảnh quay được đóng trong ba ngày, ngày thứ 2 diễn viên bị
đau bụng vậy, cảm xúc nhân vật vì thế không tiếp nối, cả bộ phim vì thế không đạt
tới đỉnh cao tiềm năng của nó.
Ai mà biết, có
khi do chính khán giả là mình đau bụng nên mới cái độ cảm nhận của mình bị giật
và lỗi mạng? Cảnh quay nhân vật Watari nhìn ngôi nhà cũ đổ nát bị vùi trong tuyết
và kể về người bạn duy nhất của cô, mình cảm động ghê lắm, nó là phân đoạn hay ho
cuối cùng trong Drive My Car. Bởi nối
tiếp cảnh quay đó là màn nói đạo lý của Kafuku, mình tự hỏi “mình nên cảm động
trong cảnh này, nhỉ?” vì mình không hề cảm thấy bất cứ thứ gì cả, bất chấp diễn
viên như đang trút ruột trút gan ra. Cái thông điệp cao vời của phim trong mắt
mình vô cùng sến, và cũ rích, kể cả nỗi lòng của nhân vật cũng khiên cưỡng và
giả tạo, mình chẳng hiểu tại sao mình cảm thấy như vậy. Khi thiên hạ ca ngợi cảnh
cuối vở kịch, khi cô diễn viên dùng ngôn ngữ kí hiệu để diễn xuất (một phần
trong kịch thể nghiệm của Kafuku), mình thấy quá lâu và cường điệu. Sân khấu kịch
đương nhiên cường điệu, và mình cũng đoán đưa ngôn ngữ kí hiệu vào có dụng ý
nghệ thuật nào đó, nhưng khi mình xem nó, sự yên lặng diễn ra quá lâu khiến
mình không thoải mái, nhìn ông chú Vanya nhìn lên nhìn xuống vào đôi bàn tay của
Sonya khiến mình mắc cười. Nói thật nhé, chẳng lẽ chỉ vì nhân vật diễn viên
đóng Sonya bị điếc nên mình không được phép chê, chẳng lẽ vì kịch thể nghiệm muốn
phá bỏ rào cản ngôn ngữ là điều sáng tạo nên mình không được phàn nàn? Theo cảm
quan cá nhân, cảnh quay có tác động lớn hơn khi mình nghe được cảm xúc trong giọng
nói diễn viên và tập trung nhìn vào gương mặt nhân vật thay vì tay của họ. Có
thế thôi. Mình cũng chỉ tầm thường thế thôi. Mình không đủ khả năng để nhìn thấy
sự phá cách mà bộ phim/ vở kịch muốn truyền tải.
Tựu trung lại,
dẫu có đoạn kết thất vọng, Drive My Car
cũng vẫn là một phim đáng xem. Trong năm 2021 nham nhở của điện ảnh, mình cũng
vẫn không cho rằng Drive My Car xuất
sắc nhất. Nếu lỡ phim có thắng thêm giải này giải nọ, có được thiên hạ nức lòng
ca ngợi, mình cũng đành chịu. Có những thứ mình cảm thấy phim vô cùng xuất sắc,
có những chỗ lại nửa mùa, toan tính và không thành thật. Nhưng trên hết, nhiều
phân đoạn trong Drive My Car là nghệ
thuật, là tự sầu khổ, là sự lãng mạn bi lụy, là chạm vào trái tim, là gần như
hoàn hảo, đủ sức lấp liếm những khiếm khuyết còn lại. Có thể tổng thể bộ phim
chưa đủ phi thường nhưng nó vẫn đẹp đẽ, lạ lùng và sâu sắc. Vẫn là một tác phẩm
u buồn không phí công sức ngồi xem.
4. Drive My Car (sau khi đọc truyện gốc)
Trong quyển “Những người đàn ông không có đàn bà” có
hai truyện ngắn làm cái gốc cho bộ phim, đó là Drive My Car và Scheherazade.
Cái con người dốt nát của mình phải mất tới 10s để nhận ra là “Scheherazade” là
nàng Sê-hê-ra-dát trong truyện nghìn lẻ một đêm. Nói sao giờ, bất chấp sự lửng
lơ khó chịu, cái tính siêu thực trong tác phẩm của Murakami (ít hay nhiều) là
nét đặc trưng và hấp dẫn riêng của ông này, cũng là điểm mình vừa yêu vừa ghét
khi đọc truyện của ổng. Vậy nên đọc xong tập truyện ngắn nói trên, vì hai truyện
ngắn Drive My Car và Scheherazade là hai truyện có vẻ “đời
thường” nhất, mình không thực sự mê chúng cho lắm.
một phân đoạn không có trong nguyên tác nhưng cần thiết cho phim |
Phim hay hơn truyện, dẫu ở vài điểm truyện đỡ sến và thực tế hơn, mà mình đoán ngôn ngữ điện ảnh cần làm nhiều hơn (thêm mắm dặm muối) để khiến thiên hạ đỡ ngáp ngắn ngáp dài. Như đoạn mình khen khi kết nối lời thoại trong vở Uncle Vanya với cuộc sống của Kafuku, thủ pháp tuy cũ nhưng được xây dựng khéo léo và hợp lý, tạo chiều sâu cho nhân vật, cái đó phim làm tốt hơn truyện vô vàn. Vở kịch Uncle Vanya chỉ được thuật qua trong truyện ngắn như một bước đệm miêu tả cái nghề nghiệp diễn viên của Kafuku được ông này áp dụng thoải mái vào đời thực, và vì “sống ảo” dữ quá nên ông bỏ lỡ cái cơ hội được nhìn thật vào trái tim mình và trái tim của người vợ đã mất, từ đó lỡ làng tiếc nuối đủ thứ chuyện. Bộ phim khai thác sâu hơn về nội dung vở kịch, cách thức vở kịch phá bỏ rào cản ngôn ngữ, các diễn viên tham gia và câu chuyện của họ và nó có liên kết ít nhiều đến thông điệp bộ phim truyền tải. Đó là điểm hay của phim. Thậm chí đoạn Kafuku và Watari hút thuốc trong xe, nó cũng hay hơn trong truyện. Theo mình cảm nhận thì để Kafuku có thể đưa ra một quyết định đi ngược với những nguyên tắc của bản thân như vậy thì cần có một sự thúc đẩy mạnh về tâm lý. Việc Kafuku và Takatsuki đối mặt thật thà với nhau về mối quan hệ giữa họ và Oto chính là sự thúc đẩy cần thiết đó. Sự dồn đẩy tâm lý nhân vật rất mượt mà, có cao trào và gây ấn tượng nên cảnh quay hút thuốc có tác động lớn tới khán giả, điều mà trong truyện không tạo lập được. Nói sao giờ, dẫu các nhân vật đều muôn trùng đau thương, phong thái trong truyện khá dửng dưng và lãnh đạm, cái sự “bình thường hóa” này mà để nguyên lên phim thì nát bét. Kể cả cái kết của cô học sinh đột nhập vào nhà crush trong trong truyện Scheherazade đều khác quắc. Cá nhân mình thích cái kết trong truyện hơn. Nhưng để kết hợp hai câu chuyện ngắn không liên quan trong một kịch bản chung mà không sượng, biên kịch đương nhiên phải lắp ghép, phóng tác, chế biến nhiều và mình chấp nhận những điều đó (mặc dù cái kết ngã ngựa kia rất đáng tiếc).
Mình thực sự
không có gì nhiều để bàn thêm, bởi nói phim độc lập với tác phẩm gốc là không
đúng, nó không “một mình một ngựa” đến thế, nhưng phim có cái tâm thế khác biệt
so với hai truyện ngắn nói trên. Trong truyện là một khoảng đời của nhân vật được
họ thuật lại, suy ngẫm và chấp nhận nó. Các nhân vật vẫn đang cảm nhận nỗi đau,
sự trống rỗng mà họ đang sở hữu và mọi thứ vẫn đang tiếp diễn đúng như nó vốn
có. Nó giống như thì hiện tại tiếp diễn, và họ kể lại những gì đã và đang xảy
ra như một sự thật hiển nhiên, bình tĩnh, không phán xét. Còn trong phim, biên
kịch tạo một cái “closure” cho nhân vật với một thứ tạm gọi là cái kết. Câu
chuyện của Oto có thêm một đoạn nữa, Takatsuki trả giá cho hành động của mình,
Kafuku và Watari ngừng dằn vặt về quá khứ và hướng về “tương lai” và chiếc xe
được tiếp tục lăn bánh. Trong truyện, không có gì hứa hẹn rằng các nhân vật sẽ
dừng “buồn khổ” cả, họ vẫn sẽ sống tiếp cuộc sống của họ mà dường như không có
gì thay đổi. Trong phim, thông điệp chấp nhận quá khứ và sống tiếp phần đời còn
lại hiện lên rõ mồn một ở đoạn kết. Nó có thể không thật sự tươi sáng, nhưng nó
là thì tương lai, không còn là thì hiện tại tiếp diễn nữa. Đó là điểm khác biệt
nhất mình cảm thấy sau khi xem phim và đọc truyện.
Ít nhất thì mình cảm nhận thế. Bài viết thì mình nghĩ đến đây là đủ dài rồi. Nếu thực sự không có phim, có lẽ mình đã chẳng viết về sách. Mà nếu không có sách, cũng chẳng có phim hay bài viết này luôn. Phim thì cũng đã coi, sách cũng đã đọc, thời gian bỏ ra vẫn chất lượng hơn ngồi trượt điện thoại coi mấy thứ linh ta linh tinh. Bài viết đã xong nên tranh thủ phim chưa trượt/ thắng Oscar, mình cứ đăng lên cho nóng.
Nhận xét
Đăng nhận xét