Về Psycho, Rear Window và Dial M for Murder

(Spoiler Alert)

Đây là phim Hitchcock thứ ba mình đã xem, sau Psycho và Rear Window.
Psycho là một phim mà chúng ta thường tiếc nuối là mình chỉ có thể có một ấn tượng ban đầu. Không giống như những bộ phim hoành tráng về kỹ xão, hành động, hài hước, kiểu như Star Wars hay LoTR, mình có thể xem đi xem lại nó, rỗi rãi xem tiếp và vẫn có để đạt được những cảm xúc trọn vẹn như lần đầu xem phim. Nhưng đối với những phim như Psycho, The Usual Suspects hay The Sixth Sense, kịch bản, cú twist ở cuối phim chính là một trong những nhân tố đặc biệt nhất, khiến khán giả ở dưới hoàn toàn bị lừa. Chúng ta há mỏ ra vì ngạc nhiên sau khi bộ phim kết thúc, rồi vặn não ngẫm nghĩ thêm vài phút để sắp xếp lại tình huống và nhận ra mọi thứ đều hoàn toàn hợp lý đến khó tin, các chi tiết được đan cài nằm chình ình ra, chỉ là ta không thể ngờ một chuyện như vậy có thể xảy ra. Sự bất ngờ sau một bộ phim như thế này thường đi kèm với lời thán phục dành cho tay nghề lừa đảo và sự kiên nhẫn của đạo diễn, sự thiên tài của biên kịch và cả một dàn diễn viên chính và phụ không thể chê vào đâu được. Cái cảm xúc kinh ngạc “WTF” đầy thỏa mãn ấy chỉ xuất hiện trong một vài phim hiếm hoi, và cho dù chúng ta có xem lại bộ phim ấy thêm vài lần nữa (chủ yếu để tìm lỗi nhưng chả thấy), cảm xúc ấy không thể được như lần đầu xem phim, bởi đơn giản là chúng ta đã biết trước mọi thứ, và cái cảm giác bị lừa là một trải nghiệm duy nhất.
Cảnh nổi tiếng nhất trong Psycho, cảnh trong phòng tắm, mình đã xem trước trên mạng. Thậm chí cú twist cuối cùng, bà chị già của mình cũng đã kể cho mình nghe. Thậm chí mình còn đọc một bài báo xếp hạng những bộ phim bất ngờ nhất, nơi Psycho nằm trong top 3, đương nhiên họ cũng đã tóm tắt phần nào câu chuyện rồi. Vậy nên đối với mình, Psycho không có ấn tượng ban đầu. Chẳng còn một nhân tố bí ẩn nào dành cho bộ phim nữa cả.
Mình vẫn hiểu sự thành công của bộ phim đến từ đâu. So với thời đại máu me phim ảnh hiện tại, cảnh giết người trong phòng tắm, nơi những thước phim chỉ có hai màu đen trắng, cảnh nữ diễn viên không manh áo gào thét trong tuyệt vọng với nhạc nền kinh điển, máu chảy hòa với nước chẳng có cái quái gì là ghê gớm hết. Nhưng ở trong thời đại đó, đây là một bước đột phá. Cảnh phim được ca ngợi là đã nâng tầm những phim hình sự, kinh dị thời bấy giờ, đồng thời giới thiệu một khái niệm tâm lý học mà ít người biết “tâm thần phân liệt”. Chính nhờ Hitchcock và Psycho mà chúng ta mới có hàng tá kẻ giết người hàng loạt bị tâm thần, tâm thần phân liệt hay tâm thần các loại khác để xem phim. Mình đã đọc Dr. Jekyll và Mr. Hyde, đây không phải là lần đầu tiên chuyện tâm thần phân liệt được đưa lên phim. Thế nhưng mình đoán việc cài cắm nó vào cái kết thúc bất ngờ của Psycho là một điều mới mẻ và gây ra một ấn tượng sâu đậm và đặc sắc.
Bản thân mình nếu không biết trước kết thúc thì có lẽ cũng bị lừa, nhìn Norman Bates lúc anh này mới xuất hiện mà xem, trông mới hiền lành, tốt bụng làm sao. Cái cách anh này ngượng ngùng trước một cô gái đẹp, nụ cười tồi tội, nhìn ảnh trông cũng dễ thương chứ bộ. Rồi bụp một cái, kết phim, anh chàng “biến hình” thành một tên tội phạm tàn nhẫn, một bệnh nhân đáng thương với “mommy issue” to đùng đùng, ánh mắt, gương mặt, nụ cười vừa gian ác vừa điên điên dư xăng dọa dẫm bất cứ một người cứng cỏi nào. Đó mới gọi là diễn xuất chứ.
Còn Rear Window, mình cũng biết sơ sơ về nội dung phim, đủ để thấy hấp dẫn mà xem đàng hoàng. Công nhận là Grace Kelly quá là đẹp, suốt nửa bộ phim ngồi choáng váng về sự hoàn hảo của cô ấy. Gương mặt thanh tao, thần thái sang trọng, mái tóc vàng lấp lánh, mình chẳng thể chê được bất cứ thứ gì cả. Nhìn Kelly hôn bác nam chính, người có vẻ già đến mức mà tóc muối tiêu luôn, mình thực sự thấy kỳ kỳ làm sao ấy. Con gái nhà người ta trẻ trung, cao quý, thoát tục như vậy, đi yêu một anh phóng viên ảnh già, gãy chân, mặc bộ pijama chẳng lấy gì làm hấp dẫn, đã vậy còn có một thói quen xấu là thích thọc mạch vào chuyện của người khác. Tưởng tượng xem mỗi sáng mình ngủ dậy, có một thằng cha hàng xóm cầm ống nhòm, kè kè bí mật quan sát mình 20/24, nghĩ xem nó sởn gai ốc như thế nào khi bao nhiêu việc riêng tư bị xâm phạm như thế. Rồi thì thằng cha biến thái ấy quan sát gái đẹp thay quần áo, nhìn cặp vợ chồng mới cưới kia, cô gái già chưa chồng cô đơn,… rồi vô tình phát giác ra một vụ án mạng. Trớ trêu thay, chẳng có chứng cứ nào cho thấy có một vụ án mạng cả ngoại trừ linh cảm của bác già hết. Cùng với sự giúp đỡ của Grace Kelly (người có hai chân lành lặn), bác già đã chứng minh được vụ án, bắt được hung thủ. Cả hai ôm hôn nhau.
Rear Window có một ý tưởng hay. May mắn là ý tưởng đó đã được Hitchcock dựng thành một bộ phim hấp dẫn và ấn tượng. Cả một thế giới sống động xung quanh bác già được vẽ ra thật hoàn chỉnh với những số phận, con người có tính cách khác nhau. Nếu bỏ đi phần rình rập hàng xóm, Rear Window có thể coi như một góc nhìn dễ thương về cuộc sống, về xã hội, như cô gái già tội nghiệp cố gắng đi tìm hạnh phúc, cuối cùng suýt tự tử chết ấy. Hay chuyện cô nàng hotgirl nhà đối diện chọn ai, yêu ai, anh nhạc sỹ lấy lại cảm hứng trong nghệ thuật,… Bên cạnh vụ giết người, bối cảnh của Rear Window tự bản thân nó đã là một thành tựu của bộ phim.
Là một phim trinh thám ly kỳ, tiết tấu của Rear Window phải có nhịp độ nhanh nhất định. Phim cũng có cao trào, chắc là tại mình xem nhiều phim như vậy rồi nên không thấy hồi hộp. Tuy vậy, phim đã chứng minh rằng không cần xác chết, máu me hay dao súng để được gọi là phim hình sự, cũng chẳng cần việc zoom vào ánh mắt của tên sát thủ để nhận ra nguy hiểm cận kề. Hay như câu hỏi treo lơ lửng “thực sự ông ta có giết vợ?” cũng khá mơ hồ trong suốt 2/3 phim, và khi nó được khẳng định, khi Grace Kelly rơi vào tình huống mặt đối mặt với hung thủ, mọi thứ mới thực sự bắt đầu khiến mình tỉnh ra. Các góc quay đều bắt đầu từ góc nhìn của nhân vật nam chính, tức là chỉ có thể được nhìn thấy qua những cánh cửa sổ mở và không thể lại gần hơn được. Sự kịch tính bắt đầu khi mà ta đồng cảm với sự bất lực của nam chính, tức là không thể làm gì, không thể đi xa hơn, góc nhìn của khán giả hạn chế trong góc nhìn của nhân vật, sự mơ hồ của nhân vật cũng là sự mơ hồ của khán giả. Vậy nên khi Kelly ở trong nhà hung thủ để tìm bằng chứng, ta cũng chẳng thể lại gần và giúp đỡ cô này hơn mà chỉ có thể quan sát và chờ đợi, không hơn. Sự chờ đợi và thụ động này làm nên cái căng thẳng và cao trào của bộ phim. Như ở cuối phim, khi tên giết người đến nhà bác già để giết người diệt khẩu, sự lo lắng khi biết nam chính chẳng có cách nào tự vệ với cái chân què thế kia, giống y như chờ đợi cái chết đến với mình vậy, đó chính là sự bức bách và hồi hộp của bộ phim, không phải cảnh máu me hay độ ghê rợn của tội ác.
Spycho và Rear Window có rất nhiều điểm đặc trưng cho phong cách làm phim của Hitchcock, chúng cũng thường được đánh giá cao hơn Dial M for Murder, thậm chí mình từng đọc được ở đâu đó rằng Dial M for Murder là phim mà bản thân Hitchcock không thích nhất. Nói sao bây giờ, mình đang sống trong một thế giới gần như tự do, mình cứ nói mình thích Dial M for Murder hơn đấy.
Câu chuyện kể về Tony, một anh chồng bị cắm sừng đã lao tâm khổ tứ nghĩ ra một kế hoạch hoàn hảo để giết chết vợ mình rồi hưởng số tiền bảo hiểm. Kế hoạch có vẻ rất hoàn hảo, anh chồng thuê một người bạn cũ tới nhà để giết vợ, bản thân thì sẽ có một bằng chứng ngoại phạm vô cùng vững chắc khi chính tay nhân tình của vợ sẽ làm chứng cho mình. Thế rồi người tính không bằng trời tính, cô vợ Margot (lại là Grace Kelly) vùng lên chống trả, cuối cùng giết luôn tên giết người. Anh chồng khôn khéo không cho vợ gọi cảnh sát, trong lúc nước sôi lửa bỏng đã vụt lên thành một thiên tài, xóa vài chứng cứ, thêm vài chứng cứ, sắp xếp, lừa gạt, cuối cùng đổ tội thành công cho vợ. Thay vì giết người để tự vệ, Margot phải vào tù vì cố ý giết người, mục đích là che đậy cho vụ ngoại tình của mình và bị kết án tử. Tưởng như anh chồng lại thắng, ai dè hai chiếc chìa khóa bé tí đã giúp thanh tra Hubbard phá án, giải oan cho cô vợ và kết tội được anh chồng.
Nghe thì không có vẻ gì phức tạp, thực tế thì mọi diễn biến trong phim cũng không đến mức tinh vi, sắc sảo và không tưởng như trong truyện tranh Conan. Kế hoạch giết người của anh chồng Tony thực sự rất hợp lý, kín kẽ, chính xác và nếu như không vì tên giết người quá dở, Tony có thể thực sự thoát tội và sống giàu sang đâu đó rồi. Đoạn anh chồng đe dọa tên bạn cũ giết người giùm mình, khi mà cái sự thông minh, nham hiểm của ảnh được phô diễn ra trước toàn dân thiên hạ với một phong thái đĩnh đạc không ngờ, mình đã vô cùng ngạc nhiên về sự tuyệt vời trong kịch bản của mấy phim ngày xưa. Mọi hành động, mọi câu nói của Tony đều đã được toan tính từ trước, anh bạn cũ chẳng có thể làm gì ngoài chấp nhận lời đề nghị của hắn cả. Rồi kế hoạch ra tay chi tiết, cách vào tòa nhà, thói quen của vợ, cuộc điện thoại, chiếc chìa khóa, mọi thứ đã được sắp sẵn thành hàng và anh kia chỉ có mỗi một lựa chọn là làm theo.
Sự xuất chúng của nhân vật Tony còn thể hiện ở những lúc anh này tài tình che giấu tội lỗi của mình. Khi nhận ra kế hoạch đổ vỡ, cô vợ hư hỏng vẫn còn sống nhăn răng, tệ hơn, âm mưu của mình có thể bị vạch trần, Tony vẫn đủ bình tĩnh để an ủi vợ, bày ra chứng cứ giả, sắp xếp, phô bày chúng ra như một cách thật tình cờ, bịa ra một câu chuyện hợp logic với những sự kiện đủ thật để có thể chứng minh được và đủ giả để khiến cô vợ vào tù. Hay nhất là anh ta không tự đứng ra đổ tội cho cô vợ, anh ta để người khác tự liên kết các mảnh ghép lại với nhau và suy luận ra rằng chính Margot mới là kẻ cố ý giết người. Vụ ngoại tình vở lỡ, Tony trở thành nạn nhân đáng thương và Margot chính là tội đồ không thể tha thứ.
Sự hấp dẫn của Dial M for Murder không đến từ câu hỏi muôn thuở “Ai là kẻ giết người?” như trong bao nhiêu phim trinh thám khác, nó đến từ câu hỏi “Liệu Tony có thoát tội không?”. Tony đã trải qua bao nhiêu khoảnh khắc xuất thần để khiến cho kế hoạch của mình thành công, như lúc ăn trộm chìa khóa nhà của vợ, trả lời gọn gàng những câu hỏi của thanh tra Hubbard và dẫn dắt ông này tin rằng cô vợ có tội, đáp trả lại nghi hoặc của anh bồ và viên thanh tra về chiếc va ly. Vậy mà cuối cùng, chỉ với hai chiếc chìa khóa bé tí, mọi kế hoạch tưởng như hoàn hảo ấy bị phô bày ra trước ánh sáng, Tony thua cuộc.
Nếu có hỏi, mình sẽ nói là mình đã rất mong Tony thoát tội. Nhìn hắn xem, một kẻ máu lạnh thông minh, bình tĩnh, nhanh nhạy trong mọi tình huống. Chỉ trong vài phút, Tony đã khiến kế hoạch đổ vỡ của mình trở thành một kế hoạch thành công khác, không những che đậy được dấu vết của bản thân mà còn khiến cô vợ phải vào tù, chịu tội tử hình oan uổng, một cách trả thù còn cay độc hơn giết hại cô này nhiều. Rõ ràng, nhân vật phản diện Tony chính là phần tuyệt vời nhất của bộ phim. Từ ánh mắt uy quyền, cách nói chuyện, mọi hành động cẩn trọng, tính toán thiệt hơn. Và ở kết phim, khi nhận ra trò chơi đã kết thúc và đã đến lúc phải nhận hậu quả, Tony vẫn đối mặt với nó một cách hơn người. Anh này rót một ly rượu, chúc mừng thanh tra Hubbard đã đánh bại mình, hỏi thăm vợ và anh nhân tình, điềm tĩnh uống như thể chẳng có chuyện quái gì xảy ra. Ai mà không thích một nhân vật phản diện đáng nhớ chứ? Verbal Kint? Joker? Darth Vader? Nếu được đặt lên bàn cân so sánh, Tony chắc chắn không thể bằng Norman Bates trên phương diện là một biểu tượng cho nhân vật phản diện điện ảnh. Nhưng cá nhân mình thích một nhân vật phản diện thông minh, ma mãnh, biết tính toán, mưu mô sắp đặt cho mọi người rơi vào bẫy của mình hơn là một kẻ tâm thần còn chẳng biết mình phạm tội.
Đành rằng là Tony nhận những gì hắn đáng nhận, vì lẽ công bằng gì đấy, nhưng mà mình không thích kết thúc phim như vậy. Cô vợ Margot đã ngoại tình, cô này còn mặt trơ dắt nhân tình về nhà gặp chồng rồi thoải mái đi chơi với anh ta. Thậm chí khi vụ ngoại tình đã được công khai, Margot bị kết án tử, anh nhân tình còn dám đến nhà, cầu xin anh chồng Tony nhận tội, ở tù vài năm để Margot thoát tội chết. Mình chẳng biết, rõ ràng việc ngoại tình thì không đến mức phải chết như vậy, việc Tony giết vợ để hưởng tiền bảo hiểm cũng rất đáng khinh, nhưng mà mình thà nhìn Tony thắng trò chơi còn hơn cuối cùng, Margot và tình nhân có thể đường hoàng đến với nhau mà chẳng chịu tí ti tổn hại nào. Mình chẳng đánh giá nhân vật nào trên lằn ranh đạo đức hết, chỉ là mình thấy nhân vật Tony thú vị hơn những người khác nhiều. Margot chỉ đơn giản là một phụ nữ ngoại tình, yếu đuối chẳng làm được gì ngoài được người khác bảo vệ, còn anh nhân tình, chỉ đơn giản là thằng mặt dày và mất nết. Ông thanh tra Hubbard tuy có khá hơn, nhưng cũng chỉ là ăn may mới phá được vụ án. Chẳng nhân vật nào tỏa sáng hơn anh chồng đểu Tony.
Mình nghĩ một kết thúc hợp lý là ông thanh tra minh oan được cho cô vợ nhưng Tony đã cầm tiền chạy thoát. Mình đoán kết thúc “cổ tích” như vậy được coi là đi ngược xã hội trong thời đại đó.
Phần hình sự trong kịch bản phim rất logic. Thực tế thì vụ án càng đơn giản thì càng ít kẽ hở, mọi thứ không nhất thiết phải như phi lý như Conan hoặc đặc biệt phức tạp như Sherlock. Phim có một xác chết, tí tẹo máu và toàn bộ sự hấp dẫn tập trung và cách Tony xoay sở để thoát ra hoàn cảnh ngặt nghèo. Mình không biết nhiều về những diễn viên ngày xưa nhưng mình đoán diễn viên đóng vai Tony không phải là một diễn viên vớ vẩn nào đó.

Dial M for Murder khiến mình thực sự có hứng thú muốn tìm hiểu thêm về dòng phim của Hitchcock. Mình chẳng biết, Vertigo, Birds,…Xem nhiều rồi cũng sẽ phải lòi ra phim dở để chê thôi.

Nhận xét

  1. Mình đọc một số các review của bạn về phim và thấy đâu đó có 1 người gu phim giống mình (may quá vì mọi người nói gu phim mình...lạ). Mình đã xem Psycho và Rear window. Sẽ xem vertigo và Dial M for murder. Không biết bạn đã xem Rosemary's baby và các phim của David Lynch chưa? Nếu có rất mong có bài reivew từ bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. T mới xem 2 phim của Alfred Hitchcock là Strangers on a train và Rear window, thích cả 2. Psycho và Vertigo biết nội dung nhưng chưa coi.

      Xóa
    3. "Bác già" Jeffries trong Rear Window mình thấy hấp dẫn mà :)) Đúng kiểu phong lưu lãng tử, mà thời đấy phải già già tí như này mới hấp dẫn hay sao đó, đa phần sao nam thời đấy toàn vậy.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)