Về Sansho the Bailiff (1954)
Mình nghĩ biên kịch của Sansho the Bailiff chắc thích mấy ông nhà văn chủ nghĩa hiện thực của nước mình ngày xưa lắm, thì rõ là nghệ thuật vị nhân sinh mà. Không một gram hy vọng hão huyền, không một chút tưởng tượng bay bổng, không một chi tiết vượt khỏi logic thông thường, không plot twist, không điên cuồng, không bùng nổ, không đánh đố, Sansho the Bailiff kể một câu chuyện không thú vị, không bi lụy, không đột phá về nhưng đầy ấn tượng việc làm người tốt giữa thời đại nhũng nhiễu người chà đạp lên người.
Bối cảnh phim
là tại nước Nhật thời phong kiến nào đó, cũng là lỗi của người viết bài (là
mình) khi không có nhiều kiến thức về lịch sử nước Nhật cũng như xem phim bằng
phụ đề tiếng Anh nên đã mờ sẽ càng mịt. Đại khái theo mình hiểu thì một lãnh
chúa vì dám cãi lại mấy cha nội ở trung ương để bảo vệ quyền lợi cho dân nghèo
nơi ông này cai trị đã bị thiên hoàng cách chức và đày tới một xứ khỉ ho cò gáy
nào đó. Kể cả khi làm quý tộc có địa vị cao quý, được người dân ca tụng, cái
giá làm người tốt vẫn đắt đỏ như thường. Để chu toàn cho vợ con, vị lãnh chúa dặn
vợ đưa hai con nhỏ về nhà ngoại sống, không quên dặn dò đứa con trai phải sống
tử tế và nhân từ với mọi người, bởi chúng sinh thì bình đẳng. Ông đưa nó một tượng
quan âm bằng vàng để nhắc thằng bé không được quên lời ông dạy.
chút huy hoàng trong cuộc đời Zushio |
Sau sáu năm
ăn nhờ ở đậu nhà em trai, phu nhân vị cựu lãnh chúa dẫn hai đứa con nhỏ của
mình tới vùng khỉ ho cò gáy kia để đoàn tụ với cha của chúng. Mình đoán khi thất
thế, giá trị của mẹ con họ thực sự không thể trông cậy ở mấy chữ tình thân. Vị
phu nhân tuy có địa vị cao quý, học hành lễ nghi cái gì cũng ngon nghẻ, nhưng
mà rành mấy món đó đâu có khiến người ta rành sự đời. Đi chưa được nửa đường
thì mẹ con đã bị chia cắt, lừa bán, dẫn tới cả tá chuyện buồn sau này. Vị phu
nhân lá ngọc cành vàng giờ nay trở thành kĩ nữ ở một hòn đảo nào đó, ngày ngày
khóc thương hai đứa con. Còn hai đứa trẻ, thằng anh Zushio, 13 tuổi và con em,
Anju 8 tuổi đã trở thành nô lệ tại chỗ của Sansho, một địa chủ khét tiếng vùng
đó. Ngày đầu mưu sinh, lũ trẻ có chút tẹo may mắn khi được Taro, con trai của
Sansho để ý, dẫu điều duy nhất Taro giúp được hai đứa trẻ đáng thương là đặt
cho chúng 2 cái tên mới và dặn chúng phải ẩn nhẫn, chịu đựng trong cơn khốn
cùng. Miệng thì dặn con nít nhà người ta
phải chịu đựng, bản thân Taro lại không thể chịu đựng được cuộc sống vô đạo tại
nhà mình, anh bỏ lên kinh thành để gặp các vị quan lớn ở trên với chút hy vọng
rằng mình sẽ thay đổi được cả một hệ thống cai trị đang vận hành không nhằm phục
vụ cho mấy người thấp cổ bé họng. Và khi bị thực tế phũ phàng dập lại, Taro bỏ
về quê và đi tu như một lối thoát khả dĩ để thoát khỏi bể trần ai.
Phim gì mà thảm quá |
Mười năm đằng
đẵng trôi qua, hai đứa trẻ lớn lên trong khổ nhục. Trong khi Anju vẫn giữ được
tính thiện lương và lòng tin được đoàn tụ với gia đình thì mọi khổ đau và thực
tại tàn nhẫn dường như đã bào mòn và đánh gục Zushio. Nhưng mà nếu đánh gục được
thật thì làm gì có nửa sau phim mà xem. Trong một phút mạnh mẽ, Zushio quyết định
bỏ trốn. Để giúp đỡ Zushio, Anju đã tình nguyện ở lại để đánh lạc hướng cho anh
trai bỏ chạy, sau đó cô tự sát để tránh bị tra tấn và khai ra chỗ của Zushio.
Còn Zushio, vẫn đinh ninh em gái đang chờ tin mình ở chỗ của Sansho, lên đường
khôi phục lại thân phận. Với sự giúp đỡ của sư Taro, Zushio cầm thư giới thiệu
và lẻn được tới gặp một vị quan lớn đương triều. Sau khi nhận ra bức tượng quan
âm bằng vàng gia truyền, vị quan kia thừa nhận địa vị quý tộc của Zushio và ban
cho cậu trở thành lãnh chúa của vùng đất nơi tên địa chủ Sansho đang tác oai
tác quái. Hóa ra để làm quan, người ta không cần bất cứ tiêu chuẩn, học vấn,
công trạng hay khả năng đặc biệt nào cả, chỉ cần cha của họ đã từng làm quan thì
họ sẽ vẫn được làm quan. Việc đầu tiên Zushio làm khi cầm quyền là giải phóng
nô lệ tại nơi cậu cai trị, dẫu việc này sẽ động chạm tới vị tể tướng cánh hữu
đương triều và tương lai của cậu cũng sẽ bị cách chức y chang người cha cứng đầu
của mình trước đây. Nô lệ được tự do, họ đốt phá gia trang của Sansho sau khi hắn
và gia đình bị đi đày. Zushio sau khi biết Anju đã chết, tâm nguyện mà cậu mong
muốn cũng đã hoàn thành, cậu từ quan và đi tìm mẹ. Cảnh cuối là hai mẹ con đoàn
tụ nhau trong nước mắt, lòng tin của mình và sự đói nghèo.
Mình kể cốt truyện chi tiết như vậy bởi vì đối với mình nó là thứ quan trọng nhất trong Sansho the Bailiff. Cả câu chuyện là một thế giới tả thực đến ngỡ ngàng, vượt khỏi mọi đoán định mà mong mỏi của mình. Không có một vị anh hùng nào xuất hiện để giải cứu mẹ con vị phu nhân khỏi những kẻ mất nhân tính kia, không một bóng hình nào đủ lớn mạnh để che chở cho hai đứa trẻ khỏi cuộc sống khắc nghiệt trong trại nô lệ, không một vị vua anh minh, không một vị quan cương trực như Bao Thanh Thiên để trảm kẻ ác và bảo vệ người dân vô tội, không có lấy một đại diện nào cho chính nghĩa ngoài hai cha con lãnh chúa Zushio đều mất chức. Không giống như truyện kiếm hiệp hay tiểu thuyết thông thường mình vẫn đọc, hai đứa trẻ với thân phận đặc biệt gặp khổ đau thời thơ ấu lớn lên không xuất chúng gì hết, bởi 10 năm cuộc đời chúng dành để lao động, để tranh đấu tồn tại, không được giáo dục, không chỗ nương tựa. Anju chết khi thân phận vẫn là một nô lệ và chưa kịp đoàn tụ với anh trai và mẹ. Người cha đức cao vời vợi của chúng chết mà chẳng có một người thân nào bên cạnh, thậm chí ông có biết rằng vợ con mình đang chịu biết bao khổ đau mà xuất phát điểm là từ lòng tốt của ông gây ra? Vị phu nhân sau nhiều lần nỗ lực chạy trốn khỏi nhà thổ đã bị tra tấn đến tật nguyền và bị vứt bỏ ngay khi hết giá trị sử dụng. Taro có lòng tốt nhưng không đủ sức mạnh đành chọn cách quay lưng và trốn tránh trong kinh Phật. Những phận người nô lệ sống nay chết mai, không tương lai, không lối thoát và chỉ có cùng cực khổ đau. Ngoại trừ những kẻ lừa đảo và bán buôn mẹ con Zushio ở đầu phim chẳng thấy bị nghiệp quật ở đâu cả, mọi hành động, mọi thứ trên phim đều có một cái giá nào đó. Cái giá cho lòng tốt và tin vào lý tưởng của bản thân của cha con Zushio là mất nhà, mất việc, mất tài sản. Cái giá cho sự nhẹ dạ của mẹ Zushio là 10 năm chia ly tủi nhục. Cái giá cho sự tự do của Zushio là tính mạng của Anju. Mọi thứ trong Sansho the Bailiff diễn ra logic, buồn tủi và “phản ánh xã hội” đến đáng buồn. Nếu có một điểm nào đó còn phi lý, đó là việc mấy tên lính sau khi giật được tượng quan âm vàng của Zushio đã mang nộp lại cho cấp trên, từ đó cậu mới được khôi phục thân phận. Bình thường thì chắc nó đã bị cướp làm của riêng còn Zushio thì đã bị vu cho tội ăn cắp luôn. Mà nếu diễn biến phim như thế thì phim dở chết, ai thèm xem.
Mẹ con đoàn tụ |
Dẫu đậm chất hiện thực, tức là không thú vị hay làm màu làm mè, các nhân vật trong phim cũng được xây dựng rất đáng nhớ. Dù không xuất hiện nhiều, người cha hiền từ của anh em Zushio được khắc họa rất rõ nét là người đánh đổi mọi thứ mình có để bảo vệ dân chúng và không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình dù ở bất cứ đâu. Lòng tin của ông về con người là thứ để hai anh em Zushio giữ lấy sự lương thiện của mình trong khổ sở, nghèo đói và chà đạp. Suốt mười năm nô lệ có thể thay đổi một con người, bộ phim đã xây dựng rất hợp lý sự đối lập của một Zushio chôn vùi lời dạy của cha và để lương tâm mình chôn vùi trong sự tàn nhẫn đối lập với một Anju kiên định, trong sáng và thiện lương giữa bùn lầy. Phân cảnh khi Zushio lấy lại giá trị con người và sự khao khát tự do của mình thực sự đơn giản, không hề lên gân nhưng hợp lý và xúc động. Trong chốc lát ấy, tình thân gia đình, mong mỏi được đoàn tụ, về một cuộc sống hạnh phúc như trước kia đã lớn hơn nỗi sợ hãi trước cái chết, lớn hơn thói quen chấp nhận bị đè nén áp bức. Mình thấy được sự quyết tâm, sự hy sinh, những toan tính của nhân vật khi người chọn ra đi và người chọn ở lại, từ đó lại hiện ra những khía cạnh khác, rất con người của nhân vật. Zushio tưởng như thực tế, thấy hết mọi dối gian của nhân sinh kia vẫn ngây thơ tin tưởng em gái vẫn sẽ an yên chờ mình ở chỗ của Sansho, vẫn tin rằng mình có thể thay đổi chế độ nô lệ ở nơi này chỉ bằng cách gặp được một vị quan tốt. Một Anju tưởng chừng như ngây thơ, chẳng biết chút gì về thế giới thực lại thừa biết chỉ có cái chết của mình mới có thể giúp anh trai một cơ hội chạy trốn, và cô vẫn chọn nó. Khi Zushio được ban quyền cai trị, mình đã trông đợi cậu ta tìm mẹ và phụng dưỡng bà, sau đó đợi bản thân đủ lông đủ cánh để tuyên chiến với việc buôn bán nô lệ của Sansho với những bước đi tính toán cẩn thận và có một cú ngoặt nào đó thật kịch tính. Nhưng Zushio tấn công trực diện, y chang người cha ngoan cường của cậu trước kia, và chẳng tính toán cái gì cả. Có thể phim không đi theo cái lối mòn kịch tính hóa câu chuyện như mình mong muốn, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với tâm lý và tính cách của nhân vật. Sau khi thăm mộ người cha quá cố và nhận ra di sản của lòng tốt mà ông để lại (mình đã từng nghĩ đó là một chi tiết thừa thãi của phim nhưng hóa ra lại cần thiết), Zushio đã chọn không thỏa hiệp. Cậu không giống như vị quan to khôi phục thân phận và ban chức cho cậu, tuy là người tốt nhưng vẫn sống chung với những quy tắc về quyền lực trong triều đình, vẫn chấp nhận vận hành trong một guồng quay mà những người ở dưới đáy cùng của xã hội vẫn bị hút máu đến chết. Giống như cha mình, Zushio làm điều cậu có thể, sau đó từ bỏ mọi thứ, địa vị, danh dự, tiền tài,… chỉ giữ lại lương tâm và lòng từ bi của bản thân để tiếp tục. Mình đã thực sự rất xúc động với cảnh đoàn tụ của mẹ con Zushio. Suốt cả phim, vị phu nhân chưa bao giờ bày tỏ tâm tư của mình về quan niệm sống của chồng và hậu quả nó gây ra cho mẹ con bà. Mình đã nghĩ, biết đâu đấy bà thù ghét việc chồng vì lợi ích của người ngoài mà làm khổ gia đình của chính mình. Nhưng ở cuối phim, sau bao nhiêu khổ đau mà chính bản thân mình đã chịu đựng, sau cái chết của chồng và đứa con gái, sau khi đứa con trai thừa nhận đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý đã từng là của họ để giữ lấy đức tin về lòng tốt của mình, người phụ nữ đã chấp nhận và tôn vinh cái đức tin ấy. Bản thân mình nghĩ nhân vật thực sự không giống như một người phụ nữ phong kiến điển hình, thờ chồng và thương con nên chấp nhận lý tưởng của chồng và con trai. Cũng giống như chồng, bà tin vào lòng tốt của con người và nuôi dạy chúng phải yêu quý cha, phải làm người tử tế, và biết rằng chính lòng tốt ấy mới khiến mẹ con có thể đoàn tụ với nhau. Trong một câu chuyện tưởng chừng rất đơn thuần, cũ kỹ và một chiều, các nhân vật trong Sansho the Bailiff đa sắc hơn hẳn những gì họ thể hiện.
Đối với một
người xem tương đối nhiều phim như mình, đoán trật mọi diễn biến trong phim
chính là thứ khiến mình đủ sức xem hết một bộ phim tả thực như Sansho the Bailiff. Mình đã quá ảo tưởng
và lạc quan khi trông chờ một điều gì đó cổ tích hơn thế, chỉ đến khi Anju trầm
mình xuống nước và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi vui ít buồn nhiều của em, mình mới
thực sự hoàn hồn và biết Sansho the
Bailiff không phải phim để trông chờ một màn “comeback” hoành tráng và một
kết thúc hoàn mĩ. Bộ phim kể về một câu chuyện bi thương của một gia đình toàn
là người tốt và chẳng đáng phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng, y như mấy
câu hát gọi con mang thông điệp “đời là bể khổ” của bà mẹ. Nhưng khi mình xem
phim, mình không cảm thấy thê lương và ngột ngạt, dẫu mọi thứ cũng chẳng nhuốm
màu hy vọng hay trong sáng xinh tươi gì. Nhịp độ của phim rất tốt, không hề bị
loãng, dẫu đôi khi tình tiết tưởng chừng như dư thừa hoặc không cần thiết. Cảnh
phim rất đẹp, rất đáng nhớ. Mình đã thực sự bất ngờ vì cứ tưởng nền điện ảnh Nhật
Bản thời bấy giờ chỉ có Kurosawa mới có thể tạo ra những thước phim xuất sắc tầm
cỡ như thế. Đạo diễn Kenji Mizoguchi đã tạo nên một thế giới khi cần cảnh đẹp
nên thơ thì có sơn thủy hữu tình, khi cần bần cùng đói rách thì có nghèo già đói
lạnh. Một trong những điều mình quý nhất khi coi những phim ngày xưa chính là họ
diễn rất chuẩn cái sự khốn cùng của người nghèo, đặc biệt là các nhân vật quần
chúng. Quần áo rách rưới và thực sự trông như đã tả tơi lâu ngày chứ không phải
là đồ mới cố tình làm cho cũ, dáng điệu sợ sệt của kẻ bề dưới trong cung cách,
ánh mắt và dường như cơ thể họ luôn hòa với sự lấm lem của bùn đất và của lao động
nhọc nhằn. Ở phía bên trên của xã hội là sự đẹp đẽ, trang trọng, xa hoa những bộ
quần áo sáng màu, cầu kỳ, phẳng lỳ và đẹp đẽ mà các vị quan thường ăn diện, những
căn phòng gỗ rộng lớn không một hạt bụi của họ. Bộ phim không có thủ thuật gì để
tạo nên sự đối lập giữa hai cái thế giới của tầng lớp quý tộc và dân lao động, không
có cảnh quay zoom vào những sự khác biệt trên, không có các cảnh quay song song
về cái thứ giàu – nghèo, mọi thứ được đạo diễn thể hiện rất tự nhiên, thẳng vào
mắt mình, thương tâm và khó chịu.
Nếu là văn mẫu,
mình có thể lên án về một xã hội xấu xa, về chế độ nô lệ người bóc lột người và
ngợi ca sự hy sinh của Zushio. Nhưng bản thân mình không hề nghĩ sâu xa như thế.
Mình không hề căm giận bất cứ thứ gì trong phim, nó là một chế độ vận hành để
phục vụ cho tầng lớp quý tộc và kẻ yếu thế bị chà đạp, bóc lột đến hơi thở cuối
cùng, phải, nó tồi tệ như vậy. Nhưng cái còn lại trong mình khi kết thúc mà sự
xót thương cho thân phận con người, khi cả gia đình Zushio chọn cái con đường
khó đi hơn trong xã hội của họ. Hai đứa trẻ đáng thương không làm bất cứ điều
gì sai cả, những con người khổ sở bị bán làm nô lệ kia cũng chẳng làm sai bất cứ
điều gì cả. Nhưng mà dẫu có buồn bã, mình thực sự lại không hề thấy nuối tiếc,
tất cả các nhân vật đã làm điều họ có thể và cần làm trong hoàn cảnh của bản
thân. Và giữa mất mát và khổ đau, mẹ con Zushio cũng đã tìm thấy nhau và tự hào
rằng họ đã giữ được thứ quan trọng nhất của gia đình mình và tiếp tục cố gắng.
Nếu mình biết
trước cốt truyện của Sansho the Bailiff,
có lẽ mình sẽ không xem phim. Mình đã thực sự nghĩ sẽ được xem một phim samurai
cơ, thật đấy, không phải một bi kịch về số phận con người đâu. Nhưng phim thì
cũng đã xem, nước mắt thì cũng đã nhỏ, bài học rút ra thì không có, mình cảm thấy
may mắn vì xem được một bộ phim xuất sắc vượt mọi mong đợi của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét