Về Who’s afraid of Virginia Woolf
(Spoiler Alert)
Bản thân mình cũng không
biết Virginia Woolf là ai, thậm chí còn không rõ nội dung phim là gì. Mình
quyết định xem phim cũng chỉ bởi nó hai cái tên Elizabeth Taylor và Richard
Burton. Mình thậm chí còn không biết bộ phim dựa theo một vở kịch cũng vô cùng
nổi tiếng cùng tên và là một bộ phim đen trắng. Thành thật mà nói, nếu mình
biết trước cốt truyện của phim, chẳng đời nào mình xem nó hết, mình mặc kệ nó
được đề cử trong tất cả các hạng mục của Oscar hay không.
Câu chuyện trong Who’s
afraid of Virginia Woolf chỉ diễn ra trong một đêm mà khủng hoảng này chất
chồng lên khủng hoảng khác. George và Martha là một cặp vợ chồng đứng tuổi,
không con cái và rõ ràng đang cạn dần tình cảm dành cho nhau. Sau buổi tiệc ở
trường đại học, cả hai miễn cưỡng đón thêm hai vị khách khác tới nhà mình chơi,
đó là cặp vợ chồng son Nick và Honey. Dưới tác dụng của rượu, sự mệt mỏi của
đêm khuya, mọi mâu thuẫn, bất đồng cùng như mọi góc khuất trong cuộc hôn nhân
của George – Martha và Nick – Honey cứ lần lượt bị phơi bày, vạch trần ra theo
những cách tệ hại nhất.
Cha của Martha là hiệu
trưởng của một trường đại học nhỏ, bản thân Martha muốn George – người cũng
đang làm việc ở đó, có thể trở thành trưởng bộ môn Lịch sử và sau này tiếp nối
công việc của cha mình. Thế nhưng sự nghiệp của George không đi tới đâu hết,
ông cố gắng mãi mà vẫn chỉ là một giảng viên nhỏ bé, không đáp ứng được tham
vọng của Martha và của cả chính mình. Martha, một phụ nữ bình thường trong thời
đại đó, không thể tự có một sự nghiệp riêng của bản thân nên đành dựa vào sự
thành công của ông chồng để đo lường những thành tựu mình có trong cuộc sống.
Vậy nên, sự thất bại và buông xuôi của George chính là sự thất bại của bà. Và
Martha không bao giờ ngừng chì chiết, nguyền rủa George về sự thất bại ấy.
Trong ngôi nhà của vợ chồng George – Martha, không chỉ đồ đạc, quần áo bừa bộn,
cảm xúc yêu ghét còn bừa bộn và hỗn loạn hơn cả thế. Một phút trước vẫn còn cảm
thấy cái tình trong cách họ nhìn nhau, phút sau ngay lập tức bà vợ đanh đá đã
rủa xả và làm bẽ mặt ông chồng. Sự có mặt của Nick và Honey có thể chỉ là như
giọt nước tràn ly, sự đổ vỡ là không thể tránh được.
Nick là giảng viên mới của
trường đại học. Sự trẻ trung và tham vọng của Nick thu hút Martha và làm George
khó chịu. Martha cố gắng quyến rũ Nick để hạ bệ và làm tổn thương chồng mình,
bất chấp sự có mặt của Honey. Sau khi có uống quá nhiều rượu, Honey khó chịu và
phải vào nhà vệ sinh để nôn. George và Nick đã có một khoảng thời gian nói
chuyện khá thân mật, trong đó Nick (cũng vì uống kha khá rượu) đã tâm sự với
George lý do anh này cưới Honey đó là vì tưởng cô này có thai và cũng bởi gia
đình giàu có của cô chứ không phải vì tình yêu. Còn George kể cho Nick nghe câu
chuyện về một cậu bé mà ông từng biết, người mà đã vô tình bắn chết mẹ mình khi
còn nhỏ. Sau này cậu bé lớn lên, trong một lần lái xe, vì tránh một con nhím
trên đường nên cậu ta đã gây tai nạn và cũng “vô tình” hại chết ông bố đang
ngồi ghế bên cạnh. Cậu bé dành quãng đời còn lại trong trại thương điên và không
bao giờ nói ra một tiếng nào nữa.
Vì hai vị khách muốn nghỉ
ngơi, George đã đề nghị chở họ về. Trên đường đi, cả bốn ghé vào một quán bar
để tiếp tục uống rượu và vì Honey muốn được nhảy. Tại đây, Martha và Nick đã
nhảy với nhau hết sức mơn trớn, chủ yếu để chọc giận George. Sau khi George tắt
nhạc, Martha đã rất tức tối. Bà bắt đầu bôi xấu chồng bằng việc kể cho Nick và
Honey nghe về nỗ lực thất bại của George trong việc xuất bản một quyển sách.
Tác phẩm của George là câu chuyện về cậu bé ở trong trại thương điên ở trên,
ngay lập tức đã bị cha của Martha chê bai và cấm không được xuất bản. Không chỉ
kể về kỷ niệm buồn của chồng một cách hả hê, Martha còn nói cậu bé vô tình giết
cả cha lẫn mẹ mình đó chính là George. Không thể kiềm được sự tức giận, George
lao vào bóp cổ Martha và nếu Nick không can thiệp, chẳng biết chuyện gì đã xảy
ra.
Sau khi bình tĩnh lại,
George năn nỉ mọi người ở lại uống thêm một chầu nữa. Lúc này ông ranh mãnh kể
lại câu chuyện hôn nhân của Nick cho mọi người nghe, tất nhiên là không đề cập
tên. Tuy nhiên đó cũng là đủ cho Honey nhận ra câu chuyện bẽ bàng của mình đã
bị Nick đem kể với mọi người. Cô này bật khóc bỏ chạy, Nick đuổi theo vợ.
Martha và George lại bắt đầu cãi nhau, cuối cùng là chính thức tuyên chiến, cả
hai sẽ dùng mọi cách để khiến đối phương đau đớn hết sức có thể. Martha lấy xe
chở Nick – Honey về lại nhà mình, bỏ lại George đứng một mình.
Khi George đi bộ về tới
nhà, ông nhận thấy bóng của Nick – Martha đang thân mật với nhau ở trên lầu,
trong đó Honey lại đang ngủ mê mệt trong xe không hay biết chuyện gì đang xảy
ra cả. George đánh thức Honey và cố gắng chỉ cho cô biết chồng mình đang làm gì
nhưng Honey từ chối. Vì vẫn còn say rượu, Honey đã vô tình nói ra những câu về
quá khứ, George nhận ra rằng hóa ra không phải Honey bị chứng mang thai giả, cô
thực sự có thai và vì không muốn sinh con, Honey đã đi phá thai. George bỏ
Honey lại một mình rồi bỏ đi để tìm cách trả thù Martha.
Một lúc sau thì Martha đi
xuống tìm George. Sau khi nhận ra chồng không có ở đó, Martha bắt đầu chì chiết
Nick vô dụng nên cả hai không thể làm gì được. Nick đổ lỗi cho rượu và sự mệt
mỏi đã khiến anh này “bất lực” và quay sang tranh cãi với Martha về việc bà này
muốn quá nhiều thứ. Martha tự dưng chùng xuống, quay mặt và nhớ lại tình yêu
dành cho chồng, rằng George là người duy nhất thực sự khiến bà hạnh phúc, rằng
cuộc hôn nhân của họ sao tự dưng lại ra nông nỗi này. George trở về, mang hoa
tặng cho Martha, vui vẻ bắt tất cả tham gia vào một trò chơi đầy toan tính
khác.
Khi hai cặp vợ chồng mới
gặp nhau, Martha đã vô tình đề cập với Honey về đứa con trai của bà và George.
George có vẻ khó chịu khi Martha và hai vị khách đề cập đến chủ đề này. Trong
suốt bộ phim, sự tồn tại của con người này khá là mơ hồ và mâu thuẫn. Và đến cảnh
cuối cùng, khi George đề nghị Martha kể cho Nick và Honey nghe về con trai của
họ, mọi sự thật mới được phơi bày. Sau khi nghe Martha tâm sự về đứa con trai
của bà thật chi tiết, thật sống động, từ màu mắt, màu tóc, thời gian cậu ra
đời, rồi tính cách của cậu, cho đến việc George đã phá hỏng cuộc đời của cậu
như thế nào. Cuối cùng, George chậm rãi thông báo đã có một cuộc điện tín thông
báo rằng con trai của hai người đã chết.
Martha khóc lóc và cãi
nhau với chồng vì việc George đã “giết chết” đứa con của hai người, và ông
không có quyền làm thế. George nói chính vì Martha đã phá luật là tiết lộ sự
tồn tại của cậu nên ông buộc lòng phải giết chết nó. Lúc này thì Nick và Honey
mới nhận ra một sự thật phũ phàng là con trai của George và Martha không hề tồn
tại, nó chỉ là sự tưởng tượng của cặp vợ chồng tội nghiệp không thể có con. Cả
hai yên lặng nhìn Martha khóc lóc trong đau khổ và tuyệt vọng khi phải đối mặt
với thực tế phũ phàng. Bình minh, Nick và Honey ra về trong yên lặng. George
đặt tay lên vai Martha và khe khẽ hát “Who’s afraid of Virginia Woolf?”. Martha
trả lời “I am, George, I am”.
Sở dĩ mình kể chi tiết nội
dung của phim ra như vậy bởi vì mình chẳng biết phải nhận xét cái gì. Mình quá
trẻ để hiểu được sự khủng hoảng và nỗi đau của họ. Có quá nhiều thứ xảy ra và
nội tâm nhân vật thì quá phức tạp, mình thì quá tầm thường.
Cả bốn diễn viên đều được
một đề cử Oscar trong hạng mục của mình, trong đó là hai chiến thắng cho hai nữ
diễn viên, mình đoán họ đã lột tả đủ tầm vóc nhân vật, còn hiểu hay không là
chuyện của khán giả.
Sau khi kết thúc bộ phim,
mình đã phải lên google để tìm hiểu về ý nghĩa của tên phim. Đầu tiên, Virginia
Woolf là tên một nữ văn sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 ở Anh. Nói thật cho dù có
đọc wiki thì mình cũng chẳng thấy quen tên bất cứ tác phẩm nào của bà này, có
lẽ là mình không đủ hiểu biết. Theo Internet thì phong cách của Woolf là đi sâu
vào từng lát cắt trong suy nghĩ của mỗi nhân vật, phơi bày một con người thực
tế như thế nào. Và Who’s afraid of Virginia Woolf có nghĩa là Who’s afraid of
living without illusion. Và nhớ lại câu trả lời của Martha ở cuối phim xem. Who’s
afraid of Virginia Woolf có ý nghĩa là thực tại đối đầu với ảo tưởng, như
Martha đã sống trong ảo tưởng về đứa trai của bà, cuối cùng khi George đập vỡ
ảo tưởng đó, Martha phải đối mặt với thực tế.
Nhưng nếu nghĩ kỹ, ai mà
chẳng có lúc sợ hãi thực tại và trốn trong ảo tưởng, không lúc này thì lúc khác.
Không phải cứ trong hôn nhân người ta mới chạy trốn, như mình đây, đôi khi mình
muốn ngủ thật nhiều chỉ để mơ những giấc mơ không thể tồn tại trong thực tế,
như mình có thể bay hay trèo lên một ngọn núi thật cao, hoặc có võ công cao
cường và bắn giết tưng bừng. Nhưng cái ảo tưởng trong đầu mình luôn tách bạch
với thực tế. Không như Martha và George, họ lồng ảo tưởng vào cuộc sống hàng
ngày quá nhiều, quá thường xuyên, ảo tưởng đó được lặp đi lặp lại đến mức phần
nào đó Martha đã tưởng đó là thật. Vậy nên khi nghe tin đứa con trai chết,
Martha khóc không hẳn vì ảo tưởng sụp đổ, Martha khóc vì thương xót cho cái ảo
tưởng/thực tế đó. Con người đó có thể giả nhưng nỗi thống khổ là thật. Và mình tự hỏi
phải tuyệt vọng như thế nào để có thể sống một cuộc đời lẫn lộn như thế.
Mình không thích gọi cuộc
hôn nhân của George và Martha là bi kịch, nó chỉ là một cuộc đại suy thoái. Ở
một vài cảnh phim, mình cứ nghĩ giá cả hai chịu nhường nhau một tí, thông cảm
cho nhau một tí, mọi thứ có thể đã chẳng bung bét ra như vậy. Khi mà Martha
biết chỉ có George đem lại hạnh phúc cho bà, khi mà George còn đủ yêu thương để
ghen tuông với Nick, khi cả hai ngồi lặng lẽ với nhau ở cuối phim. Vậy mà kết
cục thì vẫn luôn là cãi cọ, là sự tổn thương, là nước mắt, là thất bại.
Nếu có một cảm xúc rút ra
từ bộ phim, đối với mình đó là sự sợ hãi hôn nhân. Cả hai cặp vợ chồng làm một
người độc thân như mình không còn than vãn tình trạng ế nữa. Yêu đương, hôn
nhân nếu có kết cục như vậy, thà mình chẳng lấy chồng. Mình nhìn sự hả hê của
Martha khi hạ nhục chồng mà sợ hãi, rồi khi Nick xấu hổ về Honey, rồi George cố
tình phá tan ảo tưởng của Martha để làm tổn thương bà. Mọi nhân vật, không có
ai tốt, ai xấu, không có ai đáng thương, đáng giận, cũng không có ai vừa đáng
thương vừa đáng giận. Đối với mình, cả bốn bọn họ chỉ là đang sống cái phần đời
(rất thực tế chứ không hư cấu chút nào) nhỏ bé của mình, và mình chưa đủ tuổi
để đánh giá hay đồng cảm với bất cứ ai về hành động của họ. Như một câu sáo mòn
của thời đại, chẳng ai là người sai cả.
Sự dồn dập của bộ phim có
lẽ bắt nguồn từ việc phim dựa trên một vở kịch, mà đã là kịch thì phải có cao
trào, có mở nút, thắt nút này nọ. Cả bốn nhân vật đều rất thật, họ không có cá
tính nổi bật, họ có thể là bất cứ ai mình từng gặp, họ có thể là mình trong
tương lai, họ lại chỉ có thể là họ thôi. Câu chuyện của họ cũng không phải là
thứ gì mới mẻ, một cặp vợ chồng trung niên không con hay cãi giặc, một đôi vợ
chồng trẻ không có tình yêu. Thế nhưng khi kết hợp và va chạm, các diễn biến
được đẩy lên càng lúc càng cao, và khi George bóp cổ Martha, mình đã thực sự sợ
hãi. Sự căng thẳng được tăng dần trong từng khung hình, càng lúc càng khó thở,
mâu thuẫn bế tắc đến mức chỉ có thể chấp nhận chứ không thể giải quyết, tính
cách hung hăng của Martha, giọng nói lúc lên cao chì chiết, sự giận dữ, ánh nhìn thù hằn
dành cho người mình yêu thương, rượu được rót ra ly liên tục, thuốc lá, khóc
lóc, một bộ phim quá dài chỉ để bế tắc.
Mình không bao giờ xem lại
bộ phim này, cái đó là điều duy nhất mình chắc chắn. Quan điểm, suy nghĩ, trí
tuệ của mình rồi sẽ khác, góc nhìn của mình về bộ phim có thể trở nên thấu suốt
và sâu sắc hơn. Chỉ là nó quá buồn phiền, ồn ào và trầm uất. Mình chỉ không
muốn hơn hai tiếng tuyệt vọng và khó chịu không tưởng ấy lặp lại. Và mình cũng
không muốn trải nghiệm, ngắm nhìn cuộc sống của họ, tìm hiểu thứ họ nghĩ, động
cơ họ làm tổn thương nhau, hay bài học, ý nghĩa cuộc sống lớn lao gì đó đằng
sau hết. Xem hết đã là quá đủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét