Về Bagdad Café (1987)

                                           Spoiler Alert!

Bagdad Café là bộ phim (Tây) Đức đầu tiên mà mình xem, và nó kỳ lắm.

 

Thông thường thì mình không thích xem điện ảnh châu Âu (vì nó nghệ và nhức não quá), mình xem phim vì một bài hát. Cách đây chừng 5 năm, trong một buổi tối xỉn bia, mình lang thang lên Youtube và xem được màn audition của Dorota Osinka thi The Voice Ba Lan. Chu choa giám khảo và mình khóc hết nước mắt, chỉ hát nghe da diết gì đâu. Mình tìm hiểu và nghe thử bản gốc của Jevetta Steele, phát hiện nó cũng hay không kém, một kiểu “gọi hồn” và ám ảnh hơn chứ không buồn bã nức nở như bản của Dorota. Calling you là bài hát chủ đạo của phim Bagdad Café, lúc đó mình nghĩ một bộ phim mà có bài hát và cái poster như vậy thì không thể dở được. Bụp phát trong chớp mắt (5 năm sau), mình cũng đã coi phim.

 

Chả biết xem trúng bản cũ hay gì mà một 
bầu trời có tận hai màu 

Vì lý do logic, trong thâm tâm mình đã luôn đinh ninh rằng bộ phim diễn ra ở Iraq, nên khi phát hiện ra là bối cảnh phim cũng là sa mạc, nhưng lại là sa mạc bang Nevada nước Mỹ, mình có hơi ngã ngữa. Trung tâm của hai câu chuyện là cuộc chạm trán từ lạ thành quen của hai người phụ nữ đến từ hai bên thế giới với điểm chung duy nhất là vừa mới “đá” chồng. Jasmin, một quý bà người Đức sau khi cãi nhau với đức lang quân nghiện rượu và vô tích sự, đã bực bội xách vali đi bộ giữa đường và giữa đời mà không có lấy một đích đến hay mục tiêu cụ thể nào cả. Con đường nhựa dẫn cô tới quán café Bagdad của Brenda, một phụ nữ nóng tánh vừa đuổi chồng ra khỏi nhà và đang khóc lóc vì thất tình. Sự khác biệt của về đủ thứ của cả hai phe nảy sinh ra vài hiểu lầm/ tình huống hài của phim, nhưng khi một bên đã biết tự cởi bỏ cái vỏ bọc bên ngoài để thay đổi còn một bên đã có thể mở lòng để đón nhận một điều mới, nó trở thành một tình bạn bền chặt, sâu sắc. Không chỉ Jasmin tìm thấy một con người mới cho chính mình, sự tốt bụng và tính ăn ở sạch sẽ của cô còn giúp thay da đổi thịt cho cửa tiệm của Brenda, cho chính Brenda và những người xung quanh Bagdad Café.

 

Mình thấy điểm mạnh dạn của Bagdad Café chính là chọn hai nhân vật chính là hai người phụ nữ trung niên. Không phải một nam, một nữ thất tình để họ tạo nên một cái loveline tầm thường. Không phải hai ông nam để tạo ra một bộ đôi hài kịch buddy cop hay road trip cũng bình thường và phổ thông không kém. Có thể khó tin, nhưng một bộ đôi chính là nữ thực sự ít thấy trong điện ảnh, hoặc ít nhất là ít thấy trong một phim hay. Vào thời điểm mình viết bài này, trong đầu mình chỉ có Thelma and Louis (1991) và Booksmart (2019) là hai phim có trung tâm là bộ đôi nữ là có kịch bản ấn tượng, nay có thêm Bagdad Café. Vào thời điểm phim được lên kịch bản, có lẽ phong trào nữ quyền chưa thực sự chạm đến phim, nên đối với mình, phim dường như là câu chuyện của hai con người (vô tình là phụ nữ) đối mặt với những bước ngoặt, sự lựa chọn của họ và nắm bắt cơ hội để có thay đổi cuộc đời hơn là việc hai chị gái vùng lên giành lại chủ quyền từ hai ông chồng tào lao và tự trở thành nữ cường.

 

Mình rất thích cảnh Jasmin lần đầu gặp Brenda. Dường như không có lấy một điểm tương đồng giữa hai người phụ nữ: màu da, quốc tịch, tầng lớp, ngoại hình, thậm chí một người thì đứng, một người thì ngồi, Jasmin lau mồ hôi trên mặt còn Brenda lau nước mắt. Họ không biết rằng cuộc đời mình sắp sửa thay đổi mãi mãi. Mình rất thích tư thế Jasmin, ngay khi vừa bỏ chồng vẫn giữ lưng thật thẳng, dáng đi thật ra vẻ phu nhân, áo quần giày mũ vẫn chỉnh chu ngon nghẻ dù đi lung tung giữa nắng gắt và hoang mang. Jasmin cũng đau khổ vì cuộc hôn nhân tan vỡ chứ, và còn cả sợ hãi với cái sự tứ cố vô thân của mình nữa, nhưng trước mặt người lạ, cô vẫn giữ cái nỗi niềm ấy cho riêng mình bằng một gương mặt lạnh và cư xử vẫn đúng mực, lịch sự. Không ai biết Jasmin lo lắng, cô độc như thế nào khi cô mới đến, bởi giữa lớp phấn trang điểm tanh bành vì nắng nóng, giữa bộ quần áo trang trọng và mái tóc vẫn được vấn cẩn thận, Jasmin vẫn ở trong vỏ bọc của chính mình, khuôn phép và tỉnh táo.

Chạm trán

Ở phía bên kia, Brenda không rảnh rỗi che giấu bất cứ thứ gì cả. Cô bực chồng thì cô chửi, đuổi. Chửi, đuổi xong thì ngồi đó khóc lóc, nước mắt đầm đìa. Gã chồng vô dụng bỏ đi thật, cô còn lại một mình với ba đứa con, đứa bé nhất còn đang ẵm ngữa, một quán café bị hư máy pha café, một motel với mấy người khách ai cũng dị hợm và trăm ngàn nỗi lo cơm áo gạo tiền khác. Vẻ ngoài không được chăm chút và bao nhiêu cảm xúc thô sơ sẵn sàng được xả ra bên ngoài mà không cần bộ lọc của người phụ nữ đã quá vất vả Brenda đối lập với vỏ bọc chỉnh chu, xa cách của Jasmin, nó khiến hai người phụ nữ cứ như nước với xăng ngay từ khi mới đụng độ.

 

Nhưng với sự thiếu thốn cả về vật chất, hy vọng và tình thân, Jasmin không đủ sức để giữ vững cái vỏ bọc hoàn hảo đó. Suốt chiều dài bộ phim, khán giả nhìn thấy tóc tai, quần áo, phong cách trang điểm của cô dần dần thay đổi, đại diện cho sự phát triển về tâm lý nhân vật. Sau vài ngày ở Bagdad Café, tóc tai, quần áo và ánh mắt của Jasmin mới trở nên phù hợp với hình ảnh một người phụ nữ đang khủng hoảng tình cảm, nó giống như cô buông xuôi bản thân và mặc kệ ai muốn nhìn gì thì nhìn, đánh giá gì thì đánh giá. Nhưng khi cô bắt đầu kết thân với mấy đứa con của Brenda và không còn cảm thấy cô độc nữa, gương mặt người phụ nữ bớt tiều tụy, sáng rỡ và thoải mái hơn. Và khi cô bắt đầu đánh bạn với Brenda và làm việc tại quán, khán giả được nhìn thấy một Jasmin xõa tóc, tươi cười, ăn mặc phá cách hơn với hình xăm, với váy áo gợi cảm, với ít điểm trang nhưng luôn luôn cười tươi rạng rỡ. Nó cũng tương tự như những bức tranh vẽ Jasmin, bức đầu thì cô trông không khác gì tượng gỗ phu nhân, càng về sau áo quần càng mỏng nhẹ, càng sexy, cuối cùng thì chơi lớn nude luôn. Nó chỉ đơn giản là Jasmin bớt từng vỏ bọc hành tây trong suy nghĩ, định kiến, trong chính cuộc đời mình vể thoát ly, để tìm lại cái bản ngã mà cô muốn, tự do, hoang dại và không bị kìm hãm bởi bất cứ điều gì khác nữa.

 

Còn Brenda, có vẻ như cô chỉ cần học cách tin tưởng và đón nhận sự giúp đỡ. Nhiều người khổ sở quá thì họ trở nên nóng tính và cục cằn. Cô làm việc chăm chỉ, thậm chí lúc chửi chồng cũng tranh thủ đi lụm lon, nhưng cho dù chăm chỉ như thế nào, quán café của cô lúc nào cũng ế teo, bẩn thỉu và vợ chồng cô lúc nào cũng nghèo kiết. Và Brenda dường như chấp nhận điều đó, cô chấp nhận là quán của mình thì chỉ thế thôi, là thiếu, là dơ, là hỏng hóc đủ thể loại và cô bươn chải chỉ cầu mong sống qua ngày. Sự xuất hiện của Jasmin cho Brenda biết rằng cái Bagdad Café của cô có thể hơn như thế và chính Brenda có thể hơn như thế. Đối với Jasmin, màn ra tay dọn dẹp sạch sẽ phòng làm việc của Brenda là một cử chỉ tốt đẹp trong lúc cô đang rảnh rỗi, cô đơn và cái phòng kia thì bừa bộn đến mức ngứa ngáy. Nhưng đối với Brenda, đó là sự xâm phạm riêng tư, một kiểu “mắng khéo” cô này là không biết sắp xếp và đang ngập ngụa giữa đống rác. Sự thật là Brenda đang ngập ngụa trong “rác” và trong sự thiếu khát vọng của chính mình. Nhưng chỉ với một căn phòng sạch sẽ, tử tế, nó đã là một sự bắt đầu, một thứ gì đó mới mẻ, gọn gàng, tốt đẹp hơn trong cái thế giới bừa bộn, cực nhọc của Brenda. Hành động dẫu có vô duyên của Jasmin là cánh tay đầu tiên chìa ra giúp Brenda một việc thực sự có ích, tạo động lực cho cô dấn thân, thay đổi.

một người Mỹ "điển hình" 
vs
một người Đức "điển hình"

 

Cánh tay của Jasmin không chỉ chìa ra cho mỗi Brenda, cô chạm tới mỗi người xung quanh cái quán café đó bằng kiến thức, sự thấu hiểu, bao dung và không phán xét của mình. Có thể Jasmin cô đơn nên luôn niềm nở và muốn kết thân với mọi người bước tới chỗ cô, có thể Jasmin không có con cái nên cô luôn đối tốt với ba đứa trẻ của Brenda như một lẽ tự nhiên nhất trần đời, có thể Jasmin không còn chỗ nào để đi nên mới nỗ lực tạo dựng tình cảm để gắn bó với Bagdad Café như một chỗ dựa cuối cùng. Dù là gì, tình cảm Jasmin dành cho mọi người là thật, sự cố gắng của cô là thật và thành quả cô đạt được cũng là thật. Ở phía còn lại, chính Brenda cũng chìa tay ra và kéo Jasmin lên, cho cô một chỗ cô có thể thuộc về, có việc làm, có bạn bè, có động lực phấn đấu. Họ dựa vào nhau, cả về công việc lẫn tình cảm, và dù vẫn là giữa sa mạc khô cằn bụi bặm, bên trong quá café đó, mọi thứ trở nên sáng rỡ, lấp lánh và đậm màu kiếm lời.

 

Bản thân mình nghĩ những màn ảo thuật của Jasmin không có gì đặc biệt, thì cô học nó trong một cái hộp dạy ảo thuật nhập môn cho dân nghiệp dư mà. Khán giả của cô – khách hàng của Brenda có thể chỉ là mấy ông tài xế ít học và chẳng có thời gian xem ảo thuật trên tivi nhưng chắc chắn cũng từng biết qua những “trò” như thế này, bởi nó chỉ là mấy chiêu vặt vãnh thường tình mà hồi nhỏ họ đều rành mười phương tám hướng. Nhưng khán giả vẫn yêu thích, khách hàng vẫn ghé thăm Bagdad Café với niềm hân hoan trẻ thơ và sự hứng khởi khác biệt với cái tịch mịch cùng khổ nơi sa mạc. Họ đến vì cái không khí niềm nở, tươi vui, về sự tự tin, thoải mái mà hai người phụ nữ đem lại cho cửa tiệm. Bagdad Café, cũng như hai người phụ nữ, thay đổi theo chiều hướng tích cực, và sự tích cực này thu hút những suy nghĩ, những điều tích cực khác tới. Quán café là nơi những bác tài dừng chân nghỉ ngơi, nó tuy chỉ biểu diễn mấy màn ảo thuật ai cũng biết và không thể đem đi so sánh với những kẻ chuyên nghiệp ở Las Vegas gần đó, nhưng nó là địa điểm mà ai cũng tìm thấy vị trí của mình, hòa trộn với không khí lễ hội thân thiện, gần gũi và bình dân. Những thứ ấy, chỉ Bagdad Café mới có, chỉ Jasmine và Brenda mới đem lại được. Vậy nên đối với cái chi tiết ảo thuật của phim, ban đầu mình thấy tào lao, quê lúa nhưng ngẫm lại thì thấy hợp lý và cần thiết cho mạch phim, dẫu diễn xuất ra vẻ ngạc nhiên của các nhân vật phụ rất cường điệu.

 

một trong nhưng cảnh quay quê lúa 
nhất mọi thời đại

Dẫu phim có hay, với tư cách là khán giả, mình xem Bagdad Café với sự hoang mang tột cùng về phong cách. Nó lạ lắm, không rõ vì thời đại, vì phim châu Âu hay vì nó “hàn lâm”. Bản phim mình xem có chất lượng âm thanh không tốt, giống như nó trực tiếp thu tại “hiện trường” nên thoại của diễn viên lúc to lúc nhỏ và tạp âm thì rõ nhiều, tuy vậy đoạn ca nhạc ở cuối phim thì rõ là được thu âm và hát nhép. Lúc mình mới xem phim, mình đã nghĩ Bagdad Café là một phim Mỹ loại B vì kinh phí eo hẹp và diễn viên thì lạ hoắc. Nhưng phim loại B không có diễn viên đóng xuất sắc như vậy. Cả Marianne Sagebrecht (vai Jasmin) và CCH Pounder (vai Brenda) đều hoàn thành vai diễn đầy ấn tượng, thổi hồn cho từng cung bậc chặng đường của hai nhân vật với đủ đầy cảm xúc trong ánh mắt, vẻ mặt, trong giọng điệu chửi khách như con. Họ không chỉ khiến khán giả đồng cảm với nhân vật, nó còn khiến tình bạn trên phim trở nên chân thật, tự nhiên như ruồi. Những cảnh quay khi Jasmin cô đơn ở một mình trong phòng, khi cô bước mạnh mẽ nhưng bơ vơ trên đường, hay cảnh Brenda khóc sau khi đuổi chồng, vẻ mặt hối hận ái ngại khi lỡ chửi oan Jasmin,… nó sống động, linh hoạt và nhưng cũng tinh tế và thật thà lắm. Thiệt đó, diễn xuất chói sáng của hai chị nữ chính tạo nên 60% sự thành công của bộ phim. Dẫu vậy đôi khi mấy chị cũng không cứu giá nổi một vài phân đoạn không-biết-đạo-diễn-nghĩ-gì. Mình lấy ví dụ như cảnh Jasmin đoàn tụ với Brenda sau khi về Đức. Cảnh lần đầu gặp nhau hay ho và ấn tượng bao nhiêu thì cảnh đoàn tụ nó dở ẹc và quê mùa bấy nhiêu. Đạo diễn đã sắp xếp một trong những cảnh quay giả tạo nhất mọi thời đại, ngang ngửa với trình độ như mấy vở kịch do mấy em học sinh ba mươi năm trước biên đạo. Hai chị diễn viên sượng trân, khán giả là mình ngại giùm luôn. Cảnh đó và cái cảnh quay hát múa cuối phim khiến bộ phim lộn xà ngầu về phương hướng. Khi Brenda cãi nhau và đuổi cổ chồng ra khỏi nhà, khán giả được chứng kiến một vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi khô cằn khó ở, một Brenda với mái tóc và làn da của một phụ nữ nhọc nhằn vất vả cả đời, một quán café cũ mèm bụi bặm và nghèo nàn hết phần thiên hạ. Những thứ chân thực đến mức “hàn lâm” như vậy đột ngột biến thành một musical number với hát nhép, ảo thuật và sự hò reo cổ vũ vô cùng “kịch”. Rốt cuộc phim muốn cái gì? Ở Bagdad Café, tình bạn dễ mến của hai người phụ nữ tốt bụng được xây dựng như một câu chuyện nhẹ nhàng, thỉnh thoảng cũng mắc cười, thông điệp “cơ hội để thay đổi cuộc đời luôn ở mọi nơi, mọi lúc, chỉ chờ mình nắm lấy” cũng dễ thấm, dễ ngẫm ra. Phim bụp vô hai ánh sáng “siêu thực” như một điềm báo cho Jasmin, lọt vô cái thần thánh, biểu tượng, ẩn dụ gì đó mình chả hiểu được. Những màn nude hoặc hở da thịt, đụng chạm không phù hợp giữa Jasmin và con gái Brenda thực sự không cần thiết và thậm chí, hơi ghê ghê. Khán giả bình thường là mình cứ quay mòng mòng giữa các định hướng của đạo diễn, cuối cùng chỉ đi đến kết luận là phim châu Âu nó lạ lùng như thế đó. Mà ai biết, chính vì nó “lạ” như vậy nên Bagdad Café mới khác biệt, mới đáng nhớ. Nếu chỉ đi theo cái tình bạn và màn makeover kia, bộ phim cũng sẽ chỉ dừng ở mức dễ thương và nhàn nhạt như thế, rồi lại bị lãng quên và gò bó ngay. Sự nghèo, sự chênh vênh về trình độ diễn xuất, sự không quyết đoán về tính hiện thực và chất siêu hình (và siêu sến) của ông đạo diễn, tất cả tạo cho Bagdad Café một nét riêng, đôi khi hay đến xuất thần, đôi khi dở đến mức nghiệp dư, lạ lẫm, duyên dáng và không lẫn vào đâu được.

 

Xem phim xong, mình nghĩ bản gốc của Calling you đúng là thực sự được viết cho phim và phù hợp với tinh thần của bộ phim. Bài hát và Bagdad Café gợi trong tâm tưởng mình một sự cô liêu xa vắng, có lẽ nó đến từ cái quán café đứng cô độc giữa nắng bụi, đói nghèo, vất vả và những con người rất thật với những sai lầm, những khuyết điểm, những tan vỡ cũng rất thật. Cả thế giới dường như đứng lại ở đó, với những con người kỳ quặc không còn chỗ nào khác để đi, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, đơn giản là vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Mình không rõ nữa, phim chẳng lãng mạn, chẳng nên thơ chút nào, dẫu vài cảnh quay có vẻ cố tình như thế, nhưng khi bài hát cất lên, mình ngẫm lại suốt cả bộ phim và chợt bay theo từng cuốn bụi mờ, nhìn thấy hai luồng ánh sáng giữa mặt trời sa mạc, và về hai phụ nữ xinh đẹp, rộng lượng và tuyệt vời trong phim, và dường như mọi sai lầm, mọi khuyết điểm của phim biến mất, chỉ còn lại cảnh quay nơi hai chị gái nhìn nhau, ngầm đánh giá, đề phòng, nơi mọi thứ đã bắt đầu và sắp sửa thay đổi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)