Về Nobody Knows (2004)


(Spoiler Alert)

Muốn biết bi kịch là gì hở? Đừng đọc Shakespeare, xem Nobody Knows ấy.

Tính ra thì mình xem phim của Hirokazu Kore-eda cũng nhiều như xem phim của Akira Kurosawa ấy. Vì chả phải là một cái máy, không phải phim nào của ổng cũng hay, kể cả phim thắng giải này giải nọ. Dù thích phim hay không, những tác phẩm của Kore-eda thường để lại một chút dư vị trong tâm tưởng mình đến vài ngày sau mới phai. Trong trường hợp của Nobody Knows, cái cảm giác quặn thắt rầu rĩ này chắc sẽ còn đọng lại đến tận tháng sau mới chấm dứt. Nobody Knows là bộ phim bi thương nhất mà mình xem trong vài năm gần đây, thậm chí mình còn thấy buồn hơn cả xem Schindler’s List (1993) và Shoplifters (2018). Trong cái cảm quan nhỏ bé của mình, thực sự khó có gì buồn thảm hơn câu chuyện không nơi nương tựa của những đứa trẻ trong phim, nó khiến mọi bi kịch khác trở nên nhỏ mọn và phiền nhiễu.

sẽ không có Nobody Knows nếu
không có Yagira Yuya

Câu chuyện bắt đầu khi 4 anh chị em Akira (12 tuổi), Kyoko (11 tuổi), Shigeru (7 tuổi????), Yuki (5 tuổi) cùng mẹ chuyển tới một căn hộ nhỏ xíu ở Tokyo. Đầu phim, cảm xúc của mình về Keiko, mẹ lũ nhỏ, là rất lẫn lộn. Nhìn sơ bên ngoài, cô này có vẻ là một phụ huynh tốt. Mình không hề quan tâm tới việc 4 đứa trẻ có 4 người cha khác nhau, cũng không quan tâm cô này đi chơi với đàn ông đến khuya mới về. Nuôi con rất tốn kém và mệt mỏi, huống hồ những 4 đứa và chỉ một thân một mình, mình đã nghĩ Keiko chỉ đang làm mọi thứ có thể để mẹ con cô sống sót. Đạo đức là cái thá gì khi cơm không có đút vào miệng? May mắn cho Keiko, cả 4 đứa trẻ vô cùng khỏe mạnh, biết điều và ngoan ngoãn. Lũ trẻ sạch sẽ, gọn gàng, biết chăm sóc cho nhau và giúp đỡ mẹ các công việc trong nhà, không đứa nào được cưng chiều hơn đứa khác, biết tiết kiệm, biết vâng lời, đó thực sự là những dấu hiệu của việc Keiko đã rất cố gắng trong nuôi dạy lũ trẻ. Cô không nặng lời hay đánh mắng chúng, dành toàn bộ thời gian cô ta có ở nhà là dành cho các con, kể cả khi cô vừa kết thúc một ngày dài ở ngoài đường và trông vô cùng kiệt quệ. Dẫu có căm ghét những người đàn ông bỏ rơi mình với những lời hứa hẹn, Keiko không nói xấu họ trước mặt lũ trẻ, đồng thời không thể hiện việc cô coi chúng là gánh nặng cần trút bỏ. Lũ trẻ thương yêu mẹ của chúng như một lẽ tự nhiên nhất trên đời, ánh mắt sáng rỡ lên khi nghe tiếng bước chân của Keiko ở bên ngoài, tận hưởng từng khoảnh khắc được mẹ nâng niu, chăm sóc. Mình cảm thấy cuộc sống mờ mờ chán nản của chúng chỉ sáng rỡ lên khi Keiko xuất hiện.

Nhưng mà sao không sáng được, bởi lũ trẻ có biết gì về bên ngoài đâu mà không bấu víu vào người mẹ. Ngoại trừ thằng anh Akira, ba đứa trẻ còn lại đều sống trong nhà, không được chính quyền và xã hội biết đến sự tồn tại. Cả bốn đứa trẻ đều không được đi học, không có bạn bè và bất cứ người thân nào khác để trông cậy vào. Keiko bây giờ thì chả giống người mẹ tốt nữa. Cô không làm giấy tờ cho những đứa trẻ ngay từ đầu chứ không phải chỉ vì hoàn cảnh mới giấu giếm và không cho con đến trường khi không đủ khả năng kinh tế. Lũ trẻ không được xã hội công nhận – một thứ tối thiểu mà đến trẻ nhà nghèo cũng có. Và việc lũ trẻ độc lập, biết phải trái chỉ giống như cách Keiko giảm bớt công việc cho chính mình hơn là cô muốn nuôi dạy chúng thành người tử tế. Như cách Keiko giao công việc giặt giũ áo quần cho đứa con gái lớn Kyoko, suốt từ đầu đến giữa phim, mình nhìn thấy Kyoko suốt ngày phơi áo phơi quần, trốn cũng chỉ biết trốn trong tủ quần áo, và việc em chỉ biết chăm chăm nhìn vào máy giặt đang chạy mà không bỏ đi vì đó là hoạt động có ý nghĩa/nghĩa vụ duy nhất trong ngày của em, và hoàn thành nó khiến mẹ em vui lòng. Sự bế tắc, tù túng mà Kyoko bị nhốt lại, hay cái nghĩa vụ to đùng là chăm sóc cho các em của Akira, chính Keiko là người vô tình hoặc cố tình chôn chặt con cái mình vào, khiến chúng không có lấy một cuộc sống bình thường.

Nói vậy chứ, lúc đầu phim, mình đã nghĩ Keiko bị tai nạn ở đâu và buộc phải để lũ trẻ sinh tồn một mình cơ. Cô đã cố gắng suốt thời gian qua, những đứa trẻ đã đủ khôn lớn để có thể tự quản nhau để cùng núp lùm xã hội, những tình cảm Keiko dành cho chúng cũng không phải giả tạo hay khiên cưỡng (cô không có lý do để làm điều đó). Mình đã nghĩ không đời nào Keiko bỏ rơi các con, không đời nào. Mình đã ngây thơ như thế đó. Mình biết cô ta có thể bỏ con đi chơi vài ngày, thậm chí một tháng, nhưng bỏ đi luôn, cô ta sẽ không đủ nhẫn tâm làm thế. Nhưng có lẽ trông chờ một một kết thúc tốt đẹp trong Nobody Knows là điều ngu ngốc nhất mình đã làm trong tháng ba này. Keiko, yếu đuối, tuyệt vọng, mỏi mệt, có lẽ sau khi tranh đấu ít nhiều, đã quyết định sống cho bản thân. “Người không vì mình, trời tru đất diệt”, mình đoán thế. Người phụ nữ rũ bỏ mọi trách nhiệm, tình thân, quá khứ để đi làm vợ người khác và biết đâu đấy, nay mai làm mẹ một đứa trẻ khác. 

Phụ huynh của năm

Bốn đứa trẻ bị bỏ lại một mình với vốn liếng là một số tiền ít ỏi cùng vô số kinh nghiệm vì đã từng bị bỏ rơi trước đây. Chúng vẫn hoàn toàn tin rằng Noel mẹ sẽ lại về, động lực để chúng tiếp tục cùng nhau sống sót. Akira, đứa lớn nhất, được người mẹ tin tưởng giao chăm sóc 3 đứa em trong khi mẹ đi tìm hạnh phúc mới, trở thành trung tâm của bộ phim. Mình không thể tưởng tượng được ngần ấy trách nhiệm được đặt trên vai một đứa trẻ 12 tuổi thất học. Cái cảnh Akira ngồi đong đếm số tiền mẹ đưa, cân nhắc về tiền gas, tiền điện, tiền nhà, tiền đồ ăn cho cả nhà, nó thật chua chát. Cái điểm khiến Nobody Knows trở nên bi kịch đó là không đứa trẻ nào trong phim đáng phải sống cái cuộc đời chúng đang chịu đựng cả. Trong các bi kịch khác mình từng xem, sự giằng xé, đau buồn, mất mát trong cuộc đời của các nhân vật ít nhiều đều là kết quả của tính cách, suy nghĩ và hành động của họ. Họ có sự lựa chọn và được lựa chọn. Những đứa trẻ trong Nobody Knows, không đứa nào có cái sự lựa chọn đó. Chúng ta không ai được lựa chọn cha mẹ, gia đình, và lũ trẻ quá nhỏ để lựa chọn ra đi. Hay ít nhất chúng không đủ lạnh lùng như bà mẹ để có thể rời đi hay kêu gọi cầu viện xã hội, bởi vì chúng biết chúng bị chia tách khỏi nhau. Vậy nên khi nhìn thấy những đứa trẻ “vô tội” phải sống trong hoàn cảnh bi đát đó, mình thực sự cảm thấy rất khó chịu, dạ dày cứ cuộn đau, và có một cục tức cứ nghèn nghẹn ở họng mình không thể giải thoát ra được.

Không cần phải là người nhạy cảm hay tinh tế gì để nhìn thấy sự khổ sở mà bốn đứa trẻ phải chịu đựng, lũ trẻ hiền hậu dĩ nhiên không hề kêu ca về hoàn cảnh khốn cùng của mình nhưng đạo diễn thì kêu gào rõ to trong những khung hình cận cảnh, đập thẳng vào mặt khán giả. Hầu hết các chi tiết to nhỏ trong phim được lặp lại như một sự so sánh trước đây – sau này (before – after) để nhấn mạnh bi kịch của phim, rằng sự bi đát trong cuộc sống của những đứa trẻ khốn khổ chỉ có xấu dần đều. Chiều dài mái tóc của Akira, chất lượng những bữa cơm, hộp màu sáp được sử dụng đến mẩu cuối cùng, những bộ quần áo từ cũ kĩ sang cũ nát, bẩn thỉu, ngôi nhà cúp điện, cúp nước, ngập ngụa trong rác, sự gầy gò chuyển sang thiếu chất đáng quan ngại của lũ trẻ,….

thật gần nhưng cũng thật xa 

Nó thực sự rất đau lòng. Bốn đứa trẻ trong phim không chỉ thiếu thốn cuộc sống vật chất cần thiết, có rất nhiều đứa trẻ nghèo khổ trên đời này, nhưng ở một khía cạnh khác, chúng không có lấy một cuộc sống tinh thần bình thường mà bao đứa trẻ khác coi đó như một lẽ tự nhiên phải có. Dẫu chỉ là một tờ giấy có con dấu, chúng vẫn xác lập vị thế công dân của lũ trẻ trên thế gian này. Keiko tước đoạt quyền được xã hội công nhận sự tồn tại, khiến chúng không có tên tuổi, không được bảo vệ, không một chút dấu vết về việc đã từng sống và cả chết ở đây cả. Không những vậy, cô dạy chúng trốn tránh thế giới để bảo vệ sự ích kỉ của bản thân, nhốt kín chúng sau bốn bức tường với cuộc sống tù túng, đơn điệu trên danh nghĩa đây là trách nhiệm của những đứa con ngoan. Mình có thể cảm thông với sự thiếu thốn về vật chất, nhưng cả với những thứ hoàn toàn “miễn phí”, người mẹ cũng thản nhiên không cho phép con mình được hưởng, để chúng lớn lên sứt mẻ, khiếm khuyết, mình thực sự không chấp nhận được. Sự thiếu thốn tình cảm được thể hiện rõ nhất ở Akira, đứa trẻ duy nhất được phép bước chân ra ngoài đường và nhìn ngắm cuộc sống, đủ để nó nhận ra nó thiếu những thứ vô cùng căn bản mà bất cứ đứa trẻ nào tuổi nó đều nghiễm nhiên được có. Lúc Akira dẫn hai đứa trẻ khác về nhà chơi, cung phụng, nghe lời tụi nó, đó có lẽ là lần đầu tiên cậu biết đến cảm giác như thế nào là có bạn bè, dẫu những đứa bạn đó cũng chẳng tốt đẹp gì. Hay như lần đầu tiên Akira được mặc bộ đồng phục bóng chày, không phải chơi bóng bằng cái que củi ngoài công viên, nó có lẽ vẫn không đáng giá bằng khoảnh khắc cậu được vị huấn luyện viên xa lạ chỉ cho cách cầm gậy và đánh quả bóng. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời Akira được một người đàn ông nào đó dạy cậu làm bất cứ điều gì, thay vì phải tự vùng vẫy và vượt qua. Những đứa trẻ khác, có lẽ chúng còn chẳng biết mình thiếu những gì để buồn trách và đau khổ.

Và như một hình ảnh ẩn dụ hoàn hảo, lũ trẻ lớn lên như những đám cỏ dại được trồng trong tô mỳ tôm ở ban công căn hộ. Dẫu có hoang dại bơ vơ nhưng không hề tự do tự tại. Dẫu có đẹp đẽ, kiên cường, chỉ một cái hất tay, cái chậu rơi xuống đất và vỡ nát.

Không khó để đoán ra con đường bộ phim sẽ hướng tới. Ở đầu phim, khi Akira sờ sờ cái vali hồng với vẻ yêu thương, nâng niu, mình đã đoán cậu bé đưa em mình đi trốn, và biết đâu đấy, phim có hậu. Nhưng khi mình nhận ra Akira có tận ba đứa em và tất cả chúng không thể cùng chui lọt trong cái vali đó được, mình chợt nhận ra là một trong số chúng sẽ chết và đó là điều không thể tránh khỏi được. Vậy mà mình cứ ngồi đó, nuốt trôi mọi sự khốn cùng của những đứa trẻ và chờ đợi một cái kết cục mình biết trước và cũng khốn nạn không kém, và vẫn cứ hy vọng cái kết đó không xảy ra. Phim không đánh đố hay định làm cú twist gì cả, nó thực sự hiển hiện lù lù ra đó, nó thoải mái báo trước cho khán giả là bi kịch thượng cấp sắp xuất hiện, trước hết bằng việc một chậu cỏ rớt đất, báo điềm bất hạnh. Hay motif điển hình khi nhân vật chính làm việc khác với bình thường, mất cảnh giác và dám hạnh phúc một chút, ngay lập tức chuyện xui rủi xảy ra. Trong một buổi chiều duy nhất khi Akira dám gạt bỏ mọi trách nhiệm của một người anh và thực sự được tận hưởng thời gian để làm một cậu nhóc 12 tuổi đúng nghĩa, dĩ nhiên ở nhà có tai ương. Mình hoàn toàn có thể trách Akira và cả Kyoko khi để bi kịch xảy ra, nhưng với những gì tụi nhỏ được nuôi dạy, và trên hết, chúng cũng như chỉ là một đám trẻ con 11 – 12 tuổi, mình cũng hiểu tại sao chúng lại chọn làm điều chúng đã làm. Yuki mất thì đã là tận cùng bất hạnh, nhưng còn những đứa trẻ ở lại, đặc biệt là Akira, phải sống với sự lựa chọn đó từ đây đến hết đời.

năm đứa trẻ "cùng khổ"

Dĩ nhiên phim cũng có những đoạn ấm lòng, tức là trong một vài thời điểm hiếm hoi của cuộc sống, lũ trẻ được hạnh phúc. Nhưng mà kể cả khi xem những đoạn đó, mình cũng thấy bứt rứt và buồn bực kinh khủng. Cảnh quay khi Akira nắm tay dẫn Yuki ra trạm xe chờ mẹ về (trong vô vọng) - món quà duy nhất mà một đứa trẻ 5 tuổi đòi trong ngày sinh nhật là một ví dụ như vậy. Hay như lần đầu tiên cả bốn anh em được cùng ra ngoài một lúc, được đi cửa hàng mua sắm, ra công viên chơi. Cả bốn đứa trẻ cười trong khi khán giả cay sống mũi, bởi thứ hạnh phúc xa xỉ chúng đang được hưởng là điều tự nhiên, bình thường nhất trên của cuộc sống hàng ngày, thậm chí đối với nhiều đứa, đó còn là công việc phiền phức cha mẹ bắt tụi nó phải làm. Việc Sachi xuất hiện trong cuộc đời 4 đứa trẻ là một nét hay của phim, dẫu nó gần như không thể thay đổi số phận hay kết cục của câu chuyện. Sachi có vẻ đã học cấp 3 (đoán thế), bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt nên không đến trường. Dẫu có vẻ sống trong một ngôi nhà lớn, Sachi không có giống như được phụ huynh quan tâm khi cô thường xuyên cúp học hay thậm chí đi qua đêm mà không gặp chút rắc rối nào. Ngoại trừ được ăn cơm đầy đủ, Sachi cũng cô đơn và thiếu thốn như bốn đứa trẻ bị bỏ rơi. Việc năm đứa trẻ đánh bạn và nương vào nhau, nó giống như chút nắng ấm trong một bộ phim quá lạnh lẽo và buồn phiền, chút mong mỏi nhỏ nhoi cho một sự kết nối không hề toan tính, một điểm tựa tinh thần để tiếp tục sống và cảm thấy được sống. Nó là thứ duy nhất “có hậu” trút ra được từ cái con đường sỏi đá mà lũ trẻ vẫn đang gồng mình để tiếp tục tồn tại.

Tâm trạng mình trước khi xem Nobody Knows là tương đối tốt nhưng nó nhanh chóng leo thang sang thù ghét trong suốt bộ phim, không khó để lý giải điều đó. Có vô vàn chi tiết to nhỏ, cái nào cũng đau như kim chích trong suốt 2 tiếng đồng hồ của phim, nhưng tệ hơn cả, mọi thứ chìm trong một sự bế tắc và tuyệt vọng kinh hoàng. Với nội dung của phim, không thể không nhận thấy điểm tương đồng giữa nó với Kikujiro (1999). Trong Kikujiro, nhân dịp được nghỉ hè, cậu nhóc Masao để lại lời nhắn cho bà rồi lên đường đi tìm mẹ đang làm ăn ở xa. Cậu nhóc đáng thương không biết mẹ cậu đã lấy chồng khác và bỏ rơi cậu, cũng giống như Keiko bỏ rơi bốn đứa con mình vậy. May mắn hơn hẳn anh em Akira, Masao được bà yêu thương và bảo bọc, chuyến đi tìm mẹ của Masao nhận được vô vàn sự giúp đỡ của những người xa lạ khác, dẫu rằng họ phá nhiều hơn giúp. Trong một bộ phim kì cục, hổ lốn với các nhân vật trẻ trâu và mất dạy không để đâu cho hết, ít nhất những người lớn “dị thường” kia biết khi nào cần nghiêm túc và khi nào cần che chở cho một đứa trẻ khỏi khổ đau. Trong Nobody Knows, không một người lớn nào dám mở mắt để nhìn hoàn cảnh của anh em Akira như nó vốn thế, huống chi là chìa tay giúp đỡ. Mình đã tưởng cô gái làm việc tại cửa hàng tiện dụng, một người tốt bụng và hay giúp đỡ và hỏi thăm Akira, sẽ là nhân tố “người lớn” giúp đỡ anh em cậu. Nhưng không, bất chấp cậu bé vẫn gầy rộc, quần áo cũ mèm nhếch nhác, cô ấy vẫn hồn nhiên “tin” rằng mẹ cậu bé đã trở về và mọi chuyện vẫn diễn ra như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí người thanh niên vẫn cho Akira đồ ăn gần hết hạn, dẫu biết lũ trẻ đói và thiếu thốn, cũng vẫn không hỏi rõ tình cảnh lũ trẻ. Người vợ ông chủ nhà, vị huấn luyện viên bóng chày, người chủ cửa hàng, những người lớn trong bộ phim, họ thấy điều gì đó sai sai trước mặt và chấp nhận nhắm mắt làm ngơ với điều đó. Kể cả khi anh em Akira không trốn tránh thế giới nữa, chúng hiên ngang đi đứng giữa đường và giữa đời với sự hoang dại và nghèo đói của mình, lũ trẻ vẫn dường như tàng hình trong thế giới đó. Một cái “nobody knows” vô cùng cố tình và hữu ý như một sự lạnh lùng bất biến của xã hội. Không ai biết bởi vì không ai thực sự muốn biết. Ôi sao mà nhân văn thế không biết.

Cuối phim, sau cái chết của Yuki, Akira nhận được thêm một ít tiền tiếp tế của bà mẹ. Mình chả rõ Keiko hóa ra vẫn thương con hay lại muốn tiếp tục che đậy, bưng bít quá khứ để tiếp tục cái hạnh phúc ích kỉ hiện tại của cô, mình chỉ biết, cái cuộc sống lay lắt này của bọn trẻ sẽ tiếp tục thêm một thời gian nữa. Lần đầu tiên trong sự nghiệp làm khán giả điện ảnh, mình đã hết lòng mong nhờ chính quyền tới và chia cắt máu mủ ruột rà. Thật đấy, sẽ không có bất cứ người tốt nào trong phim để mắt tới lũ trẻ, thôi thì chính quyền cứ ra tay, chia chúng ra, mang chúng tới trại mồ côi cũng được, như thế vẫn tốt hơn như thế này. Ít nhất lúc đó, lũ trẻ có một cái tên hợp pháp, được đi học, có bạn bè, thực sự sống. May mắn hơn, biết đâu tụi nó được ai đó nhận nuôi, để Akira có thể thực sự được chơi bóng chày, Kyoko được tận tay sờ vào một cái piano chính hiệu, Yuki không cần phải ăn một hộp kẹo suốt mấy tháng hay Shigeru được chạy chơi bất cứ khi nào em muốn. Cuộc sống hiện tại, dẫu có anh có em, vẫn là thứ tương lai vô vọng và vô hậu cho tất cả bọn chúng, và mình muốn chấm dứt nó, dẫu có tách chúng ra khỏi nhau. Mình thực sự đã mong mỏi như thế đấy. Vậy nên, đối với mình, cái kết cả Nobody Knows là một cái kết vô cùng bất hạnh, bởi kể cả khi Yuki chết và được mẹ gửi cho thêm tiền, cuộc đời của những đứa trẻ bị xã hội ruồng bỏ khi sẽ mãi không thể thay đổi.

Và tất nhiên, Nobody Knows lấy chất liệu trên một vụ án có thật. Thì nghệ thuật vị nhân sinh, nhân sinh thì lấp lánh kim cương với ấm áp tình thân như thế này cơ mà. Trong vụ việc ngoài đời, người mẹ bỏ nhà đi chơi với trai, để lại 4 đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi. Những đứa trẻ đã bị bỏ rơi suốt 9 tháng trước khi được chính quyền phát hiện, hậu quả đi kèm là đứa nhỏ nhất chết (bị bạn của thằng anh đánh). Người mẹ sau đó tự thú, chỉ ở tù 3 năm, thêm 4 năm tù treo. Nói thật, chế tài ở Nhật thực sự rất khó hiểu. Nobody Knows, với ngôn ngữ điện ảnh cùng như tông nền nhẹ nhàng chủ đạo của phim, không đưa những chi tiết kịch tính đó vào. Vụ xô xát được thay bằng một tai nạn, và người anh mang đứa em gái nhỏ đi chôn cất tại một nơi để em có thể nhìn ngắm máy bay mỗi ngày thì nghe vẫn đỡ “ác” hơn hẳn việc thằng anh chôn xác em để phi tang chứng cứ cho bạn. Nói như thế không có nghĩa là Nobody Knows lãng mạn hóa bi kịch của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Cả bộ phim không có chút gì là lãng mạn ở đây, dẫu khung hình, cách quay, chuyển động của nhân vật đều có chất thơ nhất định. Nobody Knows không phản ánh thực tế một cách trần trụi, thô sơ hay hướng tới sự chân thực tối đa đến từng lỗ chân lông, ở đâu đấy, vẫn thể hiện rõ sự bay bổng, thi vị và nét buồn thương man mác mang xu hướng “nghệ thuật”, làm dịu đi những nét gai góc và chai sần trong tính chất khắc nghiệt của cốt truyện. Nhưng sự thật vẫn là khi xem phim, khán giả lặng người đi vừa đau đớn, cảm thông, chua xót, đối với mình, đó còn là sự bức bối không thể xả đâu cho hết tức.

một hình ảnh vừa nên thơ vừa phiền lòng

Diễn xuất của Yagira Yuya trong vai Akira thực sự là linh hồn của phim. Mình thực sự không nghĩ trẻ em 12 tuổi có thể diễn được đến như vậy. Trong một bộ phim không cần gào khóc và nhăn nhúm như trái nho khô để thuyết phục khán giả về “bi kịch”, Yagira Yuya có một vai diễn để đời với muôn trùng tầng sâu của cảm xúc, những cảm xúc mà có những người sống cả đời còn chưa được nếm trải nhưng lại đủ đầy trong một đứa trẻ bị ép lớn.

Nhớ hồi cách đây mấy tháng mình đi tìm phim buồn để khóc nên quyết định xem phim của Vương Gia Vệ, cuối cùng rước được một tác phẩm mắc cười và ấm lòng. Hôm nay định đi xem một tác phẩm có vẻ thanh tao, nhẹ nhàng, cuối cùng gom được một cục uất hận, vô vàn cảm xúc tiêu cực và hơn cả cái sự buồn cần thiết. Mình không thể đồng cảm với bất kì nhân vật nào trong phim, cũng không muốn lên án họ hay lên án xã hội, cũng chẳng thể chấp nhận hay phủ nhận sự thật. Phim buồn phiền chết đi được, bởi vì nó thật quá. Nó thật bởi không chỉ bởi cuộc sống có vô vàn phụ nữ không biết sử dụng biện pháp tránh thai dẫu không đủ sức và không muốn nuôi con, không chỉ bởi xã hội ca ngợi tình mẫu tử như một thứ linh thiêng tuyệt đối nhưng nó vẫn là một gánh nặng trói buộc lên những người không sẵn sàng và không xứng được làm mẹ. Người ta bảo trẻ em là tương lai nên luôn được bao bọc, nâng niu nói đó với những người nhắm mắt làm lơ cho 4 đứa trẻ côi cút kia tiếp tục bơ vơ. Ở một khía cạnh nào đó, Nobody Knows giống như No Country for Old Men (2007)hay Chinatown (1974) khi kẻ xấu tiếp tục thắng cuộc. Mình thì quá già cho những bộ phim trái ngang như vậy.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)