Về Tokyo Godfathers (2003)



<Spoiler Alert>

Điểm khác biệt của Tokyo Godfathers là khi mình xem phim, mình không thấy nó đặc biệt hay, không đặc biệt mắc cười, không đặc biệt cảm động, cũng không thấy nó đặc biệt thú vị hay sáng tạo. Trong mọi tiêu chí, phim chậm rãi, ổn định và logic ở mức 7 điểm rưỡi, không hơn, không kém, không khía cạnh nào vượt trội và ngon nghẻ hơn khía cạnh nào, cũng không có điểm nào yếu kém và tụt dốc. Nó tròn trịa tốt đẹp nhưng lại không xuất sắc, có cảm xúc nhưng không cảm động, có sự chân thành nhưng không để lại dư âm, và như một điều hiển nhiên, mình không thích cũng chẳng ghét bỏ gì phim. Trong một thời thế mà mình đang rảnh không có gì để bày tỏ, mình viết cái bài này. Cuộc sống công sở nó cũng kì, đôi khi bận tối mắt tối mũi lại xem được 200 bộ phim hay, cái gì cũng muốn viết mà không có thời gian, lúc thì rảnh không có việc gì làm lại đi viết quấy quá về một bộ phim không có lấy một điểm bùng nổ tâm trạng.

 

Một gia đình

Đầu tiên phải kể đến cái sự chán trong cốt truyện về ba người xa lạ vô tình thấy được một đứa trẻ bỏ rơi không rõ lai lịch. Không nói đến việc Tokyo Godfathers dựa trên một phim cao bồi ngày xửa ngày xưa là 3 Godfathers (1948), cái dạng phim “con nhặt” này mình từng đã coi qua ở Three Men and a Baby (1987). Motif một đứa trẻ từ trên trời rơi xuống làm thay đổi cuộc sống của những người liên quan đã không hiếm, motif về một điều kỳ diệu trong đêm giáng sinh lại càng tràn lan đại hải với hai chục tựa phim “kinh điển” mà Hollywood năm nào cũng muốn làm thêm, mình thực sự không có gì để bình luận về cái sự cũ và kĩ trong bản chất của Tokyo Godfathers. Tuy nhiên bản thân cái cốt truyện này có vô vàn tiềm năng để khai phá nên nó mới được làm đi làm lại hoài và Tokyo Godfathers hoàn toàn vận dụng tốt cái tiềm năng đó, phần nào khiến nó có sự lột xác và khác biệt. Việc khai thác mảnh đời riêng của ba người sống kiếp màn trời chiếu đất tại thủ đô Tokyo phồn hoa lạnh lùng đã hé lộ một góc chung về cuộc sống của những người vô gia cư ở Nhật Bản thực sự là một nét mới mẻ và gai góc hơn cho một câu chuyện dễ đoán và dễ sến, khiến nó tạo ra một tông màu riêng của thực tại lẫn lộn và trầm buồn bên trong một plot Giáng sinh ấm áp tầm thường.

 

Mình từng đọc một bài báo nào đó về những người vô gia cư ở Nhật Bản. Vì được giáo dục từ nhỏ về tính tự lập và có trách nhiệm với xã hội, hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản thường sống ẩn dật và xa lánh thế giới để “tránh làm phiền người khác”. Họ vẫn tồn tại đấy nhưng dường như không hẳn tồn tại, tách biệt, lặng lẽ đến và âm thầm (chết) đi, một cách sống nghe cứ thảm thảm và cô độc kiểu gì. Có lẽ vì “tự trọng” với đời như thế nên thế giới của những người vô gia cư của Nhật Bản cứ như một thực trạng không ai muốn biết, tuy không cố tình che giấu nhưng cũng chẳng được phơi bày, dẫu nó cũng bi kịch, đói khổ và rầu rĩ y chang mấy người vô gia cư ở các nước phát triển khác.

Ba kẻ vô gia cư trong Tokyo Godfathers chỉ là ba mảnh đời tiêu biểu cho cái thế giới “vô hình” đó. Gin, một người đàn ông trung niên nghiện rượu, Hana, một bà cô chuyển giới và Miyuki, một bé tuổi teen ẩm ương bỏ nhà đi bụi sống chung với nhau trong 1 “lều” và vô tình hữu ý có đủ “bộ phận” để cấu tạo ra một gia đình cơ bản. Sau khi vô tình nhặt được một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, cả ba dấn thân vào một chuyến hành trình tìm lại cha mẹ cho đứa trẻ, đồng thời tìm lại chính mình. Đấy, cốt truyện xưa như Diễm.

 

Hành trình của ba người vô gia cư này thực sự khá vô nghĩa với góc nhìn là lợi ích của đứa trẻ bị bỏ rơi. Nếu họ giao đứa trẻ ngay từ đầu cho cảnh sát thì mọi chuyện đã được giải quyết cái rụp, “châu về Hợp Phố” trong chớp mắt. Chuyến hành trình này chả mang lại lợi lộc gì cho đứa bé đáng thương ngoài việc mạo hiểm mạng sống của nó giữa tranh chấp của đám yazuka, giữa mùa đông siêu lạnh Nhật Bản, giữa cơn khát sữa chực chờ và vài vụ va chạm giao thông, nhảy lầu các kiểu. Vậy nên nói gì thì nói, bộ phim dành cho thế giới của người lớn và đứa trẻ đáng thương kia chỉ là cái cớ, cái lý do nhỏ mọn để mấy con người kia thỏa mãn mong ước của bản thân. Ở một khía cạnh nào đó, đứa trẻ đúng là điều kỳ diệu của Giáng sinh, là món quà Thượng đế trao tặng để khuấy động cuộc sống không còn động lực của mọi nhân vật trong câu chuyện. Và ở đoạn cuối con đường, cả nhân vật phản diện và “chính diện” tìm thấy cái câu trả lời còn thiếu của chính mình, gặp được những người mà cả đời họ tưởng như không có dũng khí để gặp, chọn sống tiếp cái cuộc đời mà họ đã từ bỏ, tìm ra câu trả lời cho quá khứ và tương lai của chính mình.

 

Bản thân mình thấy Tokyo Godfathers làm rất tốt trong việc xây dựng các nhân vật không hoàn hảo. Cả ba nhân vật chính rơi vào hoàn cảnh vô gia cư chẳng phải vì xã hội đưa đẩy và dồn họ vào bước đường cùng, bản thân họ cũng có nhiều phần lỗi trong việc tạo ra cái kết quả này. Đã làm thì phải có sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, chỉ có không làm mới không sai, huống chi việc làm người còn nhiêu khê, đa đoan và dễ vấp ngã hơn làm việc. Ba kẻ vô gia cư trong Tokyo Godfathers không phải là không có nơi để họ về, không phải không có người thân để xin lỗi, họ chỉ là nhìn thấy sai lầm của mình trong quá khứ và quá xấu hổ, sợ hãi để đối mặt, để nhận lỗi, để sửa chữa. Mình không nói việc họ rơi vào hoàn cảnh bây giờ là lỗi hoàn toàn ở họ (đối với Gin là đó hoàn toàn là lỗi của ổng), nhưng ở nhiều phương diện, chính họ chọn cuộc sống vô gia cư này, chính họ chọn buông bỏ cuộc sống cũ. Kể cả như người mẹ “hờ” của đứa trẻ, Sachiko, cũng vẫn là cô chọn ở bên cạnh một gã chồng rượu chè, cờ bạc, vũ phu và bòn rút tiền của cô, để rồi không thể vượt qua đau thương và mất mát và làm chuyện tày trời. Tokyo Godfathers chẳng phải một khúc oán ca phê bình cuộc sống khắc nghiệt, nó chỉ là một nhát cắt vào tâm lý vào những sự lựa chọn của một số cá nhân trong cách họ chọn sống cuộc sống của họ. Dù xấu dù tốt, mình chẳng có tư cách để đánh giá bất cứ ai là sai hay đúng, bởi vì không ai là hoàn toàn đúng, không ai là hoàn toàn sai. Ở một góc nhìn nào đó, Gin là người chồng, người cha tồi tệ nhất trên đời, nhưng ở trong mắt Hana, gã vẫn còn nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng để yêu thương, tin cậy. Và cũng tùy vào quan điểm mỗi cá nhân, Sachiko là người phụ nữ mang tội, hay chỉ là một kẻ đáng thương khi mọi thứ cô cố gắng giữ gìn nay đã hoàn toàn sụp đổ? Miyuki là đứa con bất hiếu hay chỉ là một đứa trẻ nông nổi? Hana đẩy một đứa trẻ vô tội vào bao nhiêu trắc trở chỉ vì bởi mong ước ích kỷ của mình, như vậy là tốt hay xấu? Sẽ chẳng có một câu trả lời thỏa đáng rạch ròi, bởi mỗi nhân vật trong Tokyo Godfathers đều không cần cái trắng đen thị phi đó để đánh giá những điều họ đã làm.

Một thoáng bình yên

Ngôi sao của câu chuyện là Hana, không phải đứa trẻ đâu nhé. Như bao nhiêu người chuyển giới khác, mình đoán Hana cũng đã phải mất rất nhiều thời gian của tuổi trẻ để đấu tranh và hoang mang trong việc tìm ra bản ngã và dám sống đúng với bản ngã của chính mình. Vậy nên khi đã chọn và “cam kết” với lựa chọn ấy, nhân vật Hana hoàn toàn sống đúng với suy nghĩ, cảm nhận và mong ước của bản thân, không dối lừa, không che đậy, không huyễn hoặc chính cảm xúc của mình. Cũng là Hana mong muốn giữ đứa trẻ lại chỉ một đêm, vì cô luôn ao ước được làm mẹ nhưng tạo hóa không thể cho cô làm mẹ. Cũng là Hana mong muốn đưa đứa trẻ tới gặp cha mẹ nó để cô có thể hỏi nguyên nhân tại sao một người mẹ có thể nhẫn tâm bỏ rơi con mình như vậy, cũng như mẹ cô có thể nhẫn tâm bỏ rơi cô ngày trước. Không chỉ là nguyên nhân khiến cả ba bắt đầu một hành trình mỏi mệt và tốn kém, Hana là chất keo giữ cho chuyến hành trình đó tiếp tục dẫu có bao nhiêu trở ngại, cô là sợi dây tình thân kết nối của nhân vật với nhau bằng sự tốt bụng, cảm thông và sự trải đời đáng ngạc nhiên của mình. Trong khi nhân vật Gin và Miyuki chối bỏ quá khứ và cảm xúc của mình bằng những lời dối trá và sự yên lặng, Hana không hề giấu giếm bất cứ thứ gì, số phận đau buồn, cảm xúc trăn trở, mong muốn không thể thực hiện,… dẫu nó có khiến cô trông thảm hại và đau khổ cỡ nào. Bản thân mình thấy nhân vật Hana rất hay ho, và nó không hề liên quan tới việc cô là một người chuyển giới giữa một nước Nhật còn nhiều kỳ thị. Mình thấy thú vị với một nhân vật Hana dễ dàng khóc, dễ dàng cười, dễ giận dữ, dễ yêu thương và hết lòng đón nhận và mở toang tâm tư của mình như nhà hoang. Vượt qua bao nhiêu mất mát, tổn thương trong quá khứ, nhân vật vẫn mạnh mẽ chấp nhận mọi điều cuộc đời giao tới mình, cô không hề do dự, không hề lùi bước để làm điều tốt nhất cho những người cô coi là “gia đình”. Mình thường ngưỡng mộ các nhân vật quyết đoán, tự do và mạnh dạn như vậy lắm.

 

Như đã đề cập, Tokyo Godfathers mô tả một góc nhỏ về cuộc sống của những người vô gia cư Nhật Bản, và dĩ nhiên nó chẳng thể hường phấn tí nào được. Sự thiếu thốn về vật chất là điều đương nhiên, họ vô gia cư cơ mà. Bị xã hội cô lập, coi thường, chê trách là thứ mình có thể suy luận, chỉ là việc họ thi thoảng bị mấy đứa đầu đường xó chợ đánh đập tiêu khiển là điều mình không hề biết. Tầng lớp những người vô gia cư kia dường như là tầng lớp thấp kém nhất của xã hội, khi họ không dám, không muốn và không thể kêu gọi được bất cứ sự giúp đỡ khi bị tấn công. Việc họ tự thân vận động, tự chấp nhận và coi nó như một sự đương nhiên, một sự cố, một điều rủi ro trong cái thân phận “đường phố” của họ, mình thực sự không ngờ tới. Thì cũng do cái mác Nhật Bản, một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới đó.

Có một vài chi tiết trong Tokyo Godfathers tương đối đắt, ví dụ như những ánh đèn của những căn hộ ở gần nơi Gin bị đám lưu manh hành hung. Khi có tiếng đánh nhau, một số nhà tắt đèn, giả như câm như điếc như không tồn tại, một thông điệp đơn giản là họ không muốn thấy, không muốn nghe, không muốn biết về cuộc sống của những người như Gin. Khi đám lưu manh bỏ đi, tiếng đánh nhau kết thúc, đèn bật lại, cuộc sống tiếp diễn như chưa từng có chuyện gì xấu xí vừa xảy ra. Nó vừa nhẫn tâm nhưng phần nào đó, “hợp lý”, bởi có là Giáng sinh thì cuộc sống vẫn luôn là “thân ai nấy lo” nên cũng chẳng ấm áp nghĩa tình gì. Chi tiết gợi nhớ đến tác phẩm kinh điển Christmas Carol khi Gin được gặp phiên bản thảm hại của quá khứ và tương lai của mình cũng tương đối thú vị. Tuy vậy, chi tiết Gin dùng toàn bộ tiền bạc ông dành dụm mãi mới có để trả viện phí cho Hana mới chính là điều gây bất ngờ nhất đối với mình chính. Thôi nói đến việc Gin tiết kiệm tiền để “bù đắp” cho con gái nhưng lại dùng nó để giúp đỡ một người chả có quan hệ gì với ổng như Hana, mình muốn nói là tại sao họ lại trả viện phí kia kìa. Từ bác sĩ đến y tá đều biết Hana là người vô gia cư và chẳng còn người thân nào cả, việc cô không trả được tiền viện phí là lẽ đương nhiên. Hana đã được chữa xong, bộ ba hoàn toàn có thể trốn viện không trả tiền mà không có bất cứ hậu quả nào cả, họ chẳng có gì để bệnh viện nắm thóp hết. Thế nhưng thay vì ăn xong chùi mép, Gin dùng số tiền quý báu đó của mình (số tiền mà không ai biết ông ta có) để trả viện phí, một điều mà với thân phận của họ, họ chẳng cần thiết phải làm. Chả có ai là thần là thánh trong phim, và Gin chẳng có lý do gì để đại nghĩa diệt thân cả, không ai trông chờ họ trả được viện phí hết. Mình chẳng thể lý giải được được việc ba con người nghèo rớt kia lại đứng đó, đàng hoàng trả tiền viện phí như đó mà một nghĩa vụ đương nhiên họ phải làm.

Christmas Carol của Gin

 

Cả bộ phim vẫn mang tinh thần của một bộ phim Giáng sinh với hàng loạt may mắn xuất thần mà bộ ba chạm trán trong suốt cuộc hành trình, mà họ coi đó là điều kỳ diệu xuất phát từ đứa trẻ. Trong một bộ phim dường như rất thật, rất đời trong việc xây dựng những điểm thiếu sót của các nhân vật và sự tăm tối, vô cảm của xã hội, những điều ngẫu nhiên/ kỳ diệu ở nhiều mức độ từ may mắn bất ngờ cho đến phi lý khó tin đó lại không hề trật khớp với nhau. Nó khiến bộ phim dịu dàng và ấm áp lạ lùng, làm mềm mại đi những gai góc, cô đơn và hối tiếc của các nhân vật. Cụ ông vô gia cư đó chết trong một túp lều, không có bất cứ người thân nào bên cạnh ngoại trừ Gin, nghe ra thì thật thê lương. Nhưng cụ ông đó được chết theo đúng mong ước của mình là được ra đi khi đang say xỉn, và cụ không chết một mình, ngoài đường, không ai bên cạnh. Cuộc sống có được, có mất, và Tokyo Godfathers đưa mình theo nhiều cung bậc của cảm xúc mà mình hầu như không thể dự đoán hoặc rào đón trước. Mới phút trước, nó vẫn còn là tiếng cười nhố nhăng của một chi tiết gây hài vớ vẩn, phút sau, nó đã là thế thái nhân tình tịch mịch đau khổ, phút sau đó là sự ấm áp của người bảo bọc người cùng sự sâu sắc đến ngã ngữa của một nhân vật tưởng chừng như vô cùng nông cạn….Chỉ là khi một cảm xúc được phim trưng bày, nó chập chờn và không thực sự đậm nét ở bất cứ chi tiết nào cả, hoặc nó chơi tàu lượn quá nhanh khiến mình chưa kịp thấm, bởi khi cuối cùng, mình thực sự không đọng lại nhiều cảm xúc, hạnh phúc hay chút xót xa.

 

Bản thân mình thấy chi tiết trúng vé số rất dư thừa và khiến bộ phim bị rẻ tiền hơn khi ép ráng được một cái kết có hậu và tươi sáng hơn cho cái gia đình vô gia cư chắp vá kia. Nhưng khi kết thúc được chuyến hành trình của mình, họ đã tìm được đường để tiếp bước. Gin đã có động lực để cố gắng và sữa chữa những tổn thương ông gây ra trong quá khứ, Hana đã gặp được gia đình yêu thương của cô và họ vẫn yêu thương và đón nhận cô, Miyuki nhiều khả năng sẽ trở về với cha mẹ ruột của em. Họ không cần tấm vé số, nơi mọi thứ sẽ dễ dàng đạt được hơn bằng tiền, nhưng như mình xem suốt cả bộ phim, tiền bạc không bao giờ là thứ họ cần và coi trọng. Họ đã và đang sở hữu những điều họ muốn và hạnh phúc với chính sự đủ đầy của mình rồi. Kết phim an toàn và dễ đoán, nhưng không phải vì an toàn và dễ đoán thì nó sẽ dở. Tokyo Godfathers dù gì vẫn là một bộ phim có chủ đề Giáng sinh, và khi đã quý mến các nhân vật và khi họ đã hướng tới “ánh sáng” hy vọng, không có lý gì để cho họ một cái kết thúc thê lương cả. Chỉ là không cần trúng số.

 

Có thể mình xem Tokyo Godfathers trong một buổi tối quá tỉnh táo và hơi lý tính, bởi vì mình từng cảm động với nhiều phim kém hơn Tokyo Godfathers rất rất nhiều. Nó giống như chọn sai thời điểm, vì khi cân đong đo đếm, Tokyo Godfathers có vô vàn phẩm chất mình quý ở một phim điện ảnh, chỉ là xét trên cái khoản lặng, cái dư âm phim mang lại cho mình, mình không thực sự có gì nhiều. Mình thực sự không biết phải đặt tên sao cho đúng, bởi Tokyo Godfathers không nhạt nhẽo như mình viết, nó có điểm mình thích và không thích, có nét riêng, có một “màu” anime khác biệt và mình thì không hẳn là không thích, chỉ là không tới cái ngưỡng yêu thích hay bị tác động mạnh về cảm xúc.

Đối với một bộ phim mà mọi thứ đều rõ ràng như Tokyo Godfathers mà mình còn mơ hồ bất ổn như vậy, bảo sao mọi thứ xung quanh mình cứ rối nùi. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo