Về "Lời bộc bạch của một thị dân" của Marai Sandor



Đây được coi là một cuốn sách kinh điển, theo lẽ dĩ nhiên mình sẽ đánh giá nó là một quyển sách kinh điển. Những giá trị to lớn của nó sẽ không được mình nói ra, vì mình đâu có đủ trình độ thâm sâu đó. Sau đây là vài ý kiến cá nhân về tác giả, nhắc lại là cá nhân. Mà xét cho cùng, đâu ai đọc ngoài mình.

Mình thích cách tác giả nhìn nhận về quá khứ thời niên thiếu, tức là quyển I, với những hồi ức, sự quan sát tỉ mỉ, toàn diện và vô cùng chân thực về thời đại và tầng lớp của ông. Mình thích mọi thứ ở chương I, con người, số phận, những câu chuyện, ngôi nhà, những lời thú nhận phũ phàng. Và óc quan sát ấy làm mình khâm phục. Mình không thể nhớ được mình ăn cái gì hồi bé, nó chỉ như những mảnh ghép chắp vá của kỷ niệm. Thế nên khi Marai Sandor vẽ ra một thời kỳ chi tiết đến kinh ngạc về những con người xung quanh ông, thậm chí từ việc đi vệ sinh cho đến những quyển sách họ vẫn hay đọc, rồi ngôi nhà ngày bé, cha mẹ ông, gia phả nhà ông, rồi câu chuyện bỏ nhà trốn đi khi mới lớn,... mình đã rất vui khi được đọc nó.
Nhưng chương II là một câu chuyện khác, đó là khi tác giả đã bắt đầu lớn hơn với một thế giới rộng lớn hơn các thành phố nhỏ thơ ấu, những quan sát, vốn sống, những nhận xét sắc sảo về các thành phố, con người, dân tộc khác ở châu Âu vẫn rất đáng để đọc. Cái mà mình không thích chính là tác giả, tính cách, con người, nội tâm tác giả (nếu đây được coi là một quyển hồi ký), mình không thích con người đó.
Mình chưa thấy ai lại vô lý như vậy. Anh ta thà ăn ở một nhà tế bần với những người nghèo khổ khác (cho dù gia đình anh ta cũng thuộc dạng trung lưu có tiền) còn hơn ăn chung với những người lao động ở khách sạn nơi ông bác làm việc. Anh ta không chịu đựng được việc mình bị phân chia cùng hạng với những người làm thuê, coi đó như một sự xúc phạm. Và anh ta đổ lỗi cho giai tầng của mình.
Anh ta nói ghét những người người suốt ngày la cà ở những quán café, trong khi chính bản thân cũng là một người như thế. Trong quyển II, phân nửa những gì tác giả làm là đi vào một quán café văn chương, đốt tiền bạc, đọc báo và chẳng làm gì hết.
Anh ta không bao giờ thừa nhận sự quan trọng của tiền bạc, đúng là suy nghĩ của những người sung túc và không chịu cúi mình mà thực tế lấy một ngày. Thậm chí khi đói kém, anh ta đi ăn ở một nhà tế bần, anh ta nhờ vả gia đình, thậm chí là để vợ nuôi. Mình không thích kiểu người đó. Với mình, tác giả chỉ cố gắng làm ra vẻ thoát tục, anh ta không chịu tầm thường bản thân bằng việc chịu sự chi phối của tiền bạc. Nghệ thuật và tài năng quan trọng hơn.
Anh ta còn là một kẻ vô trách nhiệm hiếm thấy. Mình không thấy anh này mảy may hối hận về tuổi trẻ bồng bột khi anh ngủ với nhiều cô gái, thậm chí là dắt họ trốn khỏi chồng rồi bỏ rơi họ. Rồi anh ta lấy vợ, một người cùng giai tầng với mình, anh ta có lẽ cũng chẳng yêu cô ta. Những gì mình thấy khi họ miêu tả cuộc hôn nhân là sau một vài nỗ lực làm người chồng có trách nhiệm trong một thời gian ngắn, anh này tiếp tục bỏ đi café, bỏ đi nơi khác vài tháng, vài năm, bỏ về nhà trong khi vợ vẫn đang ở Paris. Khi cuộc hôn nhân ở bên bờ vực phá sản, anh ta để vợ về nhà và cho cô tự quyết định lấy, không thèm níu kéo, không hỏi thăm, không một lời nào hết, anh để cô đi, kết quả ra sao cũng được. Anh ta đi khắp nơi, từ châu Âu đến Trung Đông, nói là vì trách nhiệm của người chồng là viết văn kiếm tiền. Tất cả chỉ là ngụy biện, anh ta chỉ quan tâm đến sở thích, đến mơ ước của bản thân, còn cuộc sống nghèo khổ của vợ, mong muốn của cô ta, nó đâu có ý nghĩa như mong muốn của anh. Mình thấy tội cho cô vợ, nhưng cô này tự chọn lựa việc gắn bó với tác giả đến cuối đời nên mình không dám ý kiến nữa.
Mỗi khi tác giả làm một việc gì sai, anh ta thường đổ lỗi cho bệnh tâm thần và sự cô đơn cần thiết của một nhà văn. Rõ ràng anh ta nhận thức được mình là một người chồng không ra gì nhưng anh ta không đủ dũng cảm để nhận trách nhiệm. Là một người Việt Nam, mình thấy khó thông cảm cho những con người phương Tây cố gắng đổ lỗi cho mọi thất bại của họ cho những bệnh tâm lý nào đó mà chỉ có Sigmund Freud mới hiểu được. Nào đó tâm thần, nào là những vết thương thời thơ ấu, họ đốt cả đống tiền cho bác sỹ tâm lý và chẳng làm điều gì để thay đổi nó hết.
Tác giả viết rất nhiều về trách nhiệm của nghề báo, về người cầm bút và trách nhiệm của bản thân, điều này làm mình khá nực cười. Mình đoán là tác giả là một nhà văn có đạo đức, dù gì ông cũng là người nổi tiếng và những tác phẩm của ông đều chỉn chu và phô diễn một tài năng không thể phủ nhận. Nhưng cái cách tác giả bỏ nhà đi mà không thăm hỏi những người anh bỏ lại, cách anh ta bỏ rơi những cô gái, những bạn bè của anh, anh đi xa vợ, anh ta thích cô đơn, anh ta là kẻ không có quyền nói về trách nhiệm của con người.
Với mình, quyển I là vàng, quyển II là sự thất vọng.
Cá nhân mình thích những con người tài năng và kiêu ngạo chút cũng không sao, như Mourinho chẳng hạn. Nhưng tài năng của Marai Sandor không thể che lấp một cá nhân yếu đuối, ích kỷ, hoang tưởng và thậm chí nhẫn tâm của ông.  Nhưng ít nhất đây là một "lời bộc bach", mình đoán tác giả không cần một đứa như mình nhận xét tiêu cực và cách làm người của ông, người ta đã là một tác giả tầm vóc thế giới. Cái ông ta đưa ra là một góc nhìn từ cuộc sống và cho dù góc nhìn ấy đúng hay sai, nó cũng đặc biệt. Chỉ là mình không thích những người như vậy và mình chưa đủ chín chắn để giữ nó trong lòng.
Và còn cả tính khoe mẽ từ những từ nước ngoài chen vào một câu văn nữa.

Nhận xét

  1. Chào bạn, cảm ơn vì bài review rất sâu sắc của bạn. Hiện m đang tìm đọc cuốn này mà không tìm hoài không còn nữa. Nếu còn giữ không biết bạn có thể nhượng lại cho m ko ạ? Cảm ơn b đã đọc cmt và m xin lỗi nếu phiền b nha. Chúc b 1 ngày tốt lành!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)