Về Dersu Uzala (1975) – Một phim nữa của Akira Kurosawa

 <<<<<<<Spoiler Alert>>>>>>

Mình có một đứa bạn, một ngày nọ nó khăng khăng ép mình hứa là trước khi chết nhất định phải xem Dersu Uzala. Mình thì chẳng biết khi nào mình chết, nhỡ ngày mai chết luôn thì sao, thế thì không được xem bộ phim mà bạn bảo là “the best of Kurosawa” này mất rồi. Bản thân mình có tính lề mề, hay dây dưa, thế nên một tháng sau lời dặn dò tha thiết của bạn, mình mới xem nó. Và hai năm sau, mình mới đăng bài viết này lên đây. Người như mình chắc quăng vô rừng chắc sống được ba tiếng đồng hồ.


Đôi bạn vai chính

Cốt truyện của Dersu Uzala thực sự không có gì đáng để tóm tắt. Được dựa trên quyển sách cùng tên của Vladimir Arseniev kể về câu chuyện có thật của chính ông và người bạn Dersu. Phải đó, Dersu Uzala là người thật việc thật, trên wiki có hẳn hoi một tấm hình của ông này, nhìn nhỏ bé và bình thường lắm, chẳng giống như mình tưởng tượng về một bác thợ săn lão luyện giữa thâm sơn cùng cốc chút nào. Giữa thiên nhiên Siberia hùng tráng, kỳ bí, hoang dã, nguy hiểm và chết chóc, là ông cụ Dersu đơn độc sống và tồn tại với trái đất từ cái thuở nhà ma nào rồi. Và vượt lên trên mọi rào cản về dân tộc, địa vị và khoảng cách là tình bạn vong niên sâu sắc của cụ với Arseniev, một chú đội trưởng được nhà nước cử tới cái xứ khỉ ho cò gáy này để thám hiểm.

Thực sự là chỉ có thế. Bộ phim chính trực như chính tính cách của Dersu: thẳng thắn, không rào đón, không lừa gạt, không âm mưu, không có bất cứ kỹ thuật dựng phim, biên kịch hay bất cứ thứ gì màu mè các nhà làm phim ngày nay vẫn sử dụng được áp dụng trong Dersu Uzala cả. Có một cái gì đó rất thực thà trong bộ phim khiến mình rất thích, cứ tự do, trung hậu và thẳng tuột nhưng cảm xúc người xem cứ lên xuống bất cần và khó chiều như khí hậu cái vùng hoang sơ xứ Nga đó.

Tại mình giỏi thật chứ không phải mình khoe mẽ đâu
Thậm chí đến nhân vật chính, lão Dersu Uzala cũng có tính cách khá đơn giản và một chiều. Ông cụ từng có một gia đình, vợ con đề huề. Dịch bệnh đến và cướp tất cả bọn họ đi, cụ chỉ còn có một mình nay đây mai đó trong rừng. Ông cụ sống và tồn tại dựa vào thiên nhiên, không nhà, không tiền, không chịu ràng buộc bởi bất cứ giá trị nào trong cái xã hội mà con người tự nhận là văn minh. Mặc dù là một thợ săn tài giỏi và rành rẽ mọi thứ trong cánh rừng chết chóc ở Siberia, Dersu vẫn hết mực tôn trọng, sợ hãi, trân quý tự nhiên như một lẽ đương nhiên của tạo hóa. Nhìn cách Dersu tự tin dẫn lối đoàn thám hiểm của Arseniev, sự nhanh trí của Dersu khi bị lạc giữa cao nguyên và khi bị mắc kẹt giữa dòng nước xiết, nó cho thấy một con người thông tuệ, dũng cảm, quyết đoán và thấu hiểu tự nhiên, những phẩm chất được mài giũa giữa lằn ranh sống và chết trong thế giới hoang dã khốc liệt. Tuy cuộc sống có bất hạnh và khắc nghiệt, Dersu không hề vô cảm và ích kỷ, ông cụ mở trái tim lớn của mình ra và giúp đỡ mọi người khi có thể. Ông tự nguyện giúp đỡ đoàn thám hiểm của Arseniev mà không cần đòi hỏi công cán gì, sửa lại nhà và để lại thức ăn, vật dụng thiết yếu cho những người tới sau (không ai biết là ai), không bắn giết động vật nếu không đói bụng, xả thân cứu mạng Arseniev hết lần này tới lần khác….

 

Có lẽ vì dựa trên con người có thật nên tính cách nhân vật Dersu Uzala cho dù có đáng được ca ngợi nhưng nó thực sự không mới mẻ. Đặc biệt chi tiết ở cuối phim, khi Dersu nhận thấy mình đã già và không đủ khả năng sống trong rừng nên đã chuyển tới sống với gia đình Arseniev ở thành phố. Từ hồi nào đến giờ sống trong rừng đã quen, giờ về phố lão thợ săn chịu đếch nổi. Nói như Dersu “How can man live in a box?”, một câu hỏi tưởng như ngây ngô của ông lão rừng rú hóa lại mang tính “triết học” cao siêu đánh vô cả một xã hội phức tạp và kém tự do của con người. Tình tiết này làm mình nhớ tới truyện Heidi (1881), một tác phẩm mà được làm thành cả tá phim điện ảnh và truyền hình. Cô bé mồ côi Heidi sống vui vẻ với ông mình trên vùng núi cao hoang dã trước khi chuyển về thành phố sống và được thuê để làm bạn với cô bé nhà giàu Clara. Heidi cũng không thể thích nghi với cuộc sống tiện nghi nhưng “chật chội” trong căn biệt thự xa hoa, em nhớ cuộc sống cũ tới mức mộng du, suy sụp. Cuối cùng Heidi được trở về đoàn tụ với ông trong ngôi nhà nhỏ giữa những ngọn núi cao và mấy chú dê, nơi mà em thuộc về.

Cũng như Heidi, Dersu Uzala cuối cùng cũng chọn trở về với “những ngọn đồi”, cuộc sống nơi ông thuộc về, bất chấp sự thật là ông biết mình đã già và không thể sống sót trong rừng, bất chấp thần rừng sẽ lại gửi một con hổ khác tới lấy mạng ông. Quyết định này là một điều đã được đoán định trước và dường như là một con đường duy nhất, ai xem phim cũng đoán được. Chỉ có một điều mỉa mai và cay đắng cho một cá nhân kiệt xuất và tốt đẹp như Dersu là không phải tự nhiên khắc nghiệt kết thúc cuộc đời của ông, mà chính con người mới làm điều đó. Mình đã mong đợi một con người sống và gắn bó cả đời mình trong rừng như Dersu sẽ được chết trong rừng, tự nhiên trở về với tự nhiên, cát bụi trở về với cát bụi. Nhưng cuối cùng ông cụ mất mạng trong tay một kẻ xấu, và nguyên nhân lại đến từ tình nghĩa bạn bè sâu đậm của cụ với Arseniev. Mình cảm thấy vô cùng chua chát và bất công cho một kiếp người, mặc dù chính số kiếp của Dersu người thật cũng kết thúc như vậy.

Khi mình xem Dersu Uzala, mình không thể không liên tưởng tới nhân vật Antonia trong Lão Già Mê Đọc Truyện Tình (The Old Man Who Read Love Novels) của Luis Sepulveda. Sự tương đồng của hai nhân vật là điều không thể bàn cãi, đặc biệt khi họ được đặt giữa tự nhiên kiêu hãnh và hùng tráng, khi họ dấn thân vào một cuộc đấu tranh với thiên nhiên để sống sót, khi họ bỏ mặc thế giới bên ngoài và hòa lẫn cái bản ngã cá nhân vào những cánh rừng kỳ bí với sự cẩn trọng, yêu thương và sùng bái vô hạn, và trên hết, là một tâm hồn cô đơn, đẹp đẽ, phóng khoáng và khoan dung.

Tình bạn giữa Dersu Uzala và Vladimir Arseniev cũng thường được thiên hạ đề cao trong phim, bản thân mình không thấy có gì quá đặc biệt. Bản thân nhân vật Arseniev cũng không thể nói là một nhân vật có gì đáng để bàn luận. Dĩ nhiên ông này là một người tốt, tình bạn của ông và Dersu được trải qua bởi hoạn nạn và chia sẻ hiểm nguy với nhau, và khi Dersu cần giúp đỡ thì Arseniev cũng sẵn sàng giúp đỡ hết lòng chứ không phải chỉ nói cho sướng miệng. Nhưng cũng giống như nhân vật Dersu Uzala, tình bạn này có sâu sắc cỡ nào cũng không đủ hay ho để mình bàn luận tiếp.

 

Thằng bạn mình có thể xem nhiều phim nghệ thuật, nhưng mà nó chắc chưa xem nhiều phim Nga, đặc biệt là những phim Nga thời Xô viết. Mình thì lúc nhỏ cũng từng xem kha khá, tuy không thực sự nhớ và yêu thích bất cứ một bộ phim nào nhưng nó cũng đọng lại trong đầu mình một số ký ức và ấn tượng nhất định. Đối với bạn, cái tông màu, cái không khí, cung cách của phim có thể khiến bạn thấy mới lạ và độc đáo. Đối với mình, bộ phim phảng phất của kiểu dáng, form chuẩn của một phim Nga thời kỳ đó, hoàn toàn không phải thứ mình mới xem lần đầu. Điều này có thể đến từ mẫu máy quay phim, chất lượng phim và cái cách lưu trữ những thước phim đó theo thời gian khiến bộ phim có “độ cũ” nhất định khác biệt so với những phim Hollywood cùng thập niên và giống những phim cách mạng Nga khác mình từng xem. Ở Dersu Uzala, mình có một cảm giác hoài niệm, cổ xưa và thân thuộc đến kỳ quặc, một cảm giác giống ngày xưa ngồi trước cái tivi nhỏ và xem mọi thể loại phim mà tivi chiếu, bất chấp nội dung nó thế nào.

một cảnh quay thường thấy của Kurosawa: ai cũng có mặt
 nhưng chính phụ được phân biệt rất rõ ràng

 Nhưng khi mình xem phim, nhìn những góc quay dài, cẩn trọng, khác lạ và được toan tính kỹ lưỡng đó, nó không phải phim Nga mình vẫn nhớ về. Chúng làm mình nhớ tới Rashomon, tới Seven Samurai, tới chính Akira Kurosawa. Hóa ra ông chú đạo diễn này có phong cách riêng như giới làm nghề vẫn ca tụng, một phong cách không cần màu mè, phô trương như Wes Anderson nhưng đủ tiếng vọng cần thiết để một người điếc như mình có thể nghe thấy.

Dersu Uzala vẫn được coi là màn trở lại ngoạn mục của đạo diễn Kurosawa, điều làm mình vô cùng ngạc nhiên. Sau khi đã chứng tỏ được vị thế và tài năng của mình sau hàng loạt tác phẩm xuất sắc, giành được bao nhiêu giải thưởng và được đồng nghiệp quốc tế vọng trọng, Kurosawa vẫn bị hắt hủi ở quê nhà Nhật Bản và chỉ cần sai đường với 1, 2 phim không đầu không đũa, dư luận ngay lập tức cho rằng sự nghiệp của Kurosawa đã chấm hết. Ủa chứ sự nghiệp đồ sộ và tài năng của một cá nhân dễ bị đạp đổ chỉ bởi một vài sai lầm thôi à? Mà sai lầm gì đâu, Kurosawa chọn phát triển sự nghiệp của mình ở bên ngoài Nhật Bản nhưng cung cách làm phim của ông không phù hợp với nền công nghiệp điện ảnh phương Tây, những dự án của ông hoặc lâm vào bế tắc hoặc không được đánh giá tích cực. Nó chỉ đơn giản là một bước thử nghiệm không thành công, bởi làm người không thể chỉ có thắng và thắng hoài, còn phải thua liên tục, thua mất mặt, thua lầm lũi, thua tan tành để rồi còn có thể tiếp tục mà thắng chứ. Nhưng dư luận thoải mái dìm Kurosawa xuống bùn. Vị đạo diễn tự dằn vặt mình đến mức trầm cảm, thậm chí tự tử bởi chính những áp lực đó. Mình cảm thấy thế giới thật quá quắt. Người tệ hại như Roman Polanski thì sau khi phạm pháp vẫn tiếp tục được ca tụng và hành nghề, còn người sống chết với công việc như Akira Kurosawa thì bị dồn lên dồn xuống cho đến khi phát điên lên thì mới chịu.

Khi Liên Xô chìa cánh tay xuống với một lời đề nghị chân thành và chấp nhận Akira Kurosawa như Akira Kurosawa, không ai có thể nghĩ sự hợp tác này có thể đem lại bất cứ thứ gì ra hồn, chứ đừng nói là một giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Kurosawa, vị đạo diễn mà thiên hạ tưởng mà đã về hưu non, đã có một màn trở lại ngoạn mục. Mình phát bực lên được, sao điều này lại là bất ngờ? Ngọc có bị mẻ một tí thì vẫn là ngọc. Đâu đó trong cái gương mặt sầu thảm kia vẫn là Akira Kurosawa, vẫn là một đạo diễn tài năng có tầm ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử điện ảnh, thiên hạ bất ngờ cái mẹ gì?

Đến cuối cùng sự nghiệp của mình, Dersu Uzula vẫn là phim không nói tiếng Nhật duy nhất của Kurosawa. Nói chứ quay phim ở Siberia vài tháng như thế thì còn đâu ra sức khỏe với ham muốn làm phim chỗ này chỗ nọ nữa. Nếu mà trong thời đại ngày nay, chẳng ai dại mà bò ra cái vùng cao nguyên lạnh lẽo nước Nga chó ăn đá gà ăn sỏi đó để quay phim hết. Người ta có thể ra tới nơi, quay vài đại cảnh quan trọng, về thêm thắt CGI cho nó hoành tráng ngoài mức cần thiết, sau đó chỉnh sửa vài khung hình là đâu lại vào đấy, như thật như đời ngay. Bản thân mình lúc chưa xem phim cũng nghĩ, tội tình gì mà bò ra đó quay phim, bộ muốn sống muốn chết với cái tư duy “hy sinh vì nghệ thuật” đó theo nghĩa đen luôn à?

Nghệ thuật "sắp đặt"

Sự thật là các cảnh quay trong Dersu Uzala không hoành tráng như mình hy vọng, đặc biệt là sau khi nghe thằng bạn quảng cáo về việc người ta ra tận Siberia quay phim. Sự hạn chế này có lẽ đến tự việc Siberia quá hoang dã và khó vận chuyển thiết bị quay phim, hoặc do trình độ kỹ thuật thời điểm đó chỉ có thế. Những cảnh quay bao quát núi rừng thì cũng chỉ quay từ trên cao xuống, không thực sự diễn tả hết sự thâm sâu khó lường của đại ngàn, điều mà kỹ thuật flycam ngày nay hoàn toàn có thể khắc phục được. Tuy vậy, việc quay phim ngoài thực địa khiến bộ phim có một sự chân thực nhất định, đặc biệt là đối với nhiều cảnh quay mình nhìn thấy sự nỗ lực và cố gắng của cả một ekip lẫn diễn viên, bởi vì tự nhiên nhìn đáng sợ bỏ xừ ra và để hoàn thành chúng thực sự là điều không hề dễ dàng.

Phim của Kurosawa có rất nhiều cảnh quay dài và khác biệt, đó là điều mình còn nhớ khi xem Rashomon. Trong Dersu Uzala mình cũng tự cho rằng mình thấy cái đặc trưng này. Cảnh quay khi Dersu bước ra ngoài căn nhà gỗ và bắt đầu sửa sang lại nó trong khi những anh lính trong nhóm của Arseniev tụm năm tụm ba nhìn ông tò mò và chính Arseniev cũng ngoái lại ngạc nhiên, nó thực sự là một cảnh quay rất dài, không thoại nhưng lại rất sinh động và không hề nhàm chán chút nào. Cảnh quay này làm mình nhớ tới cảnh quay cuối trong The Third Man (1949), khi nam chính đứng chờ nữ chính tiến lại phía mình nhưng nữ chính cứ làm lơ đi thẳng. Đó đều là những cảnh quay rất dài, máy quay đứng yên và chỉ có nhân vật là chuyển động. Một cảnh quay chỉ có một nữ chính đi từ đầu đường đến cuối đường với tốc độ ổn định, gương mặt không biểu lộ gì nhiều trong một mùa thu xứ Vienna cây trụi lá, mình chẳng biết nữa, nó hấp dẫn đến ma mị, bởi mình dường như không thể rời mắt khỏi bộ phim, cho dù cảnh quay chỉ có thế. Cảnh quay dài này của Dersu Uzala không có sự “ma mị” này như của The Third Man nhưng nó có sự hấp dẫn nhất định trong từng cử chỉ nhỏ bé của tất cả các nhân vật liên quan, đồng thời phản ánh phần nào đó tính cách, câu chuyện của nhân vật. Và nếu để ý kỹ, hầu hết những cảnh quay ấn tượng nhất trong Dersu Uzala đều có phong cách tương tự, một khung hình tĩnh với các nhân vật chuyển động trong một thời gian dài, không thoại/ ít thoại. Ánh sáng, góc quay, màu sắc, tất cả tạo cho mình một cảm giác của sự chỉnh chu đến cầu toàn của đạo diễn. Mình đã tự hỏi phải mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị và thực hiện một cảnh quay đó, bởi nó nhìn thì đơn giản mà cầu kỳ quá đi.

Như phân đoạn khi Dersu và Arseniev bị lạc ở cao nguyên, khi những cảnh quay họ đi khắp nơi để tìm đường trở về lều là cần thiết để diễn tả sự mênh mông của cao nguyên và sự mất định hướng của hai kẻ đi đường, thì những cảnh quay cắt cỏ làm lều lại trở nên vô cùng thừa thãi nếu người xem mất kiên nhẫn và kém tinh tế. Trong một bộ phim Hollywood thông thường, phân đoạn này sẽ được quay tương tự thế này. Dersu cắt cỏ, Arseniev cắt cỏ, một cảnh quay trên không trung diễn tả cả hai đang cắt cỏ giữa một cánh đồng mênh mông. Sau đó Dersu tiếp tục cắt cỏ, Arseniev tiếp tục cắt cỏ, cảnh quay trên không trung chiếu xuống, Dersu và Arseniev đã cắt được một khoảng rộng. Sau đó là các cảnh quay trên không, phần “montage” chứng tỏ Dersu và Arseniev đã làm việc vô cùng cật lực, ánh sáng và bóng nắng cũng sẽ thay đổi theo khối lượng công việc họ vừa hoàn thành.

Thề là cảnh phim đẹp hơn tấm hình mình cắt ra

Nhưng trong Dersu Uzala, vô số các cảnh quay gần cho hành động cắt cỏ của Dersu và Arseniev xen lẫn với tiếng hối thúc của Dersu mỗi khi ông đội trưởng ngừng tay vì mệt mỏi. Các cảnh quay này thực sự nhiều, gần như là dư thừa bởi khán giả nào cũng hiểu là họ đang làm cái việc họ đang làm. Rồi khi Arseniev mang cỏ về chất lại thành đống, những cảnh quay này rất dài và cả hai diễn viên chỉ thực hiện đi thực hiện lại một hành động đó, gần như là nhàm chán. Nhưng nếu nhìn suốt quá trình và tổng thể phân đoạn, đó là một màn đạo diễn xuất sắc khi mọi thứ được toan tính không thể chê vào đâu được. Những nhát cắt mạnh mẽ và “chuyên nghiệp” của Dersu đối lập với những nhát cắt vụng về, vội vã của Arseniev, sự hối hả xen lẫn sợ hãi được thể hiện trong hành động của hai con người đang giành giật với tự nhiên mạng sống của chính mình, sự kiệt quệ về thể chất và tinh thần dần dần của Arseniev trong suốt quá trình hăm hở bắt đầu, lê lết gắng gượng cho đến khi hoàn toàn bất tỉnh, áp lực từ cái chết được Dersu nhắc nhở liên hồi bằng việc kêu gọi Arseniev tiếp tục làm việc cho dù ông biết anh này đã rất mệt mỏi. Và cảnh quay khi bóng tối buông xuống, làn gió mùa đông rình rập thổi bay đống cỏ cứu mạng của bọn họ, đó là một trong những cảnh quay ấn tượng nhất mình từng xem. Sự rã rời của Arseniev, sự làm việc không biết ngừng nghỉ đáng ca ngợi của ông già Dersu, sự khắc nghiệt đến nghẹt thở của thiên nhiên được thể hiện đẹp đẽ, dữ dội đến buồn phiền trong một cảnh quay tĩnh thật dài với bóng người hối hả với âm thanh, màu sắc được kết hợp hoàn hảo.

  Lúc đó, mình cảm thấy vô cùng bất lực, sức người trở nên thật mong manh và nhỏ nhoi giữa tự nhiên. Không cần một màn động đất hủy diệt hay một trận bão tuyết long trời lở đất, sự đe dọa của tự nhiên được xây dựng dần đều trong sự sợ hãi của Dersu, khi mà lúc đó vùng cao nguyên vẫn đang thanh bình và hiền hòa, cho tới khi mặt trời dần hạ xuống và khán giả (ngu ngơ như mình) dần nhận ra cái gì đang khiến họ sợ hãi đến vậy. Sự chạy đua theo thời gian giữa sự sống và cái chết trở nên gấp rút dần với màu sắc giảm xuống, độ tương phản giữa ánh sáng và bóng tối tăng lên, tự nhiên chỉ hiển hiện thông qua một cơn gió kéo dài nhưng đủ để khiến người xem thấy lạnh buốt xương, kinh ngạc và hãi hùng. Đó chính là điều vô cùng đặc sắc của cảnh quay. Nhân vật không trực tiếp nói ra mối nguy hiểm họ đang đối mặt nhưng thông qua hành động của họ trong từng khung hình, khán giả nhìn thấy mối nguy đó, cảm mến nỗ lực của các nhân vật và nhận ra rằng con người thực sự là quá bé nhỏ và yếu ớt với cái tự nhiên kiêu hùng này.

Hai ông chú dễ quý

Nhắc mới nhớ, hầu như nhân vật trong Dersu Uzula được thể hiện qua hành động, bộ phim có rất ít thoại, có thể bởi vì chính Dersu và cả Arseniev đều là mẫu đàn ông nói ít làm nhiều, mà đã ở trong rừng rú, đi lại cả ngày rồi sống sống chết chết đủ các thể loại thế kia mà tỉ tê tâm sự triết học với nhau thì chỉ có xạo quần. Màn dẫn chuyện của Arseniev hầu như chỉ để tiếp nối câu chuyện và về chuyến thám hiểm của ông để khiến khán giả không bị lạc mất đoạn tiếp theo của chuyến hành trình, và nó chỉ có thể. Tính cách của nhân vật hầu như được bộc lộ qua hành động và hoàn cảnh hiểm nguy họ dấn thân vào, thậm chí đoạn kết, không có lấy một cao trào hoặc một bài diễn văn nước mắt nào cả, nó bình thản diễn ra và chóng vánh kết thúc, hoàn toàn trung thành với phong cách biểu đạt của đạo diễn từ đầu phim “Ý tại ngôn ngoại” là vậy. Đôi khi lời thoại quá nhiều lại khiến bộ phim bị sến, tuy nhiên nếu diễn không đạt lại khiến mọi thứ trở nên sơ sài, khô lạnh và hụt hẫng. Bản thân đoạn kết của Dersu Uzala mình thấy chưa đạt. Nó đương nhiên không cần Arseniev khóc thương và ca tụng một con người phi thường như Dersu, và cái chết của ông này cũng đã được nhắc tới đầu phim, nhưng sự vội vàng trong cái kết khiến khán giả thông thường chưa kịp định hình được cảm xúc cho bản thân thì phần credit đã hiện hồn, gây hụt hẫng và ảnh hưởng đến nhận định tổng thể của cả câu chuyện. Mình cảm thấy cả Dersu và bộ phim xứng đáng có một cái kết thúc trọn vẹn hơn cái cảm xúc “làm cho xong” của đạo diễn, nó hơi “nhẫn tâm”. Tuy đây có thể là ý đồ của Kurosawa trong việc khiến khán giả cảm thấy sự “bất bình” cho một kiếp người của cụ Dersu, bởi vì thực tế cuộc sống diễn ra bạc bẽo và buồn phiền như thế, nhưng đâu đó, mình đã mong cảnh phim đó kéo dài và trăn trở hơn nữa.

 

8.3 trên IMDB và 73% trên Rotten Tomatoes là một con số gây chia rẽ, đặc biệt là khi Rotten Tomatoes chấm MulanTenet một con số tương tự thế. Thằng bạn mình thì thật tào lao khi cho rằng Dersu Uzala là một bị đánh giá thấp, vì dù gì người ta cũng thắng một Oscar. Dẫu vậy, một điểm số trung bình như thế này dành cho một phim của Kurosawa, điều này thể hiện là người ta kỳ vọng nhiều hơn ở một tác phẩm của ông. Hoặc mấy người bình phim trên Rotten Tomatoes có một ngày quá hối hả để nhìn nhận bộ phim với vẻ đẹp vốn có của nó, hoặc họ đòi hỏi cao hơn ở phần kịch bản và cách thức xây dựng nhân vật, điều mà mình cũng cho là điểm chưa hoàn thiện của phim.

Kết bài: Dersu Uzala không phải là một bộ phim hoàn hảo và chắc chắn không phải là xuất sắc nhất của Akira Kurosawa, nhưng nó mang đậm dấu ấn trong phong cách làm phim của vị đạo diễn tài năng này, để lại những thước phim đẹp nức nở và ấn tượng đến nao lòng, truyền tải mạnh mẽ một thông điệp không mới nhưng không phải ai cũng chịu hiểu. Và để nổi bật một thiên nhiên oai vệ, kiêu hãnh và thâm sâu thế kia thì bộ phim không hề cần một câu chuyện rối rắm với những nhân vật sắc sảo. Nheo mắt một cái, Dersu Uzala cũng trọn vẹn theo cách của mình, và “đủ” đã là thành đạt rồi.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo