Về Sunset Blvd. (1950)

  (((Spoiler là phim được xem và viết năm 2020, thuở ấy người viết bài còn rảnh nên cái review này dài nhằng))) 

Vì lý do không thích bị buồn, mình từng năm lần bảy lượt ngó lơ Sunset Blvd. Nhưng vì phim đứng đầu trong danh sách các phim hay dòng noir trong TẤT CẢ các bảng xếp hạng, mình đành lòng nén cái sự ngu và làm biếng của bản thân để xem nó. Sau khi xem phim và suy đi nghĩ lại, mình vẫn nghĩ phim này chẳng phải dòng phim đen, cũng như Mulloland Drive (2000), một phim cũng có tiêu đề là một con đường, cũng chẳng phải thuộc dòng neo-noir. Và cũng giống như Mulholland Drive, Sunset Blvd. để lại trong mình vô vàn cảm xúc hỗn tạp và bi đát sau khi bộ phim kết thúc. Nếu có khác, mình thích Sunset Blvd. hơn rất nhiều lần.

 

Sunset Blvd. là một câu chuyện giản dị về hành trình trở thành trai bao của anh nhà văn Joe Gillis. Nếu thiên hạ đọc ở đâu là Sunset Blvd. là một bộ phim về nữ diễn viên hết thời nào đó, nó là một tóm tắt sai lầm, hoàn toàn tung hỏa mù, đánh lạc hướng, đứng núi này trông núi nọ, thầy bói xem phim…. Ủa chứ gì nữa, bộ phim là câu chuyện về những tháng cuối đời của Joe Gillis với chính lời kể của Joe Gillis, xoay quanh những con người bước qua đời của Joe Gillis, thế thì phim chẳng nói về anh này thì nói về cái gì. Tuy những tháng ngày dạo bước dương gian trong phim của anh không thể được thiên hạ đong đếm bằng đạo đức hay tiêu chuẩn đo lường chất lượng cuộc sống thông thường, nó là những tháng ngày hơn sức thú vị, đơn giản vì trong cuộc đời anh lúc này đã xuất hiện một cá nhân chói sáng và có một không hai là Norma Desmond. 

Thuở còn sống, Joe Gillis tự sự là đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng thê lương mà mình tin rằng bất cứ người “lớn” bình thường nào cũng đã từng trải qua. Joe chìm ngập trong một giai đoạn khó khăn của sự nghiệp khi những tác phẩm anh này viết ra hoặc quá kém cỏi hoặc quá cao siêu với thị hiếu khán giả thông thường, dẫn tới những kịch bản anh này viết ra không xài được. Mặc dù vẫn đang làm việc cật lực, Joe nợ đầm đìa. Ngân hàng đã cử người tới xiết nhà, xiết xe của anh chàng. Trong cái ngõ cụt cuộc đời ấy, Joe Gillis vô tình chạy trúng cái biệt thự hoang phế của nữ minh tinh hết thời Norma Desmond. Mối quan hệ vị kỉ đầy toan tính của Joe Gillis và Norma Desmond cuối cùng dẫn tới bi kịch to đùng cho cả hai. Một cốt truyện hết sức chuẩn mực sách vở. 

Đối với mình, Sunset Blvd. là một bộ phim vô đạo (đức). Không một nhân vật nào trong bộ phim là một người tốt hết, chỉ là xấu ít hay ác nhiều, khùng sơ sơ hay bị điên nặng. Nói sao giờ, bộ phim nói về một Hollywood hào nhoáng rực rỡ với những cá nhân xoay vần bên trong cái cỗ máy kiếm tiền long lanh đó mà, những người đó làm sao mà là người đàng hoàng được. Ít nhất Sunset Blvd. dám phô bày một phần nhỏ cái sự xấu xí nội tâm của thế giới kim tiền nông cạn đó, vậy là cũng đã gọi là shock lắm luôn rồi.

 

mình thực sự ngưỡng mộ sự tự tin này

Đầu tiên, mình nói về nhân vật ít ác nhất trong bộ phim, Norma Desmond, cũng là nữ chính của bộ phim. Được xây dựng như một huyền thoại trong dòng phim câm, Norma có nhiều thứ để tự tin như những gì bà tự tin và ảo tưởng những gì bà vẫn ảo tưởng. Danh tiếng, giải thưởng, sự ngưỡng mộ,… tất cả tuy đều là dĩ vãng nhưng nó vẫn là thực, ít nhất từng là thực. Khi những người hâm mộ Norma bu xung quanh bà, nó chứng tỏ bà từng là một thứ gì đó cao siêu lắm, bởi vì sau bao nhiêu năm tháng biệt tăm biệt tích và những fan cuồng nhiệt của bà năm nào giờ đã trở thành nội, ngoại của một đám cháu chắt, đã trở nên mắt mờ, chân chậm, trí nhớ suy giảm do tuổi cao, họ vẫn nhận ra Norma, nhớ tới bà và không ngần ngại bày tỏ tình cảm chân thành của mình cho thần tượng. Norma Desmond tuy chỉ còn là cái bóng của chính mình nhưng khi còn đang trong cái “thời” của mình, bà đã bước lên đỉnh cao nhất của vinh quang và những thứ bà có để ngạo mạn với đời thực sự từng tồn tại. 

Sự tung hô, ngưỡng mộ, sự chú ý, ca ngợi từ công chúng, hay đơn giản, vầng hào quang của Hollywood không những hất Norma trật ra khỏi thực tại, nó còn khiến bà rơi vô trạng thái khùng khùng và sống với sự huyễn hoặc của bản thân là mình vẫn còn và sẽ mãi ở trong đỉnh cao ấy. Ngay cả khi phim câm biến mất, Norma, với sự cao ngạo cố hữu của bản thân cũng không chịu vận động thay đổi mình theo dòng chảy của thời đại mà cứ khư khư giữ lấy vinh quang của quá khứ, bảo rằng mọi thứ phải xoay vần xung quanh mình, chạy theo mình, tôn vinh mình, bảo sao mà không có “ế” show. Mà nói thiệt, cho dù là tài năng đến mấy nhưng để hợp tác và làm việc chung với Norma hẳn phải là một bác sĩ tâm lý thích quan sát, thử nghiệm trên bệnh nhân hoặc là một vị thánh có sức chịu đựng phi thường, chứ ai đâu mà chiều chuộng nổi bả.

Norma Desmond sống trong thế giới ảo tưởng của mình trong một thời gian dài thật dài cho đến khi Joe Gillis trên đường chạy trốn chủ nợ đã vô tình lọt vô trỏng. Tuy là vai chính trong câu chuyện về mình, anh trai Joe Gillis cũng chỉ là một nhà văn nghèo kiết thôi, đọ kiểu gì với minh tinh hàng đầu một thời. Hình ảnh trung tâm của anh giai nhanh chóng bị chính Norma giật mất. Chân dung Norma Desmond hiện lên tầng tầng lớp lớp như bóc hành tây vậy. Càng bóc nước mắt càng hoe đỏ vì hành quá cay và người thì quá hăng.

 

Lớp hành đầu tiên, cái sự “qua thời” của Norma Desmond được hiện hồn thông qua tòa dinh thự bả đang sống lay lắt ở đó. Một ngôi biệt thự rộng lớn với kiến trúc cầu kỳ, dấu tích của một thời vàng son đã qua với đủ sân tennis, hồ bơi, những khu vườn đi bộ mệt nghỉ nhưng đều bị bỏ mặc đã lâu. Người ngoài nhìn vào có lẽ nghĩ chủ nhân biệt thự hoặc đã trốn đi vì vỡ nợ, hoặc là nghĩ tòa này bị ma ám nên không ai mua, tịnh chắc chắn không có ai thèm ở. Cũng giống như Norma, tòa dinh thự xa hoa bị thời gian bỏ quên và bào mòn đi sự hào nhoáng bên ngoài, nhưng dẫu vậy, nó cũng không che giấu được sự bề thế của bản thân và một quá khứ lẫy lừng một thời. Khi mình mới nhìn thấy Norma, thái độ của bà ấy giống hệt như ngôi nhà của mình vậy, lạnh lẽo, cô độc và hoang phế. Tuy khán giả chưa biết nhân vật là ai nhưng nhìn vào trang phục, kiểu cách và thái độ hách dịch hiếm có, ai cũng biết “madame” hẳn là một “ai đó” quan trọng lắm. Thời gian công bằng cũng bỏ rơi Norma Desmond nhưng nó không che giấu được trước đây bà cũng là một mỹ nhân và nếu bỏ đi cái tính hợm hĩnh khùng khùng, bả cũng vẫn là một phụ nữ xinh đẹp trong lứa tuổi mình. Đồ nội thất trong ngôi biệt thự, những nơi Norma trực tiếp sống đều sáng choang, xa hoa và cầu kỳ thái quá, biểu hiện của một người không thiếu tiền. Nữ minh tinh vẫn ăn mặc lộng lẫy, trang điểm cẩn thận, tóc tai được chải chuốc chỉnh chu hàng ngày cho dù bà không bước chân ra ngoài và cũng chẳng gặp ai ngoài lão quản gia Max. Cái sự coi trọng hình thức này, bảo rằng bả là diễn viên nổi tiếng nên chú trọng ngoại hình, bảo rằng bả quá ngạo nghễ để thấy mình xấu, bảo rằng sự tự tôn cao ngất không cho phép bà lùi xùi, hoặc bà luôn trong tâm thế chuẩn bị cho cái thời điểm Joe Gillis chạy trốn và thay đổi cuộc đời bà, tất cả đều đúng.

Khi hành được bóc thêm một lớp, bỏ đi cái sự tự cao tự đại và số tiền trong nhà băng xài cả đời không hết, Norma Desmond cũng chỉ là một người phụ nữ trung niên thất nghiệp, không chồng con và mắc bệnh trầm cảm. Khi khán giả bước qua vầng hào quang của tiền bạc và quá khứ và nhìn nhận nhân vật, tất cả chỉ là một người phụ nữ cô độc đến đáng thương. Cô độc đến mức cứ vơ đại lấy một trai nào đi lạc vô nhà mình và gọi đó là tình yêu. Bảo Norma yêu Joe thì có mà mơ, bả chỉ yêu bả thôi. Nhưng người phụ nữ đáng thương cũng có đặt một ít tình cảm của mình vào Joe, hoặc chí ít mong mỏi được sở hữu ảnh, được luôn có ảnh ở cạnh mình, giống như một chứng cứ rành rành là bả cũng vẫn còn hấp dẫn lắm, vẫn còn có được “anh” người yêu trẻ trung, xinh trai và lại có học thức thế này cơ mà. Joe là “vật chứng” bằng xương bằng thịt mà Norma cần để chứng minh cho chính mình biết rằng bà cũng vẫn được “công chúng” ngưỡng mộ, chứ không phải chỉ qua dăm ba lá thư fan gửi hàng ngày và sự cung cúc tận tụy của lão quản gia Max.

Nếu nhìn sâu thêm một chút nữa, ai cũng dễ dàng nhận thấy Norma Desmond có một chút gì đó điên điên. Người phụ nữ này không có một tí gì về khái niệm thực tại hay vị trí thực tế mình đang nằm ở đâu. Bả sống trong một thế giới diệu kỳ của riêng mình, nơi bả là ngôi sao to đùng đùng, chói sáng giữa trung tâm của vũ trụ. Trong thế giới ấy, Norma vẫn, sẽ và mãi là nữ minh tinh nổi tiếng nhất, được hâm mộ và trọng vọng nhất. Cái sự ảo tưởng và tự luyến của Norma Desmond vượt ngoài ngưỡng thông thường của một cá nhân tự tin và tự cao. Và khi Joe cố gắng đập vỡ cái bong bóng hão huyền của Norma đi và cố gắng đẩy bà trở về cuộc sống thực tại, anh dường như không thể làm được. Càng cố đánh thức Norma, anh càng đẩy bà xa dần đến bờ vực của việc đánh mất chính mình hoàn toàn.

Trở thành một ngôi sao vốn không phải là một chuyện dễ dàng. Đằng sau ánh hào quang danh vọng là cả một biển trời những áp lực, rắc rối và những mối quan hệ, trao đổi dây mơ rễ má khác, dĩ nhiên Norma có cả tá bệnh tâm lý. Nữ diễn viên luôn luôn ở trên bờ vực của sự ảo tưởng vô hại và mất trí hoàn toàn. Bản thân mình luôn nghĩ Norma chọn để sống trong bong bóng ký ức. Ngay ở lúc đầu phim và ngay cả khi đang ấp ủ một bộ phim lớn để quay trở về màn ảnh rộng, đâu đó trong tiềm thức của người phụ nữ đáng thương luôn biết rõ thực tại của mình như thế nào. Bà hoàn toàn ý thức được mình đã qua thời xuân sắc, thế giới đã đổi khác và sự nghiệp của mình chẳng khác nào cái tên con đường bà đang ở “Sunset Blvd”. Cái sự lặn của mặt trời là danh tiếng và chính bản thân Norma đang phai mờ dần trong sự vận động của trời đất, là một điều bà không thể tránh khỏi và không thể níu kéo được cho dù có làm tất cả mọi thứ bà có thể làm. Norma Desmond biết sự thật đó, nhưng vì nó quá đau đớn cho một cái tôi cao ngạo như Norma có thể chấp nhận, bà náu mình trong thế giới tưởng tượng đẹp đẽ kia và sống như vậy suốt mấy chục năm trời. Sự cân bằng giữa việc chôn vùi nhận thức thực tại và bay bổng trong giấc mộng hoàng kim của chính mình đã giữ cho Norma Desmond sống sót đến tận bây giờ, cho đến khi Joe Gillis từ chối vỗ về giấc mộng đó và muốn bước ra ngoài ảo vọng của Norma. Cái chết của Joe Gillis một lần nữa thức dậy cái thực tại phũ phàng mà Norma Desmond đã giấu nhẹm từ lâu, nay trở nên vô cùng khắc nghiệt và tổn thương đến mức Norma từ chối nó tồn tại một lần cuối cùng và hoàn toàn để bản thân lún hoàn toàn vào thế giới hư ảo.

 

Để cái bong bóng hạnh phúc của Norma có thể tồn tại lâu đến vậy, có lẽ nó đến từ sự tận tụy không ngừng nghỉ của ông quản gia Max von Mayerling. Khi Joe Gillis mới gặp Norma Desmond và khán giả cũng mới gặp Norma Desmond, có một sự nghi ngờ to lớn về cái sự “huy hoàng” của Norma. Chính Max khiến cho cái sự nghi ngờ đó biến mất. Cách ông trân trọng gọi bà là “Madame”, ca ngợi bà ngay cả khi bà không có mặt ở đó và phục tùng bà vô điều kiện, chính Max khiến mình bắt đầu tin rằng Norma Desmond từng/ đang là một điều gì đó kỳ diệu và to tát lắm. Không phải chỉ có Max viết thư hâm mộ gửi cho Norma hàng ngày, an ủi Norma rằng bà vẫn là một ngôi sao lớn, việc Max tin tưởng vào Norma khiến chính Norma Desmond tin tưởng vào chính mình và tiếp tục sống nhờ trong bong bóng ảo mộng của bản thân. Norma Desmond tạo ra cái bong bóng ấy nhưng chính Max von Mayerling khiến cái bong bóng đó tồn tại và giữ cho Norma Desmond “hạnh phúc” với chính quá khứ - hiện tại của mình.

một biểu tượng của lụy tình

Cú twist lớn về thân phận của Max, khi ông này từng là một vị đạo diễn có tiềm năng, ngang hàng với cả Cecil B. Miller, từng đạo diễn phim cho chính Norma Desmond và hơn hết, là người chồng đầu tiên của bả. Mọi thứ trở nên “bài ngữa” đến đáng sợ khi mình hồi tưởng về những gì Max nói “It was the room for the husband” tức là nói về chính ổng, hay khi Max tự hào nói về quá khứ vàng son của Norma và viêc Norma đối xử với ông ta như thế nào hiện giờ. Ngay cả khi Max giải thích với Joe tại sao ông chấp nhận lui về phục dịch Norma như người hầu, bản thân mình thực sự cũng không thể hiểu được rõ ràng. Nó là yêu thương vô điều kiện hay ám ảnh đến khôn nguôi? Là Max với tình yêu cao cả vượt lên trên tự trọng bản thân, thói ghen tuông thông thường của một kẻ đơn phương chỉ để được ở bên cạnh người mình thương và nhìn thấy họ hạnh phúc, hay đó là một bệnh cưỡng chế tâm lý nào đó khiến Max không thể tồn tại mà thiếu Norma, rằng ông không thể làm điều gì mà sống thiếu bà? Dẫu đó là gì, việc Max bỏ mặc mọi thứ mình có (sự nghiệp, danh dự và chính mình) và trở thành người hầu cho Norma, bảo bọc bà trong hào quang của quá khứ, nhìn bà quỵ lụy tình cảm với Joe, mình thực sự không biết nghĩ gì, chỉ có một sự sợ hãi và “kinh hoàng” dành cho nhân vật, không hề là khâm phục hay đồng cảm gì sất.

Dẫu có “mù lòa” về cái sự si mê vô vọng dành cho Norma, Max von Mayerling vẫn đủ tỉnh táo để nhìn thấy Norma Desmond như đúng những gì cuộc sống nhìn thấy bà. Thay vì chọn đánh thức Norma về với thực tại và sống một cuộc sống đúng nghĩa, Max chọn một con đường cũng khó không kém là để Norma sống trong thế giới vàng son của chính mình và ông bảo vệ cho cái thế giới vàng son đó không sụp đổ trước mặt Norma. Khi nói chuyện riêng với Joe, Max, với sự trân trọng và tin tưởng hiếm có, bảo “She was the greatest of them all”. Nhưng khi có mặt Norma ở đó, Max, vẫn với giọng điệu và niềm tin không đổi, nói “Madame is the greatest star of them all”. Cái thì quá khứ và hiện tại was/ is phản ánh những gì ông thực sự tin tưởng và những gì ông sẵn sàng dối trá để có thể “bảo vệ” cho Norma. Thậm chí khi Norma đã hoàn toàn đánh mất mọi khái niệm về thực tại và ảo tưởng, Max vẫn làm mọi cách để Norma tiếp tục ảo tưởng những điều bả mong muốn. Cái tình yêu/ ám ảnh của Max dành cho Norma dường như là ông hy sinh bản thân mình để giữ cho Norma được hạnh phúc theo cách của bà, vừa là một mong mỏi ích kỷ để khiến Norma cứ tồn tại mãi như thế và mãi mãi bên cạnh ông, không thể đi đâu được nữa.

 

diễn hay như vậy mà 

Tất cả tình yêu trong Sunset Blvd., nếu thực sự có tồn tại, những tình yêu đó đều bất thường, méo mó và vô cùng “vụ lợi”. Và nó cứ đáng sợ thế nào ấy. Gloria Swanson và Erich von Stroheim đã có màn trình diễn vô cùng xuất sắc và vô cùng ấn tượng, đặc biệt là Gloria Swanson. Mình đã không thể tin được là Gloria Swanson không thắng giải Oscar cho vai diễn Norma Desmond. Bản thân mình khi bộ phim kết thúc, mình đã nghĩ Norma Desmond là một trong những nhân vật nữ đáng nhớ nhất trong tất cả những phim mình từng xem, ngang ngửa với nhân vật Martha của Elizabeth Taylor trong Who’s Afraid of Virginia Woolf? hay vai diễn Blanche của Vivien Leigh trong A Streetcar Named Desire. Phải đó, Norma Desmond là một nhân vật biểu tượng và “kỳ vĩ” như vậy ấy. Việc không thắng Oscar cũng giống như một sự mỉa mai thời cuộc cho chính số phận nhân vật. Gloria Swanson đã thể hiện xuất thần và chân thực sự cao ngạo của một minh tinh, hoàn toàn lấn át mọi nhân vật khác và là trung tâm trong mọi khung hình bà có mặt. Sự trịch thượng, cao sang và hoàn toàn sống trên trời trên mây của Norma được Gloria Swanson thể hiện trọn vẹn thông qua ánh mắt khinh người, gương mặt luôn hếch mỏi cổ, cung cách, điệu bộ, cách nhả chữ và nói chuyện hoàn toàn là phong cách của sân khấu, rất kém tự nhiên và “kịch” tính không cần thiết. Việc Norma cư xử và nói chuyện như vậy là một ví dụ điển hình cho việc bà đang sống trong “bộ phim” của mình, một bộ phim lỗi thời của quá khứ, xa hoa, giả tạo và kịch cỡm. Nhưng kết hợp sự giả tạo, kịch cỡm đó với sự ngạo mạn ngất trời của ngôi sao lớn và dư tiền khiến Norma Desmond trở nên vô cùng đặc sắc. Khi mình nhìn thấy Norma Desmond, mình cảm thấy bà ta vừa đáng ghét vừa đáng sợ và đâu đó, vẫn là một sự đáng thương không thể che giấu được. Norma Desmond vừa to lớn, vừa nhỏ mọn, vừa vĩ đại, vừa nhỏ nhoi, vừa ích kỷ, vừa tội nghiệp, mọi thứ bà đang có, mọi thứ bà đã có, mọi khoảnh khắc bà đang ảo tưởng, tất cả đều ở đây, vừa buồn bã, vừa châm biếm, vừa lặng lẽ chua chát. Không ai có thể ghét bỏ một người đang ốm cả. Norma Desmond thì lại đang ốm rất nặng.

Khi mình đọc nhiều và nhiều hơn nữa về Sunset Blvd., mọi thứ càng trở nên thú vị với sự xen cài giữa kịch bản phim và thực tế người thật việc thật, và giữa cuộc đời được diễn lại trên phim. Không chỉ Gloria Swanson có sự nghiệp chìm nổi như Norma Desmond, khi Norma tuyệt vọng xây dựng nên một bộ phim để “return” lại với màn ảnh lớn, với khán giả, với tiếng tung hô, Gloria đã có một màn “comeback” tuyệt vời khi diễn lại chính mình với màn return thất bại của Norma Desmond. Không chỉ có Gloria Swanson, Eric von Stroheim cũng từng là một đạo diễn có tiếng và được đánh giá cao trước khi sự nghiệp bị chặn đứng và phải lui về phía sau đóng vai phụ. Như Max từng đạo diễn Norma, Stroheim cũng đã từng đạo diễn Gloria Swanson trong bộ phim Queen Kelly, và trích đoạn của bộ phim này còn được sử dụng trong phân cảnh Norma Desmond xem lại một trong những phim cũ của bà với Joe Gillis. Bản thân Cecil B. DeMille cũng từng đạo diễn Gloria Swanson và những người bạn đánh bài chung với Norma đều là những diễn viên phim câm nổi tiếng ngày xưa nhưng nay danh tiếng đã bị chôn vùi khi thời thế thay đổi.

Gloria Swanson đã có một vai diễn để đời. Khi mình tìm hiểu về bộ phim, nhân vật Norma Desmond như được đo ni đóng giày từ chính cuộc đời của Gloria Swanson vậy. Từng là một diễn viên phim câm có tiếng, sự nghiệp của Swanson phai mờ dần khi bà không thể thích ứng kịp cá tính của mình trong phim nói, cộng dồn thêm vô vàn scandal trong cuộc sống riêng mà tài năng không đủ để dập miệng lưỡi thiên hạ, Gloria Swanson biến mất khỏi màn ảnh rộng. Như bao nhiêu sự mỉa mai khác của thời cuộc và định mệnh, bên làm phim mời mọc hết minh tinh này đến ngôi sao khác nhưng đều bị từ chối, cuối cùng rồi với đến lượt Gloria Swanson, một nữ diễn viên khó tánh nay đã lui về đóng một vài vai nhỏ trên truyền hình. Mình không ở trong thời đại đó để chứng kiến Gloria Swanson như thế nào trong đời thực, nhưng người ta bảo là cái tính cách cao ngạo và lối sống phù hoa của nữ diễn viên giống ư là Norma Desmond.

 

Nếu nói Norma Desmond tự chọn sống trong quá khứ, nhân vật Joe Gillis lựa chọn cuộc sống trai bao cho chính mình. Cũng tương tự Lolita khi nam chính ấu dâm kể lại câu chuyện vô luân bằng giọng kể của mình, lãng mạn hóa và “bào chữa” cho việc mình đi yêu một bé gái, Joe Gillis kể lại câu chuyện của mình với tâm thế một người tốt bị dòng đời xô đẩy. Bản thân mình cảm thông cho Joe khi sự nghiệp của anh lâm vào cảnh khó khăn, nhưng khi nhìn Joe vẫn ở nhà sang, đi xe bóng lộn, áo quần vẫn tươm tất đi ra đường, mình nhìn thấy anh này cũng chưa hẳn lâm vào bước đường cùng lắm. Việc Joe lợi dụng Norma để kiếm một ít tiền trang trải và trốn nợ là một việc hoàn toàn bình thường, nhưng khi Joe biện hộ việc mình ở lại với Norma Desmond vì bà này cắt cổ tay tự tử, nó chỉ đơn giản là một sự ngụy biện của một kẻ cơ hội. Joe Gillis luôn luôn có cơ hội để thoát ra khỏi vòng tay của Norma Desmond, bà này đâu có đe dọa sẽ chấm dứt luôn sự nghiệp của anh này và đòi anh trả lại những gì bà đã tặng. Joe Gillis hoàn toàn có thể đi bất cứ khi nào anh muốn nhưng anh ta chọn ở lại cái cuộc sống của Norma Desmond với ảo tưởng vàng son loạn trí của bà, với áo quần là lượt, với hộp thuốc lá bằng vàng ròng, với nhà cao cửa rộng và một hồ bơi đã được sang sửa và lấp đầy chỉ dành riêng cho anh. Là anh ta chọn nó.

cổ có mỏi không chị?

Tình cảm của Joe dành cho Norma dao động qua lại giữa ghét bỏ và thương hại. Với con mắt của một nhà văn trải đời, Joe nhìn thấy một Norma lắm tiền độc đoán nhưng cô đơn chênh vênh giữa thực tại và ảo tưởng và chính anh chắc cũng nhận ra một phần nào đó tình cảm Norma dành cho mình là thật. Vì thế, Joe thương hại bà và lo sợ rằng cái bong bóng ảo tưởng mà Norma đang sống một ngày nào đó sẽ vỡ tan tành và bà này sẽ vụn thành cám. Nhưng sự thương hại chỉ là một phần nhỏ, phần lớn thời gian, Joe Gillis coi Norma Desmond như một bà điên lắm tiền và anh ta có một sự trao đổi sòng phẳng giữa tình và tiền với Norma, sự ghét bỏ Joe dành cho Norma chỉ là sự ghét bỏ anh dành cho mình, cũng như việc anh thầm đổ lỗi cho cuộc sống nhơ nhuốc mà anh đang có là do Norma ép uổng, đe dọa tự tử mới khiến anh như vậy. Sự xuất hiện của Betty Schaefer chỉ là một sự nhắc nhở Joe về một con người nhiệt huyết, đầy hoài bão mà của anh ngày xưa. Cô là hình ảnh của một Joe Gillis trước khi anh bị Hollywood vùi lên dập xuống đến mức phải đi bán thân cho một mụ sồn sồn hoang tưởng để có tiền trả nợ. Với Betty, Joe được là chính mình hoặc trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình, là thứ nhắc nhở anh biết có nhiều thứ ngoài kia đáng quý hơn căn biệt thự xa hoa của Norma. Việc Norma ghen tuông và vạch trần con người thật của anh cho Betty biết, đó là khi Joe phải đối diện với chính những gì mình đã chọn và hậu quả của nó. Anh ta nổi giận, anh ta giận Norma, anh ta giận chính mình, anh ta cố gắng đưa Norma trở về với thực tại như một hành động trả đũa bà lúc giận dữ.

Đối với mình, hành động rũ bỏ cuộc sống trai bao của Joe Gillis không bao giờ là một sự tỉnh thức của đạo đức hay bất cứ điều gì cả. Bản thân Joe Gillis hay Betty Schaefer không có quyền nói chuyện với bất cứ ai về đạo đức hết. Dẫu rằng bạn trai/ hôn thê của mình có là một người rẻ tiền như thế nào (bảo bạn gái chạy xuống một bang khác để sống vì chi phí đám cưới ở đó chỉ tốn tầm 2 đô la là một hành động vô cùng mạt rệp đối với một người mà Joe Gillis bảo rằng “nicest man”), thì việc Betty Schaefer hôn và thú nhận mình yêu Joe đơn giản là một hành động ngoại tình trắng trợn. Vậy mà cô ta còn dám lên mặt chỉ trích Joe không ra gì và lừa dối cô? Giỡn không? Em gái về học lại giáo dục công dân đi nha, em cũng không tốt đẹp hơn ai cái gì đâu.

Khi Joe chối bỏ cả Betty và Norma, mình đoán anh muốn làm lại cuộc đời của mình từ đầu và chối bỏ Hollywood quái đản và chán chường này một lần cuối cùng. Thôi thì nhân vật cũng gỡ gạc lại cho mình chút liêm sỉ, chỉ là cái cách anh đối xử với Norma quá “đột biến” để một người có tâm trí mong manh như Norma có thể kịp thích ứng và đón nhận. Khi khẩu súng bóp cò, Joe Gillis đã đánh mất cuộc đời mình còn chút nhận thức về thực tại của Norma Desmond tan vỡ và không bao giờ trở về nữa. Họ đã không còn “tồn tại” trong cái khoảnh khắc ấy nữa.

 

Trong Sunset Blvd., một phần xấu xa của Hollywood được diễn tả khá mạnh mẽ, châm biếm và thông minh. Sự bội bạc của kinh đô điện ảnh hào nhoáng khi hoàn toàn không đếm xỉa gì đến Norma Desmond trong suốt ngần ấy năm nhưng khi có án mạng xảy đến trong dinh thự của bà, đột nhiên Norma lại trở thành một “ngôi sao lớn” thêm lần nữa. Máy quay, phóng viên, người đưa tin, tất cả rầm rộ tới tìm bà như kền kền rỉa xác, dẫu trong số họ có người chẳng biết Norma Desmond là ai. Và sự nông cạn trong thị hiếu công chúng được thể hiện trong màn đối thoại giữa Betty Schaefer, một nữ nhà văn trẻ còn đang khao khát chứng tỏ mình và thay đổi cục diện bàn cờ và Joe Gillis, một biên kịch đã thất bại nhiều lần nên rành rõi cách thế giới điện ảnh này vận hành. Quá khứ được đào tạo thành ngôi sao của Betty, cảnh Cecil B. Miller nói về việc áp lực công việc và đỉnh cao danh vọng làm “hỏng” Norma và chính ông đạo diễn lừng danh này cũng không dám chọc vỡ bong bóng ảo tưởng của Norma Desmond. Họ bỏ rơi Norma một lần và họ tiếp tục bỏ rơi Norma lần nữa. Không ai thực sự muốn giúp bà.

 

Bộ phim tạo cho mình một ấn tượng xấu ngay từ đầu, tất cả từ việc phim chọn phương thức dẫn chuyện (narration) cũ kỹ để bắt đầu và việc một xác chết nổi lềnh phềnh trong bể bơi với nguyên nhân là bị bắn chết nhưng xung quanh tịnh không có một hột máu. Nói mình bắt bẻ rỗi hơi cũng đúng, vì thời đại đó chắc khá khắt khe về tính bạo lực hay những cảnh chết chóc trên màn ảnh, nhưng những chi tiết nhỏ xinh cầu kỳ như vậy mới giúp bộ phim này đứng trên hạng những bộ phim làng nhàng khác. Sunset Blvd. dường như không có một sự khởi đầu thuận lợi đó vì mình ngay lập tức không ưa nam chính ngay từ khi anh này xuất hiện trên màn hình. Chỉ đến khi Gloria Swanson hay Norma Desmond xuất hiện, cả bộ phim mới bừng sáng và sự quan tâm của mình dành cho phim đảo chiều bất ngờ. Đó là một minh chứng rõ ràng và cũng rất mỉa mai khi Norma Desmond thực sự là một ngôi sao lớn đủ để thay đổi cục diện của cả thế giới này nếu như bà muốn.

Sau khi xem Sunset Blvd., mình ngay lập tức có nhã hứng tìm hiểu đạo diễn của bộ phim này, Billy Wilder. Và một trong những bất ngờ ngạo ngược, mình đã xem gần đủ những phim nổi tiếng nhất sự nghiệp của ông này. Double Indemnity (1944), Witness for the Prosecution (1957), Some Like It Hot (1959) và The Apartment (1960). Giờ thì còn thiếu mỗi The Lost Weekend (1945) nữa là đủ khẩu vị. Nhưng cái điều trớ trêu ở đây là cho dù mình đã xem gần hết những phim tiêu biểu của Billy Wilder, những phim này không đủ thú vị để khiến mình tìm hiểu về chính ông đạo diễn, đặc biệt là khi xem nhiều phim như thế của ông, mình cũng không thể kết nối chúng lại với nhau và định dạng được một phong cách riêng của Billy Wilder. Tất cả những phim mình liệt kê ở trên đều là những phim rất hấp dẫn và được công nhận là kinh điển, nhưng không phim nào xuất sắc và để lại ấn tượng, dư vị hay một cảm xúc đủ mạnh mẽ cho mình như Sunset Blvd. Bản thân mình cũng vẫn nghĩ Billy Wilder là một đạo diễn giỏi, chỉ là không thực sự có màu riêng. Giống như Steven Spielberg, những phim ông này đạo diễn đều là bom tấn, đều có doanh thu cao, nhiều phim là biểu tượng thời đại và thay đổi lịch sử điện ảnh. Nhưng nếu chỉ xem mà không để ý tên đạo diễn, mình hoàn toàn sẽ không có chút manh mối nào là đây là một phim của Spielberg, đây là phim của Wilder. Họ tài giỏi, chắc chắn, chỉ là không đưa cá tính, nét đặc trưng vào trong tác phẩm của mình, điều hoàn toàn trái ngược với những đạo diễn nổi tiếng đương thời. Wes Anderson, Christopher Nolan, Micheal Bay, Riley Scott, Quentin Taratino,… những tay đạo diễn trên định hình phong cách phim cho mình và thậm chí làm quá cái phong cách ấy chỉ để nhấn mạnh cái tôi của bản thân trong tác phẩm của họ. Nhưng như thế có là làm phim cho khán giả, cho chính bộ phim hay cho chính họ? Giờ thì mình chẳng rõ làm phim kiểu nhàn nhạt vô ngã như Billy Wilder hay cái tôi màu mè như Wes Anderson cái nào tốt hơn nữa.

điên nhưng mà vẫn phải sang

Nói gì thì nói, một trong những điểm ấn tượng nhất của Sunset Blvd. chính là đoạn kết, nó khiến bộ phim đọng lại rất nhiều dư âm, thậm chí là một tiếng vọng to đùng, ngã ngữa và khiến mình cứ nghĩ ngợi hoài. Khi Norma Desmond bước xuống cầu thang, hoàn toàn mất trí, mọi người xung quanh yên lặng và nhường chỗ cho bà, ánh đèn quay phim chiếu vào và khi Gloria Swanson nói câu thoại kinh điển: “Alright, Mr DeMille. I’m ready for my close-up”, mọi ranh giới giữa thực và ảo vừa hoàn toàn tách biệt, vừa hoàn toàn xóa mờ. Mình chợt cảm thấy sợ hãi, buồn bã, chua chát vừa có một sự cảm thông sâu sắc dành cho nhân vật. Cảm thông điều gì? Mình có điểm gì chung với bả đâu. Mình chẳng rõ nữa, chỉ một sự buồn thương, phiền muộn dành cho một nhân vật có mọi thứ nhưng vừa không có mọi thứ.

 

Sunset Blvd. là một trong những phim điện ảnh hay nhất mình xem năm 2020, nếu không muốn nói là hay nhất. Không có một giây phút buồn chán nào khi Norma Desmond xuất hiện trên màn ảnh, không một thông điệp sến rện giả dối nào được tuyên truyền qua những câu thoại đậm chất dạy dỗ, tất cả nhân vật đều có tham vọng, sai lầm và sự đổ vỡ của chính mình và từng mảnh của cuộc đời họ khắc lên một câu chuyện bi thương với người rơi máu đổ, với ký ức phai màu, với ảo vọng tan tành cùng cả một kiếp người thăng trầm cuối cùng được lóe sáng chớp nhoáng trong một ngày truyền thông ngó ngàng tới. Và không giống như cảnh quay hoan hỉ cuối cùng khi Norma Desmond chìm ngập trong máy quay và sự chú ý của thiên hạ, khi màn hạ, người chán, ánh đèn tắt lịm, mọi thứ chỉ còn là sự điên dại và cô đơn đến cùng cực và một cái lạnh sống lưng rùng mình sợ hãi, dư vị cuối cùng mà mình nhìn thấy trong ánh mắt của nhân vật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)