Về Godzilla (1954)

(Mấy phim này có tính là tiết lộ nội dung không?)

Nói gì thì nói, tính tiên phong của Godzilla thực sự là không thể phủ nhận. Di sản của Godzilla để lại cho điện ảnh và văn hóa đại chúng Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung là không thể đo đếm và sẽ không bao giờ bị mai một. Nhưng nếu xét riêng Godzilla dưới phương diện một phim điện ảnh riêng, đặc biệt là tác giả cái bài viết này vừa xem Sansho the Bailiff xong, thực sự là chất lượng phim không được ngon nghẻ cho lắm.

Nội dung phim rất đơn giản, sau khi bị vụ thử bom nhiệt hạch của Mỹ phá nơi an cư lập nghiệp, một con quái vật thời tiền sử đã thức dậy và trèo lên lãnh thổ Nhật Bản phá làng phá xóm. Trải qua nhiều tổn thất, Chính phủ Nhật Bản đã tìm mọi cách để tiêu diệt con quái và họ đã làm được. Chấm hết. Con quái vật được gọi là Godzilla (Gojira), tên này được đặt theo tên một sinh vật biển tàn ác trong mấy câu chuyện cổ tại một làng chài nơi con quái tiền sử lần đầu xuất hiện.

Vẻ đẹp cổ đại

Nhiều phân cảnh trong phim rất tốt. Đoạn đầu phim khi những con tàu bắt đầu mất tích bí ẩn và ngôi làng bị Godzilla tấn công và Chính phủ Nhật Bản bắt đầu vào cuộc điều tra, tất cả được làm rất súc tích và hấp dẫn. Chẳng biết cách mà Shin Godzilla (2014) tiếp cận câu chuyện có dựa trên khuôn mẫu mà Godzilla (1954) đặt ra trước đây hay không, và nếu có, khuôn mẫu này rất xịn và hợp lý. Không giống như mấy phim thảm họa do Hollywood làm khi có một nhà khoa học đã cố gắng cảnh báo chính quyền nhưng không thành công cho đến khi hậu quả xảy ra đã quá trễ, trong Godzilla, chính quyền Nhật Bản hành động tương đối nhanh, chuẩn và tin tưởng vào các chuyên gia của họ. Nhờ chiến lược sơ tán đúng đắn, số người thiệt mạng trong phim đã giảm thiểu đáng kể, dẫu vẫn rất thảm khốc. Đối với một phim được làm cách đây gần 70 năm, phong thái gọn gàng này gây ngạc nhiên cho mình và cần được phát huy.

Kỹ xão của phim thực sự khá tốt so với mong đợi của mình. Những cảnh quay có sự xuất hiện của Godzilla rất sinh động và đáng nhớ. Các phân cảnh phá hoại của Godzilla nhìn thì rõ là phá mô hình, nhưng các mô hình nhà cửa, xe tăng, trực thăng, đài truyền hình,… đều được làm rất công phu, tỉ mỉ, chỉnh chu, kết hợp với âm thanh, ánh sáng, nền trời, sóng biển thì có hiệu ứng tương đối tốt. Khi Godzilla đập nhà đập cửa, tường thì vỡ vụn, mình thấy cả bụi bay ra từ mô hình rất giống vụn xi măng, hay những mảnh nhà xe rớt đất thì tương đối có sức nặng (nghĩa đen), chứ không nhẹ bẫng như một mô hình thông thường rớt xuống. Những món như xịt lửa (atomic breath) của con quái thì dĩ nhiên đã lỗi thời, nhưng mình không hề bị nó làm mất hứng xem phim, một phần cũng do mình sính cái vintage với cái tag hoài cổ. Tạo hình con Godzilla “thủy tổ” thì chắc rất đột phá ở thời điểm bấy giờ, bản thân mình thấy dáng hình nó khá cân đối, cái mặt hơi ngáo và chưa nhiều “cá tính” như mấy con Godzilla hiện đại bây giờ, chỉ xuất hiện đơn thuần như một sinh vật gây hại cho con người mà thôi. Cái cảnh cuối khi Godzilla bị con người tiêu diệt, nó đang ngủ trưa mà bị mò tới tận nhà giết, công nhận cũng tội nghiệp nhưng mà xứng đáng lắm. Mày giết biết bao nhiêu tôm cá với con người rồi mà. Không thương nha.

Nhưng giống như ba chục phim quái vật cùng đề tài, con Godzilla ở trên màn ảnh càng đã và đáng xem bao nhiêu thì tuyến nhân vật con người càng chán ngán bấy nhiêu (ngoại trừ Shin Godzilla là ngoại lệ duy nhất). Trong phim Godzilla, phe loài người tập trung vào cha con vị giáo sư chịu trách nhiệm điều tra về con quái. Ông cha thì sau khi nhìn thấy Godzilla bạo ngược gây khổ cho dân vẫn tiếc vẫn nuối khi nhìn nó bị tiêu diệt. Đứa con gái của cụ, tạm gọi là cô E, mình hoàn toàn không biết chuyên môn của cô này là gì khi được thoải mái tham gia mấy dự án điều tra Godzilla (quan trọng và tuyệt mật) cùng với bố và người yêu. Vậy là ngay cả trong phim thảm họa, nạn con ông cháu cha vẫn được phản ánh như thường. Cô E đang có một mối tình tạm gọi là tay ba khi cô yêu anh A, một lính hải quân (mình đoán thế) nhưng đã được hứa hôn với nhà khoa học B. Anh B đã nghiên cứu ra một phương pháp có thể tiêu diệt được Godzilla nhưng hậu quả nó để lại sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của một vùng biển và nó có thể được tận dụng trở thành vũ khí sinh học. Mặc dù đã hứa với B là sẽ kín mồm kín miệng nhưng trước sự ăn tàn phá hại của Godzilla, cô E đã nói lại với anh A và cả hai đến thuyết phục B sẽ dùng nó để giết Godzilla. Kết quả là Godzilla chết ngắc, B tự sát vì không muốn mình bị lợi dụng để nghiên cứu ra vũ khí hủy diệt. Phim chấm dứt khi vị giáo sư kia quan ngại về một Godzilla mới sẽ xuất hiện nếu con người tiếp tục thử vũ khí hạt nhân. Thấy chưa, kể cả phim xưa người ta cũng lo lắng đến sequel rồi.

Vẫn là góc nghiêng ấy

Bản thân hành động của các nhân vật đều hợp lý và có lý lẽ đúng đắn của riêng họ. Tuy nhiên cách các nhà làm phim xây dựng lại khiến cho các nhân vật trở nên vô cùng đáng ghét và phiền phức, đặc biệt là nhân vật E, dẫu cô là mấu chốt trong diễn biến câu chuyện. Chi tiết tình cảm của E và hai anh A, B là thừa thãi trong phim, thậm chí nếu biên kịch cho A, B là bạn bè chí cốt thuyết phục nhau cùng tham gia giết Godzilla và bỏ hoàn toàn nhân vật E ra khỏi phim cũng được luôn. Mỗi khi chị bé xuất hiện trên màn hình, mình chỉ muốn tắt giùm phát vì quá mệt mỏi. Điểm sáng của tuyến nhân vật con người đến từ những nhân vật phụ toét chỉ xuất hiện như gió thoảng mây bay, ví dụ như người mẹ và ba đứa trẻ giữa thảm họa, những ông phát thanh truyền hình sinh nghề tử nghiệp, đến lúc đối diện với Godzilla và cái kết của cuộc đời mình thì cũng chỉ mạnh dạn chào tạm biệt khán giả. Các cảnh quay trong phim thì lúc hay lúc dở tùy theo tâm trạng của đạo diễn. Các cảnh phim đi sơ tán thì làm rất tốt sự hối hả và nỗi lo từ thảm họa Godzilla trong khi mấy cảnh nạn nhân nằm la liệt dưới sàn bệnh viện thì thấy các y tá vẫn đi lại thong thả hết sức điệu đàng. Nhiều cảnh quay người dân hướng về nơi bị Godzilla tấn công cảnh thì thật hay và xúc động, qua khung cảnh khác thì giả trân không thể chấp nhận được. Thật sự cảm xúc của mình cũng quay mòng mòng theo cái sự “kịch” của phim luôn.

Như mình từng nói, Godzilla là biểu tượng của người dân Nhật Bản về sự mất mát và tổn thất do chiến tranh/ thiên tai gây ra, không phải là một anh hùng hay một antihero để cứu vớt loài người như Hollywood vẫn làm. Trong Godzilla cũng có nhiều chi tiết gợi nhớ đến nỗi đau trong chiến tranh thế giới thứ 2, dẫu vậy cái phần “mất mát” mà bộ phim hướng tới chưa thật sự được nhấn mạnh, vì nó không đọng lại gì mấy trong đầu mình. Mình không biết nữa, mọi thứ trong phim rất hời hợt, dẫu rằng nó không hề làm qua loa chút nào. Nó không chạm được tí cảm xúc nào trong mình cả.

Phá cầu

Đối với mình, Godzilla là một tập hợp hỗn độn của hay và dở. Đặt hiệu ứng và kỹ xão sang một bên, phim có rất nhiều điểm tốt về kịch bản và có sự phát triển tâm lý nhân vật phù hợp, đặc biệt việc nhá hàng sự xuất hiện của Godzilla từ lúc chỉ thấy hậu quả nó gây ra, phát triển đến việc thấy lấp ló đầu con quái vật và đỉnh cao mà màn đi chợ long trời lở đất trong biển lửa và đau thương, thực sự là công thức chuẩn mực định hình cho cả một dòng phim. Tuy nhiên diễn xuất một màu và giả trân trong nhiều phân đoạn thật sự mang chất lượng bộ phim đi xuống. Và chưa kể cái kết của phim hơi “đuôi chuột” và tiện lợi cho việc giải quyết các xác của Godzilla và mối tình ngáp ngủ của đôi uyên ương A-E.

Nhìn chung, Godzilla là một tác phẩm không được như kỳ vọng của mình, mình trông chờ một kịch bản tốt và cô đọng hơn thế. Dẫu thời lượng xuất hiện của Godzilla là hợp lý và đủ “đã”, tuyến nhân vật con người chưa thể theo kịp với sự giải trí và cảm xúc mà Godzilla đem lại, khiến bộ phim khập khiễng và chưa đạt tới mọi tiềm năng bộ phim có thể đạt được. Có thể mình đã quá khắt khe đối với một bộ phim gần bảy chục tuổi, một bộ phim khởi thủy cho dòng phim về quái vật khổng lồ và có tác động sâu sắc tới tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ trẻ em Nhật Bản và cả lịch sử điện ảnh thế giới, và rằng mỗi thời một khác. Nhưng mà Sansho the Bailiff cũng gần bảy chục tuổi, nội dung phim thì từ cũ đến siêu cũ nhưng phim hay thì sẽ mãi là phim hay. Mình coi và đánh giá Godzilla như nó vốn có, và đối với mình, phim chỉ ở mức tạm được thôi.

(Thật muốn than thân trách phận là tại sao Godzilla Minus One không thấy chiếu ở Việt Nam)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo