Về Harvey (1950) và Arsenic and Old Lace (1944)

                     Cảnh báo nội dung: nói thiệt á, xem phim đi rồi hẵng xem review.

                                   Bài viết này dược viết vào cuối năm 2020.

Mình xem Arsenic and Old Lace đâu tầm thời điểm này năm ngoái (2019), phim cũng vui, chỉ là mình không thích đến mức để nhớ nhung nó sâu đậm. Mọi thứ trôi tuồn tuột vào dĩ vãng cho đến tháng trước (tháng 9/2020), khi mình xem Harvey. Mình đoán mình có lý do hiển nhiên để kết nối hai bộ phim với nhau, đó là Josephine Hull lại đóng vai một bà cô “mất trí” với thái độ và giọng điệu dễ thương đến phát bực đi được, nhưng mà đối với mình, cái thời điểm não mình ùa ra một câu khen “Ê, kịch bản phim khá quá!” ngay giữa cao điểm của hiểu lầm và bối rối, đó chính là lúc mình biết HarveyArsenic and Old Lace có thứ gọi là điểm chung.


Poster lừa tình

Arsenic and Old Lace là một câu chuyện không hề giản dị về một buổi tối xấu trời của anh trai Mortimer Brewster (Carey Grant). Là một nhà văn nổi tiếng với quan điểm bài xích hôn nhân, anh giai Mortimer chẳng may phải lòng cô bạn hàng xóm, đồng thời cũng là con gái một nhà truyền giáo (the girl next door, preacher’s daughter) và bị dụ cưới. Trong khi thiên hạ có cả tá bài hát và phim ảnh đề cập tới hai dạng gái này, Elaine, vợ-mới-cưới-chiều-nay của Mortimer, mang đủ phẩm chất tốt đẹp của cả hai dạng ở trên, đẹp gái, hiền lành, bảo gì nghe nấy và cực kỳ, cực kỳ nhu nhược, những đức tính hóa ra lại vô cùng có lợi cho những rắc rối đang chờ đợi anh giai Mortimer sau đó.

Trong lúc chờ đợi vợ xếp va li và trốn đi trăng mật, anh giai Mortimer vô tình phát giác ra hai bà cô thân yêu, người nuôi dưỡng anh từ bé đến lớn, hóa ra là hai kẻ giết người hàng loạt. Nạn nhân của họ là những người ông lão không gia đình, không nơi nương tựa vẫn thuê phòng của hai bà cô để tá túc vài hôm. Tầng hầm gia đình anh hóa ra là nơi phi tang xác của mười mấy nhân mạng, chưa kể hai bà cô còn giữ mũ của họ lại làm chiến lợi phẩm (thuật ngữ là trophy) cho hành động “từ thiện” của mình. Trong cái đêm định mệnh đó, anh giai Mortimer phải chật vật đối chọi với hai bà cô già sát thủ cùng với lọ Arsenic thuốc độc của họ để lung tung lang tang trên bàn. Tuy giết người như ngóe, hai bà cô lại thật thà đến mức cứ đinh ninh giết người là chuyện hiển nhiên không cần phải giấu giếm, nên cứ bô bô kể hết người này tới người kia. Chưa dừng ở đó, Mortimer phải quay cuồng đối phó với ông chú, người vẫn hoang tưởng mình là Teddy Roosevelt; một cái xác là nạn nhân của hai bà cô còn đang nằm vất vưởng trong cái rương giữa phòng khách; một gã anh họ là tay kẻ giết người hàng loạt khét tiếng vừa trốn tù; một cái xác chưa phi tang trong cốp xe của gã anh họ cùng tòng phạm của hắn là một tay bác sĩ nghiện rượu. Như thể chống trả với đám gia quyến khùng điên nhà mình chưa đủ khổ, anh giai Mortimer còn phải liên tục chạy tới chạy lui để an ủi cô vợ Elaine đáng thương suốt buổi đã bị anh hứa lèo và đuổi đi, đồng thời anh còn tiếp tục hành hạ một người lái taxi có lòng kiên nhẫn vĩ đại nhất thế giới, gợi ý cho mấy người cảnh sát yếu kém về nghiệp vụ biết về những gì đang diễn ra và không diễn ra trong khi vật lộn với sự sợ hãi của chính mình về dòng máu tâm thần đang chảy trong huyết quản. Đó, gánh nặng của anh giai Mortimer chỉ có thế.

 

poster này đúng trọng tâm nè

Nội dung của Harvey thì có phần nhẹ nhõm hơn. Chú trai bốn chục tuổi Elwood P. Dowd (James Stewart) có một người bạn tưởng tượng là một con thỏ bự cao mét chín tên là Harvey. Chú trai ở nhà nói chuyện với thỏ, ra đường nói chuyện với thỏ, đi ra quán bar cũng mua rượu cho thỏ… Tình bạn keo sơn này khiến chú nổi tiếng khắp vùng là bị dở người, khiến người chị Veta và cô cháu gái Myrtle ghét cay ghét đắng nhưng không thể làm gì được. Veta muốn có một cuộc sống bình thường với bạn bè và mấy bữa tiệc xã giao rởm đời của bả còn Myrtle muốn kiếm một tấm chồng trước khi bị gọi là gái già. Trong xã hội “lắm chuyện” ngày ấy, việc có một ông em/ ông cậu kém minh mẫn đánh bạn với một con thỏ khổng lồ khiến cho những việc tầm thường kể trên không thể thành hiện thực??? Khi không thể chịu đựng nổi nữa, Veta dắt cậu em tới trại điên, cuối cùng cũng để thừa nhận là Harvey vốn chẳng phải là một con thỏ tàng hình/ tưởng tượng gì sất, Harvey là một pooka, một sinh vật thần thoại nổi tiếng với việc hay quấy phá và chọc ghẹo người khác. Trong khi Elwood cứ thoải mái tận hưởng thời gian của mình trên màn ảnh rộng, những con người xung quanh anh, bà chị, cô cháu, ông viện trưởng, tay bác sĩ, cô y tá, nhân viên trại điên chạy một vòng tròn đuổi bắt xung quanh sự tồn tại của Harvey, giữa đâu là bệnh tâm thần, đâu là phép màu, đâu là sự thật, đâu là trò nghịch ngợm và đâu là hạnh phúc đích thực.

 

Nếu muốn thực sự tận hưởng HarveyArsenic and Old Lace, mình hy vọng những ai đọc bài review này đều đã xem phim hết rồi, hoặc giống như mình, có cái sự may mắn là xem phim mà hoàn toàn không biết một chút gì về nội dung phim. Bởi cái cội nguồn định nghĩa nên sự xuất sắc và tiếng cười trong hai tác phẩm kinh điển này chính là sự bất ngờ. Mình đã hoàn toàn bất ngờ khi Mortimer nhìn thấy một cái xác trong hòm và không thể nín được tiếng cười khi hai bà cô nức tiếng xóm làng là hiền lành, tốt bụng của anh thừa nhận mình vừa giết người như một chuyện đương nhiên, như khát thì uống nước, mắc tè thì đi tè vậy. Sự hồn nhiên của hai bà cô trong một chi tiết động trời hoàn toàn đảo lộn nội dung tác phẩm và mọi thứ mình đoán định cho bộ phim, nó thực sự là không thể ngờ tới, hay và dễ chịu đến không thể chấp nhận được. Nó thực sự rất, rất, rất là mắc cười, và tiếng cười bật ra không phải vì một câu thoại hài hước hay phong cách slapstick động chân động tay hoặc dùng biểu cảm gương mặt để gây cười, nó đến từ sự đối lập tréo ngheo đến tức tưởi khi anh giai Mortimer, hiện thân của một con người bình thường được đặt trong một tình huống bất thường, nơi mọi người xung quanh anh đều dị thường từ trí não đến hình dáng. Và vấn đề to tát nhất là họ không ý thức được những điều họ làm là khác thường, cộng với số lượng đông áp đảo nên những lo lắng và hoảng loạn chính đáng của anh giai Mortimer tự dưng trở thành thiểu số, mới là bất bình thường. Trong mắt họ, anh giai Mortimer mới là đứa dở hơi nhiễu sự cơ. Mình xem Mortimer, con người đáng thương đang xoay vòng vòng để giải quyết ổn thỏa cái đống bùi nhùi mà cuộc đời nhét anh vào, khi mà càng cố gắng thì mọi chuyện càng trở nên rối rắm, bung bét, vượt tầm kiểm soát. Chính việc mỗi nhân vật tuân thủ theo logic trong đặc điểm tính cách của họ để giải quyết “công chuyện” của mình và chúng giao thoa, ảnh hưởng đến nhau, tạo nên những tình huống bất ngờ, ngã ngữa rồi từ đó bật lên tiếng cười duyên dáng, đó mới chính là cái hài hước của bộ phim.

Harvey cũng có cái hài hước dễ thương đó trong câu chuyện. Tiếng cười trong Harvey là một sự cài cắm khôn ngoan ngay từ đâu khi bộ phim xác lập/ mặc định là Elwood là một thằng chả dở người. Cái cung cách Elwood nói chuyện với con thỏ tàng hình, vẻ mặt của những người xung quanh khi ông chú giới thiệu bạn ổng cho thiên hạ như đúng rồi, cái sự phiền lòng của Veta về thằng em và con thỏ tàng hình, tất cả chỉ nhằm thể hiện một điều, Elwood bị khùng. Ấy vậy trong phân cảnh đối thoại với bác sĩ, khi Veta hồn nhiên kể về việc chính mình cũng thấy Harvey vài lần, chỉ là bà này không có ưa con thỏ và mong các bác sĩ “đuổi” nó đi, tiếng cười được bật ra.

Tiếng cười của Harvey tương tự như cách các khi các các nghệ sĩ hài độc thoại kể một câu chuyện cười của họ. Thông thường họ dành thời gian để xây dựng một không gian (set up) với nhân vật, thời gian, hoàn cảnh liên quan đến câu chuyện cười đó. Họ sử dụng khả năng dẫn chuyện của mình để kiến thiết, tạo nên một ngữ cảnh khiến mọi khán giả dồn mọi sự tập trung theo dõi cái ngữ cảnh và câu chuyện đó cho đến khi nghệ sĩ hài tung ra câu cuối cùng, một cú “punchline” kết nối mọi thứ từ đầu, tạo ra một tiếng cười quyết định. Cả hai yếu tố set up hay punchline đều quan trọng như nhau trong một câu chuyện cười bởi nếu chỉ một trong hai yếu tố kể trên không được chắc chắn, mọi thứ sẽ đổ vỡ, kém duyên. Đó là mình còn chưa tính tới các yếu tố khác như cung cách xây dựng set up sao cho cái punchline không quá dễ đoán nhưng cũng không được quá lan man khiến khán giả bị xao lãng, cách canh thời gian để tạo ra tiếng cười hiệu quả nhất (comedic timing) cũng như cái cách truyền đạt “punchline” sao mà bất ngờ, dí dỏm nhất…. Ở nhiều khía cạnh, sự thật là để tạo nên một bộ phim hài kịch thông minh không cần dựa vào những câu đùa tục tĩu hoặc rẻ tiền, một bộ phim mà tiếng cười không hời hợt, không nặng nề mà vẫn hấp dẫn, khôn ngoan như Harvey thực sự là rất khó. Khó hơn bi kịch rất nhiều.

Trở lại bộ phim, Harvey xây dựng một set up hoàn hảo với việc cả thế giới đều tỉnh còn ông chú Elwood với thằng bạn thân Harvey mới là mơ. Việc Harvey không xuất hiện “hữu hình”, cộng với việc khán giả đều là người bình thường chưa có ai là bạn với một con pooka bao giờ khiến tất cả mọi người đều đồng tình là Harvey là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Khi Veta thừa nhận là đã từng nhìn thấy Harvey như một sự thật hiển nhiên, đó chính là cú punchline hoàn hảo trong một câu đùa được xây dựng vô cùng cầu kỳ và hiệu quả bất ngờ. Bây giờ khán giả bắt đầu phân vân giữa việc Harvey thực sự tồn tại hay Veta cũng điên giống ông em trai? Cho dù nó là “phương án” nào thì nó cũng trật ra ngoài dự liệu của người xem, cũng giống như bao nhiêu chi tiết khác trật ngoài những gì mình suy đoán, từ đó đem lại một tiếng cười dễ chịu cho bộ phim. Ví dụ như khi vị bác sĩ trẻ “Freud” ông chú Elwood và cho rằng Harvey là kết quả từ một chấn động tâm lý, một mất mát trong cuộc sống của ông nhưng thất bại. Việc áp dụng tâm lý học và một motif thông thường trong phim ảnh khi cho rằng cái tên Harvey có xuất phát từ một phần trải nghiệm và ký ức của “người bệnh” trở thành một cú hồi mã thương chí mạng cho anh bác sĩ tự tin, khiến khán giả bật cười thích thú. Tiếng cười cũng đến từ việc sự tồn tại của con thỏ tàng hình Harvey được mặc định như một việc không thể, hay việc mọi người cứ ngó lơ Elwood như một người bình thường mà cứ coi anh như một kẻ ngốc và cứ ngắt lời anh này ở những đoạn quan trọng, dẫn tới vô vàn hiểu lầm sau đó. Sự hiểu nhầm ý nhau trong những cuộc đối thoại cũng được xây dựng rất thông minh và tuy rằng nó không thực sự tự nhiên, nó gây cười và chỉ cần gây cười là đủ.

HarveyArsenic and Old Lace có khá nhiều điểm tương đồng. Vai nam chính do diễn viên siêu tên tuổi đóng, phim đen trắng và tiếng cười sang chảnh của một kịch bản thông minh được dựa trên những vở kịch nổi tiếng. Đáng lẽ mình phải đoán được Arsenic and Old Lace có xuất phát điểm từ một vở kịch rồi mới phải, bởi lẽ cái cung cách nó tập trung mẫu thuẫn, thắt nút, mở nút đều tập trung ở một không gian nhất định (cái nhà/ hiện trường án mạng/ nơi thủ tiêu xác nạn nhân của hai bà cô). Đặc biệt Josephine Hull đóng cả trong cả hai vở kịch/ phim ở trên với một thần thái và giọng điệu không lẫn vào đâu được. Với vai diễn là một trong hai bà cô sát nhân trong Arsenic and Old Lace và vai cô chị Veta trong Harvey, Josephine Hull có cái giọng điệu của một bà cô sồn sồn hiền lành, phiền phức và ngây thơ đến phát bực. Cái hay của nữ diễn viên là cái sự “đương nhiên” khi đưa thoại, khi bật ra những câu nói động trời khiến khán giả ngã ngữa ra nhưng bà này thì lại có thái độ “Ủa vậy thôi chứ có gì đâu?”. Trong Harvey, thái độ của bà chị đối với con thỏ bạn thân của thằng em là ghét bỏ nhưng Veta vừa tin lại vừa không tin Harvey có thực sự tồn tại. Bởi nếu bản thân bà cũng từng nhìn thấy Harvey, tại sao lại phải đi chữa chạy bệnh hoang tưởng Elwood? Và phân đoạn cuối cùng khi người phụ nữ bỏ qua mong muốn của bản thân, chấp nhận con thỏ để giữ lại thằng em trai vui vẻ, hiền từ và ngô ngố của mình đúng như những gì bà yêu quý, bản thân mình thấy nó cũng hay ho. Diễn xuất của Josephine Hull đem lại cho bà giải Oscar cho vai Veta, mình không biết như thế có xứng đáng, bởi bản thân mình thấy nó còn hơi cường điệu và kịch tính quá mức. Mà biết sao giờ, phim ở giai đoạn đó đều có cái biểu cảm hơi “lố” vậy, huống chi đây là là phim hài.

Cái này cũng là "Loạn" (Ran) nè đạo diễn Kurosawa ơi

 

Cá nhân mình thích Harvey hơn Arsenic and Old Lace. Arsenic and Old Lace có nhiều tình huống thú vị hơn khi nó tiếp tục nâng tầm quá khứ điên khùng của gia đình Brewster lên tầm cao mới bằng cách giới thiệu thêm nhân vật, thêm khúc mắc, thêm cao trào, thêm cả mớ rắc rối mà anh giai Mortimer phải lãnh đủ. Xem Arsenic and Old Lace, khán giả sẽ có những giây phút hoàn toàn thư giãn và không hề nhàm chán, bởi cục nợ rắc rối xung quanh Mortimer cứ xoay vòng, chuyển dời và biến thiên trong chớp mắt, thế nên bộ phim vô cùng hấp dẫn. Harvey không có được cái sự hấp dẫn này nhưng nếu xét về chiều sâu, Harvey ăn đứt Arsenic and Old Lace, một phim thuần giải trí.

Nếu thực sự cố gắng làm màu và giỏi bịa “thông điệp” cho thơ văn, Arsenic and Old Lace là một bộ phim kể về một hành trình của một người bình thường cố gắng giải mã sự rắc rối của cuộc sống điên loạn và đảo ngược, điều mà mọi con người chúng ta đều đang làm hằng ngày. Nhưng nó chỉ có thế. Harvey thì khác, bộ phim có những khoảng trầm cần thiết để bộc lộ những thứ nó gửi gắm và muốn truyền tải. Chiều sâu của Harvey đương nhiên đến từ nhân vật chính, Elwood P. Dowd. Được giới thiệu như một thằng dở người, Elwood xuất hiện rất khác thường. Không nói về con thỏ, sự khác biệt của Elwood là anh ta quá niềm nở, quá thân thiện với thiên hạ. Mình không rõ ở những năm 50 thế kỷ trước người ta có cởi mở như thế đối với nhau không nhưng khi mình thấy Elwood sẵn sàng bắt chuyện với người lạ, mời họ một ly tại quán còn chưa đủ mà còn phải mời về tận nhà ăn cơm chung mới chịu. Elwood thân thiện thái quá với mọi người, một kiểu thực sự muốn làm thân với họ chứ không phải chỉ là giới thiệu xã giao. Nhìn cách anh ta tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào người đối diện, thực sự ghi nhớ tên tuổi, quá khứ và dự định của họ, sẵn sàng đưa ra một lời khen trên mây một cách dễ dàng cho một người không quen, không toan tính, không suy nghĩ. Việc Elwood quá thân thiện nên dễ dàng bị lợi dụng nhưng không hề mảy may quan tâm, ông chú giống như một kẻ khờ khạo vậy. Mình đã nghĩ Elwood là một tên tốt bụng ngốc nghếch, thế nên con pooka mới chọn ổng để đánh bạn.

cuộc sống "hoa bướm" đáng ngưỡng mộ
của ông chú và thằng bạn thỏ

Mình lầm to, Elwood không ngốc. Elwood P. Dowd có thể là một con người khác biệt, một con người có thể nhìn xuyên qua vẻ bề ngoài, thân phận, quá khứ của bất cứ cá nhân nào để nhìn thấy sự tốt đẹp của họ. Một con người chấp nhận mọi sự bất thường của cuộc sống với một thái độ trân trọng và hòa nhã nhất có thể, một con người đặc biệt tới mức khi nhìn thấy một con thỏ khổng lồ bắt chuyện với mình thì cũng tới chào hỏi làm quen như đúng rồi. Một con người nhẹ nhàng, rộng lượng, yêu thương và cho dù chỉ sống hoài ở quê, Elwood đã và đang sống một cuộc đời trọn vẹn, bao dung nhất có thể.

 

Thái độ sống của Elwood được thể hiện rõ ràng nhất qua các câu thoại “In this world, you must be oh so smart, or oh so pleasant. Well, for years I was smart. I recommend pleasant” và “I always have a wonderful time, wherever I am, whomever I’m with”. Cái sự ngốc nghếch của Elwood, nó đơn giản là ông lướt qua mọi sự tiêu cực của cuộc sống, đơn giản hóa thế gian bằng niềm vui, tình bạn và tận hưởng mọi thứ đẹp đẽ ông ngẫu nhiên bắt gặp trên con đường mình đi. Nghe ra thì khùng bỏ xừ, tự dưng tới trại điên thấy hoa đẹp dừng lại hái, thấy gái đẹp dừng lại khen, thấy gái thích người khác thì lẹ làng tác hợp cho cổ,… Để có thể thực sự sống buông bỏ để hạnh phúc như Elwood, nghe thì đơn giản nhưng nó rất, rất, rất khó để thực hiện trong cuộc sống. Đặc biệt là khi đám người bình thường chúng mình phải đi làm kiếm cơm chứ đâu có được một khoản thừa kế kếch xù như ông chú Elwood để suốt ngày la cà quán rượu với thằng thỏ bạn thân đâu. Mình thực sự rất thích Harvey và nhân vật Elwood P. Dowd. Mình chẳng rõ nữa, có lẽ do mình sống u ám lâu ngày quá nên nhìn một người như Elwood cảm thấy vô cùng dễ chịu và cũng mong muốn học hỏi phong cách sống, thái độ làm đứa dở hơi của ảnh?

 

Nói túm lại, HarveyArsenic and Old Lace là một trong nhưng phim hài xuất sắc nhất mà mình từng xem. Phim hài kịch hiện nay thường dựa nhiều vào tài năng của diễn viên và những câu thoại ngắn (one-liner) gây cười, và trong nhiều trường hợp, nó không hời hợt thì vô cùng khả ố. HarveyArsenic and Old Lace có một nụ cười tương đối sang chảnh được tạo dựng bởi kịch bản thông minh cùng cái màu phim đen trắng kinh điển và kinh diễm. Phong cách hài hước tinh quái, không suồng sã, không cố gắng truyền tải thông điệp xã hội một cách gượng ép chính là cách mà nụ cười trong HarveyArsenic and Old Lace trường tồn đến tận 60 năm sau và 60 năm sau nữa, bởi cái nào tốt thì sẽ vượt qua thời đại, vượt qua thế hệ để tiếp tục sống dai và khẳng định vị thế của mình hoài. Mình cũng mong nhiều khán giả biết đến cả hai phim nhiều hơn, để có thể trải nghiệm cái niềm vui và sự thích thú mình từng trải qua, để biết rằng hài kịch không cần phải thật to mồm và quát nạt ầm ĩ trên tivi, càng không cần õng ẹo giả gái, không cần gào rú về chỗ kín của nhau để nói về nữ quyền, tình dục hay bôi tro trát trấu phe chính trị đối lập. Có nhiều cách để cười, và nếu có thể, cười sang chút.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)