Về The Peanut Butter Falcon (2019)

(Spoiler Alert)

Mình nhớ đã từng nghe tới tên The Peanut Butter Falcon đâu đó trong danh sách những phim “wholesome” và “uplifting” hay nhất. Hồi đó, mình đang mê dòng neo-noir và noir, sau đó là chìm ngập trong điện ảnh Nhật Bản và stress, nên tên phim cứ thế lạt dần và biến mất hẳn trong trí nhớ mình, chớ đến tận khi xem một đoạn clip vớ vẩn trên youtube với cái mặt của Shia LaBeouf gắn với cái tên The Peanut Butter Falcon. Mình đoán do mình có chút “crush” với Shia khi xem cái MV Elastic Heart của Sia (đúng là chuyện ngày xửa ngày xưa), mình quyết định xem phim. Sau ba ngày vật vã vì ngộ độc thực phẩm, mình đoán mình cần phim nào hiền hòa dễ chịu. May mắn thay, The Peanut Butter Falcon có gần như đầy đủ một người ốm cần, một dạng “chicken soup for the soul” đủ để cái tinh thần yếu nhớt của mình bớt đi bán than.

Về cơ bản, The Peanut Butter Falcon là một phim thuộc thể loại road-trip, ai nói khác thì mình mặc kệ. Thì giờ câu chuyện kể về những nhân vật không có quan hệ gì, hoàn cảnh, tính cách khác nhau một trời một vực cùng tham gia vào một chuyến đi bão táp, thì chả là là phim road-trip thì là phim gì. Bản thân phim không có điểm gì mới mẻ và đặc sắc so với các phim khác cùng thể loại, nhưng nó khai thác tốt nhiều tiềm năng của dòng phim này trong việc sáng tạo nhân vật và bối cảnh, khiến nó trở nên hấp dẫn và có chiều sâu cần thiết, khiến bộ phim đáng nhớ và có nét riêng không lẫn vào đâu được.

ba gã cùng thuyền (không cần con chó)

Lấy bối cảnh tại một nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở một bang miền Nam nước Mỹ, bộ phim mang âm hưởng khác hẳn mọi phim Hollywood hào nhoáng khác mình từng xem với đầm lầy, cá sấu, lau sậy, nơi người dân thoải mái vác súng ra đường bình thường như xách làn đi chợ và những chú nông dân/ ngư dân rõ là nghèo và hung hãn. Cái sự hẻo lánh trong The Peanut Butter Falcon gần giống như trong O’ Brother, Where Art Thou?, có điều nó nghèo, xa xôi cách trở hơn, còn “rặt” nông thôn hơn hẳn (trong The Peanut Butter Falcon cũng có luôn một đoạn gợi nhớ tới cảnh phim trong O’ Brother, Where Art Thou?, mình không hề liên hệ tào lao nha). Vì ăn cắp cua của người khác, nam thanh niên lưu manh Tyler bị đuổi việc và bị chủ cua giã cho một trận. Trong cơn tức giận, Tyler đốt lồng cua của họ và bỏ trốn khỏi địa phương trong sự truy đuổi của người bị hại và chính quyền. Trên đường trốn chạy, Tyler gặp Zak, một thanh niên mắc bệnh down cũng mới trốn khỏi nơi chăm sóc và cũng đang bị nhà nước lần theo dấu vết để dẫn về. Zak cũng rất hoàn cảnh khi cậu không còn ai để nương tựa và bị tống vào viện dưỡng lão. Thì cũng tại vì địa phương thuộc vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi, cơ sở vật chất không có nên chính quyền mới tống Zak vào một nơi hoàn toàn không phù hợp với cậu như vậy để vừa chăm sóc, vừa canh chừng. Với sự giúp đỡ của những ông bô bà bô trong viện, Zak trốn “tù”, được tự do để thực hiện ước mơ của cuộc đời là đến học viện đấu vật của the Salt Water Redneck và trở thành một võ sĩ đấu vật chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, hai con người không hề liên quan tới nhau cùng bước chung trên một chuyến đi, khi Tyler nghĩa hiệp quyết định thu nhận Zak làm bạn đồng hành và dẫn cậu đi gặp idol và được học đấu vật. Nửa chặng đường, bộ đôi kết nạp thêm Eleanor, một “viên chức” lương thấp trách nhiệm cao mà chánh quyền cử đi để hốt Zak về. Sự đối lập không thể bàn cãi giữa Eleanor và Tyler trong cách “nuôi dạy” Zak và chuyến hành trình hiện thực hóa giấc mơ của cậu trai khiến bộ phim vô cùng dễ thương, dễ mến và rất, rất dễ xem.

Khoảng cách

Theo những gì mình biết về văn hóa Mỹ, từ “N” (the N word) là từ nhạy cảm nhất, có ý nghĩa xúc phạm, gây tranh cãi và nếu mình không phải người da đen, mình tuyệt đối không được nói cái từ này (vậy nên người ta mới tránh gọi nó trực tiếp mà gọi nó là từ “N”). Kế đến, đó là từ “retard”, tuy không nguy hiểm bằng “N” nhưng mà nếu có ai lỡ miệng chửi nhau bằng cái từ retard trên, người đó dễ dàng bị thiên hạ đánh giá và đánh hội đồng không thương tiếc. “Retard” trong tiếng Việt mình thì dịch là chậm phát triển, nghe khá là nhã nhặn, và nó đúng với bản chất vụ việc. Tuy nhiên trong văn hóa phương Tây, người ta coi nó như một từ ngữ vô cùng động chạm, thiếu nhạy cảm và mang hàm ý miệt thị những người bị bệnh về trí tuệ. Zak bị bệnh down và cậu có đầy đủ đặc trưng của người bị bệnh down cả ngoại hình và tâm trí. Tại một vùng xa xôi ít tiếp cận với “woke culture” trong xó nước Mỹ phù hoa, không khó để có nhiều người mất dạy gọi Zak là “retard” và thực sự khinh thị, xúc phạm cậu với đầy đủ mọi hàm ý của cái từ đó. Ngược lại hoàn toàn với số người vô văn hóa kể trên, trong mắt nhiều người khác, Zak rất tội nghiệp, đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi vì căn bệnh bẩm sinh, đặc biệt là khi cậu không còn người thân nào để trông cậy mà phải nhờ đến sự bảo trợ của chánh quyền. Eleanor là một ví dụ điển hình trong việc “thương hại”, cố gắng bao bọc và bảo vệ Zak trong phạm vi, quyền hạn và khả năng cô có thể. Bất kể là nhóm người nào, mục đích tốt hay xấu, Zak đều có thể nhận thức được cậu được người ta nhìn xuống và cho rằng cậu chẳng thể làm được bất cứ điều gì nên hồn. Mặc kệ thiên hạ, Zak thì tự biết rõ là cậu làm được nhiều thứ nên hồn lắm chứ bộ.

Bộ phim không nói rõ cụ thể về hoàn cảnh gia đình của Zak hay ai cho cậu xem cái cuộn băng video về đô vật nức tiếng the Salt Water Redneck, nhưng nó chắc chắn là phần quan trọng nhất trong tính cách và cuộc đời cậu trai. Như bao thanh thiếu niên Việt Nam vì thần tượng idol Hàn Quốc mà qua bên xứ kim chi du học và thành tài, Zak cũng muốn được tới trường học của Salt Water Redneck và được đứng trên sàn đấu, đấm người ta ngã lăn chiêng ra. Và để cụ thể hóa giấc mơ kể trên, thanh niên Zak không còn lựa chọn nào khác ngoài bẻ song sắt và vượt ngục, vì nhà nước kiên quyết bắt cậu nhốt chung với các ông cụ bà cụ ở viện dưỡng lão, cứ như thể cậu chả có việc gì khác ngon lành hơn để làm vậy. Không như Eleanor “nông cạn”, các lão thành gần đất xa trời kia đối xử với Zak như những gì cậu mong muốn, và họ sống đủ lâu và đủ lì để biết cậu trai cần được đi ra thế giới bên ngoài và theo đuổi giấc mộng của mình. Tất nhiên họ đủ khả năng để biết hậu quả của một người như Zak khi được bốc bỏ ra thế giới hiểm ác một thân một mình, nhưng họ vẫn chấp nhận rủi ro đó để cho Zak một cơ hội để làm điều cậu muốn, dù sao nó vẫn cứ tốt hơn sống chết dần chết mòn với họ trong cái viện dưỡng lão buồn tẻ kia.

dạy nhau bắt tay và tập bắn - motif điển hình
của việc trở thành "bro" trong phim Mỹ

May mắn cho Zak, người đầu tiên cậu gặp ở cái thế giới hiểm ác kia là Tyler. Ở nhân vật Tyler có rất nhiều tính cách tưởng như là vô cùng mâu thuẫn và dường như không thể cùng tồn tại ở một người có hoàn cảnh và vị trí như anh, nhưng nó vẫn tồn tại và chính nó là lý do khiến nhân vật này vô cùng thú vị. Cũng như Zak, bộ phim không hề đề cập tới xuất thân của Tyler, vậy nên mình mạn phép đoán định và vu vạ cho ảnh một vài điểm. Nhìn bề ngoài, Tyler là một anh nông/ngư dân đơn thuần. Không phải thanh niên kỹ sư về quê làm nông, Tyler là nông dân thứ thiệt, cái kiểu mà từ nhỏ tới lớn chỉ gắn với cua cá ngoài sông và chỉ làm công việc lao động tay chân từ đây đến cuối đời ấy. Trong cung cách cư xử và nói chuyện, Tyler không có vẻ gì đàng hoàng hay lịch sự, từ việc khạc nhổ vô tội vạ hay đái bờ đái bụi, nó thực sự rất bản năng và hoàn toàn không quan tâm gì đến “hình ảnh”, phẩm giá hay tỏ vẻ gì cả, vì ảnh đâu có mấy thứ đó. Nhưng một thanh niên không thấy nhục khi vô tình phơi mông cho gái lạ nhìn thấy lại đủ ý tứ và tinh tế để Zak không phải nghe cuộc tranh luận đàng hoàng và nhạy cảm về chính tình trạng “retarded” của cậu. Một thanh niên cả giận mất khôn đi đốt tài sản người ta để rồi phải bỏ của chạy lấy người, một thanh niên sức dài vai rộng sẵn sàng đấm vỡ mỏ một đứa nhóc nhưng lại đủ nhẫn nại và bao dung để lắng nghe mơ ước “vớ vẩn” của Zak và dạy cậu làm đủ thứ việc mà không cằn nhằn gì. Cũng chính thanh niên thấy gái đẹp thì nhìn không chớp mắt ấy sẵn sàng đốp chát với gái và nói chuyện nghiêm túc và sâu sắc về những thứ ảnh cho là cần thiết và quan trọng. Và không cần vốn sống cả đời hay đọc một quyển sách thấu tận tâm can, Tyler vẫn biết cách đối xử với Zak một cách tử tế, bình đẳng, tôn trọng và chuẩn bị cho cậu những gì Tyler cho là cần thiết để Zak có thể “sống sót”. Mấy ngày đi bụi với Tyler, Zak còn giàu có hơn hai mấy năm cậu sống ở trên đời. Trong khi Eleanor không dám nói ra cái từ “R” nhạy cảm, Tyler nói về Zak với cái từ “retarded” như đúng ý nghĩa nguyên thủy của nó. Anh nhìn nhận Zak như một con người với ưu điểm và khuyết điểm, trong đó bệnh down của cậu rõ ràng là một phần định nghĩa con người cậu. Và thay vì cố gắng “lờ” nó đi và bảo vệ Zak trong bong bóng của mình như Eleanor, Tyler nhìn Zak với đầy đủ khả năng và cậu có thể làm bất cứ điều gì, điều mà không ai nghĩ về cậu như thế cả. Mình có thể lý giải hành động của Tyler thông qua những đoạn cậu hồi tưởng về người anh trai đã mất của mình, rằng Tyler bao bọc Zak cũng chỉ là cách anh bớt mặc cảm tội lỗi về cái chết của anh trai. Tyler thu nhận Zak dưới sự “bảo trợ” của cậu, chăm sóc, dạy dỗ Zak cũng giống như anh trai Tyler chăm sóc, dạy dỗ anh ngày trước. Và không chỉ là người thân, người anh đó còn là người bạn, người đồng hành, là chỗ dựa cho Tyler lúc anh cần, và trong hiện tại này, Tyler là người bạn, người đồng hành, là chỗ dựa duy nhất mà Zak có. Và làm sao để một anh thất phu như Tyler có thể cư xử đúng mực và phù hợp với Zak, điều mà chính một người có chuyên môn như Eleanor còn làm sai? Đó là bởi anh cư xử và đối đãi với Zak như chính anh trai anh cư xử và đối đãi với anh vậy. Nó chỉ đơn giản là vậy thôi.

Cool ngầu

Là một bộ phim “feel-good”, cái kết phim tương đối đơn thuần. Zak được gặp idol của đời cậu, đô vật the Salt Water Redneck, nay chỉ là một ông già gân tên Clint. Tuy vẫn là một người nổi tiếng ở quê, Salt Water Redneck rõ ràng đã hết thời và hết tiền, cái trường thì đã dẹp hẳn từ thập kỉ trước. Sự xuất hiện của fan cuồng Zak có lẽ sẽ là highlight cả năm của vị cựu đô vật, vì người ta rõ ràng trốn trại và lặn lội tới tận nơi khỉ ho cò gáy này để gặp ông còn gì. Việc Clint thỏa nguyện ước mơ của Zak khi lại cho the Salt Water Redneck tái xuất, rồi dạy đấu vật cho cậu, thậm chí còn “dàn xếp” nguyên một trận đấu ra trò với trọng tài, khán giả các kiểu cho tay đấu Peanut Butter Falcon “debut”, nó có thể là một hành động “thương hại” của Clint đối với Zak, hoặc là ông đang cứu rỗi chính bản thân mình, nhưng dù có như thế, nó vẫn là điều Zak muốn và nó là mục tiêu của đời cậu. Trong thoáng chốc, mình thấy hơi ghen tỵ với Zak khi biết được mình muốn đi đâu, làm gì trong cuộc đời và ở cuối phim, cậu đi tới nơi, đạt được cái giấc mơ hoành tráng đó, không sứt mẻ bất cứ điều gì luôn. Cậu được sống, được gặp thần tượng, được ra sân và quăng đối thủ đi như bịch rơm, chưa kể giờ cậu còn được đi Florida với “gia đình” mới mà cậu có. Phim cực kì có hậu.

Dĩ nhiên là mình thích phim có hậu, mình sẽ thoải mái chửi thề trên này nếu phim không có hậu. Không có lý do gì để một bộ phim như thế này làm ác với khán giả cả. Mình đã bước đi theo từng chặng đường của Zak, đã được khám phá những lớp lang trong tính cách của Tyler, được dạy dỗ và nhìn nhận lại sai sót của bản thân như Eleanor, không lý nào mình chấp nhận tên đạo diễn đẩy mấy nhân vật này vô bước đường cùng hết. The Peanut Butter Falcon không có lời thoại sến và sáo rỗng, dạy đời nhưng cốt truyện, đặc biệt là đoạn gần cuối tương đối dễ đoán, một màu và hơi “thường”. Mình đã rất ấn tượng khi hai người truy đuổi Tyler hóa ra không hoàn toàn là kẻ xấu, thì đúng là họ cũng láo toét, hung hăng, bạo lực một hai đòi đập chết bỏ Tyler, nhưng xét cho cùng, họ cũng chỉ là mấy ông nông dân nghèo vừa bị chôm chỉa và đốt phá tài sản, tài sản mà họ vất vả kiếm được. Thời buổi tiền làm ra khó, lại bị Tyler phá phách, ai mà không sùng lên làm càng làm quấy. Mình đang vui vì phim không có “phản diện” và biên kịch để cho khán giả có cái nhìn đa chiều hơn về mỗi nhân vật chính phụ, bụp cái ông già đấu vật kia xuất hiện, giã Zak ra bã không một chút ngại ngùng. Bản thân phim muốn xây dựng một cái kết hoành tráng hơn cho nhân vật Zak khi trận đấu đầu tiên của cậu không phải là một chiến thắng của sự thương hại. Rằng Zak cũng bị bầm dập, cũng tự đấu tranh vượt lên chính mình và thắng công bằng sòng phẳng với đối thủ. Mình cho như thế là không cần thiết, nó có thể phù hợp với mạch truyện và motif chung của những phim dạng này, khiến phần đông khán giả cảm thấy hãnh diện và mừng vui cho nhân vật Zak. Chỉ là nó làm hỏng chiều sâu của phim và khiến nó tầm thường và cũ kĩ hơn. Một ví dụ điển hình trong việc xây dựng một cái kết phá cách nhưng vẫn phù hợp với sự phát triển tâm lý nhân vật và thỏa mãn khán giả chính là Little Miss Sunshine (2006). Bộ phim không kết thúc bằng việc bé gái thắng cuộc thi Hoa hậu Ánh dương nhí, điều hoàn toàn phù hợp với thực tế, mà kết thúc bằng việc cả gia đình gắn bó với nhau và quậy tưng cuộc thi. Nhân vật chính không cần phải thắng trong mọi bộ phim để có một kết thúc có hậu.

mấy ai đạt được khoảnh khắc này như Zak

Một điểm khác mình cũng thấy hơi gượng ép là việc Tyler và Eleanor mê nhau. Hai nhân vật hoàn toàn không có điểm gì chung cả. Mình đoán trái dấu hút nhau và cả hai bổ trợ nhau hoàn hảo trong việc chăm sóc Zak, nhưng mình cảm thấy mối tình này không cần thiết, không tạo thêm bất cứ điều gì cho ý nghĩa và thông điệp của bộ phim. Bản thân Shia LaBeouf và Zack Gottsagen có đủ “chemistry” cần thiết khiến bộ phim diễn ra mượt mà và đủ để đẩy cảm xúc của khán giả đến cao trào. Sự xuất hiện của nhân vật Eleanor là cần thiết và diễn xuất của Dakota Johnson cũng không có gì đáng phàn nàn, tuy nhiên việc cho nhân vật Tyler và Eleanor tới với nhau ở cuối phim là vội vàng và khiến phim lạc hậu hơn nó vốn thế. Thậm chí ở kết phim, Tyler và Zak hoàn toàn có thể tới Florida một mình, Tyler đủ sức chăm sóc Zak, anh rõ ràng đã làm điều này rất ngon lành trước khi Eleanor xuất hiện, sự có mặt của Eleanor lúc này là thừa thãi. Có thể nhân vật Eleanor cũng cần bước tiếp và đến một vùng đất mới cho một sự khởi đầu mới như Tyler và Zak, nhưng nó không có nghĩa đạo diễn cần đèo bòng thêm một mối tình từ trên trời rớt xuống. Mình sẽ hài lòng hơn nếu đạo diễn cho hai người kết thúc phim bằng một tình bạn (hoặc hứa hẹn cho một tình yêu trong tương lai) thay vì khiên cưỡng khiến hai nhân vật mới gặp nhau trong 2 ngày yêu nhau để phim có một cái kết trọn vẹn đôi đường. Cái kết phim không dở, không gây hụt hẫng hay khó chịu gì cả nhưng nó không đột phá, không phải là thứ gì đủ để khiến mình suy ngẫm và nó khiến The Peanut Butter Falcon không chạm được tới tầm vóc của Little Miss Sunshine, dẫu phim có rất nhiều tiềm năng.

Cũng có chê bôi vậy chứ thực ra mình quý phim lắm. Cái không gian nghèo khó và “thiên nhiên” nông thôn của The Peanut Butter Falcon không phải là thứ mình hay xem, kể cả các nhân vật với bao nhiêu tầng lớp xúc cảm phức tạp có mới có cũ của họ, nó đều chân thực, vừa gần gũi vừa lạ lùng. Nó khiến một bộ phim road trip như The Peanut Butter Falcon hấp dẫn và thú vị dù vẫn đi theo một khuôn mẫu cũ. Bộ phim hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó: vừa cho khán giả nhìn nghía qua một thoáng miền Nam nước Mỹ với những con người không sang chảnh gì, giới thiệu những nhân vật hay ho trên màn ảnh, kể một câu chuyện cũ nhưng không nhàm chán, và trên hết, khiến người xem cảm thấy vô cùng ấm áp và tích cực hơn. Bao trùm cả bộ phim là cái khó tứ bề, sự mất mát, cô độc của các nhân vật, nhưng cả bộ phim đều lấp lánh hy vọng và tràn đầy sức sống. Mình đoán sự kiên định theo đuổi giấc mơ của nhân vật Zak tạo ra cái “động lực” khiến bộ phim bừng sáng như thế. Mình chẳng biết nữa, có cái gì rất dễ mến trong việc nhìn (các) nhân vật chính ngốc nghếch chạy theo mục tiêu của họ bất chấp mọi thứ trên đời. Cảm xúc trong The Peanut Butter Falcon đúng nghĩa với cái từ “uplifting”, và mình cũng mừng khi lâu lâu được xem một bộ phim mà không nhân vật nào lạc lối. Họ có thể không biết con đường họ đi sẽ dẫn tới đâu nhưng họ biết nơi trái tim họ thuộc về và họ tự tin với mọi thứ họ đang có. Ở một khía cạnh lớn lao trong cuộc sống, họ quá xịn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)