Về The Suicide Shop

(Spoiler Alert)

Cả bộ phim là gói gọn trong từ “Irony”.
Irony (n): sự mỉa mai/ trớ trêu.
Đầu tiên, đây là một kịch bản hoàn toàn dành cho người lớn với đủ thứ chết chóc, bế tắc, tự sát, chống đối xã hội, ý nghĩa về cuộc sống, cái chết, tồn tại, mục đích tồn tại,… cho một phim hoạt hình, có cả hát hò, nhảy múa, ánh sáng, chim chóc đủ kiểu.
Cảnh mở đầu phim là giới thiệu bối cảnh câu chuyện. Trong một nền nhạc vui tươi, yêu đời, ca từ dễ thương, lạc quan hiện lên một thành phố mục nát, tăm tối, cũ kỹ, nơi hầu hết con người đều buồn bã, chậm chạp và chán sống. Một con quạ bay một vòng thành phố và chứng kiến bao nhiêu nỗ lực tự sát theo đủ mọi cách thức của những người có một niềm tuyệt vọng chung. Thậm chí một con quạ trong bầy cũng chán đến mức tự quyên sinh. Và nhạc nền vẫn hát như thể mình mở nhầm phim, lỗi kỹ thuật gì đó, không gian càng bất hạnh thì âm thanh càng vui. Bình thường mình đã có thể cười sự mỉa mai rõ ràng này, nhưng lần này là về cái chết, mình không cười cái chết. Và có lẽ cũng chẳng ai có ý định gây cười ở đây cả.
Mọi thứ trong câu chuyện dường như là sự đảo ngược so với thực tế cuộc sống, hoặc là phản ánh cuộc sống một cách trầm trọng hóa và bôi nó càng đen càng tốt. Trời luôn mưa, lạnh lẽo, tăm tối, đông đúc và buồn rầu. Các tòa nhà cao tầng giống nhau, các khu chung cư với những hành lang lọ mọ, cũ kỹ, xám xịt, ánh đèn như trong những phim ma rẻ tiền. Đường phố ủ rũ, ai cũng gù gù, gục mặt, ánh mắt cú vọ, bế tắc, không động lực. Người ta tự sát nhiều đến nỗi có cả luật cấm tự sát ở nơi công cộng. Những ai đã từng nỗ lực tự sát bất thành sẽ phải chịu một khoảng tiền phạt khổng lồ, và đó chính là lý do tại sao họ phải tới The Suicide Shop để chọn cho mình một cái chết đáng nhớ nhất.
Giữa tông màu lạnh lẽo chết chóc ấy, nơi duy nhất có ánh đèn vàng, có màu sắc tươi vui, có những con người có sinh khí, nói nhanh và mặc váy đỏ, đó là cửa hàng bán cái chết. Cái chết được xem như một niềm hạnh phúc đến nỗi họ trang hoàng nó như thể một cửa hàng kẹo, cửa hàng đồ chơi với vô vàn sự lựa chọn về kiểu dáng, cách thức và sự đau đớn khi chết. Sự mỉa mai chưa dừng ở đó, ở cửa hàng bán cái chết, họ còn có khuyến mãi, giảm giá theo cặp vào Valentine. Mỗi cách họ chọn để kết thúc con đường của mình, đó coi như một quyết định trọng đại cần cân nhắc. Mình tự hỏi, nếu đã chết thì cách thức nào cũng vậy, nó đâu còn ý nghĩa gì, nếu họ có thể đắn đo về giá cả của loại thuốc độc họ uống, họ dĩ nhiên vẫn còn động lực để sống.
Giữa khung cảnh thành phố chết chóc, nơi đầy sức sống nhất lại là nơi bán cái chết, nơi bán cái chết lại chứa đầy những con người muốn chết nhưng bắt buộc phải sống để giữ gìn nghề nghiệp của ông bà, giữa những con người buồn khổ vì không được chết ấy lại sinh ra một thằng bé vui vẻ, hạnh phúc và dám cười, dám yêu thương. Và cậu bé ấy quyết định phải chấm dứt mọi thứ phiền muộn xung quanh.
Cả bộ phim có vô số điều mỉa mai, tương phản khác. Như người phụ nữ trung niên muốn tự tử theo một cách thanh tao, trang nhã nhất lại chọn cho mình một khẩu súng săn to đùng, như những cử chỉ yêu thương của đứa con út bị xem như một hành động báng bổ, hư hỏng, như đứa con gái chỉ muốn được gọi là xấu xí và vô dụng, như cặp vợ chồng bán hàng chuyên chặt chém những con người tuyệt vọng tìm đường kết liễu bản thân, rồi khi đến lượt họ tuyệt vọng thì lại bị chặt chém bởi một tay bác sĩ tâm lý bình thường khác, hay như slogan của cái cửa hàng: “Bạn thất bại trong cuộc sống? Hãy thành công trong cái chết” cùng lời đảm bảo “không chết sẽ hoàn lại tiền”, rồi cách họ giữ những tấm hình của người đã khuất như một chứng nhận thành công,…
The Suicide Shop dĩ nhiên là có những khoảnh khắc buồn bã, cái chết chắc chắn không phải là thứ để ăn mừng. Như cái cảnh người ta nhảy lầu như mít rụng, như khi những con chuột nhìn người đàn ông tự vẫn và cũng nhận thức rằng có là con đường duy nhất dành cho ông ta, như khi người vô gia cư thở hắt làn hơi cuối cùng trong nghĩa trang. Và cả ông cụ già quá mong mỏi được chết đến mức đặt hàng cả tá thuốc độc và uống trong khao khát được lìa đời càng sớm càng tốt. Khi ông già ném vỡ những bức ảnh, những bức ảnh lưu giữ những phút giây hạnh phúc trong quá khứ, những kỷ niệm xa vời cho thấy trước đây ông ta cũng đã có quãng đời tươi đẹp, mình thắc mắc cái gì đã đẩy ông thù ghét cuộc đời đến thế. Khi cặp vợ chồng nhận ra việc bán buôn cái chết chẳng phải chuyện tốt đẹp gì nhưng không thể chấm dứt nó. Và khi một người nữa ngã xuống trên đường, cảnh sát lại nhanh chóng xuất hiện, dúi vào tay cái xác mảnh giấy phạt. Có cái gì đó thản nhiên và nhẫn tâm trong cái cách thành phố này tồn tại.
Bộ phim hoạt hình The Suicide Shop được làm dựa trên một quyển sách cùng tên. Mình đoán người nảy ra ý tưởng khởi đầu cho nó hẳn là một thiên tài tuyệt vọng. Và không biết bộ phim khác quyển sách như thế nào, hay đơn giản nguyên tác là như thế. Mình chỉ biết thêm một nghịch lý nữa, đó là người ta có thể nảy ra một ý tưởng tuyệt vời như vậy lại đi kèm với một cái kết thúc vô lý và ngờ nghệch đến khó tin. Tại sao một câu chuyện, nhân vật, bối cảnh thông minh như vậy lại đi cùng với cách giải quyết đơn giản, phi lý như thế? Đó không thể là cùng một bộ não được. Không thể nào. Cách cậu bé tin mình có thể chấm dứt mọi sự thống khổ trong thành phố này chính là phá hoại công việc làm ăn của cha mẹ mình. Phá tan hoang cửa hàng vốn là một giải pháp không đi đến đâu, rõ ràng nguyên nhân người ta chết đâu phải vì cửa hàng tồn tại, tác giả còn bập vô đó một mối tình hoang đường của cô con gái và một anh chàng xa lạ đang muốn chết. Nhìn nhau một tí, hôn nhau một cái, anh này ngỏ lời cưới luôn. Cô gái đồng ý, bà mẹ mừng rớt nước mắt vì hạnh phúc của con, mình chưa kịp hoàn hồn thì chúng nó đã hát um sùm về số phận bất ngờ. Giỡn à? Đến phim hoạt hình Disney còn không thể nhanh đến thế.
Cái vô lý hơn, anh con rể mới toanh biết làm bánh và đề nghị cả nhà vợ bỏ nghề cũ để mở tiệm bánh với anh này. Nếu mình có thể làm được cái bánh ngon như trong phim miêu tả, chẳng kiếp nào mình đi chết để chôn vùi tài năng kia xuống ba tấc đất hết. Kết thúc phim, thằng nhóc thay đổi được gia đình mình và một góc bé tí của thành phố.
