Về Drifters - James A. Michener


   Có nhiều thứ để nói về tác phẩm. Bản dịch tên “6 người đi khắp thế gian” là một trong những tiêu đề ngu si nhất mọi thời đại. Nó ngu ngốc, câu khách rẻ tiền và không nắm được một chút tinh thần nào của quyển tiểu thuyết. Tất cả những nhân vật trong tác phẩm đều là "Drifters", cả thế hệ thanh niên Mỹ bấy giờ đều là "Drifters". Mình không hiểu người đặt tiêu đề có đọc tác phẩm không bởi vì 6 người đó chỉ đi vài nước và cái họ tìm không phải là đi du lịch.
    Cũng khá là thông minh khi chia quyển sách làm 2 phần. Mình sẽ không đời nào mua hai cuốn sách dày và nặng đầu như vậy nếu không bị quyển 1 hấp dẫn. Hoàn toàn đúng khi nói nó chạm được hầu hết mọi mặt xã hội. Mình không biết tác giả có định phô trương kiến thức của mình ra không nhưng mà nó thực sự làm tác phẩm thấy có phần nào đó khoe mẽ không cần thiết. Tất cả các bạn trẻ đó, kể cả Fairbanks hay Holt đều là những người thông minh quá đáng, bạn nào cũng đẹp, cũng giỏi đến mức làm mình khó chịu. Đây chắc chắn không thể đại diện cho một thế hệ được, vì không phải ai cũng thông minh bằng nửa họ. Mình thực sự bối rối khi không biết rằng thanh niên Mỹ những năm 70 thực sự có thể nói chuyện thông tuệ được đến vậy không? Những kiến thức văn hóa, lịch sử, chính trị xã hội, họ nói chuyện một cách quá rành rẽ, quá chuyên nghiệp, quá đáng sợ trong khi tuổi đời chỉ trên dưới 20. Những từ nước ngoài, những bài hát cổ chẳng biết ở đâu ra, những câu danh ngôn sâu sắc,... Cho dù bọn họ đều được giáo dục ở trình độ cao nhưng như vậy cũng vẫn rất rất siêu thực.
    Sáu bạn trẻ đó đều có những vấn đề và hoàn cảnh cũng như tính cách riêng, cách họ tham gia vào hành trình để tìm kiếm câu trả lời cũng cho riêng bản thân họ. Những vấn đề của họ quá lớn lao mà một người bình thường ở thế hệ của mình sẽ không bao giờ nghĩ đến hay đủ tầm để nghĩ tới. Joe cảm thấy sự phi nghĩa của chiến tranh và không muốn chết vì nó. Bất chấp việc bị coi là hèn nhát và phản quốc, cậu vượt biên để trốn nghĩa vụ quân sự. Britta muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt, bức bối ở Tromso, nơi cô sinh ra và lớn lên. Với một người trẻ tuổi và nhiều khao khát như Britta, việc cô muốn chạy trốn khỏi một cuộc đời vô nghĩa đã được ấn định từ lúc cô ra đời là điều có thể hiểu được. Monica sống trong trọng vọng và giàu có từ tấm bé khi cha cô là một quan chức ngoại giao cao cấp tại một quốc gia (giả tưởng) ở châu Phi.  Cô bắt đầu nổi loạn và gây rối khi chứng kiến cha mình bị đối xử bạc bẽo khi thời thế thay đổi. Cato đối mặt với sự bạo lực của nạn phân biệt chủng tộc và bất lực nhìn nó cướp đi mạng sống của bạn gái anh. Thậm chí anh còn bị buộc trốn khỏi đất nước. Yigal, một cậu thanh niên có lý tưởng và dũng cảm, đối mặt với việc lựa chọn Tổ quốc cho mình, một nước Mỹ phù hoa nhưng an toàn hay một Israel bất ổn nhưng lại gắn bó với cậu. Việc trở thành người hùng trong cuộc chiến tranh 6 ngày thậm chí còn khiến Yigal tổn thương hơn vì những mất mát mà nó đem lại. Và cuối cùng, đó là một Gretchen thông minh, nhạy cảm rời nước Mỹ với sự khủng hoảng về niềm tin. Cô tham gia biểu tình, bị cảnh sát bắt giữ sai trái và bị lạm dụng nhưng tệ hơn cả điều đó là không một ai, kể cả bố mẹ cô, chấp nhận sự thật mà cô đã tố cáo. Và bằng một cách nào đó, sáu bạn trẻ gặp nhau ở Torremolinos, Tây Ban Nha. Câu chuyện được kể bởi góc nhìn của ngài Fairbanks, một doanh nhân lão luyện vô tình quen biết tất cả bọn họ.
   Việc ôm đồm quá nhiều thứ vào tác phẩm mang lại sự nặng nề cho nhiều người nhưng lại cực kỳ hợp với mình. Mình thích lịch sử, chính trị và những địa danh. Văn phong cũng tương đối hấp dẫn, xét cho cùng thì tác giả cũng đã từng đoạt giải Pulitzer. 
   Tác giả rõ ràng là muốn hiểu lớp trẻ, ông phân tích âm nhạc và lối sống của họ, có lẽ cũng để chứng tỏ bản thân nữa. Mình chỉ ghét là họ giỏi và giàu quá, ai cũng cao, đẹp đẽ, nổi bật, chắc do ghen ăn tức ở. 
   Đây hoàn toàn là một tác phẩm không có hậu chút nào.
   Trước hết là nước Mỹ, mặt trái của chiến tranh Việt Nam, nạn phân biệt sắc tộc sâu sắc và cả một thế hệ bối rối và mất phương hướng. Mình không dám nói là mình hiểu được vị trí và đồng cảm với hành động của họ, mình quá may mắn vì sống ở thời đại bây giờ và không phải đưa ra những lựa chọn đó. 
   Cách biệt thế hệ đã được đưa ra mổ xẻ với kết quả tàn nhẫn là không thể dung hòa. Có ba thế hệ, của Fairbanks, của Holt và của 6 bạn trẻ. Thế hệ 1 và 2 đã có thể cảm thông với nhau, vì họ đã trải đời, vì chiến tranh, vì họ đã có thể nhường cái tôi xuống để hòa hợp. Thế hệ 1, quá già nên muốn hiểu và yêu quý thế hệ 3, Fairbanks quan sát, yêu quý và trân trọng suy nghĩ của 6 người nhưng ông không thể phủ nhận là ông không thể hiểu hết và chấp nhận mọi thứ họ làm mà không phán xét. Ông cũng bất lực không thể ngăn cản Monica lạc lối trong heroin. Thế hệ Holt thì phản ứng chan chát với 6 bạn trẻ trên mọi phương diện, tới mức không thể dung hòa, Holt cũng không thích chiến tranh nhưng ông không chấp nhận Joe bỏ trốn thay vì chiến đấu cho đất nước, Holt cũng không chấp nhận được việc những người trẻ tuổi chạy trốn những vấn đề của mình trong thuốc phiện, cách họ đi lang thang khắp nơi mà chẳng làm gì cả. Riêng thế hệ 3, họ hoàn toàn cô độc với cái tôi và sự tự kiêu quá cao. Họ giễu cợt và không coi trọng thế hệ trước. Với những gì bản thân mình được dạy dỗ, mình hiểu cái tôi của người trẻ nhưng mình không thích sự kém tôn trọng của họ với người già. 
   Tất cả các nhân vật đều không hoàn hảo, đôi khi những người như Fairbanks cũng có những hành động mà mình không thích chút nào. Ví dụ như khi Fairbanks khôn khéo bảo Yigal về Mỹ với ông ngoại. Đây đúng là sự lọc lõi của một con buôn. Hay như việc Monica cố tình quyến rũ Cato chỉ để trả thù bố cô khi cô cặp kè với một anh da đen. Rồi việc họ rời bỏ gia đình quá dễ dàng, sống buông tuồng, cẩu thả trong tình dục, tình yêu và cả cách sống nữa.
   Cuộc hành trình dừng lại khi các bạn trẻ đều tìm được câu trả lời cho vấn đề của mình và bắt đầu hành động cho câu trả lời đó. Nhưng câu trả lời đó đâu có đúng và sẽ chẳng dẫn họ đi tới đâu hết. Việc Monica chết là hợp lý và mình không ưa nhân vật này. Monica chỉ đại diện cho một bộ phận bệnh hoạn của giới trẻ, một bộ phận đáng thương cố gắng trì hoãn sự bất lực của bản thân trước xã hội bằng thuốc phiện rồi bị nhấn chìm trong đó. Mình ghét sự suy đồi đạo đức, yếu đuối và không phương hướng của cô. Đại khái là cái chết là điều có thể đoán trước khi Monica có lẽ còn không muốn cứu chính mình. Cô ta làm hỏng Cato, người lúc này đã quyết định theo đạo Hồi, lấy mâu thuẫn tôn giáo để giải quyết mâu thuẫn sắc tộc. Ai cũng biết việc này chẳng dẫn tới đâu ngoài đổ máu và bế tắc. Bây giờ thì vị thế của người da đen chắc chắn là được cải thiện mặc dù nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn đó, nhưng chắc chắn sự cải thiện này không đến từ con đường Cato chọn. Việc Yigal và Cato cho dù đã làm bạn trong một thời gian nhưng cũng không thể chấp nhận nhau cho thấy xã hội còn lâu mới trông thấy việc người da màu bắt tay người Do Thái. Yigal chọn Isarel là điều hiển nhiên, đó không phải là một quyết định điên khùng của những người thích tử vì đạo. Yigal chọn lý tưởng và tình cảm của cậu, mình ủng hộ con đường Yigal chọn, cho dù đó là một con đường khó khăn với thuốc súng, đổ máu và đến tận bây giờ vẫn là những tranh chấp không có hồi kết. Joe và Gretchen không tới với nhau được mặc dù họ được dành cho nhau. Gretchen trở về Mỹ trong khi Joe tiếp tục trốn sang Nhật, cách biệt địa lý là quá lớn để tiếp tục. Gretchen có thể hàn gắn các vết thương và quay về nhà nhưng chẳng có gì đảm bảo xã hội đó sẽ không gây tổn thương tiếp một người nhạy cảm như cô. Joe thì càng vô vọng. Trốn lính, thậm chí là khi chiến tranh kết thúc thì anh cũng đâu thể cứ thế trở về mà tiếp tục một cuộc sống bình thường anh mong muốn. Không nghề nghiệp, lang thang ở Tokyo, bối rối và kém quyết đoán, tương lai Joe còn bất định hơn cả cái lúc anh vượt biên trốn lính. Britta thì cưới Holt, chẳng có gì đảm bảo cách biệt thế hệ không làm hỏng cuộc hôn nhân của họ vậy. Thậm chí đôi lúc mình thoáng nghi ngờ tình yêu vội vã đó vì Britta chỉ đơn giản không muốn một cuộc đời ở Tromso, có thể cô cưới Holt chỉ vì điều đó.
   Kết thúc thì đã có những người mới được sinh ra, có người đã bị đào thải, nhưng tương lai những người còn lại chẳng sáng sủa tẹo nào. Mình ghét khi tác giả đưa ra những bế tắc của xã hội ra, đào sâu phân tích rồi đưa ra một sự thật khắc nghiệt là bản thân chẳng thể thay đổi hay cải thiện nó hết. Như một cuốn truyện trinh thám tìm mãi cũng ra tên giết người bệnh hoạn nhưng mãi chẳng có cách nào bắt nó, câu chuyện đóng lại với một cái kết mở toang nhức nhối. Những vấn đề cách đây hơn 40 năm vẫn tồn tại đến tận bây giờ. Mình nhớ đến thế hệ mất mát của nước Nhật trong các trang sách của Haruki Murakami, đến bản thân mình phần nào cũng đang bế tắc như vậy. Hôm nay thì vẫn nắng nóng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo