Về Siem Riep




Angkor Wat đúng là không thể làm bất cứ ai thất vọng. Và cái màu xanh mướt mát mẻ của nó, những cây rừng to lớn, già cỗi trên một vùng đất màu mỡ ngạc nhiên, làm mình cảm thấy khá bất mãn vì cách đó khoảng chục cây toàn là đất trống khô cằn. Mình nhớ lại lời phàn nàn của chú hướng dẫn viên, chú nói ông trời bất công, Cambodia cũng giống như Thái Lan, con người giống, tôn giáo giống, lại gần gần nhau, ấy vậy mà Thái Lan giàu có, màu mỡ, Cambodia thì lại nghèo khổ, khô cằn và người Thái Lan đã cướp hết mọi thứ đẹp đẽ đáng lý ra là của người Cambodia. Đó đúng là một phàn nàn hợp lý, chỉ xét về trái cây thôi thì mình thực sự không muốn nói nhiều. Bên kia biên giới, Cambodia nóng bỏng, đất đỏ mù mịt bụi, bên này biên giới, Việt Nam mình xanh mướt lúa ngô. Chỉ có cái biên giới, biên giới đâu có ngăn mây tạo mưa, biên giới đâu có làm bên này nắng hơn bên kia. Cũng như vậy, giữa này khu Angkor xanh tươi trù phú, hồ nước xanh đầy ắp, những đền đài kỳ vĩ, và lân cận khu du lịch là những cái lán nghèo khổ của dân cư Siêm Riệp, những đứa trẻ lem luốc chẳng có vẻ gì là được thần thánh để mắt tới hết. Bất công chỗ nào cũng có, mãi mà mình cũng chẳng tập để quên đi.
Cái nóng khủng khiếp là một trở ngại lớn đối với những ai muốn thăm quan cho ra thăm quan khu Angkor. Có quá nhiều đền, có quá nhiều cái để xem, mà lịch trình thì chỉ cho có 1 buổi sáng còn cái nắng thì đang cố mưu sát mình. Nắng, nắng, nắng, nắng kinh hoàng. 6h sáng nóng chảy mỡ, 12h nắng nóng như sa mạc. Những khu đền bằng đá oằn mình như hun lên. Mình nghĩ là đến 4h chiều, những khối đá cũng sẽ nóng đến mức nướng được thịt. Mình được xem Angkor Thom, đền Bayon và Angkor Wat, những chỗ tiêu biểu trong quần thể Angkor. Biết sao được, nó đẹp như người ta vẫn đồn. Nó to hơn mọi sự tưởng tượng và bất hạnh hơn mọi thứ mình từng hình dung. Mình được nghe kể về cuộc chiến tranh giữa người Chăm và người Khmer, nơi lịch sử được kẻ thắng cuộc viết nên, được ngắm cái đền mà người ta đục đá để cướp đá quý, ngắm những rễ cây vươn mình trong đám đá, nơi những đền đài được xây dựng kỳ vĩ đến mức mình tự hỏi ai lại ngu đến mức xây lớn như thế?
Mình có một sự tưởng tượng về Đế chế Kmer, cái đế chế to đùng mà lúc đó dân mình vẫn còn đang chật vật thoát khỏi ách thuộc địa của Trung Quốc. Phải lớn và mạnh như thế nào người ta mới gọi là Đế chế, Đế chế Ottoman, Đế chế Mông Cổ,.., người Kmer có hẳn một đế chế của riêng họ, và nó lớn mạnh. Nó bao gồm Cambodia, Thái Lan, Lào và cả miền Trung và Nam Việt Nam, ở một khía cạnh nào đó, mình nghĩ họ cũng tự cho mình ghê gớm như Trung Quốc, quốc gia quá tự kiêu đên nỗi vẫn cho nơi này là man di. Mình nhìn kiến trúc, chạm khắc, những vàng bạc, trang sức. Họ có mọi thứ. Và Đế chế đó tàn lụi vì người ta chi quá nhiều tiền bạc và công sức để xây đền đài cho thần thánh của họ. Ông hướng dẫn viên nói người Kmer tin rằng nếu họ đối đãi tốt với thần thành thì họ sẽ được thần thánh đối đãi tốt lại (kiếp này hoặc kiếp khác). Biết đâu đấy, hóa ra con người cũng có thể cuồng tín đến như vậy. Mình mơ màng về cái thời ngàn năm trước, mình cá là khu Angkor xanh hơn bây giờ, những đền đài bằng đá cứ liên tục được bổ sung và thêm thắt đến nỗi chẳng có một cái đền nào được coi là đã hoàn thành. Khi đó những tòa nhà thật cao mà con người thì nhỏ bé, những đền đá không có dấu rêu phong, bụi bặm, những đền đá được trang hoàng bằng những tượng phật, lụa là, châu báu. Con người Kmer cũng giống như những bức phù điêu họ chạm trổ trên tường, siêng năng và thành kính ngu muội, đang cố gắng làm nhiều hơn để xây dựng nên những ngôi nhà thần thánh. Mình tưởng tượng ra rất nhiều thứ, với những con người hoàng gia ăn mặc ngọc ngà, đẹp đẽ, đi lại linh đình với cả tá hầu cận phía sau, đang dạo bước trên những khu đền Angkor, ngắm nhìn thần thánh mà họ tin tưởng nhưng chẳng đem lại cho họ cái gì ngoài sự diệt vong.
Đế chế Kmer suy yếu khi cả vua, cả dân dành quá nhiều tiền bạc, thời gian, sức người để xây đủ mọi thể loại đền đài, đủ mọi thể loại thần thánh. Vua chúa đổi ngôi, xâm lược, ngoại xâm, chiến tranh, cái gì cũng thay đổi, thần thánh thì y nguyên, sự thành kính cũng y nguyên. Mình thắc mắc chẳng lẽ không ai trong đám người thời đó nghĩ việc này là ngu ngốc hay sao. “Giống như ai nguyền họ”, cái bà con gái Tô Hoài nói với bà bạn bà ta như thế, mình thấy đúng. Họ xây những ngôi đền cao vượt núi, chỉ để gần thần hơn. Mình không chắc, với cái nóng kinh hồn như vậy thì thần thánh nào chịu ở trong một cái đền bằng đá không có máy lạnh chứ?
Mình tưởng tượng đến cái đền mặt trăng gì gì đấy, nơi có bao nhiêu ngọc được đính vào tường. Khi trăng rằm, ánh trăng sẽ chiếu vào giữa đền, phản chiếu ánh sáng qua những viên ngọc ấy. Mình tưởng tượng mọi thứ phải huy hoàng như thế nào khi bạn là một vị vua Kmer thời thịnh vượng. Những viên ngọc ấy bị người Xiêm (tức Thái Lan) lấy mất thật hay không thì mình không rõ, mình chỉ là hối tiếc khi sự xa hoa và trác tuyệt của người Kmer cổ bị lạm dụng cho một thứ đức tin khó hiểu như vậy?
Liệu họ có hối hận khi Đế chế sụp đổ, thậm chí họ có nhận ra sai lầm của mình? Họ đã có thể dùng tiền bạc, nhân lực và tinh hoa đó để đi xâm lược, mở rộng bờ cõi. Nhưng bây giờ, họ làm nên một công trình kiến trúc tuyệt tác vẫn đứng vững sau ngàn năm và lâu hơn nữa, để con người các đời sau đứng đó và hối tiếc thay cho họ. Họ đã có thể làm nhiều hơn là xây mấy cái đền đó.
Những đền đá thực sự rất đáng để xem, những cái cây cổ già cả và bộ rễ khổng lồ, những mặt tượng thần quay về bốn hướng để không bỏ lỡ mọi thứ trên đời nhưng thực chất lại bỏ qua rất nhiều thứ. Những bức phù điêu lịch sử được viết ra từ người chiến thắng, những hành lang dài, những con người nghèo khổ chặt chém đám khách du lịch.
Mình được xem một vài điệu múa truyền thống của người Cambodia. Nó lạ lẫm đối với mình. Mình xem những nghệ sĩ múa không chuyên trong một nhà hàng buffet, nó không thể hay được. Tối nào những con người đó cũng diễn một kiểu, mặc một bộ quần áo, một vẻ mặt. Nó không đẹp vì họ không múa vì họ muốn, nó giống một công việc, một nghĩa vụ hơn. Mình thấy những cô gái múa trật nhịp, những nụ cười với nhau cho đỡ thẹn. Những điệu múa về tích cổ, điệu Apsara, về cuộc sống người Cambodia, nó lạ mắt nhưng nó không hợp với mình.
 Mình cũng xem “Nụ cười Angkor” gì đó, một chương trình biểu diễn múa hát được quảng cáo khống lên. Nó không tệ, nhưng không hay như quảng cáo. Mình xem các diễn viên múa đích thực kể về lịch sử Angkor qua ngôn ngữ hình thể và hàng sub chạy dài khó đọc trên màn hình. Nó được như kỳ vọng, có lẽ, nhưng nó đâu phản ánh đúng lịch sử. Ai cũng nói về sự huy hoàng, cái thiện thắng cái ác, biển sữa, chẳng ai nói tại sao những đền đài đó bây giờ chỉ còn là hoang phế. Và với mình, vũ điệu Apsara quá chậm rãi và nhàm chán.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)