Mình không rành về văn hóa, con người nước Pháp. Mình cũng không rõ về mức độ nào được họ xem là xâm lấn giá trị đạo đức. Cho dù đây là một bộ phim hoạt hình rõ ràng là cho người lớn xem nhưng nó cũng có một vài cảnh phim làm mình (một thanh niên già đầu) phải ố ồ về sự quá trớn của nó. Như cảnh thằng em trai rủ bạn bè đến xem cảnh chị gái nó khỏa thân nhảy múa, lại còn khen chị nó đẹp, vẽ cảnh chị nó khỏa thân trong vở. Thậm chí khi bà mẹ nhìn thấy những bức tranh lõa lồ và không hợp với lứa tuổi và trái luân thường đó, bà này cũng chẳng nói gì. Nó thực sự làm mình hơi buồn nôn. Chưa kể những cảnh khác, như người lái xe bus chứa đầy trẻ em thản nhiên cán lên một người muốn tự sát, giết chết anh này mà không một cái nháy mắt, gương mặt không biến sắc. Rồi ông bố cho đứa con trai út của mình hút thuốc, cầm dao rượt chém nó đi khắp thành phố. Cảnh cô gái cầm khăn nhảy múa, khỏa thân uốn éo, mình thực sự không biết nó có trong sách không, hay nó có thực sự cần phải kéo dài như thế trong phim, mình thực sự vô cùng ngượng và khó chịu khi xem cảnh đó.
Ngoài ra thì nét vẽ tương đối phù hợp với khái niệm chung của bộ phim. Cảnh thành phố, cảnh trong cửa tiệm, sự thay đổi ở cuối phim, tất cả đều rõ ràng và tương đối đẹp mắt. Tạo hình nhân vật phù hợp với tính cách, có vẻ hơi điển hình. Âm nhạc thì không được như thế. Ngoại trừ bài hát đầu tiên của phim thì những bài hát khác đều không bắt tai, giọng ca không đặc sắc, đôi khi quá dài làm loãng tiết tấu câu chuyện. Như thông điệp cuối cùng và quan trọng nhất của toàn bộ bộ phim, là “Sống thì vẫn tốt hơn là chết”, nếu nó chỉ đơn giản là nói, có lẽ mình sẽ thấm thía hơn nhiều so với một đoạn ca hát trung bình và nhàm chán như vậy.

Khi mình còn nhỏ, mình khinh thường những người tự tử (bao gồm cả lão Hạc nếu như mọi người có nhu cầu muốn biết). Mỗi khi nghe câu chuyện về một ai đó vợ nỡ nhảy cầu, uống thuốc sâu vì tình, trong mình đều có một suy nghĩ chung về sự vô trách nhiệm, ngu ngốc và ích kỷ của họ. Đối với mình, chết là một điều tồi tệ, là thứ tuyệt đối phải tránh và ta luôn phải đấu tranh để sống mỗi ngày và phải sống càng lâu càng tốt. Như bây giờ, mình vẫn sợ hãi và trốn tránh cái chết, vẫn muốn sống càng nhiều càng tốt, nhưng cái chết không còn có ý nghĩa tiêu cực một chiều như trước. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, tự mình lựa chọn cái chết không phải là một lựa chọn quá tồi tệ. Tất nhiên là những đứa trẻ đi nhảy sông vì cha mẹ không cho cưới đương nhiên vẫn là những đứa con bất hiếu và cạn nghĩ. Nhưng phần nào đó trong mình đã thông cảm hơn cho những kẻ tuyệt vọng đến cùng cực mà nghĩ quẩn. Mình đoán mình hiểu được tí ti sự bế tắc và không muốn bước tới của họ. Mọi thứ không có gì là tuyệt đối, kể cả quan niệm về sống chết. Như những con người trong bộ phim, họ không còn ai thân thích, sống trong một căn hộ buồn bã trong một thành phố như một nghĩa trang thu nhỏ, không tình yêu, không triển vọng trong công việc, họ chỉ đơn giản không thể chờ đợi tuổi già, không còn động lực để thức dậy. Mình không nói họ nên tự tử hay quyết định quyên sinh của họ là đúng đắn. Mình chỉ nói mà mình không lên án sự lựa chọn của họ và mình có thể cảm thông phần nào nỗi buồn và sự cô đơn họ đang chịu đựng. Và nói gì đi nữa, đó là cuộc sống của họ, họ có quyền chấm dứt nó. Nhưng như bộ phim khẳng định “Sống thì vẫn tốt hơn là chết”, vậy cứ cân nhắc nó cho thật sâu đi nhé. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo