Về Whiplash



   Trước hết mình là một người không mấy hiểu biết về âm nhạc, từ nhạc lý, nốt nhạc, cung, nhịp điệu,… Mình đã từng đi học guitar và đó là một nỗi xấu hổ không nói được nên lời khi nhìn vẻ bế tắc trên mặt ông thầy. Thế nên khi nói về việc đánh trống và nhạc jazz với mình, nó chẳng khác nào nói về nguyên lý hoạt động của tên lửa hạt nhân với một con sâu róm. Thành thử xem Whiplash mình chẳng phân biệt được tại sao Andrew bị ông thầy tát khi không phân biệt được nhịp nhanh hay nhịp chậm, mình thì chẳng cách nào nghe ra điểm khác biệt, nó giống nhau y chang mà. Chưa kể đến đoạn solo trống cuối phim, thiên hạ ai cũng kêu là đỉnh cao của âm nhạc, mình thì là thấy một đống âm thanh nhiễu loạn, hay thì hay mỗi chỗ trống đánh nhanh và diễn viên nhớ hết được phải đánh chỗ nào chỗ nào trong những 9 phút.
   Vì mình dốt như thế, âm nhạc thực sự không phải là phần quan trọng nhất phim đối với mình. Mình không thể hiểu nhạc jazz cũng như không thể hiểu được tại sao âm nhạc cứ phải chính xác đến từng chút từng chút như vậy, rồi cảm xúc ở đâu, phút ngẫu hứng ở đâu? Người ta bảo nhạc jazz cho những người có tâm hồn, mà tâm hồn thì đâu phải con robot.
   Một bộ phim Hollywood bình thường chung đề tài với Whiplash luôn có một hướng đi. Nhân vật chính có một ước mơ trở thành người vĩ đại. Thế rồi cậu gặp được một người thầy tài giỏi giúp đỡ và định hướng tài năng của cậu. Cậu bé tập luyện không ngừng, cậu được dạy dỗ nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương và trách nhiệm. Rồi cậu gặp một cô gái và cô ủng hộ con đường cậu chọn hết mình. Ước mơ tưởng như không thành nhưng cậu bé vẫn không từ bỏ. Cuối cùng cậu đạt được thành công sau bao nhiêu trắc trở, vân vân và vân vân. Với Whiplash, mọi thứ trật đường ray theo một hướng “cuộc sống khắc nghiệt” giúp thiên hạ đỡ bị tẩy não. Vì con đường hướng tới sự vĩ đại là một sự đánh đổi đắt đỏ mà không ai cũng làm được. Như Andrew, cậu không có một sở thích nào khác ngoài chơi trống, thời giản rảnh duy nhất là đi xem phim với bố, Andrew thậm chí còn không có bạn bè và cậu cũng nghĩ là mình không cần bạn. Mối tình ngắn ngủi với Nicole càng dễ thương bao nhiêu thì nó càng cay đắng bấy nhiêu khi cậu quyết định hy sinh nó để dành thời gian tập luyện. Không như những bộ phim khác khi chàng trai luôn giành được cô gái trong vầng hào quang chói lòa thì cuối cùng Andrew mãi cũng có chỉ cậu cô độc cùng ước mơ vĩ đại của mình.
   Trong một thế giới mà mình bị thiên hạ dụ mị trong motip là một ông thầy ác miệng luôn là một người tốt, như giáo sư Snape (Harry Potter), thì Terrence Fletcher có vẻ là một lựa chọn không tồi cho Andrew. Được có mặt trong ban nhạc của Fletcher được xem như một vinh dự cho mọi học viên trường Shaffer, trong đó có Andrew, vì nó chứng tỏ cậu là người giỏi nhất trong những người giỏi nhất, cho dù để có được vị trí đó cậu phải tập luyện không ngừng đến khi kiệt sức, bị nhục mạ, bị đàn áp về mặt tinh thần và sự căng thẳng khi lúc nào cậu cũng có thể bị hất cẳng khỏi vị trí mà mình phải đổ cả máu và nước mắt để đạt được bất cứ lúc nào. Với sự “dạy dỗ” của Fletcher, Andrew thay đổi, cậu tập nhiều hơn, đá bạn gái, hiếu thắng, cậu sẵn sàng giành giật cơ hội với người khác và cười trên sự thất bại của họ. Chẳng người bình thường nào sau một vụ tai nạn giao thông lại ôm cái thân xác máu me đến sân khấu mà đòi chơi trống hết, việc Andrew tấn công Fletcher chỉ như giọt nước tràn ly sau bao nhiêu áp lực Fletcher và cậu tự đặt cho mình. Mình không ghét sự thay đổi của Andrew, cậu trẻ và khát khao được chứng tỏ, và nếu bất cứ ai đầu tư mọi thứ mình có vào một đam mê như Andrew, mình nghĩ là họ thông cảm được với những hành động mù quáng của cậu.
   Terrence Fletcher là nhân vật thay đổi toàn bộ định nghĩa của mình về yêu và ghét. Là một người bình thường, mình thích phân loại nhân vật để đóng khung họ vào một định nghĩa tình cảm. Ví dụ, Totoro là nhân vật chính diện và mình yêu nó, Loki là nhân vật phản diện và mình yêu hắn, Amy (Gone Girl) là nhân vật phản diện và mình thấy sợ cô này hay cả dàn nhân vật của Twilight có vẻ buồn cười và mình ghét hết cả đám,… Tất cả các nhân vật mình đều biết là họ ở đâu, ngoại trừ Fletcher. Nhân vật Terrence Fletcher dao động giữa lằn ranh tốt và xấu, ông xuất hiện với dáng vẻ đáng sợ và máu lạnh, ông ta có vẻ ác. Rồi ông ta hỏi chuyện về gia cảnh Andrew, ông ta động viên cậu, à, Fletcher cũng được. Rồi ông dùng gia cảnh vừa hỏi thăm được ấy để nhục mạ cậu, tát vào mặt cậu, eh, trở lại khung phản diện. Rồi ông ấy khóc thương cho một học sinh cũ vừa qua đời, cảm xúc ấy có vẻ thật lòng, vậy là Fletcher có quan tâm về những đứa trẻ ông ta dạy dỗ, người như vậy sao là người nhẫn tâm được. Rồi ông ta bắt cậu tập luyện, cho cậu cơ hội chứng tỏ, đưa người khác vào để cạnh tranh vị trí chơi trống số 1 của cậu,… mình cứ nghĩ, Fletcher làm thế chỉ để thúc đẩy Andrew và mọi thứ xấu xa ông ấy nói ra chỉ là để cậu cứng cáp hơn. Rồi đến cái lúc Fletcher ép Andrew đến mức cậu nổi điên và tấn công ông, mình nghĩ ông này đáng sợ thật.
   Andrew bị đuổi học, cậu trả thù Fletcher bằng việc bí mật tố cáo phương pháp giảng dạy phản sư phạm của ông thầy và khiến ông này mất việc. Cậu ngừng chơi trống, quyết định từ bỏ nó và chìm trong hoang mang vì không biết đi tiếp con đường nào. Những đam mê, mơ ước bị cậu chôn vùi một lần nữa được Terrence Fletcher khơi gợi khi cậu nhìn thấy ông thầy chơi nhạc trong một quán bar. Rồi một lần nữa, Fletcher trở lại trong khung người tốt khi ông chia sẻ về mơ ước tạo nên một Charlie Parker (thần tượng của Andrew) thứ hai và những điều tồi tệ ông nói, những điều xấu xa ông làm chỉ là giúp người nhạc công vượt lên giới hạn của chính mình để vươn tới sự vĩ đại. Và khi ông thú nhận mình chưa đào tạo được một ai như thế, mình liên tưởng đến ông thầy Virus trong “3 Idiots”, về cái bút vũ trụ ông sẽ trao cho một học trò tài giỏi nhất của mình, cái mà ông trao cho Rancho vào cuối phim. Terrence Fletcher không phải là người tồi tệ, ông ta đúng như những gì mình nghĩ, ông ta chỉ “khẩu xà tâm phật” thôi, ông ta mời Andrew vào ban nhạc còn gì.
   Khỏi phải nói mình đã bất ngờ như thế nào khi biết việc Fletcher nói bao nhiêu thứ tốt đẹp ở trên chỉ là để lừa Andrew tới buổi hòa nhạc, nơi ông ta có thể nhục mạ cậu với cả thế giới và giết chết giấc mơ của cậu một lần và mãi mãi. Sự mưu mô, xảo quyệt và nụ cười thỏa mãn của ông già trước sự thất bại của Andrew làm mình chửi thề vì tức giận, ai có thể độc ác tới mức đi chôn vùi giấc mơ của người khác như vậy, đặc biệt là khi ông ta biết Andrew đã phải nỗ lực như thế nào để đạt được nó. Mình tưởng như chẳng có hành động và lời nói nào có thể cứu nhân vật Terrence Fletcher khỏi danh sách những nhân vật đáng ghét nhất mọi thời đại thì ánh mắt cuối cùng của ông, ánh mắt ông dành cho Andrew cuối phim, khi cậu tung hết mọi đam mê, tình yêu âm nhạc và hàng ngàn giờ tập luyện của mình cho đoạn solo trống, khi Fletcher nhận ra cuối cùng Andrew cũng đã vượt qua giới hạn của bản thân để vươn tới sự vĩ đại mà ông mong muốn, khi cả hai cuối cùng nhận ra tiếng nói chung của mình trong âm thanh, nhịp điệu dồn dập của tiếng trống, của khát khao, nơi mọi khoảnh khắc đều dành cho âm nhạc thăng hoa. Ánh mắt hạnh phúc của Terrence Fletcher làm mình bối rối, mình không biết đặt nhân vật này ở vị trí nào, mình không yêu, không ghét Fletcher, mình cũng không vừa yêu vừa ghét ông, mình thực sự không biết. Terrence Fletcher không phải nhân vật phản diện mà nhiều người xếp ông vào, đương nhiên càng không phải nhân vật chính diện. Terrence Fletcher là chính ông, với sự phức tạp và khó đoán của tính cách, ông là một dạng mới.
   Mình không thích định nghĩa về sự vĩ đại của Andrew, cậu thà là một nghệ sĩ vĩ đại chết trẻ trong rượu chè và nghèo túng còn hơn là một người đàn ông sống tới 90 tuổi không được ai nhớ tới. Bản thân mình thì nghĩ cuộc đời mình nên sống cho bản thân, sống sao cho vui vẻ và dễ chịu là được. Nếu sự vui vẻ và dễ chịu của Andrew là đạt được sự vĩ đại như Charlie Parker thì cứ để cậu hy sinh và đánh đổi, đó là cuộc đời cậu. Còn đối với mình, là 99,99% còn lại của thế giới, những người bình thường chẳng có khả năng được trở thành vĩ đại, mình thích cuộc sống dễ dàng là được sống tới 90 với những người mình thích hơn. Mình không có tầm vóc và đam mê cái gì đến mức đó. Thật buồn cho mình.
   Sự xuất sắc của bộ phim, của đạo diễn Damien Chazelle, nỗ lực của Miles Tellers và diễn xuất xuất thần của J.K. Simmons thì cứ để thiên hạ khen, họ cũng chẳng cần mình nói, kha khá giải thưởng kia là đủ xài rồi. Mình chỉ thấy hãnh diện là lâu lâu được xem một bộ phim hay cho hay, ngẫm được thứ đáng ngẫm. Đôi khi chỉ nên là một bộ phim thực tế không cần CGI hay thuốc nổ để khiến nó hoành tráng, hay đôi khi một câu chuyện giản dị với một thông điệp đẹp vẫn hơn là một bộ phim tâm lý dài ngoằng với việc phản ánh thực tại bằng tình dục, nghèo khổ và tệ nạn xã hội. Mình thích kết thúc của Whiplash, nó không kết thúc bằng tiếng vỗ tay thán phục của khán giả, không kết thúc bằng một hứa hẹn rõ ràng về tương lai nhân vật chính, không có một câu trả lời sòng phẳng cho việc Andrew có trở thành một tay trống vĩ đại như mơ ước của cậu không, hay mối quan hệ tiếp theo của cậu và Fletcher,.. Bộ phim kết thúc ngay sau đoạn solo trống, bởi cái mục đích mà đạo diễn muốn hướng tới là âm nhạc đích thực, thứ duy nhất quan trọng còn lại cuối cùng, nơi mọi tài năng, nỗ lực và mơ ước vĩ đại đều là tạo nên một thứ âm nhạc không thể quên được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo