Về Kung Fu Panda 3 và The Good Dinosaur
Vào thời điểm hiện tại, IMDB
chấm Kung Fu Panda 3 7.6 điểm, The Good Dinosaur 6.9 . Còn trên Rotten
Tomatoes, 82% khán giả cho rằng Kung Fu Panda 3 "fresh", số lượng này trên The Good
Dinosaur là 78%.
Về Kung Fu Panda 3
Hai phần trước của Kung Fu
Panda đều có chất lượng khá, vậy nên mình đã vô cùng ngạc nhiên khi phần 3 này
có chất lượng không hề tệ, ngang ngửa hai phần trước chứ không chịu đi thụt lùi
như bao nhiêu phần ăn theo khác. Hoặc chỉ đơn giản là mình chẳng trông chờ gì
hơn ở một bộ phim như Kung Fu Panda, vậy nên nó chẳng có gì để thất vọng.
Nội dung phim thì không có gì nhiều,
và vì ngay từ đầu DreamWorks đã xác định đây chỉ là phim hoạt hình mang tính giải trí nhắm vào đối tượng là thiếu nhi và kiếm càng nhiều tiền vé càng tốt, thế nên mình không dám phàn nàn gì
cả. Sự tương tự trong cả ba phần phim thì rõ như cái bụng trắng hếu của Po, mà
nói thật, ai có thể sáng tạo gì hơn trong một bối cảnh và nhân vật một chiều như thế. Và
cũng chẳng ai đòi hỏi Kung Fu Panda phải là một cái gì sâu sắc, triết lý, nhân
văn và ép uổng người ta phải khóc như Pixar cố gắng làm. Kung Fu Panda chỉ đơn
giản là một phim hoạt hình dành cho trẻ ranh, nó vẫn đủ sự hài hước và cốt truyện chặt chẽ
cần thiết để người lớn ưa thích, tuy nhiên, nó vẫn chỉ đơn thuần là một bộ phim thị trường bình thường, không đột phá và không quá đáng nhớ để giữ lại trong máy.
Hình ảnh trong Kung Fu
Panda 3 vẫn rất đẹp, rực rỡ, nhiều chi tiết, nó thực sự không có gì đáng để chê bai, thậm chí nhiều phân đoạn còn rất bắt mắt. Nội dung phim vẫn thế, thông điệp cũ mòn của mấy phim Hollywood về
việc tìm ra bản ngã của chính mình, lồng ghép âm hưởng truyền thống của Trung
Quốc vô để khiến nó có vẻ sâu sắc hơn. Hình ảnh âm dương, mấy cái cánh hoa anh
đào, con rồng, tông màu nóng, mấy con giống ngọc bích, mình đoán nét Á đông
trong bộ phim là một gia vị vừa vặn.
Phần hài hước trong phim
cũng khá tốt. Trẻ con thích, người lớn cũng sẽ không chê. Nó không tạp nham, rẻ
tiền hay quá dễ đoán. Hay như phần con gấu trúc cái trong làng của Po, theo
giới thiệu là chị này sẽ được hứa hôn với Po, nói thật mình cứ sợ người ta sẽ
làm quá nhân vật lên và sẽ có vài cảnh kỳ cục khi chị này cố gắng quyến rũ em
nó. May mà không, hóa ra đây chỉ là một nhân vật phụ toét, tiếng cười vừa phải và
chẳng có cảnh nào khiến mình bực bội và tua nhanh cả. Mọi câu đùa trong bộ phim
đều đơn giản, gây được hiệu quả và đúng lúc đúng chỗ.
Như mọi phần phim khác,
mình ước họ tập trung nhiều hơn vào Shifu và năm đứa kia hơn là Po. Mình muốn
xem nhiều hơn các cách đánh, ra đòn đặc trưng trong võ thuật của năm loài cũng
như muốn xem diễn biến tâm lý nhân vật. Với bộ phim, nhóm kia thật quá nhạt
nhòa, thành thử mọi thứ hơi chán khi chỉ tập trung vào mỗi Po, trách nhiệm của
Po, sự thất bại của Po, Po tìm ra bí quyết, Po đả bại kẻ thù, chưa kể Jack
Black thì nói hết phần của mọi nhân vật khác.
Tình cảm gia đình, mối
quan hệ cha con, bạn bè đều được khai thác rõ ràng, tuy không mới nhưng cũng
chẳng bao giờ cũ. Mình đoán việc kết hợp ngần ấy thứ trong một bộ phim giải trí
như vậy đã là một thành công. Nó không hề dở chút nào. Và mình chỉ có thể nói
được như vậy.
Về The Good Dinosaur
Phim mới của Pixar được
xem là một sự thất bại nặng nề cả về doanh thu lẫn phê bình. Mình đoán sự thất
bại này đến từ việc Inside Out hóa ra lại hay vượt mọi mong đợi và bản thân
trailer của The Good Dinosaur cũng khá xuất sắc đến nỗi người ta đã kỳ vọng nó
có thể là một Inside Out thứ hai. Và một khi đã bị kỳ vọng, một phim bình
thường như The Good Dinosaur bỗng chốc trở thành một phim dở.
Ngoại trừ Cars 2, không có
bộ phim nào của Pixar dở hết. Có thể mình hơi thiên vị nhưng có phim ban đầu
mình không thực sự thích như Brave, khi xem lần hai trên tivi lại chảy nước mắt
vì cảm động. Hay như Monster University cũng không được nhiều người yêu thích,
mình lại thấy nó sáng tạo và có những lớp ý nghĩa mà mình đồng cảm được. Việc
chứng kiến Mike (con một mắt màu xanh lá cây) học tập, cố gắng rất rất nhiều để
biến ước mơ của nó thành công nhưng cuối cùng lại thất bại, bởi vì “you don’t
have what it takes”, đối với mình, đó là một thực tế để liên hệ với bản thân.
Và không như mấy phim Disney ngày xưa mà mọi ước mơ vớ vẩn đều trở thành hiện
thực, Mike phải tự thay đổi mục tiêu trong ước mơ của chính mình, chấp nhận bản
thân và vươn lên. Mình đoán đối với mọi phim của Pixar, cái quan trọng là xem
đúng lúc đúng chỗ, nó không bao giờ là một sự phí hoài hay “thất vọng” quá quắt
nào hết.
Cái vấn đề bự chảng của
The Good Dinosaur là cốt truyện. Cũng như phần đồ họa của bộ phim, mọi thứ đều
đẹp ngoại trừ nhân vật chính. The Good Dinosaur có cốt truyện sáo mòn, thông
điệp siêu cũ, hình tượng, tính cách nhân vật không thể điển hình hơn được nữa.
Nó cũng như bao nhiêu phim khác trong thế giới Hollywood, và tệ hơn, trong thế
giới của Pixar, không có chỗ cho sự kém sáng tạo như thế.
Thế nên với cái sườn chính
đã tệ như vậy, cho dù đó có là một thế giới đảo ngược khi khủng long là bá chủ
thế giới và con người chỉ là thú hoang hay đó có là thế giới thần tiên nhiệm
màu với rồng bay phượng hú thì cũng không thể làm mọi thứ khá hơn được. Chưa kể
việc một sinh vật như khủng long mà có thể trồng trọt, chăn nuôi (và không cần
tiến hóa ra ngón tay cái), xây nhà, có ngôn ngữ,… quả nhiên là một lý thuyết có
vẻ lố bịch và đầy lỗ hổng. Nói thật là mình không thể liệt kê hết bao nhiêu sự
vô lý trong phim. Mình đoán đó là lý do The Good Dinosaur thất bại, con nít thì
không cười còn người lớn thì khó chịu.
Nhưng mà trong một thời
điểm vui vẻ trong ngày, mình xem The Good Dinosaur với một tâm trạng vừa phải,
mình quyết định mặc xác mấy thứ vớ vẩn đó phía sau và tận hưởng câu chuyện,
mình nhận ra phim có hàng tá điều hay ho khác.
Phần đồ họa phải nói là
cực kỳ đẹp đẽ. Đẹp đến bất ngờ, đến đứng tim. Ngoại trừ tạo hình cái gia đình khủng long
của Arlo nhìn chẳng khác nào phim hoạt hình vẽ tay trên tivi, mọi thứ khác đều
chi tiết, tỉ mỉ và sống động đến như thật. Spot, mấy con T-Rex, mấy con bò, mấy
loài khủng long khác mình chẳng rành tên, nếu nhìn kỹ, chúng đều có nét riêng
đến từng cọng lông. Chuyển động trên gương mặt con người, cách di chuyển, hay
cả mấy con chim, chồn trên đầu con khủng long kia, nó đều rất đẹp. Chỉ có mỗi
gia đình Arlo là xấu.
Còn khung cảnh, nó đẹp đến
nao lòng. Hóa ra cảnh đom đóm chẳng phải là thứ đẹp nhất trên phim. Có ai thấy
mặt nước lúc Arlo tỉnh dậy sau khi bị nước cuốn đi không? Nó trong veo với ánh
sáng phản quang chuyển động theo sóng nước và những hòn sỏi dưới đáy. Rồi phong
cảnh xung quanh, những cây thông xanh, cánh đồng nơi mấy con T-Rex chăn bò. Rồi
những hồ nước, cơn bão, cơn lũ, cảnh núi sụp xuống khi cơn lũ quét qua. Cảnh dòng
thác, mình gần như không thể tin là nó có thể chân thực như thế, cứ như thể nó
không phải phim hoạt hình, nó là thật, và người ta chỉ cắt dán vụng về mấy con
khủng long xanh xanh vô để chọc tức người họa sĩ vậy.
Rồi mấy hình ảnh ở phần
credit, mình đoán nó đủ đẹp để so sánh với bất cứ cảnh thiên nhiên nào của
Ghibli. Hoặc có thể chỉ đơn giản là sở thích, mình thích hình ảnh thiên nhiên,
mấy cái lá, núi đá và âm nhạc du dương, lôi cuốn. Nó đủ đẹp đẽ để bù lại cho phần câu chuyện
nhàm chán và nhân vật thiếu cá tính. Và cái thông điệp về sự sợ hãi lại vô tình
phù hợp với chính mình trong ngày hôm đó, mình coi nó như một sự trùng hợp thú
vị. Không có gì phải tiếc nuối hay thất vọng về The Good Dinosaur hết, nó có
giá trị của riêng mình và sau khi xem xong, mình có nhớ một thứ gì đó chỉ của
riêng nó. Vậy là nhiều lắm rồi.
So sánh Kung Fu Panda 3 và
The Good Dinosaur là một điều bình thường, chúng đều là phim hoạt hình. Và cho
dù Kung Fu Panda là một phim toàn diện hơn, mình nghĩ phim mình sẽ xem lại là
The Good Dinosaur, nó chỉ đơn giản là sở thích cá nhân. Thế thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét