Về Departures (2008)

 (Bộ phim được xem vào tháng 3 năm ngoái)

Tháng nghiện ngập nước Nhật của mình khép lại bằng bộ phim nổi tiếng/ thành công nhất của đất nước này trong 20 năm trở lại đây. Vì nhiều lý do tào lao của một người nhỏ mọn, mình không thực sự muốn xem nó lắm (chẳng thế mới dành dụm lại đến phút cuối mới xem). Mình chẳng biết nữa, có lẽ một bộ phim thành đạt và được ca tụng khắp chốn vốn khiến mình dặt dè và có một số định kiến lẫn kỳ vọng nhất định trước khi xem phim, hoặc đơn giản thì phim hàn lâm coi rất mỏi mệt, là sẽ khóc, là sẽ buồn phiền thế thái nhân sinh, mà mình thì lại khó ở thế kia. Cái poster phim càng khiến mình muốn xa lánh nó hơn nữa. Anh giai trung niên ngồi đàn cello giữa thiên nhiên, gương mặt buồn buồn, tên phim thì lại là Departures, nghĩa là chia ly, nghĩa là xa cách, nghĩa là nước mắt, có gì đâu mà phải hăm hở coi. Nói vậy chứ, cách đây hai tuần mình cũng bật phim lên định xem, mà tại mở đầu là anh giai buồn buồn đó lái xe trong tuyết mịt mù, bảo rằng cuộc đời ảnh chả có gì đặc sắc hết, nhạc thì du dương não nề. Mình thở dài, quyết định xem The Funeral (1984) cho nó “vui”.

Tự dưng vác đàn lên ruộng biểu diễn

Thỉnh thoảng cuộc sống cũng hơi mắc cười như vậy đó. Mình đã không biết rằng mình vừa bỏ qua một bộ phim về nghề khâm liệm để tiến tới xem một bộ phim châm biếm chua cay của một gia đình nọ trong đám tang một người thân. Và rằng hai bộ phim này đều có na ná một “chủ đề” nhưng nó lại hoàn toàn khác nhau một trời một vực về mọi thứ, mặc dù có chung một chú diễn viên.

Trở lại với Departures, mình cảm ơn sự kén cá chọn canh của bản thân để xem nó cuối cùng, vào một tối chủ nhật buồn vô biên vì sáng sớm hôm sau phải xách mông đi làm, vào một ngày máy tính đã chật chội phim đã xem nhưng chưa thèm viết cảm nghĩ, vào một thời điểm mà mình cảm thấy dễ dàng để chấp nhận mọi cảm xúc của bản thân một cách thật thà nhất và không một chút ngại ngùng và chê trách, mình thoải mái khóc như nó cần phải thế, bởi vì mình thực sự xúc động, bởi bộ phim thực sự xúc động.

Mình nghĩ mình khóc tới tận 4 hay 5 lần gì đó trong suốt bộ phim, nước mắt cứ tự động chảy mỗi khi bản nhạc của Joe Hisashi vang lên và mình nhìn thấy một người chết nằm lạnh ở kia và người thân của họ đang khóc và chia sẻ. Có một cái gì đó rất chân thành và “toan tính” trong cái cách bộ phim tiếp cận cảm xúc khán giả. Con người bình thường chúng mình ấy à, chắc quá nửa sợ chết và hầu hết sợ bị người thân bỏ lại bằng cái chết. Cái chết là sự chia ly tuyệt đối, là nỗi đau, sự mất mát, hụt hẫng của người từng bị bỏ lại, đó là nỗi niềm đồng cảm của hầu hết những người sống trên đời này. Không phải tình yêu, nụ cười, lòng tốt hay bất cứ điều gì khác khiến con người có điểm chung và gần gũi nhau hơn bao giờ hết, đó là cái chết. Và trong Departures, cái chết được thể hiện trân trọng, thấu hiểu, không sợ hãi, ghét bỏ hay lãng mạn hóa nó. Nó là một phần của cuộc sống, và cái còn lại sau cái chết mới là điều quan trọng nhất.

Sau khi dàn nhạc giao hưởng bị giải thể, anh nhạc công Daigo Kabayashi buộc phải dắt vợ về sống tại ngôi nhà cũ ở quê và chuyển nghề khác để kiếm cơm. Đối với một người dành cả đời để học đàn và cũng chỉ giỏi mỗi việc chơi đàn, việc Kabayashi chấp nhận tài năng của bản thân là có hạn và từ bỏ đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc thực sự là một điều hiếm có. Việc Mika vợ anh cũng xuôi theo sự lựa chọn của chồng và theo anh về quê bắt đầu lại cuộc sống mà không hề oán trách hay lo lắng gì lại càng hiếm có hơn. Người mẹ quá cố để lại cho Kabayashi một ngôi nhà nên coi như vợ chồng cũng có chỗ dựa nhất định, anh chỉ cần tìm việc và xây dựng lại sự nghiệp khác. Vì hiểu lầm, nam thanh niên tới xin việc tại một công ty chuyên nghề dịch vụ mai táng và được nhận việc luôn. Thời buổi kinh tế thị trường công việc khó kiếm, cộng với bản thân vốn không có bằng cấp hay nghiệp vụ gì khác để xin việc, Kabayashi nhắm mắt làm đại cái nghề ai cũng xa lánh này, cũng coi như là kiếm chút vốn nuôi vợ. Với sự hướng dẫn tận tình của sếp và cũng là thầy, ông Sasaki, Kabayashi không chỉ nhận ra sự quan trọng và vẻ đẹp, sự đáng quý trong công việc mới của bản thân cũng như lãnh ngộ được giá trị của sự sống và cái chết, anh quyết tâm gắn bó với con đường khó đi này của mình.

Cuộc chuyển giao thế hệ

Với vốn kiến thức mù mờ về ngôn ngữ, xã hội và văn hóa Nhật Bản, mình nghĩ nghề nghiệp của Kabayashi không hẳn giống như người làm dịch vụ mai táng thông thường mà mình vẫn nghĩ đến, thế nên người ta không dịch nghề của anh là “mortician” mà nó là “encoffining”, và nó có vẻ như là một nghi thức truyền thống nào đó của xứ phù tang chứ không đơn thuần là một nghiệp vụ chuẩn bị cho xác chết đẹp đẽ nhất trước khi đặt vào quan tài. Mình thực sự chưa từng biết tới cái nghi thức này cho đến tận lúc xem phim, và nếu có vô tình biết, có lẽ mình cũng sẽ không thực sự hứng thú lắm với nó. Thì cũng không trách được, người ta muốn xem những nghề nghiệp hào nhoáng, hấp dẫn khác như làm ramen, làm người mẫu, làm họa sĩ,.. ai quan tâm tới cái nghề nghiệp ghê rợn và đang bị mai một dần như kia. Và như chính phim miêu tả, Kabayashi đã hoàn toàn giấu nhẹm vợ và bạn bè anh quen biết về nghề nghiệp mới của mình, dẫu anh dần nhận ra nghề nghiệp của mình là đáng quý và quan trọng. Sự miệt thị và định kiến của những người làm nghề nghiệp của thầy trò Kabayashi trong xã hội Nhật Bản là vô cùng lớn, bản thân mình không thực sự hiểu lắm, nhưng nó chính là điểm mấu chốt tạo nên xung đột trong câu chuyện, khi Mika bảo anh phải chọn hoặc cô cùng đứa con trong bụng hoặc cái công việc liên quan đến xác chết kia. Trời ơi anh chồng có đi bán dâm hay đi đập đá đâu mà kêu người ta bỏ việc cái roẹt như vậy. Departures giống như một bộ phim giúp “rửa oan” cho cái nghề bị ruồng rẫy của Kobayashi, không những vậy, nó còn nâng tầm công việc của anh trở nên cao quý, cần thiết và đáng trân trọng trong xã hội.

Một phần nghi lễ

Bản thân mình nghĩ Departures là một bộ phim về tình cảm gia đình, trên chất liệu từ công việc mai táng của thầy trò Kabayashi để truyền tải nội dung về cái chết có thể hàn gắn, kết nối tình thân của người đã khuất và gia đình họ. Mình luôn nghĩ người chết vốn không quan tâm đến việc họ được chôn cất như thế nào, quan tài mua bao nhiêu tiền, áo quần màu gì, ai tới viếng, mọi thứ trong tang lễ là dành cho người sống, khi họ khỏa lấp sự mất mát bằng cách “bù đắp” thời gian còn lại với người thân vừa ra đi của mình. Mỗi gia đình thầy trò Kabayashi viếng thăm là một câu chuyện khác nhau, nơi mỗi mối quan hệ giữa người đã mất và gia đình họ được phơi bày trần trụi nhất, bởi lẽ người chết cũng đã chết rồi, là vĩnh viễn, là chấm dứt, là không thể cứu vãn, khi người sống bị bao vây bởi đau khổ, hối hận, buồn rầu và giận dữ. Mọi cảm xúc ở đó là cảm xúc thật thà, không che đậy được, là những cảm xúc thô sơ nhất của con người, và cũng bởi có là người thân, có yêu thương nhau thì mới có những cảm xúc đó. Thầy trò Kabayashi chỉ quan sát lặng lẽ và làm công việc của mình với sự tỉ mỉ, tận tâm và chuyên nghiệp nhất có thể. Nhưng bằng một cách nào đó, chính sự chỉnh chu, nghiêm túc trong công việc và thái độ tôn trọng người đã khuất của hai thầy trò, cùng tính chất linh thiêng của quan niệm truyền thống về cái chết, nó khỏa lấp được sự áy náy của những người ở lại, khiến họ bình tâm hơn và đối diện với cảm xúc của chính mình. Departures đem lại sự xúc động cho khán giả, một cảm giác nhẹ nhàng khi người ở lại được xoa dịu và phần nào giải quyết được khúc mắc của bản thân, một kiểu “có hậu” thuần khiết của phim Á đông, chỉ là bên cạnh cái niềm vui nhỏ nhỏ đó là sự tiếc nuối khôn cùng khi nhận ra chỉ đến khi chết đi thì các khúc mắc kia mới được chú ý, mới được giải quyết, mới được chấp nhận. Cái vui buồn lẫn lộn đó khiến mình cứ khóc lên khóc xuống mải miết.

Được chấp nhận

Cảnh cuối phim rất dễ đoán, suy cho cùng thì Departures cũng chỉ là một bộ phim tâm lý giản dị và không định đánh đố ai. Chỉ là khi đã đoán được cái kết cục, mình vẫn chẳng thể ngừng khóc. Nó không chỉ là tuyến lệ của mình đã vào guồng và chơi lớn, khóc cho cạn thì thôi, nó chỉ đơn giản là khi mình xem một bộ phim đủ hay, nó sẽ khiến mình khóc. Departures đủ hay để khiến mình cảm động, bởi nó xây dựng cả một quá trình tâm lý nhân vật chỉ để dành cho giây phút đó, và cũng bởi diễn xuất của Masahiro Motoki không phải chỉ đem ra làm cảnh. Departures sến chết đi được, motif thì cũ rích, nhân vật thì chả đặc sắc tẹo nào, nhạc nhẽo thao túng tâm lý khán giả. Nhưng mình đã thực lòng khóc và chia sẻ với cảm xúc, với từng câu chuyện, con người trong phim. Mình đã thực lòng vui mừng cho những người thân của người đã khuất tìm lại được chút thanh thản và an yên trong mất mát. Mình đã thực lòng hạnh phúc cho Kabayashi khi vợ và bạn bè anh cuối cùng cũng nhìn thấy cái ý nghĩa và trọng trách trong cái công việc bị xã hội hắt hủi của anh. Mình đã thực lòng xúc động khi chính Kabayashi tìm được cái kết ấm lòng hơn cho cái gia đình không trọn vẹn anh lớn lên và mở ra một chương mới đầy hy vọng cho cái gia đình hiện tại nơi anh, Mika và đứa con chưa chào đời sắp sửa bước vào. Departures thực sự không phải là thứ gì đột phá, thứ duy nhất mình chưa từng xem trong phim là cái nghi thức chuẩn bị cho người đã khuất, là một mảnh văn hóa Nhật Bản mà mình chưa từng được biết tới. Còn lại, các câu chuyện, vấn đề, mâu thuẫn, quá khứ, thông điệp nhân sinh trong Departures không hề mới, không cố tình làm mới, thậm chí những cảm xúc nó đem lại cũng không có gì là sáng tạo. Nhưng cứ từng bước, bộ phim cuốn mình vào vòng quay của chính những cảm xúc cũ kĩ đó, khiến mình đặt trọn vẹn tình cảm và nước mắt của bản thân vào, để rồi đến cuối cùng, mình dốc cạn tâm can cho phim. Kể cả khi xem đoạn đầu biết đoạn cuối, kể cả khi biết phim màu mè triết lí nhân sinh, kể cả biết phim còn phi lý và sến súa, mình vẫn cho rằng Departures là một phim vô cùng xuất sắc. Nói theo văn mẫu của các vị giám khảo các cuộc thi âm nhạc, Departures giống như một giọng ca có kĩ thuật khá thôi nhưng hát chạm tới trái tim khán giả, và khi đã chạm tới trái tim khán giả, mọi sự vụng về, toan tính, những điểm chưa đạt của phim đều sẽ bị xóa nhòa, bởi “The heart wants what it wants”. Bởi những cảm xúc phim mang lại là thật, cả tá nước mắt nước mũi mình bỏ ra khi xem phim cũng là thật, và cũng bởi cái chết cũng là thật.                                                                         

Không thể thiếu một cảnh quay khoe khoang 
thiên nhiên nước Nhật

Bất chấp khi mang trong mình một chủ đề ủ rũ như cái chết cùng tá lả bi kịch gia đình và mất mát mà cần biết bao tiền để đi trị liệu tâm lý, Departures cũng không hề nặng nề mà lại lấp lánh hy vọng. Rất khó để một bộ phim có chủ đề to tát và kịch bản sến như Departures trở nên không giáo điều, thế nhưng phim vượt xa kỳ vọng, nó dễ mến, gần gũi và xúc động đến mức kinh ngạc (đối với mình). Bên cạnh diễn xuất chắc tay của cả dàn diễn viên là một bản nhạc nền da diết, đặt giữa tính chất buồn thương và luyến tiếc của phim viết về cái chết thì đúng là combo giết khán giả bằng nước mắt. Bộ phim nhắc nhở rằng cái chết gợi nhớ về sự sống, về tương lai, mất mát gợi nhớ về những gì còn lại và buồn thương gợi nhớ về hạnh phúc đã, đang và sẽ xảy ra. Cũng như xấu và tốt, buồn vui trên đời hòa quyện với nhau và chẳng thể tách bạch được, chỉ là mình có dám chọn sống một cuộc sống đáng sống và chết một cách không lãng phí hay không thôi.

Vậy nên với tất cả tấm lòng, mình mừng là Departures đạt được vô vàn thành tựu mà nó đã đạt được, bởi nó xứng đáng được như thế. Mọi thứ của Departures là đúng và đủ, nức nở nhưng không bi lụy, luyến tiếc nhưng không tuyệt vọng và cái dư âm phim đọng lại đến tận ngày hôm sau là hai con mắt sưng húp và một chấm buồn man mác nhưng nhẹ nhõm bình yên. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)